Thời trang Việt: Không thể đi lên với hình hài méo mó
- Liên tiếp xảy ra lùm xùm làng thời trang Việt
- Thời trang Việt: Nhập cuộc theo hướng mở
- Thời trang Việt ra với thế giới: Ước mơ xa xỉ
Chỉ có điều, thành tựu với thời trang Việt chưa hẳn nhiều, trong khi thị phi lại không ít.
Trăm hoa đua nở
Chưa bao giờ, thời trang Việt lại có nhiều chương trình, sự kiện rầm rộ như vài năm gần đây. Song song với hàng loạt chương trình chuyên sâu về thời trang ra đời, hàng loạt các cuộc thi đình đám về thiết kế, người mẫu phủ sóng truyền hình và cả các phương tiện thông tin đại chúng. Ngay khi cuộc thi “Siêu mẫu Việt Nam” giảm độ “hot”, lập tức “Người mẫu Việt Nam – Vietnams Next Top Model” soán ngôi trên sóng truyền hình. Không chỉ tạo sự chú ý bằng nhiều thay đổi mới lạ hơn, Vietnams Next Top Model cũng dẫn đầu về tần suất những chiêu trò “gây sốc”.
Tận dụng ưu thế của chương trình truyền hình thực tế, không ít những phát ngôn, ứng xử vượt ngoài ranh giới thông thường của các thí sinh được chuyển tải trên sóng, gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Những tiêu chí độc, lạ đúng cách “phá bỏ mọi giới hạn” cả về quy chuẩn thường thấy cả về hình thể của người mẫu những mùa thi sau đã thực sự trở thành một trong những chiêu thức quan trọng quyết định mức độ thu hút người xem của chương trình.
Chưa hết “ngợp” với Vietnams Next Top Model, khán giả truyền hình đã có ngay “Gương mặt thương hiệu – The Face” với bộ ba gương mặt “ăn khách” nhất được đặt cạnh nhau trên hàng ghế giám khảo: Hồ Ngọc Hà, Phạm Hương, Lan Khuê. Với các nhà thiết kế - lĩnh vực sáng tạo vốn được cho là cần sự trầm lắng với không gian lao động đặc thù cũng sôi động trên sóng truyền hình với Project run way Vietnam – Nhà thiết kế thời trang Việt Nam…
Hình ảnh biểu diễn trong Tuần lễ thời trang quốc tế Thu Đông 2016. |
Nhiều năm gần đây, sân chơi thời trang trong nước còn đặc biệt nhộn nhịp với sự kiện Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam mỗi năm cùng sự hiện diện của đông đảo nhà thiết kế tài năng, nhà thiết trẻ và cả những nhà thiết kế nổi tiếng trên thế giới. Sau 3 mùa tổ chức, từ TP Hồ Chí Minh, năm 2016, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam bắt đầu chinh phục khán giả thủ đô Hà Nội.
Ngay trong lần đầu tiên “ra quân” tại phía bắc bằng Tuần lễ thời trang Thu Đông 2016, sự kiện này đã để lại những dấu ấn khó phai. Con số 200 người mẫu chuyên nghiệp, hơn 800 bộ trang phục được thiết kế cầu kỳ và công phu của 24 nhà thiết kế, thương hiệu thời trang nổi tiếng trong nước và quốc tế được giới thiệu trong chương trình cùng hàng ngàn khán giả theo dõi mỗi đêm biểu diễn đã phần nào nói lên được quy mô của sự kiện.
Mới nhưng chưa hẳn đã… lạ
Sau những “sân chơi” rầm rộ ấy, không ít những nhân tố mới cho thời trang Việt được phát hiện, được trao những cơ hội đầu tiên để tỏa sáng hơn trên con đường sự nghiệp. Hàng loạt các gương mặt người mẫu “mới toanh” sau các cuộc thi bắt đầu những bước đi đầu tiên trên lĩnh vực thời trang cấp khu vực và thế giới: Hoàng Thùy, Kha Mỹ Vân, Mâu Thủy, Lê Thúy, Quỳnh Châu…
Việc sải bước trên sàn catwalk tại những kinh đô thời trang của thế giới: Paris (Pháp), London (Anh), Milan (Italia), New York (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản) đã không còn là giấc mơ quá xa vời với thế hệ người mẫu trẻ này.
Bà Đặng Phương Dung, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. |
Với các nhà thiết kế, sau cơ hội cọ xát, học hỏi, một số gương mặt trẻ cũng bắt đầu tìm vị trí cho mình trong lĩnh vực thời trang trong khu vực. Nếu thế hệ lớp anh chị như nhà thiết kế Minh Hạnh từng ghi dấu ấn bằng một số giải thưởng nhất định về thời trang thế giới thì lớp trẻ hơn như Nguyễn Công Trí, Hoàng Minh Hà đặt dấu ấn bằng việc trở thành thành viên chính thức của hiệp hội thời trang cao cấp Châu Á…
Ghi dấu ấn bằng những thành công nhất định nhưng so với tiềm năng sẵn có, sự phát triển của thời trang Việt vẫn còn rất khiêm tốn. Đến Việt Nam tham gia Tuần lễ thời trang quốc tế Thu Đông 2016 mới đây, nhà thiết kế thời trang Hàn Quốc, Chung Chung Lee chia sẻ rằng, trước khi nhận lời mời đến tham gia sự kiện này, anh chưa hề biết đến thời trang Việt Nam.
Chung Chung Lee là con trai của một nhà thiết kế thời trang nổi tiếng hàng nhất, nhì Hàn Quốc và là một trong số các nhà thiết kế trẻ tài năng, từng giành nhiều giải thưởng danh giá, lại là chủ một thương hiệu có uy tín tại Hàn Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới. Về tuổi đời, anh tương đối ngang hàng với các nhà thiết kế trẻ tài năng của Việt Nam. Nhưng, việc một nhà thiết kế kiêm doanh nghiệp nổi tiếng của quốc gia ngay trong khu vực còn hoàn toàn lạ lẫm trước thời trang Việt cũng phần nào chứng tỏ dấu ấn của thời trang Việt trong khu vực và quốc tế còn nhỏ bé đến nhường nào.
Chuyên gia thời trang người Pháp, ông Jean Paul Cauvin, giám đốc học viện thời trang Atelier Chardon Savard Paris. |
Về thực tế phát triển của thời trang Việt, bà Đặng Phương Dung, nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, người đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề khẳng định: Công nghiệp thời trang vẫn đang trong giai đoạn hình thành. Nếu ví sự phát triển của thời trang như đường parabol thì thời trang Việt vẫn đang ở dưới đáy của parabol… Bởi, theo bà Dung thì Việt Nam đang thuộc top 6 trong khoảng 153 nước tham gia chuỗi cung ứng dệt may trên toàn thế giới.
Với khoảng 6.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng trên 2 triệu lao động, đứng thứ 2 về xuất khẩu trên cả nước, dệt may Việt Nam đang có vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sản phẩm hiện nay còn rất nhỏ vì thời trang chưa theo kịp dệt may.
Kha Mỹ Vân vừa tố công ty quản lý chèn ép và bị công ty tố ngược về thái độ làm việc không chuyên. |
Bà Đoàn Bích Ngọc, giám đốc của một trong số không nhiều thương hiệu thời trang của Việt Nam thành công trong nhiều năm trở lại đây cũng chia sẻ rất thật rằng việc tìm kiếm người thiết kế đáp ứng được yêu cầu của đơn vị không dễ. Nhiều nhà thiết kế được đào tạo bài bản trong nước… vẽ rất đẹp nhưng thiết kế sản phẩm vẫn không đạt yêu cầu.
Với những nhà thiết kế được đào tạo ở nước ngoài trở về, các mẫu thiết kế rất sáng tạo nhưng khó ứng dụng trong đời sống. Để phục vụ nhu cầu của chính mình, doanh nghiệp thường phải chọn giải pháp tuyển lao động về rồi đào luyện lại theo chủ đích của mình…
Không còn đường nào khác
Không ít chuyên gia có uy tín và hoạt động lâu năm trong ngành thời trang thế giới khi đến Việt Nam tham dự Tuần lễ thời trang quốc tế Thu Đông 2016 cũng từng nhận định, Việt Nam là một thị trường thời trang nhiều tiềm năng và thời trang Việt đang sở hữu nhiều lợi thế. Nhưng, để thực sự phát triển thành ngành công nghiệp thì thời trang Việt còn nhiều điều phải bàn.
Ông Nicolas Gregorieff, chuyên gia đến từ Pháp, người có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý, phát triển kinh doanh, chiến lược cho nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng chia sẻ rằng, để phát triển, việc thời trang Việt buộc phải nhập cuộc với xu hướng thời trang thế giới là bắt buộc. Ở đó, thời trang giống như một hệ sinh thái hoàn chỉnh, trong đó nguyên phụ liệu chỉ là một mắt xích. Cấu thành nên hệ sinh thái của thời trang không thể không kể đến các nhà thiết kế, doanh nhân, người mẫu…
Cũng đồng nhận định về thế mạnh của Việt Nam về mặt nguyên phụ liệu và thị trường thời trang nhiều tiềm năng, ông Jean Paul Cauvin, giám đốc điều hành thương hiệu Haute Couture Julien Fournier nổi tiếng thế giới cũng chia sẻ thẳng thắn rằng thời trang Việt Nam muốn “cất cánh” thì không thể không theo xu hướng thời trang quốc tế.
Nhưng, để thành công, nhà thiết kế, người làm thời trang cũng cần phải lựa chọn được đối tác phù hợp vì từ nguyên phụ liệu, sáng tạo tác phẩm cho đến việc đưa sản phẩm đến với người sử dụng còn cần đến rất nhiều khâu. Nếu muốn đưa thời trang vượt ra khỏi ranh giới quốc gia thì không thể không cần đến truyền thông quốc tế, đẩy mạnh truyền thông quốc tế…
Thực tế, truyền thông quốc tế cho các sự kiện, chương trình thời trang quy mô quốc tế là cần thiết nhưng truyền thông quốc tế rất có thể là con dao hai lưỡi, người sử dụng rất dễ “đứt tay” bởi những hạn chế của nội tại làng thời trang Việt. Chưa kể những vụ việc liên quan đến sao chép ý tưởng của người khác, biến thành “của nhà”, rất nhiều chương trình “đình đám” của thời trang Việt bị gắn liền với các vụ tai tiếng.
Hình ảnh biểu diễn trong Tuần lễ thời trang quốc tế Thu Đông 2016. |
Ngay “ngôi nhà thời trang” được cho là hoành tráng bậc nhất của Việt Nam hiện nay, đơn vị sản xuất hàng loạt các chương trình truyền hình cũng sự kiện thời trang lớn như Multimedia cũng liên tiếp dính không ít thị phi chỉ sau một thời gian không dài phủ sóng truyền thông trong nước. Hàng loạt các người mẫu trưởng thành từ cuộc thi Người mẫu Việt Nam – Vietnams Next Top Model, bước đầu có những thành công trong lĩnh vực thời trang quốc tế đã liên tiếp lên tiếng phản ứng bị chèn ép trong quá trình hợp tác với công ty quản lý sau cuộc thi.
Chỉ trong 1 tuần, từ 17-11 đến 24-11, công ty quản lý buộc phải đứng ra thanh minh đến 2 lần trước dư luận về ứng xử với các người mẫu từng trưởng thành từ chính “cái nôi” đào tạo do đơn vị xây dựng. Và, cũng để chứng minh công ty đúng, hàng loạt các bằng chứng được “trưng” ra: người mẫu tự ý vi phạm hợp đồng, làm việc không chuyên nghiệp… đã khiến không ít những hình ảnh đẹp với lớp áo lộng lẫy được cả đôi bên nỗ lực xây dựng suốt thời gian qua ít nhiều lem bẩn.
Những chuyện hậu trường không tốt đẹp của một sân chơi lớn nhất nhì của thời trang Việt bị phơi bày theo những tranh cãi gay gắt đến mức, đôi khi chỉ chuyển tải bằng đe dọa với những ngôn ngữ có phần ít văn hóa nhất được cho là của những người trong cuộc lan truyền trong cộng đồng mạng. Tất nhiên, những vụ tai tiếng như thế là chuyện chẳng đặng đừng; song lâu nay, đây lại là chuyện không phải hiếm.
Dư luận có thể không chắc chắn ai đúng ai sai, nhưng chắc chắn sau các vụ “lùm xùm” như thế, hình ảnh về một làng thời trang Việt còn chưa hoàn thiện sẽ bị méo mó hơn dưới con mắt của chính công chúng trong nước, chưa nói đến công chúng và người làm nghề ở các quốc gia phát triển khác. Sự thiếu hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau để cùng phát huy tiềm năng, tiến xa hơn trên con đường phát triển vẫn là một trong điểm yếu chưa dễ khắc phục trong một sớm một chiều của thời trang Việt.