Thời của thợ vẽ

Thứ Ba, 14/06/2016, 10:00
Một nhà sưu tập tranh ở Việt Nam có lần nhận xét: Thú chơi tranh của ta đang có vấn đề, họ chơi tranh như một sở thích thời thượng nhưng lại chơi tranh chép. Một sở thích rất ngược đời, không giống ai, trái với thú chơi tranh của nước ngoài, người ta chơi tranh gốc và coi đó là nghệ thuật, là tài sản có giá trị.

Tranh rẻ hơn... khung

Chừng chục năm trở lại đây, thị trường mua bán tranh sao chép ở TP. Hồ Chí Minh đã trở nên sôi động khác thường. Những gallery trên đường Đồng Khởi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Bùi Viện, Trần Phú… liên tục ra đời, tạo thành phố tranh định hình cho thị trường này.

Tuy vậy nhiều gallery làm ăn tử tế treo bảng “chỉ mua bán tranh chép” như một minh định cho đường lối kinh doanh của mình. Đừng nói đến du khách, tại những gallery này, bất cứ ai chỉ cần trong túi có đủ 500.000 đồng là có thể đường hoàng bước vào thế giới tranh chép, lựa chọn và sở hữu cho mình một bức tranh nhái của các danh họa như Leonnard de Vinci, Monet, Picasso…

Ngay cả họa sĩ (HS) chép tranh cũng phải thốt lên, rằng tranh của danh họa ở Việt Nam được xem là rẻ nhất thế giới! Có nhiều bức tranh rẻ hơn khung. Tất nhiên chúng là dòng tranh sao chép. Đây là điều mà thị trường tranh của Sài Gòn trước kia hầu như không có, HS Trần Lệ Tài nói.

Ngày trước người Sài Gòn không có thói quen chơi tranh chép mà chỉ chơi tranh gốc. Bởi vậy thị trường tranh hồi ấy bền vững và có giá, thu hút giới cầm cọ thực tài chuyên tâm sáng tác, HS Trần Lệ Tài khẳng định. 

Sau năm 1975, tranh của các HS Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận rộng rãi với nước ngoài và rất được ưa chuộng, bởi tay nghề của nhiều HS bước ra từ Trường Mỹ thuật Đông Dương đã được khẳng định. Nhưng rồi đứng trước sự dễ dãi của thị trường, thẩm mỹ của người chơi, nhiều HS đã lạm dụng để “sản xuất” ra hàng loạt tranh sao chép theo đơn đặt hàng, một thời trong giới mỹ thuật gọi là tranh “cứu đói”.

Tranh của một họa sĩ đương đại từng tham gia triển lãm tranh tại Hội Mỹ thuật TP HCM.

Một phần trong số những bức tranh này được xuất ra nước ngoài cùng với những bức tranh thật của những HS tên tuổi; số còn lại bán cho những nhà hàng, khách sạn… dùng để trang trí. Những bức tranh này đương nhiên không thể gọi là tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa, nó chỉ được xem là để phục vụ cho “thị trường phi nghệ thuật”.

Một HS nói rằng thời nay có nhiều “phú ông” cùng lúc sở hữu nhiều biệt thự đắt giá nhưng lại có sở thích chơi tranh chép. Trong cuộc đời hơn 40 năm cầm cọ, ông đã từng tiếp khá nhiều người gọi là yêu tranh, đến phòng tranh và chỉ vào catalogue, yêu cầu chép những bức tranh thật to để về treo cho đẹp, cho sang. Thú thật, chép tranh bán cho người lắm tiền nhưng có “gu” thẩm mỹ rẻ tiền này không cần đến sáng tạo nghệ thuật cao siêu vẫn đáp ứng được yêu cầu. Người mua được tranh cũng thích, thợ vẽ càng thích hơn vì bán được giá cao.

Họa sĩ ấy từng thốt lên rằng: Thế mới biết trong xã hội có nhiều người giàu có thật nhưng trong đầu họ không có chỗ cho cái đẹp! Đa phần họ thích chơi tranh sao chép, tranh nhân bản, một phần do giới hạn của nhận thức thẩm mỹ, phần còn lại chạy theo thói học đòi kiểu “phú ông tìm chữ”. Người chơi chỉ xem tranh như vật trang trí thông thường, không coi đó là tài sản có giá trị. Từ đó, tiêu chí chọn tranh của họ chỉ dựa vào quảng cáo, hoặc tên tuổi của HS đã được nhiều người nhắc đến chứ chưa thẩm định được giá trị mỹ thuật của bức tranh.

Trong Bộ luật dân sự về Quyền bảo hộ các tác phẩm nghệ thuật về hoạt động gallery qui định: “Bản sao chép phải có kích thước lớn hơn, hay nhỏ hơn tác phẩm gốc từ 3cm trở lên, phải giữ đúng nội dung, hình thức như tác phẩm gốc, phải có chữ ký của người sao chép dưới chữ ký tác giả”.

Thực tế các “chép tranh gia” chép theo yêu cầu khách hàng nên ít khi thực hiện đúng qui định. Họ vô tư chép và không màng để lại bút tích gì, thậm chí còn bán theo giá tranh thật và người mua đôi khi lầm lẫn.

Ra nước ngoài xem tranh kháng chiến

Đó là cảnh báo của Đại tá, HS lão thành Phạm Thành Tâm. Năm nay ông đã ngoài 80 tuổi, một trong số ít HS kháng chiến từng có tranh tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1958, khi đó ông tham gia duy nhất bức tranh “Điện Biên Phủ”.

HS Tâm nói trong cuộc triển lãm ấy ông đoạt giải 3, tiền thưởng đủ mua một chiếc xe đạp. Giải nhất về tay HS Nguyễn Hiêm (1917 - 1976), với tác phẩm “Trận Tầm Vu” và “Qua cầu khỉ”. Về sau HS Nguyễn Hiêm được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

HS Phạm Thành Tâm nói ông có gia tài lên đến mấy trăm bức tranh, đủ thể loại, ông cũng là người may mắn có mặt ở Sài Gòn trong những ngày đầu thống nhất đất nước, nên có điều kiện chứng kiến một Sài Gòn năng động và sau đó hội nhập rất nhanh, trong đó có thị trường tranh. Khi ấy có những họa sĩ rất nhanh nhạy, họ ra nước ngoài tìm hiểu thị trường mua bán tranh ra sao, các gallery cần tranh gì, kỹ thuật vẽ ra sao, chất liệu gì… rồi móc nối đưa tranh trong nước ra ngoài mua bán.

Tranh sơn dầu của các HS trẻ đương đại.

Nhiều HS trong giai đoạn này giàu lên rất nhanh, không phải giỏi bằng tài năng hội họa, mà giỏi bằng tài buôn bán. Họ gom những bức tranh ký họa, tranh kháng chiến mang ra nước ngoài bán đấu giá. Giới buôn tranh thao túng thị trường này nhiều năm; đến khi Nhà nước phát hiện thì một số lượng lớn tranh ký họa, tranh kháng chiến đã nằm trong tay một số nhà sưu tập tranh ở nước ngoài từ lâu. Đến nỗi nhiều HS tâm huyết với dòng tranh này bức xúc, lên tiếng: Nhà nước không chú ý thì sẽ đến lúc con cháu trong nước muốn xem tranh ký họa, tranh kháng chiến phải mua vé ra nước ngoài xem.

Đến lúc này các bảo tàng mới hốt hoảng đề nghị nhà nước mua lại một số tranh của HS kháng chiến còn sót lại.

Điển hình như bức tranh sơn mài Vườn xuân Bắc Trung Nam của bậc thầy hội họa Việt Nam là danh họa Nguyễn Gia Trí được UBND TP.HCM mua trong giai đoạn này. Hiện bức tranh được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Một cựu cán bộ của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho biết bức tranh mua vào thời điểm những năm 1980, nhưng có giá khoảng 500.000.000 đồng. Một mức giá được xem là kỷ lục khi ấy. Nhưng thực tế không ai dám công nhận giá đó là đắt hay rẻ, vì chưa có tổ chức chuyên thẩm định tranh, hơn nữa bức tranh sau khi vào bảo tàng đã được xem là bảo vật quốc gia thì lại càng không có cơ sở để định giá.

Theo sau bức tranh của danh họa này, nhiều HS kháng chiến được bảo tàng đặt vấn đề mua tranh của họ. Thấy tranh của mình được trưng trong bảo tàng, cảm thấy “thỏa mãn” nên nhiều HS không bán mà tặng cho bảo tàng.

Ngược lại, cũng có HS rất tâm huyết với nền hội họa nước nhà như HS Thái Hà (1922 – 2005), từng nổi tiếng với những bức tranh ký họa kháng chiến. Lúc bấy giờ ông bộc lộ ý định và được bảo tàng động viên sáng tác một bức tranh sơn mài “để đời”.

HS Phạm Thành Tâm kể, những năm cuối đời, HS Thái Hà dốc toàn tâm toàn sức, kể cả tiềm lực tài chính ít ỏi của gia đình để làm bức tranh sơn mài với hy vọng sau đó bảo tàng sẽ mua lại. Đến khi bức tranh hoàn chỉnh, bảo tàng làm lơ, và cũng chẳng tổ chức nào muốn mua. Thế là vỡ nợ.

Giới HS chân chính lúc ấy chia sẻ với tác giả bức tranh, bằng cái tâm họ mang bức tranh ra “mổ xẻ”, thì phát hiện một số “thành phần” được đề cập trong bức tranh “có vấn đề” nên khó có người đề xuất mua, nhất là khi mà bộ máy nhà nước còn nhiều kẻ cơ hội chỉ thích chọn những bức tranh “xu thời”, mua về “chưng” thì ít mà “nhập kho” thì nhiều. Điều này đã tác động tiêu cực không nhỏ đến nhiều HS tâm huyết, họ không còn tha thiết sáng tác gì nữa.

HS. Phạm Thành Tâm, người rất tâm huyết với nền nghệ thuật hội họa của nước nhà.

Sau khi HS Thái Hà mất, gia đình ông đã quyết định đem hết số tranh còn lại ra nước ngoài cất giữ với nhiều nỗi lo khác nhau: sợ bị trộm cắp, sợ bị sao chép...

Sau 41 năm giải phóng, những HS trưởng thành trong kháng chiến rất nhiều người đã mất. Theo HS Phạm Thành Tâm, đa số sống trong cảnh nghèo khó. Tuy vậy, ký họa kháng chiến, tranh kháng chiến vẫn tồn tại, vẫn còn nhiều người yêu thích – giống như nhạc tiền chiến vậy.

HS Phạm Thành Tâm cũng tỏ ra lo lắng cho các HS trẻ hiện nay, vì hầu hết trong số họ không đi theo sát công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, nên tranh của họ sau khi triển lãm vài hôm là đóng cửa, do ít người xem. Nhiều HS đổ thừa do trình độ nhận thức của công chúng còn hạn chế, trong khi Ban tổ chức báo cáo lên thì lại có người nghe về thành tích của cuộc triển lãm đó. 

HS Phạm Thành Tâm kể một câu chuyện vui mà ông đã có lần chứng kiến cách đây mấy năm. Số là trong một lần tham dự triển lãm, ông chứng kiến một cảnh thật đau lòng khi thấy cán bộ của một thành phố nọ đi xem triển lãm. Ông để ý thấy vị cán bộ nọ đi xem một chút thì đỏ mặt, ra về vì không hiểu. Bởi đó là cuộc triển lãm tranh khỏa thân...

Kỳ Phương
.
.