Thịt nhân tạo cho tương lai
Vừa qua, trên trang khoa học của báo Le Monde, có một bài viết đề cập đến việc nghiên cứu sản xuất thịt nhân tạo. Theo đó, Hiệp hội bảo vệ động vật (People for the Ethical Treatment of Animal - viết tắt là PETA) sẽ thưởng 1 triệu USD cho nhóm nghiên cứu nào chế tạo ra thịt gà đầu tiên, hạn cuối là ngày 30/6/2012.
Đây không phải là lần đầu tiên con người nghĩ đến vấn đề này. Năm 1943, nhà văn René Barjavel trong tác phẩm "Sự tàn phá", đã mơ tưởng: "Không còn kỹ nghệ chăn nuôi với những con vật được vỗ béo rồi đưa vào lò sát sinh. Thịt sẽ được sản xuất hàng loạt dưới sự điều khiển của các nhà hóa học"...
Bây giờ, giấc mơ ấy đã từ tiểu thuyết viễn tưởng bước vào phòng thí nghiệm. Với giải thưởng 1 triệu USD, PETA hy vọng "Thịt nhân tạo có thể chấm dứt nỗi đau của hàng tỉ con vật trong lò mổ". Tuy nhiên, hạn cuối đã cận kề mà xem ra còn lâu các nhà nghiên cứu mới bước qua được giai đoạn thử nghiệm. Vì vậy, có lẽ PETA sẽ phải dời lại thời hạn lâu hơn để khuyến khích sự tìm tòi.
Ngay từ đầu những năm 2000, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), đã có dự án tổng hợp thịt nhân tạo từ tế bào cơ của con cá vàng để cung cấp cho các phi hành gia trong những chuyến bay dài ngày. Tại Hà Lan, nghiên cứu về thịt nhân tạo do nhà công nghiệp Willem Van Eelen khởi xướng từ năm 2004 đã được chính phủ tài trợ 2 triệu euro với sự cộng tác của ba trường đại học. Bản mẫu hamburger đầu tiên nuôi cấy trong ống nghiệm có thể được triển khai tại Đại học Maastricht từ nay đến tháng 11 tới, do nhóm của Giáo sư Mark Post thực hiện.
Bên cạnh đó, còn có những nghiên cứu của các nhà khoa học Nicholas Genovese ở Mỹ và Vladimir Mironov ở Brazil. Với việc dân số thế giới sẽ lên đến 9 tỉ người vào năm 2050, sản phẩm thay thế đạm động vật sẽ mở ra một thị trường đầy tiềm năng và hứa hẹn với các nhà đầu tư. Riêng những tổ chức bảo vệ súc vật thì đây là một hy vọng lớn. Không chỉ chấm dứt việc giết mổ súc vật, mà nó còn giải quyết được vấn đề sinh thái, giải phóng được đất đai trồng trọt, hạn chế vật nuôi thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính.
![]() |
Hamburger nhân tạo trong phòng thí nghiệm. |
Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Oxford và Amsterdam khẳng định, thịt nhân tạo sẽ giúp giảm được 99% diện tích đất sử dụng, và trên 78% khí thải. Tuy nhiên, chưa vội tin ngay vào những con số này vì quy trình công nghiệp hóa thịt nhân tạo vẫn chưa xác định được. Một nhà nghiên cứu cho biết, đúng là 70% đất canh tác được dùng để nuôi súc vật, nhưng một số loại đất chỉ có công dụng duy nhất là phục vụ ngành chăn nuôi trong lúc 1 hécta đồng cỏ hấp thu mỗi năm 500 kg khí carbonic.
Trở lại với giải thưởng 1 triệu USD của PETA, Giáo sư Mark Post, Hà Lan sẽ không nhận được món quà này vì ông không nghiên cứu về thịt gà, mà là thịt bò. Năm 2009, Mark Post đã nuôi cấy được một mẩu thịt nhỏ, bề ngang 8mm, dài 22mm và dày được 0,5mm. Ông sử dụng kỹ thuật kích điện để làm tăng trưởng các tế bào cơ.
Đến tháng 10/2011, ông đưa ra dự án Invitro Meat Project nhằm chế tạo hamburger. Trước hết, các tế bào gốc được trích xuất bằng phương pháp sinh thiết cổ điển từ cơ bắp của bò. Đây là các tế bào "vệ tinh" trong cơ, có thể tự sinh sản trong trường hợp bị thương tổn và như vậy, cần có môi trường nuôi cấy.
Rắc rối ở đây là: Để nuôi các tế bào, Mark Post phải dùng loại dịch chiết xuất từ thịt bê. Nhưng trong tương lai, nếu thịt bò nhân tạo được đưa ra tiêu thụ ở châu Âu thì sẽ vấp phải lệnh cấm sử dụng hóc-môn tăng trưởng. Vì thế, nhóm nghiên cứu của Mark Post quay sang hướng nuôi cấy tổng hợp, với dịch dinh dưỡng từ tảo.
Để biến các tế bào cơ thành dạng sợi, nhóm của Mark Post sử dụng một loại "khung" bằng polyme từ glucose, rồi kéo căng cho đến khi đạt được kích thước cần thiết. Hiệu quả của quy trình này lệ thuộc rất nhiều vào khả năng nhân rộng các tế bào gốc : Cứ 30 lần nhân lên tương ứng với 1 tỉ tế bào, thu được khoảng 100gam thịt. Tuy nhiên, Giáo sư Mark Post không hy vọng sẽ thương mại hóa thịt nhân tạo trước 15 năm tới bởi lẽ khó khăn chủ yếu mà nhóm của ông gặp phải là tối ưu hóa môi trường và các điều kiện nuôi cấy tế bào.
Theo nhà nghiên cứu Brigitte Picard thuộc Viện Quốc gia Nông học Pháp, thì thách thức nằm ở ngay định nghĩa "thế nào là thịt". Nó không đơn giản là các mô, cơ, mà việc phát triển tế bào có liên quan đến toàn bộ cơ thể. Cơ được tạo thành bởi các sợi cơ, nhưng bên cạnh đó còn có các mô liên kết, các tế bào mỡ, mạch máu, hệ thống thần kinh. Tất cả tạo nên sự đa dạng của miếng thịt.
Tiến trình sản xuất thịt nhân tạo hàng loạt trong tương lai cũng cần đến các chất kháng sinh, chất chống nấm. Nhà nghiên cứu Brigitte Picard nói: "Các tế bào gốc hết sức mong manh. Nếu không được xử lý sẽ không thể sống sót và phát triển. Vì vậy, thịt nhân tạo không phải là thịt sinh thái".
Nhưng dẫu sao, rất nhiều những phòng thí nghiệm trên khắp thế giới vẫn miệt mài với việc nghiên cứu để cho ra đời những tảng thịt bò, thịt gà và thậm chí thịt dê, cừu, cùng một số những loại thịt gia cầm khác bởi lẽ khi dân số thế giới lên đến 9 tỉ người, thì việc có miếng thịt trong bữa ăn hàng ngày sẽ chỉ còn là đặc quyền của một bộ phận nhỏ