Theo chân chứng khoán lên sàn
Những Tuấn, Huy, Tân... và nhiều SV kiếm tiền triệu từ việc lên sàn chơi CP, làm môi giới CK... thì hầu hết việc học hành đều rất chểnh mảng. Danh sách nợ môn của Tuấn hiện đang “chạy đua” theo số công ty niêm yết dài dằng dặc trên sàn.
Cuối năm 2006, đầu năm 2007 có thể coi là thời gian bùng nổ của thị trường chứng khoán (TTCK) ở Việt
Nhịn ăn để lên sàn
Tan học, tôi vào quán cà phê Nắng Sài Gòn trên đường Nguyễn Chí Thanh với anh bạn cùng lớp bàn công việc.
Chưa ngồi ấm chỗ, một toán SV gồm 4 chàng trai cưỡi Dylan mang phù hiệu của Trường đại học Ngoại thương (ĐHNT) ào vào. Hai chiếc máy tính xách tay được bật mở. Một chàng nhoay nhoáy truy cập vào bảng giá trực tuyến của Hastc (Trung tâm Giao dịch CK Hà Nội) và HSC (Công ty Cổ phần CK TP HCM). Vì ngồi gần, chúng tôi có thể nghe được cuộc thảo luận sôi nổi về kế hoạch “tấn công” các loại cổ phiếu của nhóm SV này mà theo họ nói với nhau là sắp “sốt”.
Một chàng tên Linh, có vẻ là trưởng nhóm, giọng gay gắt: “Tớ đã cảnh báo các cậu rồi, chớ nên ham hố cái thằng “sao thái bạch” (Ký hiệu giao dịch là STB - Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín). Thằng này dễ lên nhưng cũng dễ xuống lắm. Bây giờ “thái bạch quét sạch cửa nhà rồi”, các cậu đã trắng mắt ra chưa?”.
Chàng khác đeo kính cận thì ra vẻ hiểu biết: “Theo tớ thì nên chơi cái thằng “phúc trường cửu” (Ký hiệu giao dịch là PTC - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện) là chắc ăn nhất. Các cậu xem trên thị trường đầu tư thì biết, CP của PTC chắc chắn chẳng bao giờ sợ ế!”. Mỗi người một ý, cả quán "nóng" lên vì chuyện CP của các chàng.
Hôm sau, tôi qua thăm người bạn tên Tuấn, SV năm thứ 3, Trường đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) song không gặp. Thanh, bạn cùng phòng của Tuấn kể, bình thường, buổi tối Tuấn đi làm thêm đến 22h, về nhà là ngủ đến trưa hôm sau. Thế nhưng mấy tháng nay, bỗng nhiên lịch sinh hoạt của cậu ta thay đổi hẳn. Tuấn bỏ công việc buổi tối mà dành thời gian lên mạng Internet nhiều hơn.
Sáng 8h đã thấy cậu vội vàng phóng lên tận Phan Chu Trinh quên cả ăn sáng. Rồi thì lúc nào mở miệng ra là thấy cậu nhắc đến CP, trái phiếu, OTC với cả bluechips (khối có giá trần cao gấp nhiều lần giá khởi điểm) v.v... Không những thế, Tuấn còn xách cặp đi học hẳn một lớp CK của Trường ĐHKTQD.
Tò mò, sáng ngày 18/3/2007, tôi theo chân cậu ta đến Trung tâm Giao dịch CK Hà Nội (số 2 phố Phan Chu Trinh). Chưa đến giờ mở cửa, chúng tôi tấp vào quán nước bên đường. Ngồi sẵn đó là 3 cậu trông có vẻ là SV “quý tộc”. Một cậu bảo: “Không biết thị trường hôm nay có còn “dòng sông máu” như hôm qua không. Chứ cứ kiểu này thì chết sặc tiết”. Cậu kia trả lời: “Yên tâm ông ạ. Thằng nào ôm khối bluechips mới phải lo, mình cứ “phang” bọn “thường thường bậc trung”, chả mấy lại “xanh cỏ” ngay ấy mà”.
Thấy tôi ngồi ngây ra, Tuấn giải thích. Trên bảng giá CK trực tuyến, CP nào giảm thì được thể hiện bằng hình tam giác ngược có màu đỏ, tăng thì là tam giác màu xanh. Hôm qua, hầu như CP của tất cả 86 công ty trên sàn Hà Nội đều giảm giá tạo thành một vệt đỏ dài dằng dặc trên bảng giá nên được gọi là “dòng sông máu”. Nếu nhiều CP tăng giá thì tạo thành vệt xanh gọi là “xanh cỏ”.
Gần đến “giờ G”, Tuấn kéo tôi vào khu đặt lệnh để “mục sở thị” chuyện làm ăn của các nhà đầu tư trẻ. 9h mới là giờ mở cửa nhận lệnh, tuy nhiên tất cả các máy tính, ghế ngồi cho các nhà đầu tư đều đã kín đặc. Họ vây quanh khu đặt lệnh và mấy màn hình thông báo giao dịch trực tuyến. Ngoài cửa, lượng người vẫn tiếp tục ùn ùn kéo đến. Trong khi ngoài phố lạnh căm căm thì nhiệt độ trên sàn phải nói là nóng chảy mỡ.
Đứng được 5 phút, tôi vội cởi áo khoác ngoài. Nhiều SV đến sau hết chỗ, không ngần ngại ngồi bệt luôn xuống sàn đất, mắt ghếch lên chăm chú theo dõi sự biến động của những con số.
Chớp thời cơ một nhà đầu tư chạy ra ngoài, Tuấn chiếm lấy một ghế và ấn tôi ngồi xuống. Lát sau, có mấy cô cậu đến chào Tuấn: “Anh đến sớm thế, cho em ngồi nhờ viết cái lệnh với”. Thế rồi chẳng chờ tôi đứng lên, cậu SV đặt giấy bút viết nhoay nhoáy. Tuấn cười: “Chú lại mua CP của BBT (Bông Bạch Tuyết) à?”. “Em làm gì có nhiều tiền mà mua cổ phiếu bluechips như mấy “đại gia” các anh? Anh đừng coi thường nhé, BBT hôm qua 18, nay lên 20, một nghìn cổ phiếu của em là được 2 triệu rồi đấy”.
Cậu SV vừa nói vừa ghi nhoay nhoáy. Ghi xong, cậu ta len lỏi tới khu đặt lệnh, nói nhỏ vào tai một nhân viên của công ty CK rồi lại chen vào khối người đông đặc trước màn hình báo giá, hếch mũi lên dòm tiếp.
Tôi thắc mắc: “Thằng đấy nói gì với cậu nhân viên công ty CK thế?”. “Nó nhờ người quen đặt lệnh giúp đấy. Chứ bây giờ đặt lệnh ít quá (một vài chục triệu) mà không quen biết thì “còn khướt” nó mới khớp lệnh cho”.
Vẫn theo Tuấn, trước kia đối tượng SV lên sàn chủ yếu thuộc các khối Kinh tế như ĐHKTQD, ĐHNT, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính - Kế toán v.v... Tuy nhiên đến thời điểm này, thấy chơi CK “dễ ăn” quá, cả “dân” Bách khoa, Nhân văn, Luật, Kiến trúc cũng lao vào như ai.
Quả thật, theo những gì tôi quan sát thì SV chiếm một lượng không nhỏ trên sàn CK. Chỉ riêng sàn Hà Nội, Tuấn chỉ cho tôi mấy chục cô cậu SV cũng chăm chăm nhìn trên bảng giá trực tuyến. Thỉnh thoảng lại rút điện thoại di động ra gọi, nhắn tin. SV cũng hay chơi chứng CK “hội đồng”, mỗi người góp một vài triệu để chơi, thắng thua chia đều.
Chân dung những sinh viên “tay không bắt giặc”
Trước sự bùng nổ của TTCK, nhiều sv mặc dù bị “viêm màng túi” triền miên song vẫn rất “máu me”, quyết không đứng ngoài cuộc. Bằng mọi cách, từ thuyết phục gia đình, bán xe cộ, đồ đạc, vay nóng hay thậm chí có những SV chỉ buôn bằng... nước bọt.
Nguyễn Văn Dũng, SV Trường ĐHKTQD, có một thời gian dài tham gia sàn giao dịch “chứng khoán ảo” trên mạng Internet, thấy ngày càng ăn nên làm ra, cậu quyết định bán con @ mới coong cha mẹ mua cho đi học, vay mượn khắp nơi để đầu tư một loạt cổ phiếu bluechips.
Gặp tôi với Tuấn, Dũng cười phớ lớ: “Số tớ đỏ quá, đầu tư con nào là trúng con đấy. Bây giờ đủ tiền mua... ba con @ rồi nhé”. Một điều hài hước là cách đây 1 năm, Dũng còn là “chúa chổm” vì chơi lô, đề, cá độ bóng đá.
Khi sàn CK Việt
Huy bảo, hiện có nhiều SV chơi CK theo phong trào, ít người có những hiểu biết thực sự về TTCK nói chung và sự vận hành, phát triển của nó như thế nào. Nó giống như chuyện một thời các SV thi nhau... "xé quần, xé áo", nam sinh thì để tóc dài cho giống các rocker (người chơi nhạc rock). Tuy nhiên, chỉ có những người thực sự “đam mê” với thị trường, ham hiểu biết, tìm tòi thì mới trụ vững được.
Huy kể cho tôi nghe vụ “chết hụt” của cậu. Hồi cuối năm 2006, nghe lời một anh bạn, cũng là một nhà đầu tư lâu năm, Huy quyết định “vay nóng” với lãi suất cao “ôm” gần chục ngàn CP của Công ty ATIP Việt Nam (doanh nghiệp con của Công ty ATIPetroleum - một công ty nổi tiếng thế giới về lĩnh vực dầu khí). Huy ngẫm nghĩ, CP của một doanh nghiệp nước ngoài, lại hoạt động trong lĩnh vực dầu khí chắc chắn là hàng “hot” trên thị trường.
Nhưng nhờ thông tin “nội gián”, Huy biết được số phận không được sáng sủa của công ty này. Ngày 6/3/2007, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khuyến cáo nhà đầu tư phải “hết sức thận trọng trong việc mua, bán CP này, không sử dụng CP này để gán nợ hoặc trả lương cho cán bộ, công nhân viên”.
Nguyên nhân là Ủy ban chưa nhận được hồ sơ xin phép phát hành, kể cả báo cáo của Công ty ATIP về việc niêm yết trên thị trường Euronext. Thế là, giới ôm CP của ATIP Việt
Bên cạnh chuyện chơi trực tiếp, một số SV nhờ “năng khiếu” tán hươu tán vượn, lại có chút ít kiến thức CK nên được không ít những “đại gia” máu me, thừa tiền bạc nhưng lại thiếu thời gian hoặc... không biết chơi nhờ... chơi hộ. Với lãi suất là 30%, có thể nói đây là một nghề “béo bở” của một số SV “mát tay”.
Các “tín đồ” CK của Trường đại học Thương mại ít ai không biết chuyện buôn CP bằng... nước bọt của Tân. Vốn có nhiều mối quan hệ với một số người làm trong tổng công ty xây dựng, Tân luôn là đầu mối của những thông tin “nội gián” nóng sốt về các CP xây dựng trên sàn.
Lên sàn CK, Tân cũng nhờ cái lưỡi dẻo quẹo mà bắt quen được với một số “bà sồn sồn” - thấy thiên hạ cướp được tiền khi chơi CK cũng kéo nhau lên sàn. Các bà thấy “thằng cu” này phán chuyện lên xuống của các CP cứ trúng phóc, lấy làm kinh ngạc và không ngần ngại... trao luôn tài khoản của mình cho Tân chơi hộ.
Một vài lần thắng, tiếng tăm của Tân càng nổi, càng nhiều người đến nhờ hơn. Chỉ trong vòng mấy tháng cuối năm 2006, đầu năm 2007, từ chỗ tay không giờ Tân đã có số vốn cả trăm triệu, vừa tiếp tục chơi hộ vừa túc tắc chơi bằng vốn của mình. Bây giờ, ngày ngày Tân cũng complê, áo sơmi cổ cồn, giày da, tay xách laptop lên sàn giao dịch như một doanh nhân thứ thiệt.
Tú, SV Học viện Ngân hàng được coi là một trong những con “cáo già” của làng cổ phiếu OTC. Lúc “khởi nghiệp”, ngày nào cậu cũng chúi mũi vào các trang rao vặt CK như sanotc.com, muabanchungkhoan.com hay box chungkhoan của ttvnol.com.
Khi đánh hơi thấy gói cổ phiếu nào “được giá”, Tú liền liên lạc với người bán để thỏa thuận giá cả. Thế rồi lại mò lên forum khác để rao bán. Tuy trong túi không có một cắc, thế nhưng nhiều phi vụ giao dịch vẫn thành công. Tú bảo, em chỉ “ăn non” 1-2 giá thôi. Cứ có lãi là em đẩy. Một gói 5-7 ngàn cổ phiếu là “ăn” 5-7 triệu rồi. Và bây giờ, Tú đã sắm được cho mình những hai máy ĐTDĐ để tiếp tục sự nghiệp môi giới CK của mình.
Được và mất
Sau nhiều lần theo chân Tuấn lên sàn, máu chơi CK trong tôi cũng nổi lên. Gom góp được chục triệu, tôi liền gọi cho cậu ta: “Ông cho tôi gặp thằng Tân. Tôi vừa gom góp được ít tiền, định nhờ nó tư vấn xem nên chơi “thằng” nào”.
Theo địa chỉ Tuấn cho, tôi gặp Tân trong một... quán rượu. Đến nơi, đã thấy mặt Tân đỏ gay. Gật đầu chào tôi, Tân dằn mạnh chén rượu trong tay, miệng chửi tục: “Tiên sư nó chứ, hôm trước vừa úp thằng PPT (Nhiệt điện Phả Lại), không ngờ nó lại xuống thê thảm quá. Đang yên lành thì ngừng hoạt động một tổ máy. Lại còn thằng FPT nữa, đang lên như diều gặp gió, tự nhiên lại sụt như điên. Chỉ tại vụ ly dị của ông Phó tổng giám đốc...”.
Hôm sau gặp lại Tuấn, hắn bảo: “Thằng Tân này thỉnh thoảng “ăn may” mà lại tưởng là giỏi. Đã mỏng vốn mà đua đòi chơi bluechips thì “đứt cước” là phải. Trong một tháng mà nó “đứt” cả trăm triệu ông ạ”.
Qua những lần thâm nhập vào thế giới các nhà đầu tư trẻ, tôi nhận thấy, không phải là ai chơi CK cũng đều thắng cả, nhất là SV. Nhiều SV Trường ĐHKTQD còn truyền tai nhau “chuyện thật như đùa”. Phạm Khánh - SV trường này chơi CP thua be bét đến nỗi phải ăn mì tôm cả tháng cầm hơi. Thế nhưng không biết hắn “chạy” đâu được cái bằng để làm... giáo viên của một lớp CK (?!).
Bên cạnh đó, những Tuấn, Huy, Tân... và nhiều SV kiếm tiền triệu từ việc lên sàn chơi CP, làm môi giới CK... thì hầu hết việc học hành đều rất chểnh mảng. Danh sách nợ môn của Tuấn hiện đang “chạy đua” theo số công ty niêm yết dài dằng dặc trên sàn. Bạn bè của Huy thì kể, kỳ trước thi 8 môn, cậu ta trượt đến... 7. Vì quá mải mê kiếm tiền, Tân cũng vừa nhận được “trát” cảnh cáo của ban giám hiệu vì bỏ học quá số trình quy định.
Nhóm SV ĐHNT thì chả biết có chơi CP “phúc trường cửu” hay không, nhưng theo bạn bè kể lại, do bất đồng quan điểm, lại “ăn chia” không sòng phẳng, nhóm đã tự giải tán. Thậm chí bây giờ ra đường, lên sàn có bạn... không thèm nhìn mặt chiến hữu một thời của mình nữa!
Vẫn muốn thử vận may của mình, hôm sau tôi lại lên sàn. Thật bất ngờ khi tôi gặp một số SV rất chăm chỉ ghi ghi, chép chép những biến động của thị trường như một nhà đầu tư thật. Thì ra đây là một nhóm SV năm thứ nhất, Trường ĐHKTQD. Lan, một cô bé trong nhóm bảo: “Bọn em coi việc lên sàn là để lấy kiến thức thực tế cho môn học. Hơn nữa sự phát triển của TTCK cũng là xu thế tất yếu của một nền kinh tế mở. Tuy nhiên, vì còn ít kinh nghiệm lẫn tiền bạc, chúng em không chơi trực tiếp mà chỉ chơi theo kiểu “nhập vai” để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm”.
Có lẽ đây là một ý kiến rất đáng để các SV tham khảo