Thiệt mạng do thi công ẩu tại công trình nhà thờ Ngọc Lâm

Thứ Năm, 31/01/2013, 14:05
3 người chết, hàng chục người bị thương vẫn đang phải điều trị tại bệnh viện là hậu quả khủng khiếp của vụ sập mái công trình nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Những ngày cuối năm này, một không khí tang thương bao trùm xóm đạo…

Ngày buồn ở xóm nhỏ

Những cơn mưa rả rích suốt buổi chiều 17/1 càng khiến không khí đau buồn bao trùm xóm đạo Ngọc Lâm. Trên con đường vào xóm, chúng tôi gặp rất nhiều người trên đầu quấn khăn tang bởi họ đều có họ hàng với 1 trong số 3 người xấu số vừa nằm xuống trong vụ tai nạn.

3 người tử vong là ông Bùi Văn Kế 48 tuổi, anh Phạm Văn Khương 36 tuổi và anh Đặng Văn Biên 32 tuổi, đều trú ở xóm Ngọc Lâm và chỉ là người đến tham gia phụ giúp việc đổ mái nhà thờ chứ không phải thợ xây.

Trong số ấy hoàn cảnh nhất là gia đình anh Đặng Văn Biên. Theo đoàn người đến viếng anh Biên không khỏi ái ngại khi nhìn cảnh trong ngôi nhà vừa mới xây xong còn chưa kịp quét sơn cũng chẳng thấy có thứ đồ vật nào đáng giá, vợ anh Biên cứ ngồi rũ bên quan tài chồng, chị đang có mang đứa thứ hai, ngồi bên mẹ, đứa con trai nhỏ cứ ngơ ngác ngước nhìn mọi người. Cuộc sống vốn đã khó khăn và chỉ trông vào anh, giờ đây vắng bàn tay người đàn ông, không biết mẹ con chị sẽ phải xoay sở thế nào?

Cách nhà anh Biên vài chục mét là nhà ông Bùi Văn Kế. Đứng trước cổng nhà ông Kế, bà Nguyễn Thị Hợi vẫn chưa hết thảng thốt khi nhắc tới cái giây phút khủng khiếp khi tận mắt chứng kiến cả mảng mái bê tông đổ sập xuống. Theo lời bà Hợi thì công trình nhà thờ đã khởi công xây từ cách đây 1 năm. Đã từ nhiều năm nay, tất cả mọi người đều có tâm nguyện xây lại nhà thờ khang trang để có chỗ sinh hoạt tín ngưỡng, nhưng cũng do kinh tế khó khăn vì xóm có tới mấy trăm hộ nhưng chẳng có mấy người khá giả bởi chỉ sinh sống bằng nghề nông.

Cách đây 1 năm, sau khi tất cả các gia đình cùng tham gia đóng góp, công trình mới bắt đầu được xây dựng. Vì thế khi được thông báo sáng 17/1 đổ mái, tất cả các gia đình trong xóm đều cử người tham gia bởi  mọi người đều coi việc xây nhà thờ là việc chung của cả xóm. "Tôi già cả, lại là đàn bà nên chẳng thể tham gia việc nặng nhưng cũng ra tham gia việc đun nước cho mọi người. Hơn 8 giờ công việc mới bắt đầu, khoảng 100 người và 7 máy trộn bê tông tham gia việc đổ mái. Làm được chừng hơn 1 tiếng, khi mới đổ được khoảng 1/4 mái nhà thì bỗng nghe rầm một tiếng, cả cái mái nhà mấy trăm mét vuông đổ sập xuống, mấy chục người đang làm trên mái rơi xuống lẫn trong đám bê tông, sắt thép, cây que".

Hiện trường vụ sập.

Còn bà Nguyễn Thị Tin kể rằng, thời điểm ấy trời mưa khá nặng hạt, bà đang ở dưới sân lấy vữa để xách lên cho thợ đổ mái thì bất ngờ mái đổ ập xuống. Hơn 20 thanh niên nằm la liệt tại sàn nhà, dưới là cát sỏi, bê tông, có người ngất, rất nhiều người chảy máu. Trong số những người bị thương có anh Phạm Văn Khoang, con trai bà Tin, đang phải nằm điều trị tại khoa Hồi sức sau cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Thái Nguyên. Anh Khoang nhập viện trong tình trạng chấn thương xương khớp, tai trái chảy nhiều máu do bị thép đổ rầm mái sượt qua.

Cũng có mặt tại hiện trường từ đầu, ông Bùi Bảo Vũ cũng bàng hoàng nhắc lại cái giây phút khủng khiếp khi mấy chục con người bỗng nhiên rơi xuống và bị vùi lấp giữa đống sắt thép, bê tông, cốt pha. "Lúc đầu, mọi người có mặt đều choáng váng nên phải mất vài phút tất cả mới bừng tỉnh và lao vào cứu hộ. Bới được người nào ra là cho lên xe máy chạy tắt qua cầu phao đưa đi bệnh viện, người thì bị cốt pha đè gãy chân, người thì bị bê tông đổ kín người. Các anh Công an là những người đầu tiên đến tham gia cứu nạn. Khoảng 30 phút sau thì xe cấp cứu của các bệnh viện đến tham gia cứu nạn".

Nằm trên giường bệnh, anh Nguyễn Minh Khảm, một nạn nhân bị gãy chân trong vụ tai nạn cho biết lúc xảy ra sự cố, anh đang làm trên đỉnh mái nhà thờ cách mặt đất khoảng hơn 10 mét thì thấy toàn bộ phần mái dưới chân sập xuống rồi bị ngã văng ra bên rìa công trình.

Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, từ 10 giờ sáng đã tiếp nhận hàng chục bệnh nhân nhập viện cấp cứu. Một số người bị đa chấn thương ở vùng đầu, chân, tay… Do phải cấp cứu lượng bệnh nhân quá lớn nên Ban Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã trực tiếp xuống chỉ đạo, đồng thời huy động khoảng 200 y, bác sĩ cùng hàng trăm sinh viên thực tập làm công tác sơ, cấp cứu và hỗ trợ bệnh nhân.

Trong vụ tai nạn, ngoài 3 người đã tử vong thì còn 38 người đang được cấp cứu, điều trị tại các bệnh viện.

Ngay trong ngày 17/1, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và huyện Đồng Hỷ đã đến thăm các nạn nhân và có hỗ trợ ban đầu. Tỉnh đã hỗ trợ mỗi gia đình có người bị chết 5 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng; huyện Đồng Hỷ hỗ trợ 4,5 triệu đồng cho gia đình có người bị chết, 1,5 triệu đồng cho gia đình có người bị thương; Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ có người bị chết và 1 triệu đồng/hộ có người bị thương.

Lực lượng Công an có mặt từ rất sớm tham gia cứu hộ, cứu nạn.

UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ dụng cụ, thuốc men, phương tiện, y bác sĩ đảm bảo sơ, cấp cứu người bị nạn; phối hợp với Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Đại học Y; chỉ đạo Bệnh viện A và các đơn vị liên quan trực thuộc Sở tập trung cấp cứu người bị thương được đưa vào các bệnh viện. Đồng thời yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai các biện pháp cứu trợ lương thực, thực phẩm và các chính sách xã hội cho các gia đình có người chết, bị thương trong vụ tai nạn.

Vì sao bị sập?

Nằm trên đỉnh một quả đồi, xung quanh là nhà dân, nhà thờ giáo họ Ngọc Lâm được xây dựng trên mặt bằng khoảng 300m2. Sau khi xảy ra tai nạn, toàn bộ cốt pha, sắt thép sập xuống đã được thu dọn ra bên ngoài. Tuy nhiên trên 4 bức tường, vẫn còn những mảng cốt thép dính lại. Trên nền vẫn còn từng đống bê tông lẫn với đất.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, việc để xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng này có thể do lỗi thi công. Bởi tại phần mái đã đổ trên tầng hai, những cây chống cốt pha được ghép bằng những cây tre, gỗ  nhìn khá sơ sài. Vì vậy rất có thể nguyên nhân để xảy ra vụ sập này là do cây chống không chịu nổi sức nặng của cả mái bê tông cốt thép.

Hiện UBND tỉnh Thái Nguyên đã có công văn yêu cầu các cơ quan chức năng của Công an tỉnh và Sở Xây dựng và những đơn vị có liên quan sẽ điều tra, xác minh nguyên nhân xảy ra tai nạn, nhất là kiểm tra quy trình xây dựng và công tác bảo đảm an toàn trong xây dựng

Nguyễn Thiêm
.
.