Thị trường nghệ thuật Cuba phát triển sau khi Mỹ nới lỏng cấm vận

Thứ Hai, 11/05/2015, 19:15
Người Cuba từ cuối tháng 4 đã xôn xao về thông tin có một làn sóng người Mỹ “đặc biệt” đang lên đường đến Havana - đó là các giám đốc nhà bảo tàng, nhà sưu tập nghệ thuật, chuyên gia nghệ thuật và cả nhà buôn nghệ thuật. Sự kiện hai năm một lần hấp dẫn thu hút du khách Mỹ nhất sắp tới là Festival Nghệ thuật Cuba lần thứ 12 diễn ra ở Havana vào ngày 22/5.

Thật ra, ngay trước khi Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro tiết lộ việc chấm dứt thù địch giữa hai quốc gia vào tháng 12/2014, giới nghệ sĩ hai bên đã có sự giao lưu với nhau.

Bộ ba “The Merger”: từ trái sang - Alain Pino, Mario Gonzalez (Mayito) và Niel Moleiro.

Mario Gonzalez (hay thường được gọi là Mayito) cùng với 2 nghệ sĩ địa phương là Niels Moleiro và Alain Pino đồng ký tên trên các tác phẩm của họ - bao gồm tranh và tác phẩm điêu khắc bằng thủy tinh plexi - là "The Merger". Các tác phẩm của "The Merger" - nhóm được thành lập năm 2009 - thuộc hàng bán chạy nhất trên thị trường nghệ thuật quốc tế. Hiện nay, các tác phẩm của nhóm được trưng bày tại Nhà Bảo tàng Nghệ thuật Phoenix và Nhà Bảo tàng Nghệ thuật đương đại La Jolla gần thành phố San Diego, bang California (Mỹ).

Sandra Levinson, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Cuba.

Năm 2014, bức tranh có tên "Sex Machine" của nhóm được bán với giá 125.000 USD tại Hội chợ Art Basel ở thành phố Miami trên bán đảo Florida. Trong nhà xưởng khổng lồ - trước đây là một hiệu giặt ủi và bây giờ được nhóm "The Merger" gọi là ngôi nhà sáng tạo - đang đặt một tác phẩm điêu khắc trông giống như bàn bida 6 lỗ với nền màu xanh cùng với rất nhiều viên bi và có hình dạng bản đồ nước Mỹ và nó sẽ có mặt tại Festival Nghệ thuật Cuba sắp tới. Nhà Bảo tàng Bronx ở New York cũng đang ngấp nghé mua tác phẩm độc đáo này của "The Merger".

Alberto Magnan, người sở hữu gallery Magnan Metz chuyên về nghệ thuật Cuba ở thành phố Chelsea và hiện đang có mặt ở thủ đô Havana của Cuba, cho biết ông nhận được 25 cuộc gọi từ các nhà sưu tập nghệ thuật vào ngày 17/12/2014 sau khi Tổng thống Barack Obama thông báo việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba.

Hai tác phẩm của "The Merger": Presa (ảnh trái, năm 2010) và Adrenalina (năm 2009).

Ngày 28/12/2014, Steve Wilson - nhà sưu tập nghệ thuật người Mỹ ở thành phố Louisville, bang Kentucky và cũng là người thành lập 21 Century Museum Hotels, ngôi nhà của nghệ thuật đương đại - đã nôn nóng mua ngay 8 bức tranh Cuba, chủ yếu là của các nghệ sĩ trẻ, với giá từ 1.500 - 15.000 USD. Steve Wilson bày tỏ hy vọng việc dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba sẽ giúp ông mở một chi nhánh ở Havana cho 21 Century Museum Hotels, cũng như tạo điều kiện cho nghệ sĩ hai nước qua lại trao đổi kinh nghiệm với nhau.

Tuy nhiên, việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba cũng khiến cho một số người lo ngại giới nghệ sĩ sẽ bắt đầu sáng tác "hàng loạt" như Roberto Diago nhận định: “Nếu 500 nhà sưu tập đồng loạt xuất hiện một cách bất ngờ để mua tác phẩm thì có lẽ chất lượng nghệ thuật sẽ đi xuống".

Tác phẩm điêu khắc có hình dạng bản đồ châu Mỹ của "The Merger".

Roberto Diago, 43 tuổi, là nghệ sĩ chuyên khai thác đề tài nô lệ và chủng tộc ở Cuba và các tác phẩm của ông có giá dao động từ 2.000 - 30.000USD. Bà Sandra Levinson, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Cuba ở New York, cho biết hiện nay chỉ có một số ít gallery ở Miami và một vài gallery ở West Coast là tập trung vào nghệ thuật Cuba.

Tuy nhiên, Levinson hy vọng sắp tới sẽ có thêm nhiều gallery mọc lên ở những nơi này. Bà Levinson chính là người dẫn đầu vụ kiện chống Bộ Tài chính Mỹ năm 1991 để cho phép người Mỹ mang các tác phẩm nghệ thuật Cuba về Mỹ. Sau khi quan hệ Cuba và Mỹ được bình thường hóa, bà đã sớm có mặt ở Cuba để tìm mua các tác phẩm ở Havana. Jonathan S. Blue, nhà tư bản tài chính Mỹ, sở hữu khoảng chục tác phẩm nghệ thuật Cuba với giá từ 2.500 - 300.000 USD, cho biết sắp tới ông sẽ bay đến Cuba.

Di An (tổng hợp)
.
.