Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ: Đi tim những ẩn số

Thứ Tư, 12/02/2014, 16:15

Ông có vẻ ngoài thảnh thơi, đủng đỉnh với nụ cười tủm tỉm trên môi, nhưng thật khó "nhìn mặt mà bắt hình dong" bởi vì bên trong con người ấy là cả một "kho tàng" những câu chuyện bí ẩn về một thế hệ và những nỗi đau, nỗi vất vả về cuộc sống riêng tư chưa bao giờ hé lộ. Chỉ khi người ta lật giở từng trang sách, từng vần thơ trong số gần 20 đầu sách ông đã xuất bản, thì mới hiểu rằng, hóa ra có những nỗi niềm trầm tích trong phận người đã làm nên những ẩn số biết nói… Nhân dịp đầu xuân mới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ.

Phóng viên (PV): Thưa Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ, vừa chạm năm Giáp Ngọ 2014 ông đã kịp trình làng cuốn ký sự nhân vật dày gần 300 trang với tên gọi "Những người ở ngôi nhà mật", một cuốn sách gợi lên rất nhiều điều bí ẩn. Ông có thể chia sẻ đôi điều về cuốn sách còn thơm mùi mực này?

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ: Cách đây 3 năm, tôi đã in cuốn "Bí ẩn của ký ức" trong đó có khắc họa 20 chân dung nhân vật những người đồng chí, đồng đội, những bậc thầy của tôi, tập trung ở hai lực lượng tình báo và an ninh. Trong bước đường trên 40 năm công tác tôi còn gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều người mà cuốn "Bí ẩn của ký ức" chưa chuyển tải hết được, nên tôi đã in cuốn thứ hai "Những người ở ngôi nhà mật", trong đó có những người tôi đã từng gặp, sống và chiến đấu cùng họ nhưng có những người trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam tôi chỉ biết họ qua tài liệu từ Cụm tình báo H67 vì họ hoạt động trong nội thành. Đó là những người đã lập nhiều chiến công cho lực lượng tình báo quốc phòng, an ninh mà sách báo chưa đề cập tới hoặc có đề cập nhưng có những chi tiết chưa chính xác.

Ví dụ chuyện về vị tướng tình báo hai vợ Đặng Trần Đức (tức Ba Quốc). Chính tôi là người được đoàn tình báo J22 (tình báo miền Nam) giao nhiệm vụ đưa đồng chí Ba Quốc từ căn cứ Lộc Ninh ra Hà Nội báo cáo với Trung ương về chính quyền Sài Gòn, đặc biệt là lực lượng thứ 3 vào tháng 1/1975; như trường hợp đồng chí Bảy Khiêm, nguyên Giám đốc công an tỉnh Bình Trị Thiên, người đã được báo chí đề cập nhiều lần, nhưng với tôi vẫn còn nhiều điều bí ẩn về người lãnh đạo an ninh của miền Trung Nam Bộ mà những bài báo viết về ông chưa đề cập tới, nhất là vai trò của ông trong công tác đấu tranh chống bọn phản động sau khi miền Nam giải phóng; như trường hợp Thiếu tướng Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí), nguyên Đoàn trưởng Đoàn tình báo J22, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo chiến lược H67, đơn vị anh hùng mà tôi đã gắn bó trên 6 năm. Ông nguyên là một điệp viên "gạo cội" của H67 đã từng là Trung úy Tổng nha Cảnh sát Quốc gia, thuộc chính quyền Sài Gòn trước đây. Ông đã xây dựng nhiều điệp viên vào những vị trí quan trọng trong Quốc hội Sài Gòn, trong Bộ Tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa mà báo chí chưa đề cập tới…

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ.

PV: Thực ra, các nhà báo không phải ai cũng nắm rõ được ngọn ngành những câu chuyện, những con người nằm trong dòng chảy lịch sử ngành an ninh, tình báo, như Thiếu tướng, một người trong cuộc… Vì vậy, cần phải viết ra, nói ra thì hậu thế mới có thể được lĩnh hội trọn vẹn về một con người!

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ: Có thể nói trong hơn 32 năm công tác trong Lực lượng Công an, cũng là chừng đó thời gian tôi công tác ở Tổng cục An ninh thuộc lực lượng Bảo vệ an ninh chính trị nội bộ các cơ quan Trung ương và an ninh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa (Cục A25) nay là A83. Vì vậy, tôi may mắn được tiếp xúc, quan hệ với nhiều cán bộ lãnh đạo các cơ quan ban ngành, nhiều trí thức, văn nghệ sĩ, được tới tất cả các địa phương trong cả nước, được trực tiếp làm việc với nhiều người, họ đã để lại nhiều dấu ấn trong tôi về tinh thần chiến đấu, công tác, phẩm chất đạo đức, lối sống…

Ví dụ trường hợp đồng chí Cục phó Cục Quản lý trại giam, là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, suốt cuộc đời gắn bó với công tác cải tạo phạm nhân, ông đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với lực lượng công an, đặc biệt là đối với những cán bộ V26. Ông đã có 6 năm công tác giúp bạn Campuchia trong giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất. Dù như thế, ông là một cán bộ liêm khiết, bây giờ về hưu sống cuộc sống đạm bạc, may mà có một người vợ tần tảo, gánh vác công việc gia đình, nuôi 3 con ăn học và đều trở thành sinh viên đại học…

Hay như trường hợp Đại tá Trần Mỹ, nguyên Cục phó A25, hơn 10 năm tôi gắn bó với ông, ông đã để lại trong tôi nhiều tình cảm sâu sắc về đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm trong công tác, nhiều bài học sâu sắc về nghiệp vụ an ninh. Ông là người  thầy của tôi về những chuyên án lớn khi ông là truởng phòng chống các hoạt động phá hoại tư tưởng của địch, là người thầy về các chuyên án mới, như chống văn hóa phản động đồi trụy xâm nhập từ bên ngoài vào, chống hoạt động câu móc của bọn phản động từ nước ngoài vào nội bộ ta, đặc biệt là với trí thức văn nghệ sĩ…

Tôi có những kỷ niệm gắn bó với đồng đội, đồng chí và cán bộ chỉ huy trực tiếp ở chiến trường miền Nam, tôi đã thể hiện trên nhiều tác phẩm, nhưng sâu sắc nhất trong đó có thể nhắc tới trường hợp Phó cục trưởng Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu Nguyễn Như Văn (Tư Văn) và sau này ông đã trở thành Trung tướng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng. Thời ở chiến trường, anh em miền Bắc chúng tôi rất ít vì vậy ông rất quý và thương chúng tôi, chỉ bảo cặn kẽ từ công tác chuyên môn cho tới cách tránh né địch để bảo toàn lực lượng, đồng thời, ông là một cán bộ quan tâm sâu sắc tới quần chúng, gắn bó với chiến sĩ.

Một điều tôi không ngờ tới cuối năm 1971, khi truyện ngắn "Cu Tèo và cái giàn thun", tác phẩm đầu tay của tôi in trên Văn nghệ Quân giải phóng, đó là truyện ngắn tôi viết ở miền Đông Nam Bộ kể lại chuyện em bé hơn 10 tuổi với mưu trí đã dùng chiếc súng cao su để lừa tên lính Mỹ gác ở lô cao su thuộc Chánh Lưu, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã cướp súng, tiêu diệt tên Mỹ và đem súng về tặng du kích xã.

Cảm xúc lớn nhất trong tôi ở chiến trường miền Nam không phải chỉ có quân và dân đánh giặc mà tuổi trẻ Việt Nam cũng căm thù giặc, mưu trí chiến đấu. Chú bé đó là cháu của Huyện đội trưởng huyện Bến Cát, anh Hai Hùng. Bố mẹ của Tèo bị chết do bom Mỹ. Khi tác phẩm được in, ông đã viết cho tôi một lá thư từ trung tâm gửi về Bến Tre động viên khích lệ tôi, góp ý những chi tiết trong truyện ngắn.

Mở đầu lá thư ông ghi: "Thân gửi ông "mặt trời", chẳng là bút danh của tôi là Thái Dương" và cuối thư ông ghi thêm: "Nôm na góp ý đôi nhời/ Mong rằng ông bạn Mặt trời cảm thông". Ký tên người dọn vườn "Tư Sói"; đó là Cụm trưởng H67 Lê Văn Vĩnh, ông là linh hồn của Cụm tình báo H67 chúng tôi đã cùng ông Sáu Trí, Năm Tuyến, Tám Thanh, Năm Phương xây dựng H67 thành đơn vị anh hùng của ngành tình báo quân sự. Dũng cảm, mưu trí, xông xáo, ông đã nhiều lần đột nhập vào Sài Gòn, cùng điệp viên Ba Lễ điều tra nghiên cứu nhiều mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn như: Bộ Tổng tham mưu, Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia, Nha Cảnh sát Đô thành, Phủ Đặc ủy trung uơng tình báo, Chi khu Hóc Môn, sân bay Tân Sơn Nhất… Trước những nhân vật như thế, là người cầm bút, nếu không viết về họ, tôi cảm thấy có lỗi với đời…--PageBreak--

PV: Cục A83, trong những chức năng mà Thiếu tướng vừa nói, ngoài bảo vệ an ninh chính trị nội bộ của các cơ quan Trung ương, còn có chức năng bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng, trong đó có phần liên quan bảo vệ trí thức văn nghệ sĩ. Vậy Thiếu tướng có những câu chuyện "khó xử" nào đối với văn nghệ sĩ với tư cách vừa là một Cục trưởng, vừa là một nhà văn?

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ: Về chức năng bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng cố nhiên trong đó có chức năng bảo vệ đội ngũ văn nghệ sĩ. Rất cảm ơn nhà báo đã đề cập tới một vấn đề "nhạy cảm". Đó là điều tôi vẫn day dứt từ nhiều năm nay bởi cũng có ý kiến cho rằng, bảo vệ văn hóa tư tưởng là "bới lông tìm vết". Thực ra chức năng của Cơ quan an ninh là chống kẻ địch hoạt động phá hoại lĩnh vực tư tưởng văn hóa, bảo vệ lãnh đạo các cấp, bảo vệ trí thức, văn nghệ sĩ.

Có những tác phẩm văn học phản ánh hiện thực cuộc sống, nhưng kẻ địch đã xuyên tạc, kích động, "bơm" lên thành hiện tượng chống đối. Có một số tác phẩm văn học: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch bản sân khấu, điện ảnh... mà tác giả của nó đã mang "nỗi oan" vì hoạt động trên của địch. Thậm chí có những trường hợp mà một số địa phương đã "xử lý" tác giả vì những dư luận trên.

Có một nhà thơ, địa phương đã căn cứ vào tác phẩm để xử lý kỷ luật, chúng tôi đã phối hợp với Hội Nhà văn, với một số cơ quan chức năng của Trung ương góp phần giải tỏa những vướng mắc về tư tưởng của nhà thơ đó bằng việc địa phương đã trả lại hoạt động văn học bình thường cho tác giả. Tuy làm Cục truởng An ninh nhưng tôi là một nhà thơ, nhà văn nên tôi cũng mang nhiều nỗi niềm và sự đồng cảm với người cầm bút.

PV: Có thể nói Thiếu tướng là nhà văn trưởng thành từ trong khói lửa chiến tranh, và vùng đất ông gắn bó là chiến trường miền Nam, đặc biệt là với quê dừa Đồng Khởi Bến Tre, mảnh đất anh hùng nhưng rất ít được đề cập trong các tác phẩm đương đại. Trong ký ức của mình, vùng đất ấy với ông hẳn có nhiều kỷ niệm?

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ: Chị hỏi đúng vào nỗi day dứt của tôi, người lính sau chiến tranh. Hình như những năm tháng gần đây, những người cầm bút ít hoặc chưa đề cập nhiều tới vùng đất máu lửa một thời đã đi vào văn thơ nhạc họa. Đối với tôi nếu như không có 10 năm chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ mà trong đó có 5 năm bám trụ tại quê dừa Đồng Khởi Bến Tre thì chưa chắc tôi đã trở thành nhà văn.

Sách của nhà văn Khổng Minh Dụ.

Hình như mỗi nhà văn đều có miền quê văn học của mình. Với tôi, chiến trường Nam Bộ nói chung và chiến trường Bến Tre là miền quê văn học của mình. Vì vậy, với Bến Tre tôi đã có riêng một tập truyện ký với tên gọi "Miền quê yêu dấu": từ "Ông già tiếng hú ven đồng", một ông già mù giặc càn quét gom vào ấp chiến lược nhưng ông vẫn kiên quyết bám trụ lại ven đồng xã An Phước, huyện Châu Thành để làm chỗ dựa cho du kích mỗi khi giặc càn vào căn cứ.

Ông là người chuyên đi mai táng cho anh em chiến sĩ; tới những em nhỏ cũng tham gia đánh giặc qua những truyện ngắn "Cỏ trong rào bót" tới những hoạt động đấu tranh chính trị của đội quân tóc dài qua truyện ngắn "Vùng tử địa" - viết về chị Năm Đời, Bí thư Chi bộ xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm, Bến Tre đã lãnh đạo phong trào địa phương dẫn đầu đội quân tóc dài lên tỉnh đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ chống càn quét, bắt lính, chống gom dân vào ấp chiến lược…

Khi bị địch bắt, ép phải đưa về căn cứ bí mật của chi bộ, chị đã dẫn bọn lính vào ngay khu có cắm biển "tử địa" là nơi gài mìn của du kích, bọn lính chết và bị thương rất nhiều, bản thân chị cũng bị thương khá nặng… Tất cả những hình ảnh đó đã thôi thúc tôi cầm bút và truyện ngắn "Vùng tử địa" đã được giải thưởng của Văn nghệ Quân giải phóng năm 1972.

PV: Được biết, ngoài viết văn xuôi ông còn sáng tác thơ và đã có 5 tập thơ riêng với rất nhiều cảm xúc. Duyên cớ nào mà khiến một nguời phụ trách công tác bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng… lại có tâm hồn thi sĩ đến vậy?

Thiếu tướng, nhà văn Khổng Minh Dụ: Thơ là rung động của tâm hồn, có những điều văn xuôi không nói được, dẫu làm công tác an ninh, tình báo tôi coi đó là cái nghề trong cuộc đời cách mạng của mình, nhưng văn và thơ lại là cái nghiệp. Có lẽ dẫu làm gì tôi cũng gắn bó với hai lĩnh vực này. Sau 10 năm chinh chiến trở về, ngoài việc tập trung cho công tác tôi còn có trách nhiệm riêng phải lo cho gia đình rất nặng nề, vợ dạy học từ Yên Bái chuyển về Hà Nội, ít năm sau bị tai biến nặng, lúc đó con trai thứ hai của tôi đang học cấp hai, 14 năm tôi vừa là một cán bộ mẫn cán, vừa phải làm nhiệm vụ của một người cha, người mẹ, của một thầy thuốc, một hộ lý chăm sóc người vợ bị liệt não 14 năm không đi, không nói. Vì thế tôi rất đồng cảm với nhiều cảnh đời bất hạnh, thơ từ đấy mà sinh ra.

Dù tôi  yêu thơ từ thuở bé nhưng với cuộc sống như thế thì không thể không có những nỗi niềm, thơ đã cứu rỗi tâm hồn mình trong những lúc tận cùng của nỗi đau: “Cái nghiệp văn chương là thế/ Số phận nhân gian số phận mình/ Ước chi mãi được là con trẻ/ Để khỏi đau đời, đau kiếp văn”…

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng và chúc ông năm mới an lành! Chúc nhà văn, nhà thơ với hai màu áo lính bút lực dồi dào, cống hiến cho bạn đọc nhiều tác phẩm mới

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.