Thiên văn học cổ đại Trung Hoa

Thứ Sáu, 22/06/2007, 15:30
Trong điều kiện không có phương tiện hiện đại, chỉ hoàn toàn dựa vào bộ óc suy luận với đôi mắt và bàn tay con người ở vào thời kỳ nhân loại còn ăn lông ở lỗ nhưng các nhà thiên văn cổ đại Trung Quốc đã nghiên cứu dự báo chuẩn xác, ghi chép đầy đủ các hiện tượng thiên văn trong vũ trụ, đem lại cho nhân loại nhiều thành tựu khoa học lớn lao được các nhà khoa học thế giới công nhận.

Thiên văn học là một trong bốn thành tựu (Toán học, Nông học, Y học, Thiên văn) đặc sắc tiêu biểu của nền văn minh Trung Hoa trong quá khứ.  

Những văn bản khắc trên mai rùa xương thú (Giáp cốt văn tự) từ thời nhà Ân cách ngày nay mấy ngàn năm ghi chép lại tường tận những hiện tượng thiên văn trong vũ trụ như vòng quay của mặt trời, mặt trăng, trái đất, sao Thổ, sao Kim, hiện tượng nhật thực, nguyệt thực, các vết đen trên mặt trời, sao Chổi, cũng như những tinh tú mới xuất hiện cho thấy người Trung Quốc vượt xa nền văn minh Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ, Tây Á, Trung Bắc Mỹ hàng chục thế kỷ.

Tấm bản đồ sao cổ nhất thế giới, tìm thấy ở Đôn Hoàng, Trung Quốc năm 1907 được làm vào khoảng năm 600 đời nhà Đường, rộng 25cm, dài 2,1m vẽ và chú thích bằng tiếng Hán, phân thành khoảng 250 chòm. Cho đến tận thời Phục Hưng ở châu Âu, trước khi có kính thiên văn, chưa bao giờ có một bản đồ sao chính xác và chi tiết đến thế.

Tuy nhiên, bản đồ sao hoàn chỉnh sớm nhất của loài người lại là bản đồ sao vẽ vào thời Nguyên Phong (1078 - 85), được khắc lên bia đá năm 1247, trong đền Khổng Tử, đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Trên Thiên Văn đồ đó chia rõ phương vị, cung độ của 1.434 vì sao, có đủ Hoàng đạo, Thiên xích đạo, Ngân hà. Ngoài ra, còn có bài minh bia dài 209 chữ chép rõ một số kiến thức căn bản về thiên văn.

Trong khoảng thời gian từ năm 146 trước CN đến năm 1761, người Trung Hoa cổ đã ghi lại thời gian, đặc điểm 173 hiện tượng xảy ra trên bầu trời, trong đó có 66 lần nhật thực, 83 vụ bùng nổ của các ngôi sao, 24 hiện tượng khác. Tất cả các quan sát đó đã được thiên văn học hiện đại kiểm chứng hoàn toàn chính xác.

Năm 240 trước CN, người Trung Quốc cổ đại đã quan trắc chính xác sự xuất hiện và quy luật hoàn quy (vòng trở lại) của sao Chổi. Chính ngôi sao Chổi sau này mang tên Halley cũng đã được họ ước tính đến cuối thế kỷ XX “Halley” sẽ hoàn quy 30 lần (chính xác 31 lần).

Năm 1973, các nhà khảo cổ Trung Quốc khai quật ngôi mộ cổ đầu đời nhà Hán (206 trước CN-220  sau CN) tại gò Mã Vương Trường Sa tỉnh Hồ Nam phát hiện được tấm bản đồ cổ xưa vẽ về quỹ đạo vận hành của sao Chổi cùng với mây, khí, Nguyệt Hằng tinh và Yểm tinh (tên các ngôi sao lớn).

Họ vẽ được cả sao Chổi có 1, 2, 3 đuôi thậm chí còn nhìn được nhân của nó và mô tả dự đoán nhân của sao Chổi là một khối băng, bao quanh bằng những lớp khí chưa rõ thành phần; với sao Chổi nhiều đuôi sẽ có đuôi bằng khí, có đuôi bằng bụi vũ trụ. Quỹ đạo sao Chổi rất dẹt như hình “con trai” điều này phù hợp với các kết quả đo đạc tính toán và ảnh chụp quỹ đạo sao Chổi sau này.

Họ còn tính được chu kỳ hoàn quy của nó là 76 năm. Các nhà khảo cổ và thiên văn sau này khi nghiên cứu kỹ tấm bản đồ này đã phải thốt lên đây là “Thiên văn khí tượng tạp đồ” kỳ tài cổ xưa nhất chưa từng nước nào phát hiện về sao Chổi trước người Trung Quốc cổ đại.

Về mặt tính toán đo đạc trắc nghiệm vận hành của mặt trời, mặt trăng, Thập nhị bát tú và các tinh tú khác trên bầu trời có thể nói người Trung Quốc cổ đại kiên trì nhẫn nại đến kinh ngạc. Trên cơ sở dữ liệu chuẩn xác, họ đã tính được độ dài thời gian “năm hồi quy” (còn gọi là năm mặt trời hay năm Thái dương) bằng 365 ngày, 5 giờ, 48 phút, 46 giây, đúng bằng thời gian mặt trời quay từ điểm Xuân phân này lại trở về điểm Xuân phân đó.

Từ thời nhà Thương, người Trung Quốc cổ đại đã xác định được chu kỳ chuyển động gần đúng của 120 ngôi sao từ đó đặt ra lịch Can - Chi phân chia 1 năm có 4 mùa, 12 tháng hoặc 13 tháng (năm nhuận), mỗi tháng có 30 ngày hoặc 29 ngày (tháng thiếu); phân bố tháng đủ, tháng thiếu rất khoa học, một năm có 24 tiết khí, ngoài ra tính toán sẵn thời điểm xảy ra nhật thực, nguyệt thực, dự báo chi tiết khí hậu biến đổi v.v... cho đến nay vẫn ổn định và giữ nguyên giá trị sử dụng song song với Dương lịch.

Năm 1280 Quách Thụ Kính - nhà thiên văn và lịch pháp Trung Quốc sau 3 năm với hơn 300 lần tính toán khảo sát kiểm nghiệm đã xây dựng “Thụ Thời Lịch” xác định năm hồi quy bằng 365. So sánh với Dương lịch của các nhà thiên văn lịch pháp châu Âu thế kỷ XVI-XVII hoàn toàn đồng nhất nhưng Quách Thụ Kính đã đi trước họ 300 năm. Cho đến nay, người ta vẫn không hiểu vì sao Quách tiên sinh với chiếc bàn tính xâu các con bi gỗ tròn dẹt trong lõi trúc lọc xọc mà lại cho ra đời những cuốn lịch pháp uyên bác như vậy.

Chế tạo ra máy móc thiết bị thiên văn, người Trung Quốc cổ đại cũng có những cống hiến xuất sắc. Tiêu biểu chế ra “Khuê biểu” (Thổ khuê) là dụng cụ đo bóng nắng để định các giờ trong ngày. Tương truyền "Khuê biểu" có từ đời nhà Chu.

Lịch sử thiên văn Trung Quốc ghi nhận nhiều nhà thiên văn cổ lỗi lạc như Lạc Hạ Hoằng thời Tây Hán cải tiến phục chế máy đo định vị các thiên thể vũ trụ của tiền nhân; Trương Hoành đời Đông Hán chế tạo ra máy quan trắc định vị thiên thể và máy dự báo động đất; Quách Thụ Kính cải tiến và sáng chế hơn 10 máy định vị, đo cao, kính ngắm... rất tinh xảo phục vụ công tác nghiên cứu thiên văn.

Ngoài ra, Trung Quốc cổ đại chú trọng xây dựng rất nhiều đài thiên văn khí tượng như “Linh đài”; “Chiêm tinh đài”; “Tư thiên đài”; Quan tinh đài”; “Quan tượng đài” v.v... Trải qua mấy ngàn năm bị thiên nhiên xâm thực, nhưng Trung Quốc vẫn trùng tu gìn giữ, nhiều đài sót lại đến nay vẫn giữ được cốt cách nguyên thủy cách ngày nay hàng vài ba ngàn năm, trong đó tiêu biểu có “Quan tượng đài” ở Bắc Kinh và “Quan tinh đài” ở Đăng Phong, Hà Nam đủ nói lên sự trân trọng, niềm tự hào của người Trung Hoa ngày nay đối với tổ tiên họ đã cống hiến cho nền Thiên văn học Trung Hoa nói riêng và văn minh nhân loại thế giới nói chung những kỳ tích không chỉ về tính khoa học mà còn tính thời gian sớm nhất

Hùng Sơn (Theo Hải ngoại tinh vân)
.
.