Thêm một tổ chức nghiên cứu âm nhạc dân tộc

Thứ Sáu, 13/04/2012, 11:10

Vừa qua tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc Dân tộc (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam) đã chính thức ra mắt với mong muốn làm được nhiều việc có ích cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc.

Đến dự buổi ra mắt Trung tâm  có sự hiện diện của Giáo sư  - Viện sĩ Đặng Vũ Minh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Giáo sư - Anh hùng lao động Vũ Khiêu, GS-TS Trần Văn Khê, đồng chí Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng; Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND, Tổng biên tập Báo CAND, ANTG, Văn nghệ Công an; NSƯT Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, báo giới và một số nhà doanh nghiệp tâm huyết với văn hóa dân tộc như Vũ Văn Đông, Tô Ngọc Tuân.

Phát biểu trong buổi lễ ra mắt, GS Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam cho biết: "Sau 2 năm chuẩn bị, sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy âm nhạc dân tộc hết sức có ý nghĩa. Với tư cách là trung tâm "mẹ", tôi vui mừng và tha thiết mong được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan có liên quan, những giáo sư, nhà nghiên cứu, những thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc có nhiều đóng góp quan trọng  trong lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc dân tộc để đáp lại sự quan tâm của những người đã dành tình cảm cho Trung tâm mà tiêu biểu là Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

Trong báo cáo, nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa gửi gắm tâm sự: "Để được công nhận là một tổ chức có pháp nhân, thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu  Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc đã thực hiện thành công nhiều chương trình: "Hát xẩm Hà Thành", phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long, chương trình "Cầm thi giang Hò sông nước hướng về Thăng Long Hà Nội" phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ.

Chương trình âm nhạc dân tộc với Văn hóa giao thông. Chương trình ca nhạc dân gian trên đất Quảng, Phục hồi nghệ thuật Bài chòi trên miền Bắc… Các nghệ sĩ của Trung tâm đã biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn, sân khấu nhỏ trong nước và thế giới. Những hoạt động của Trung tâm Âm nhạc dân tộc đã được nhiều báo, đài đưa tin và phát trên các kênh truyền hình gây hiệu ứng cao, được công chúng cả nước hoan nghênh. Sau một thời gian hoạt động có hiệu quả, Bộ Khoa học Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã đặc cách cho thành lập Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc trực thuộc Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam.

Nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc, nghệ sĩ hát xẩm nổi tiếng (học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu) còn vui mừng cho biết: "Nếu không có tầm nhìn và quyết tâm của GS Hoàng Chương - Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, của GS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thì không thể có được Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc như hôm nay. Với những thành viên sáng lập như các NSƯT Nguyễn Thế Phiệt, Hoàng Đạt, TS Phạm Việt Long, nhạc sĩ Quang Long… là những người giỏi chuyên môn và đầy nhiệt tình với âm nhạc dân tộc. Tin rằng Trung tâm sẽ thành công trên con đường bảo tồn và phát huy nghệ thuật âm nhạc dân tộc.

Hát xẩm là môn nghệ thuật âm nhạc dân tộc cần bảo tồn phát triển. Trong ảnh là nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu.

Là cố vấn nghệ thuật của Trung tâm, GS-TS Trần Văn Khê xúc động: “Tôi tin rằng với nghị lực và tâm huyết, các thành viên của Trung tâm sẽ có được những thành công để mang âm nhạc, tiếng nhạc Việt Nam đi xa và sâu trong nhân dân cả nước và rộng khắp năm châu. Tôi gửi gắm sự tin cậy và sẽ đứng sau để ủng hộ cho sự phát triển của Trung tâm".

Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước bày tỏ: "Tôi khâm phục nhiệt huyết và tấm lòng vì văn hóa dân tộc của GS Hoàng Chương trong hơn 10 năm qua. Tôi rất bất ngờ vì sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Âm nhạc dân tộc và cho rằng đây là một sự dũng cảm của GS Hoàng Chương, vì hiện nay, dòng nhạc hiện đại đang rất mạnh trong khi kinh tế đất nước đang khó khăn, nguồn tài trợ cũng cạn kiệt. Nhưng tôi tin là Trung tâm âm nhạc sẽ phát triển vì những giai điệu của âm nhạc dân tộc do Trung tâm thể hiện nhiều rồi, kể cả trong chương trình âm nhạc của tôi ở Nhà hát Lớn mà hát xẩm của Mai Tuyết Hoa đã đóng góp rất thành công. Thiết nghĩ, để phổ biến âm nhạc dân tộc đến với lớp trẻ hiện nay là cần thiết và rất cần có sự chung tay hỗ trợ của Bộ Văn hóa và các doanh nghiệp để việc "thổi lửa" của những người tâm huyết với âm nhạc dân tộc đạt được hiệu quả nhiều hơn"…

Giữa lúc nền văn nghệ dân tộc ngày càng bị các luồng văn hóa khác lạ, kể cả độc hại từ phương Đông, phương Tây… xâm nhập vào như những dòng nước đục pha vào dòng nước trong xanh để dần dần chuyển hóa sang những sắc màu khác lạ… cụ thể là văn hóa dân tộc nói chung, trong đó có âm nhạc dân gian, dân tộc cái hồn cốt của văn hóa Việt Nam cứ mờ dần bản sắc và công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân tộc ngày càng thưa dần thì việc có thêm một tổ chức nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc sẽ góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nói chung, thực hiện tốt chủ trương của Đảng là "xây dựng một nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc"

Ngọc Anh
.
.