Thi nhan sắc để tôn vinh người thợ kim hoàn

Thứ Năm, 17/12/2009, 15:50
Gần 2 tuần sau Fesstival lúa gạo tổ chức tại tỉnh Hậu Giang, người dân miền Tây lại được thưởng thức thêm một "món ăn" tinh thần: Cuộc thi Hoa khôi trang sức Việt Nam 2009 do Tạp chí Thời trang vàng (Hội Mỹ nghệ kim hoàn Việt Nam) và UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức.

Vượt lên trên ý nghĩa đơn thuần của cuộc thi "Nữ hoàng trang sức Việt Nam" này là tôn vinh sản phẩm nữ trang gắn với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, do bàn tay tài hoa của các nghệ nhân kim hoàn Việt Nam sáng tạo ra.

1. Tối 12/12, trung tâm TP Cần Thơ dường như tấp nập hơn. Khu vực Nhà thi đấu đa năng vốn chỉ "quen mặt" với những thanh niên quần đùi áo số bỗng náo nhiệt với 26 "chân dài" từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước về dự chung kết Hoa khôi trang sức Việt Nam 2009. Không có phe vé, không có lộn xộn (như thường thấy ở các hoạt động đông người khác), khán giả Cần Thơ trật tự ở ngoài hội trường nhưng không kém phần sôi nổi khi cổ động.

Năm nay, cuộc thi Hoa khôi trang sức có nhiều điểm mới so với 3 lần tổ chức trước đó. Đây là năm đầu tiên, cuộc thi này có màn trình diễn áo tắm. Trước đó, lý giải cho sự đổi mới này, Ban tổ chức cho rằng, việc đánh giá trang sức trên trang phục áo tắm dễ dàng hơn so với những trang phục khác như dạ hội hay áo dài. Năm nay, một ban giám khảo gồm các nghệ nhân mỹ nghệ kim hoàn và một số nhà thiết kế, nhà khoa học đã chấm trước những sản phẩm nữ trang do các nghệ nhân, thợ kim hoàn trên toàn quốc dự thi. Trong đêm chung kết, các thí sinh lựa chọn sản phẩm trang sức qua bốc thăm.

Hoa khôi Trần Thị Diễm Hương; Á khôi 1: Lê Huỳnh Thúy Ngân; Á khôi 2: Phan Thị Hương Giang.

Sau 3 vòng thi gồm thi áo dài, áo tắm, trang phục dạ hội, Ban giám khảo đã chọn ra được 5 người đẹp lọt vào vòng thi cuối cùng gồm thí sinh Phan Thị Hương Giang (SBD: 010, đến từ Quảng Ninh), Trần Thị Diễm Hương (235 - Thái Nguyên), Lê Huỳnh Thúy Ngân (568 - Tiền Giang), Trần Thị Bích Phượng (368 - Tiền Giang) và Trần Thị Thùy Trang (068 - Lâm Đồng).

Trước khi công bố các giải chính, Ban giám khảo đã chọn ra các thí sinh đoạt giải phụ gồm: Giải Người đẹp có hình thể đẹp: Thúy Ngân (568), Người đẹp ăn ảnh nhất: Bích Phượng (368), Hoa khôi thân thiện: Lương Thị Giang (039 - Hà Nội), Người đẹp mặc áo dài đẹp nhất: Lê Thị Thúy Hằng (007 - Cần Thơ), Người đẹp mặc áo dạ hội đẹp nhất: Diễm Hương (235 - Thái Nguyên). Riêng người đẹp Thùy Trang (068) nhận cả giải ứng xử lẫn giải dành cho thí sinh có khuôn mặt khả ái nhất.

Cuối cùng cuộc thi đã lựa được 3 gương mặt sáng giá nhất:

- Hoa khôi: Trần Thị Diễm Hương

- Á khôi 1: Lê Huỳnh Thúy Ngân

- Á khôi 2: Phan Thị Hương Giang.

Hoa khôi Diễm Hương nhận giải thưởng gồm 100 triệu đồng tiền mặt và vương miện trị giá hơn nửa tỉ đồng; còn 2 Á khôi lần lượt nhận giải thưởng 50, 70 triệu đồng. Đây có lẽ là cuộc thi sắc đẹp có giải thưởng vào loại cao nhất, dù không được gắn mác "hoa hậu" hay "quốc gia" gì đó.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái và Tiến sĩ Lê Ngọc Dũng trao giải cho Hoa khôi Trần Thị Diễm Hương.

2. "Vấn đề không phải là giải thưởng cao", Tiến sĩ (TS) Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch TW Hội Mỹ nghệ kim hoàn Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Thời trang vàng nhấn mạnh. Dù vậy, ông Dũng cũng cho biết, giải thưởng của cuộc thi tăng lên hằng năm: Năm 2007, giải thưởng dành cho người đẹp giữ vị trí cao nhất là hơn 200 triệu đồng thì tại cuộc thi năm 2009, giải này lên đến hơn 600 triệu đồng.

Ông Dũng nói rằng, qua cuộc thi, công chúng đã quan tâm nhiều hơn đến những người thợ kim hoàn. "Đến cuộc thi thứ 4 này thì thương hiệu của ngành đã phát triển rất mạnh. Người dân không chỉ quan tâm đến chúng tôi sau những "cơn sốt vàng" như vừa qua mà họ còn biết thêm về sự cần cù, chịu khó của người thợ kim hoàn cũng như những tuyệt tác từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân kim hoàn Việt Nam sáng tạo ra". Ngược lại, Chủ tịch TW Hội Mỹ nghệ kim hoàn Việt Nam cũng cho biết, các nghệ nhân đã tham gia cuộc thi ngày càng hào hứng hơn với tâm niệm: Quảng bá nghề cũng như giúp người dân tiếp cận với những sản phẩm trang sức “made in Việt Nam” chất lượng cao.

Ông Dũng, cách đây 6 năm, chính là một trong những đồng tác giả của ý tưởng thi Nữ hoàng trang sức - cuộc thi sắc đẹp "gắn với ngành nghề" đầu tiên (nếu không muốn nói là duy nhất) tại Việt Nam. Ngày đó cho đến bây giờ, người đàn ông "luôn nhỏ nhẹ" này lúc nào cũng tâm niệm rằng "cuộc thi nhằm tôn vinh sản phẩm nữ trang gắn với vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam". Dù là cuộc thi nữ hoàng trang sức hay thi hoa khôi thậm chí hoa hậu trang sức, cái tiêu chí ấy cứ được duy trì như lời của TS Dũng: một bộ trang sức lộng lẫy sẽ càng được "tỏa sáng" hơn khi được những người đẹp đeo.

3. Cứ gặp TS Lê Ngọc Dũng, chúng tôi lại nhớ về cái gọi là "sự cố" trong cuộc thi Hoa hậu trang sức năm 2007, nhưng rồi mọi việc cũng qua,  cô Hoa hậu cũng được trao giải (dù muộn vì người ta còn phải kết luận về những tố cáo về cuộc thi mà cô mang giải nhất). Sau đận ấy, có lần chúng tôi hỏi thẳng ông Dũng rằng đã "nản" chưa khi bị "một nhát dao sau lưng". Gương mặt mệt mỏi của ông ngày đó, thoáng cười mà không nói gì.

Năm nay, "đến hẹn" lại thấy ông tất tả lo cho cuộc thi lần thứ 4 dù rằng ông đã bận bịu lắm với cương vị Chủ tịch TW Hội. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay công tác rà soát hồ sơ được thực hiện khá kỹ lưỡng. Ban tổ chức cũng ký một bản cam kết với nhiều quy định ràng rõ ràng với thí sinh. "Chúng tôi dựa theo quy chế của Bộ (Văn hóa - Thể thao và Du lịch) để đưa ra các bản quy chế này. Năm nay, chúng tôi cũng mời đại diện cơ quan nhà nước tham gia từ đầu để tránh sai sót" - ông Dũng cho biết.

Tuy nhiên, mọi việc cũng không được suôn sẻ cho lắm. Nhưng với cách làm của Ban tổ chức, được đánh giá là minh bạch và trung thực nên đã không có sự cố lớn xảy ra. "Không thể xuê xoa được. Nếu để thí sinh không đủ điều kiện vẫn dự thi thì những thí sinh khác sẽ kiện Ban tổ chức ngay", một đồng nghiệp chúng tôi, người có nhiều năm theo dõi các cuộc thi người đẹp cũng đồng tình.

Đấy, tổ chức thi người đẹp lắm lúc cũng vất vả. Cũng có lúc không thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Kể cả trong cuộc thi người đẹp "cấp ngành" như một tờ báo so sánh

Dũng - Tú
.
.