Thêm bài học từ vụ cháy Nhà hát Múa rối Thăng Long

Thứ Ba, 17/09/2013, 15:30

Trong khi thủ đô Hà Nội vẫn còn chìm đắm trong dư âm hân hoan của ngày Quốc khánh vài ngày trước. Hàng loạt các công trình văn hóa ở Hà Nội đã được sửa sang lộng lẫy để chào mừng. Thế nhưng sau đó không lâu người dân thủ đô lại phải chịu một phen “hú hồn” vì vụ hỏa hoạn xảy ra ở Nhà hát Múa rối Thăng Long. Sự cố xảy ra tại một công trình văn hóa nằm giữa trung tâm Hà Nội, ngự bên bờ Hồ Gươm nơi vốn thu hút đông đảo khách nước ngoài tham quan.

Nghe chuyện "quỷ lửa"…

 Đám cháy bắt đầu bùng lên tại Nhà hát Múa rối Thăng Long (57 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào 19 giờ 55 phút, tối 8/9. Ngọn lửa oanh tạc dữ dội trong khoảng 20 phút sau đó được dập tắt.

Theo bà Lê Thị Hằng (42 tuổi), một người bán hàng lưu niệm trên phố Đinh Tiên Hoàng thì: "Không ai để ý vì khu vực này chẳng có cháy bao giờ. Ngọn lửa không biết bốc lên từ đâu. Thoạt đầu chỉ thấy đám khói lờ mờ, sau ngọn lửa bùng lên từ tít trên cao và dữ dội dần. Lửa nhanh chóng phủ lấy toàn bộ tấm biển quảng cáo trên mặt tiền nhà hát. Khói mù mịt, lửa đỏ rực cả một góc trời. Thấy vậy, một người đàn ông sống gần đó vội vàng điện thoại báo cho lực lượng cứu hỏa. Mọi người trong nhà hát nhốn nháo chạy ra ngoài. Khung cảnh lúc đó vô cùng hỗn loạn, ai cũng hốt hoảng. Thậm chí những ngôi nhà, cửa hàng gần đấy vội vàng đóng chặt cửa đề phòng đám cháy lan sang…".

Tuy thời gian cháy không lâu nhưng bức tường trên mặt tiền của Nhà hát Múa rối Thăng Long nhuốm một màu xám xịt, loang lổ. Hiện trường lúc đó khá hoang tàn: khói mù mịt, người dân tham quan bờ hồ Hoàn Kiếm, diễn viên, nhân viên và khán giả của rạp chạy nhốn nháo, kính vỡ toang, những mảnh nhựa cháy từ tấm bảng quảng cáo liên tiếp rơi trên vỉa hè…

Một nữ diễn viên trong đoàn (xin phép được giấu tên) kể lại: "Lúc đó, mọi người đang chuẩn bị diễn vở mở màn. Một số nhân viên đang chuẩn bị đạo cụ, còn lại khoảng vài ba diễn viên thì đứng soát vé, hướng dẫn, sắp xếp vị trí ngồi cho khách thì một người phát hiện ra đám cháy. May mà lúc đó vở kịch chưa bắt đầu, âm nhạc chưa nổi lên, khán giả chưa đến hết nên vẫn nhận biết được thông tin từ bên ngoài. Chúng tôi lập tức hướng dẫn khán giả chạy theo lối thoát hiểm ra ngoài.

Vì chưa bao giờ gặp tình huống như thế này nên mọi người không biết xử lý ra sao, có mất bình tĩnh và xô đẩy nhau. Nhưng sau khi phát hiện ngọn lửa không bén vào trong nên cũng ổn định tâm lý dần. May mà lực lượng công an và cứu hỏa có mặt kịp thời, nhanh chóng hướng dẫn mọi người sơ tán và dập lửa. Đây là tai nạn hy hữu chưa từng xảy ra".

 Vụ hỏa hoạn xảy ra khi Nhà hát Múa rối Thăng Long đang chuẩn bị công chiếu đêm diễn gồm 15 tiết mục tinh tuyển, được lựa chọn từ 400 tiết mục của nghệ thuật múa rối cổ Việt Nam. Trong rạp lúc đó có khoảng 50 khán giả, chủ yếu là khách du lịch nước ngoài. Nguyên nhân gây cháy ban đầu được xác định là do chập bảng điện tử quảng cáo có chiều dài 8m, rộng 2m, bao phủ gần hết mặt tiền nhà hát.

Sau khi dập lửa và tiến hành kiểm tra, nhận thấy đám cháy không gây quá nhiều thiệt hại. Bên trong rạp, ngoài bàn ghế bị xô đẩy chỏng chơ trong quá trình thoát hiểm và cầu thang tầng 3 có ám khói đen một chút thì hoàn toàn không có gì tổn thất.

Ngay sau khi khống chế được ngọn lửa, các nhân viên trong đoàn đã nhanh chóng dọn dẹp và chuẩn bị cho suất diễn hôm sau. Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long NSƯT Nguyễn Hoàng Tuấn ngay lập tức có những biện pháp cứu vãn như treo một tấm băng rôn phủ kín mặt tiền bị cháy xém. Đồng thời dán thông báo bằng song ngữ Anh - Việt ngay tại vị trí bán vé với nội dung: những khán giả không được xem suất diễn 20 giờ ngày 8/9/2013 sẽ được hoàn lại tiền hoặc sắp xếp xem lại vào một buổi khác với điều kiện mang cuống vé ngày diễn hôm ấy đến để đối chiếu. Đó cũng là một hành động kịp thời và tích cực từ phía ban lãnh đạo nhà hát.

Nỗ lực giải quyết hậu quả của Ban lãnh đạo Nhà hát.

Ngẫm chuyện xứ ta

Tuy vậy những giải pháp ấy nói đúng ra chỉ mang tính chất "chữa cháy", xem chừng không mấy hiệu quả khi khách du lịch hầu hết là người nước ngoài du lịch Việt Nam theo "tour". Đi xem múa rối chỉ là một trong những hoạt động đã được các công ty du lịch lập trình sẵn. Khi nhà hát bốc cháy, buổi diễn tạm ngưng. Đương nhiên đối với khán giả nước ngoài tour ấy sẽ mất luôn buổi xem đó, không có cơ hội thưởng thức lại. Bởi lẽ họ sinh hoạt theo đoàn. Đến hôm sau, họ lại phải "chạy show" đến tham quan các công trình văn hóa khác chứ đâu thể tách đoàn mà quay trở lại xem được. Tiền vé thu hồi được cũng chẳng đáng bao nhiêu so với tiền taxi đi lại. Và liệu rằng, sẽ có bao nhiêu khán giả có đủ nhiệt tình và "can đảm" quay lại nhà hát - nơi họ thoát chết trong gang tấc, vượt qua sợ hãi để yên tâm thưởng thức buổi diễn nghệ thuật một lần nữa.

Code cho các trang trong:

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi - Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội: 6 tháng đầu năm 2013, Hà Nội xảy ra 75 vụ cháy, 1 vụ nổ làm chết 3 người, làm bị thương 11 người, thiệt hại ước tính khoảng 16 tỉ đồng. Hàng loạt các vụ cháy xảy ra gần như liên tiếp trong địa bàn Hà Nội gần đây dường như đã đến lúc phải có một hồi chuông gióng lên báo động.

Thật đáng tiếc khi Nhà hát Múa rối Thăng Long vốn được biết đến như một nhà hát hiện đại vào bậc nhất Việt Nam. Đây có lẽ là nhà hát duy nhất vẫn giữ được một lượng khán giả nước ngoài nhất định và đạt được doanh thu đều đặn. Nhà hát sừng sững như một tượng đài đại diện cho niềm kiêu hãnh của loại hình sân khấu múa rối nói chung, Nhà hát Thăng Long nói riêng trong thực trạng ế ẩm chung của các nhà hát ở Hà Nội.

Nhà hát là một trung tâm sinh hoạt văn hóa đông đúc, chính vì vậy mà công tác phòng chữa cháy cần được chú trọng, đề cao. Ở một số nước như Nhật Bản, Anh, Mỹ các công dân từ bé đã được giáo dục, trang bị những kỹ năng xử lý tình huống, đối phó khi gặp động đất, hỏa hoạn v.v... Thế nhưng ở nước ta, dường như hoạt động tập huấn, diễn tập phòng cháy chữa cháy chưa được chú trọng. Chính vì vậy, khi xảy ra hỏa hoạn vẫn tồn tại tình trạng nhốn nháo, hoảng loạn, chen lấn xô đẩy để thoát hiểm, còn bị động trong công tác dập lửa.

Đám cháy nhanh chóng được dập tắt một phần do vị trí nhà hát nằm ngay trung tâm thành phố nên xe cứu hỏa dễ dàng tiếp cận và xử lý. Thế nhưng trộm nghĩ, nếu hỏa hoạn xảy ra ở những nhà hát khác nằm trong các ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, xe cứu hỏa không vào được. Với kỹ năng xử lý tại chỗ còn yếu thì thiệt hại liệu có chỉ dừng ở mức đó không? Được biết đây không phải là vụ đầu tiên một nhà hát bị bốc cháy. Trước đây, Nhà hát Múa rối Việt Nam (Trường Chinh, quận Thanh Xuân) đã từng bị hỏa hoạn. Ngọn lửa bốc lên từ bên trong sân khấu làm thiệt hại rất nhiều tài sản và đạo cụ, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây cháy.

Với nhận định của Công an phường Hàng Bạc thì vụ hỏa hoạn nhiều khả năng bắt nguồn từ tấm biển quảng cáo bị chập điện. Một giả thiết đặt ra rằng do thời tiết mưa bão bất thường dẫn đến việc tấm biển điện tử bị xuống cấp, hở điện và gây ra cháy nổ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân "quen thuộc" của nhiều vụ hỏa hoạn ở nước ta trong thời gian gần đây.

Có thể kể đến một vài vụ điển hình như: vụ cháy tiệm vàng ở Hạ Long, TP Quảng Ninh; cháy hai quán karaoke ở khu vực Xã Đàn và Từ Liêm (TP Hà Nội); một quán bar dành cho khách Tây bị thiêu rụi ở quận 1, TP HCM nguyên nhân đều do chập bảng quảng cáo điện tử, gây cháy nổ.  Những tấm biển gắn đèn hiệu lấp lánh trở thành hiểm họa cướp đi biết bao tài sản, tính mạng con người.

Mặc dù vừa xảy ra hỏa hoạn, vẫn có rất nhiều khán giả nước ngoài xếp hàng mua vé xem múa rối.

Đừng nên "điếc không sợ súng"!

Bên cạnh những ý kiến bộc lộ sự quan tâm của những người có ý thức, vẫn tồn tại một bộ phận thờ ơ với thời cuộc. Đó dường như là biểu hiện của tâm lý "điếc không sợ súng" cố hữu của không ít người. Khi PV Chuyên đề ANTG trực tiếp có mặt tại hiện trường để tìm hiểu thông tin về vụ hỏa hoạn thì liên tiếp nhận được những cái lắc đầu thờ ơ của chính những cư dân sinh sống ở gần khu vực cháy.

Ngay cả người phụ nữ bán nước giải khát ở sát cổng Nhà hát Múa rối Thăng Long khi được hỏi về vụ hỏa hoạn thản nhiên xua tay: "Ôi dào, cháy nhỏ ấy mà. Quan tâm mà làm gì!". Cho đến những nhân viên bảo vệ nhà hát cũng tỏ thái độ khó chịu: "Chỉ là cháy tấm biển thôi có gì to tát đâu. Đừng làm phiền người ta làm ăn, kinh doanh!". Vậy nhưng khi xem lại clip hỏa hoạn do một người dân quay lại được và tung lên Internet. Nhìn hình ảnh cả mặt trước nhà hát gần như bị nhấn chìm trong biển lửa ngùn ngụt. Tôi hoàn toàn không nhận thấy đó là một "đám cháy nhỏ".

Ngoài ra, tâm lý "điếc không sợ súng" còn thể hiện ở việc một số người ở khu vực xung quanh hoặc đang tham gia giao thông dừng hẳn lại ở phố Đinh Tiên Hoàng để chỉ trỏ, bàn tán. Tệ hại hơn là túm tụm kéo nhau đến sát khu vực hỏa hoạn để ngó nghiêng, gây cản trở cho công tác sơ tán và chữa cháy. Đám đông đó, phải nhờ đến lực lượng Công an giải tán mới chịu tản đi.

Đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra bởi thói chủ quan, tính hiếu kỳ thái quá của người dân như: đứng xem chặt cây, bị cây đổ đè chết, hay một người dân đi xem bão ở Hải Phòng, bị bão cuốn. Hoặc gần đây nhất là vụ việc một ôtô mất lái đâm thẳng vào nhóm người đang tụ tập giữa đường xem một tai nạn giao thông xảy ra trước đó. Nhiều người trong đám đông đã bị thương nặng. Chừng đó bài học nhãn tiền dường như vẫn chưa đủ sức thay đổi thói quen trở thành "thâm căn cố đế" của một bộ phận người dân.

Quay trở lại Nhà hát Múa rối Thăng Long vào ngày hôm sau, thấy mừng vì khán giả nước ngoài vẫn đông đúc xếp hàng chờ mua vé, thấy vui khi các suất diễn vẫn đầy đủ, các diễn viên vẫn tươi rói đón khách.

Nhưng tôi vẫn không khỏi chạnh lòng khi nhìn những du khách nước ngoài tươi cười chụp ảnh kỷ niệm trước nhà hát. Thay vì tạo dáng dưới dòng chữ "Welcome to Thang Long Water puppet Theatre" quen thuộc. Làm nền cho bức ảnh nay lại là dòng chữ chúc tết: "Chúc mừng năm mới" trên một tấm băng rôn cũ kỹ nào đó. Mặc dù lúc này Hà Nội đã vào thu...

Huyền Vũ
.
.