“Thiên táng” sẽ dần thay thế “địa táng”?

Thứ Tư, 19/09/2007, 10:46
Xưa nay chôn cất người chết cho dù phong tục tập quán mỗi nước, mỗi dân tộc có khác nhau nhưng nhìn chung vẫn là hình thức địa táng. Mới đây, người ta đã thực hiện thành công nhiều chuyến "thiên táng" tuyệt vời thông qua Công ty Dịch vụ Hàng không vũ trụ Houston Mỹ.

Phóng viên Hoàn cầu Trung Quốc chứng kiến đưa tin về chuyến "thiên táng" mới nhất diễn ra ngày 28/4/2007 cho thấy tương lai không xa "thiên táng" sẽ dần dần thay thế "địa táng" được đông đảo công chúng hoan nghênh.

Người khởi nguồn “Thiên táng”

Charles Chaffee người Mỹ vốn là người rất đam mê bầu trời đầy sao, ông đã từng là phi hành gia về sau trở thành nhà quản lý công tác nghiên cứu khoảng không vũ trụ phụ trách nghiên cứu sao Thủy đồng thời cũng là một người không chỉ giỏi về khoa học mà còn đam mê kinh doanh ở Mỹ.

Xuất phát từ thực tế địa táng (chôn, hỏa thiêu, hung và cải táng) người chết của Mỹ và các nước trên thế giới Charles Chaffee nhận ra hình thức địa táng vừa tốn kém vừa rườm rà lại não nề thê thảm, mất vệ sinh, tốn đất đai và vĩnh viễn không tạo cho người đã khuất thực hiện “nguyện vọng du hành vũ trụ” khi họ còn sống... ông đã nảy ý định nghiên cứu hình thức “không táng” (hoặc thiên táng - mai táng trên bầu trời) ngay từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước.

Năm 1996 Charles Chaffee đệ trình lên Chính phủ Mỹ “Đề án thái không táng” để xem xét phê chuẩn. Rất nhiều bạn bè người thân thậm chí một số nhà khoa học không tin cho rằng ý tưởng "thiên táng" của ông là viển vông là ảo tưởng. Nhưng Chính phủ Mỹ hoan nghênh và ủng hộ ông đã phê chuẩn đề án này.

Charles Chaffee vô cùng phấn khích lập tức đứng ra thành lập và trở thành nhân vật chủ trì Công ty Dịch vụ Hàng không vũ trụ Houston Mỹ (một công ty sau này chuyên làm dịch vụ phục vụ thiên táng ở Mỹ).

Kế đó ông liên doanh liên kết với các nhà khoa học, giới công thương, nhà tài phiệt, ngân hàng... trong nước thậm chí sang hợp tác với cả ngân hàng lưu trữ tro cốt người chết Melburne Australia để học hỏi kinh nghiệm.

Năm 1997, lần đầu tiên Charles Chaffee và Công ty Houston của ông thực hiện chuyến thiên táng đầu tiên thành công. Nhưng giá thành quá đắt, khách hàng đăng ký thiên táng thưa dần.

Mặt khác nhiều nhà khoa học và giới doanh nghiệp nản lòng bởi giá thành chế tác khoang chứa tro cốt người chết rất cao, kỹ thuật phức tạp mà lợi nhuận thu về chưa đáng là bao khiến nhiều người nản chí xa rời Charles Chaffee. 

Với quyết tâm và lòng tin mãnh liệt, Charles Chaffee tiếp tục nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, động viên đồng nghiệp người góp của người góp công, bản thân ông có lúc phải bán cả đồ quý hiếm của gia đình, vợ con dốc sức cho nghiên cứu khoa học, chính vì thế Charles Chaffee đã thành công.

Giờ đây, ngoài Công ty Houston ra Charles Chaffee còn có nhiều chi nhánh ở Mỹ và 14 công ty con ở khắp hoàn cầu. Lợi nhuận Houston thu về khá lớn, nhưng Charles Chaffee phải chi trả cho Công ty Phóng vệ tinh thương nghiệp Mỹ 30.000 USD cho mỗi chuyến thiên táng.

Mặc dù vậy, liên tiếp từ năm 1997 đến nay Charles Chaffee đã làm chủ tang lễ, đọc điếu văn tiễn người quá cố 6 lần với hơn 300 bộ tro cốt được phóng thành công vào vũ trụ, "khách hàng" của ông gồm nhiều quốc tịch: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật và các nước châu Âu khác, đặc biệt có 4 người Trung Quốc (2 người của đại lục, 1 người Hương Cảng, 1 người Đài Loan).

Danh sách đăng ký thiên táng trong văn phòng Charles Chaffee ngày một dài ra. Chuyến thiên táng sắp tới sẽ được tiến hành vào tháng 10/2007 dự kiến có tới 300 bộ tro cốt. Xem ra Charles Chaffee khai trương "nghiệp thiên táng" hiện đang theo chiều hướng phát đạt.

Nghi thức Thái không táng

Chứng kiến lễ Thái không táng diễn ra ngày 28/4/2007, phóng viên báo Hoàn cầu, Trung Quốc mô tả: Tên lửa đưa 202 bộ tro cốt của người chết sẵn sàng rời bệ phóng trước 202 thân nhân hộ gia đình người quá cố đứng ngoài lan can bảo hiểm bệ phóng ngước mắt chăm chú dõi nhìn bầu trời chờ đợi giờ phút linh thiêng. Không một ai rơi lệ mặc dù trong lòng họ cũng rất bùi ngùi.

Đúng giờ “G-hoàng đạo” từ trong văn phòng bệ phóng Charles Chaffee với giọng trầm trầm xúc động đếm: “5, 4, 3, 2, 1... điểm hỏa”.

Mô phỏng tên lửa mang tro cốt người chết phóng đi "thiên táng".

Một quả cầu lửa chói lòa và đám khói trắng xen đỏ hình nấm túa ra, quả tên lửa xé không khí vút vào không trung, chưa đầy vài phút mất hút vào bầu trời cho đến khi không ai nhìn thấy gì nữa, Charles Chaffee xúc động đọc: “Hồn quy thiên quốc; Chúc yên nghỉ ngàn thu; Thái không nhàn du; Vũ trụ cực lạc!”. Kết thúc lễ an táng vào bầu trời chóng vánh không đầy 5 phút.

Từ giây phút đó tro cốt của 202 người quá cố sẽ được bay quanh quỹ đạo trái đất, mỗi tuần một lần “ghé quê nhà thăm lại người thân” và cứ thế trong vòng 50-200 năm sau đó tách ra khoảng không vũ trụ “bồng bềnh” tự do vĩnh viễn “vũ trụ nhàn du”.

Trước 90 ngày Charles Chaffee cho đội công tác chuyên nghiệp gồm 8 người vào ngân hàng lưu trữ tro cốt người chết bỏ một phần tro cốt của từng người (nhiều ít do tang chủ hợp đồng với Công ty Houston) vào “túi dán keo phi hành” sau đó đặt họ trong hộp hình thỏi son rồi nhẹ nhàng cẩn thận xếp một hộp vào khoang tàu (2 hộp để dự phòng nếu lần đầu phóng thất bại).

Trước ngày phóng một ngày Công ty Houston mời thân nhân người quá cố và báo chí biết để hôm sau đến tiễn biệt họ lần cuối cùng.

Những hộp tro cốt người chết đang chờ ngày "thiên táng".

Giá trọn gói tính từ lúc hỏa thiêu đến khi phóng thành công đối với người chết đơn thân là 495 USD/gram (tương đương 8 triệu VNĐ); với một cặp vợ chồng tối đa được 14 gram hết 67.495 USD (khoảng 1,1 tỉ VNĐ). Đa số cho là vừa phải có thể chấp nhận được.

Charles Chaffee cho biết, hiện tại Công ty Dịch vụ hàng không Houston đã nhận được hàng nghìn hồ sơ gồm đủ các hạng người trên khắp thế giới xin đăng ký thiên táng vào năm 2008, một con số quá bất ngờ đối với ông

Nguyễn Văn Gấm (sưu tầm)
.
.