Thiết bị bay siêu nhỏ làm nhiệm vụ cảnh sát trên không

Thứ Năm, 05/07/2007, 10:00

Bay lặng lẽ ở độ cao từ 10 đến 15m với vận tốc 35km/giờ nhờ một động cơ điện,  UAV Satoorn được trang bị một camera ghi hình hồng ngoại có tầm quan sát rộng và một cảm ứng với khói.

22h 15’ một ngày tháng 10/2008, tại ga tàu điện ngầm số 22 ở phía tây thủ đô Paris, Pháp, một thanh niên lấm la lấm lét đảo mắt nhìn quanh sân ga vắng ngắt để kiểm tra có sự hiện diện của nhân viên cảnh sát hay không. Không thấy ai, anh ta an tâm lấy từ túi quần một nhúm cần sa cuộn vào giấy thành điếu rồi châm lửa đưa lên miệng hút lấy hút để.

Khi gã thanh niên còn đang mơ màng trong khói cần sa thì bỗng xuất hiện hai nhân viên cảnh sát đến áp sát, lấy còng khóa tay và bắt giữ anh ta về tội sử dụng ma túy nơi công cộng. Ngạc nhiên, gã thanh niên tự hỏi làm sao cảnh sát lại biết được anh ta đang sử dụng cần sa, trong khi trước đó một tháng, Chính phủ Pháp đã quyết định bỏ biện pháp giám sát những nơi công cộng bằng camera ghi hình?

Thế nhưng, điều mà gã thanh niên không ngờ là sau khi bãi bỏ việc giám sát những nơi công cộng bằng camera ghi hình, Cảnh sát Pháp lại đưa vào sử dụng một loại vũ khí mới: những thiết bị bay siêu nhỏ (UAV) thế hệ Satoorn làm nhiệm vụ giám sát những nơi công cộng từ trên không như một hay nhiều nhân viên cảnh sát thực thụ.

Bay lặng lẽ ở độ cao từ 10 đến 15m với vận tốc 35km/giờ nhờ một động cơ điện,  UAV Satoorn được trang bị một camera ghi hình hồng ngoại có tầm quan sát rộng và một cảm ứng với khói. Chính một UAV Satoorn như trên khi đang làm nhiệm vụ tuần tra giám sát ở nhà ga số 22 đã phát hiện khói cần sa do gã thanh niên hút, áp sát để ghi hình rồi chuyển tín hiệu về một trung tâm quản lý của cảnh sát gần đó. Và thế là hai nhân viên cảnh sát bằng xương bằng thịt xuất hiện để bắt giữ gã thanh niên đang làm điều phạm pháp.

Việc đưa vào sử dụng thế hệ UAV Satoorn làm nhiệm vụ giám sát những nơi công cộng ở Pháp vào năm 2008 được xem là “quả đấm” mạnh của một kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự xã hội mới của chính phủ, có tên gọi Vigipublic. Không ai có thể thoát khỏi sự giám sát của các UAV từ trên không. UAV sẽ có mặt tại các trường học, các bãi đỗ xe, nhà ga, ngân hàng, sân vận động và các trung tâm mua sắm lớn.

Nhiều người cho rằng, đó chỉ là một kế hoạch không tưởng, chỉ có thể xảy ra trong phim ảnh. Thế nhưng họ không biết là từ năm 2002, nhiều phòng nghiên cứu không những ở Pháp mà cả tại nhiều quốc gia trên thế giới đã miệt mài nghiên cứu để chế tạo những thế hệ UAV lấy nguồn cảm hứng từ máy bay không người lái mà quân đội nhiều quốc gia đã và đang sử dụng trong các chiến dịch quân sự.

Từ Kosovo đến Afghanistan và hiện nay là Iraq, máy bay không người lái đã trở thành một loại vũ khí tối thượng để tạo nên những quả đấm bất ngờ. Dựa vào nguyên lý hoạt động của nhiều thế hệ máy bay không người lái, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu chế tạo những thiết bị bay siêu nhỏ làm nhiệm vụ giám sát, tuần tra như một nhân viên cảnh sát trên không.

Tại Pháp, Cục Quân khí (DCA) của Bộ Quốc phòng đã liên kết với Cơ quan Nghiên cứu Hàng không Không gian quốc gia (ONERA) và Ủy ban Khoa học quốc gia (CNRS) triển khai việc nghiên cứu chế tạo các UAV với mục tiêu là đa dạng các mẫu mã và thiết kế kỹ thuật với điều kiện là các UAV phải có sải cánh không quá 60cm, bay ổn định trên không cả ở tốc độ cao và tốc độ chậm, và quan trọng nhất là không gây tiếng ồn.

Jacques Fort, chuyên viên nghiên cứu về UAV của ONERA cho biết: “Một trong những yêu cầu mang tính quyết định của việc nghiên cứu chế tạo UAV là phải đáp ứng và cải tiến tối đa các nguyên lý về khí động học”. Chính mẫu mã và khối lượng của UAV có thể bị tác động bởi các cơn gió nhiều hơn các máy bay có người lái hay không có người lái thông thường.

Vì vậy các nhà chế tạo UAV đã phải chú trọng nghiên cứu về tác động không ổn định của không khí, như các xoáy khí, mà các UAV gặp phải khi bay, qua kỹ thuật tạo gió và tác động không ổn định của không khí trong buồng kín.

Kết luận rút ra từ các cuộc nghiên cứu đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Đó là xu hướng áp dụng phương pháp bay bằng nhịp đập của cánh như chim và côn trùng có nhiều ưu điểm hơn việc sử dụng cánh quạt để tạo lực đẩy cho các UAV.

Chuyên viên Jacques Fort cho biết: “Chính việc áp dụng kiểu bay theo nhịp đập của cánh chim hay côn trùng sẽ giúp cho chế độ bay của UAV được ổn định hơn”. Một trở ngại khác của việc chế tạo và đưa UAV vào sử dụng là năng lượng. Nếu sử dụng loại bình điện thế hệ lithium-ion như hiện nay thì thời gian để một UAV có thể bay trên không là không quá 45 phút, trong khi yêu cầu hoạt động của UAV phải từ 60 phút trở lên. Để khắc phục trở ngại này, các nhà nghiên cứu đã đề xuất biện pháp sử dụng pin năng lượng để tạo năng lượng hoạt động cho UAV.

Về chế độ bay có hai loại xu hướng là điều khiển từ xa và bay tự động theo một chương trình đã được lập trình từ trước. Để tránh cho các UAV không va chạm vào các chướng ngại vật như trần nhà, cột, đèn, cây cối... các nhà nghiên cứu của Ủy ban Khoa học quốc gia Pháp (CNRS) đã chế tạo thế hệ UAV Satoorn.

Đây là một thiết bị bay bằng cánh quạt siêu nhỏ được lắp đặt camera ghi hình nối liền với một “bộ óc” điện tử nhằm phát hiện để tránh các chướng ngại vật xuất hiện trên đường bay. Tốc độ của các chướng ngại vật tăng cao đồng nghĩa với việc chướng ngại vật có nguy cơ va vào Satoorn, nhiệm vụ của “bộ óc” điện tử là phải phân tích để kịp thời xê dịch Satoorn ra khỏi chướng ngại vật.

Không những tự tránh được chướng ngại vật trên không, UAV Satoorn còn có thể ghi hình mọi cảnh vật dưới mặt đất nhờ một camera ghi hình tổng thể chỉ nặng có nửa gam rồi truyền hình ảnh qua sóng vô tuyến đến trung tâm cách đó 500 mét.

Theo đánh giá của DCA, Satoorn được xem là hình mẫu của thế hệ UAV trong tương lai có chức năng giám sát, kiểm tra mọi hoạt động tại các nơi công cộng như một hay nhiều nhân viên cảnh sát thực thụ

V.H. (Theo MiliPol)
.
.