Xung quanh vụ lừa đảo bán cổ phần Ngân hàng Hồng Việt:

Thêm bài học cảnh giác cho các nhà đầu tư “chui”

Thứ Bảy, 13/09/2008, 15:15
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC15) CATP Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo xảy ra ở Ngân hàng Hồng Việt. Theo trình báo của những người bị hại cho thấy số tiền bị lừa đảo khoảng 12 tỉ đồng. Nội vụ hiện còn đang tiếp tục điều tra. Vụ án này là bài học cảnh giác cho các nhà đầu tư “chui”.

Từ vụ việc ở Ngân hàng Hồng Việt...

Ngân hàng Cổ phần Hồng Việt (từ đây gọi tắt là Ngân hàng Hồng Việt) là một ngân hàng mà cho đến thời điểm này chưa hề được cấp giấy phép hoạt động. Theo đăng ký ban đầu, đây là một ngân hàng với sự góp vốn của nhiều “đại gia” như Tập đoàn Dầu khí quốc gia (Petro Việt Nam), Tổng Công ty Hàng không, Tập đoàn Hòa Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế VIB...

Nhưng vào đầu tháng 7 vừa qua, một trong những cổ đông mạnh nhất của Ngân hàng Hồng Việt là Petro Việt Nam, chính thức có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc sẽ không tiếp tục cùng tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Theo Petro Việt Nam thì việc dừng góp vốn thành lập Ngân hàng Hồng Việt là để góp phần kiềm chế lạm phát và cắt giảm chi tiêu đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Nhưng không chỉ có Petro Việt Nam mà trước đó, một cổ đông sáng lập khác là Tập đoàn Hòa Phát cũng đã gửi kiến nghị lên Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt xin rút lại 300 tỉ đồng trong số 400 tỉ đồng đã góp với lý do tiền đóng đã lâu nhưng ngân hàng thì vẫn chưa được chính thức cấp giấy phép thành lập và hoạt động trong khi bản thân doanh nghiệp thì thiếu vốn sản xuất kinh doanh.

Sự rút lui của các cổ đông sáng lập đã khiến sự kiện Ngân hàng Hồng Việt trở thành mối quan tâm của nhiều người, trong đó có không ít những nhà đầu tư “chui”. Bởi lẽ, từ khi dự án thành lập Ngân hàng Hồng Việt mới manh nha thì quyền mua cổ phiếu của ngân hàng này đã được rao bán khá rầm rộ.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã từng cảnh báo rằng, các nhà đầu tư không nên mua bán quyền mua cổ phiếu hoặc cổ phiếu của những ngân hàng chưa được cấp phép hoạt động. Nhưng mặc kệ những lời cảnh báo, thị trường mua bán dạng này vẫn sôi động.

Nhiều người đã bỏ tiền ra mua quyền mua cổ phiếu của ngân hàng này với mức giá cao ngất ngưởng, hy vọng khi Hồng Việt chính thức đi vào hoạt động, họ sẽ kiếm được món lợi nhuận lớn từ các cổ phiếu này. Số tiền họ bỏ ra là khá lớn nhưng vì đây là những giao dịch không hợp pháp nên đổi lại họ chỉ nhận được thậm chí một mẩu giấy viết tay của người bán.

Bây giờ, đến thời điểm này, khi ngân hàng chưa được cấp phép hoạt động và chưa biết đến bao giờ mới được cấp phép hoạt động, nhiều người trong số họ nhận ra sự mạo hiểm trong quyết định đầu tư “chui” của mình.

Cuối tháng 7 vừa qua, PC15 CATP Hà Nội đã nhận được đơn tố cáo của 3 cá nhân là những người đã bỏ tiền ra mua quyền mua cổ phiếu của một cán bộ thuộc Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt.

Đó là đơn tố cáo của các ông bà Hoàng Mạnh Hùng ở ngõ 208 Đội Cấn, Phạm Xuân Nghĩa ở ngõ 155 đường Trường Chinh và Hoàng Thanh Bình ở đường Ngô Quyền, TP Sơn Tây. Người bị tố cáo là ông Lê Quang Hưng, 30 tuổi, trú tại số nhà 476 đường Trường Chinh, Hà Nội.

Vào thời điểm cuối năm 2007, ông Hưng được tiếp nhận về làm cán bộ thuộc Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt. Trước đó, với trình độ chuyên môn (ngành tài chính - ngân hàng) và trình độ ngoại ngữ giỏi, ông Hưng đã từng làm việc tại một số doanh nghiệp có uy tín như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam, Công ty Tài chính dầu khí...

Theo đơn tố cáo của các ông, bà nêu trên thì họ đã được ông Lê Quang Hưng đưa cho xem các giấy ủy nhiệm chi, giấy báo nợ của khoản tiền 6 tỉ đồng tại Ngân hàng VIB, giấy đề nghị thành lập Ngân hàng Hồng Việt và một bản hợp đồng thuê nhà số 79 Láng Hạ (nơi dự định đặt trụ sở giao dịch của Ngân hàng Hồng Việt). Chính bởi các tài liệu này mà họ đã tin và bỏ tiền ra đưa cho ông Hưng.

Trong đó, ông Hùng đã đưa cho ông Hưng 2,9 tỉ đồng và 50 nghìn USD, ông Nghĩa đưa cho ông Hưng 2,7 tỉ đồng và bà Bình đưa cho ông Hưng 2 tỉ đồng và 200.000 USD. Đây là số tiền các ông bà nói trên mua lại quyền mua cổ phần tại Ngân hàng Hồng Việt của ông Lê Quang Hưng.

Ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt xác nhận, cũng như nhiều cán bộ ở đây, ông Hưng được quyền góp vốn mua 50.000 cổ phần của Ngân hàng Hồng Việt với trị giá 500.000 đồng. Trong các ngày 25/12/2007 và 23/1/2008, ông Lê Quang Hưng đã chuyển vào Ngân hàng VIB số tiền 6 tỉ đồng.

Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại khoản 2 điểm b điều 21 Quyết định số 24/2007/QĐ-NHNN thì các cổ đông không phải là cổ đông sáng lập trong thời gian 3 năm kể từ ngày ngân hàng được cấp phép hoạt động tuyệt đối không được chuyển nhượng cổ phần ra bên ngoài. Nhưng, trong vụ việc này, theo đơn tố cáo thì ông Hưng đã bán quyền mua cổ phiếu của mình cho người khác (mà cụ thể là các ông bà đứng đơn tố cáo).

Qua quá trình điều tra, xét thấy vụ việc có những dấu hiệu vi phạm pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo xảy ra tại Ngân hàng Hồng Việt. Quá trình điều tra vẫn đang được tiếp tục và liên tiếp trong các ngày qua, các điều tra viên đã làm việc với ông Lê Quang Hưng cũng như những người đứng đơn tố cáo ông để thu thập chứng cứ nhằm làm rõ vụ việc.

...Đến những cảnh báo cần thiết

Vụ việc ở Ngân hàng Hồng Việt chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp đã từng xảy ra trên thị trường đầu tư “chui” trong thời gian gần đây với những nhà đầu tư thiếu thận trọng. Giữa năm ngoái, nhiều nhà đầu tư đã bị một phen vỡ tim khi bỏ tiền ra mua quyền mua cổ phiếu của Công ty bất động sản L.  khi công ty này... chưa thành lập. Số là tháng 5/2007, một tổng công ty danh tiếng có quyết định tham gia góp vốn thành lập Công ty bất động sản L. cùng với 5 cổ đông sáng lập khác.

Tuy nhiên, có một điều lạ là từ trước đó, khi Công ty bất động sản L. còn chưa thành lập, thì Công ty H. (không phải là 1 trong 6 cổ đông sáng lập nói trên) đã đứng ra huy động một lượng vốn khổng lồ từ nhiều cá nhân và nói là huy động cho Công ty bất động sản L. Nhiều nhà đầu tư đã bỏ tiền ra mua cổ phần của Công ty bất động sản L. thông qua Công ty H. với giá cao gấp 2-3 lần so với mệnh giá gốc.

Tuy nhiên, vì là mua chui nên dù bỏ ra tiền thật nhưng người mua chỉ nhận về những món hàng ảo là quyền mua cổ phiếu của Công ty H. và chỉ nhận được duy nhất một tờ giấy viết tay làm bằng. Mạo hiểm như vậy nhưng trên các diễn đàn chứng khoán vào thời điểm đó người ta vẫn thấy sự hồ hởi của các nhà đầu tư khi họ hy vọng có mạo hiểm thì mới có lợi nhuận cao.

Sự vụ mua bán chui ồn ã tới mức ngay sau đó tổng công ty danh tiếng nọ đã phải công bố rộng rãi (kể cả qua chương trình Thời sự trên VTV1) về việc Công ty H. không phải là cổ đông sáng lập của Công ty bất động sản L. Công ty bất động sản L. cũng  chưa tổ chức bán cổ phiếu hoặc quyền mua cổ phiếu ra công chúng.

Đồng thời tổng công ty nói trên tuyên bố không chịu trách nhiệm về bất kỳ giao dịch đăng ký góp vốn hoặc chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu nào liên quan đến Công ty bất động sản L. trước ngày công ty này có bố cáo thành lập doanh nghiệp bởi vì khi chưa có tư cách pháp nhân, chưa có tài khoản thì làm sao huy động vốn được.

Đến nước này thì tất cả mọi chuyện đã trở nên quá rõ ràng. Nhiều nhà đầu tư thiếu cẩn trọng, thậm chí mạo hiểm đã có thêm một bài học cảnh giác. Và, cũng giống như vụ việc ở Ngân hàng Hồng Việt, bài học đó nhiều khi phải trả bằng học phí đau đớn

Đặng Huyền
.
.