Thời trang và làn sóng người mẫu chuyển giới

Thứ Ba, 12/12/2017, 16:47
Thế giới thời trang vốn không phải là nơi dành cho tất cả. Thế nhưng, đang có nhiều người chuyển giới quyết vượt mọi rào cản để bước chân lên sàn diễn, mang đến thay đổi được chờ đợi từ lâu đối với tính đa dạng của ngành biểu diễn thời trang.

Những gương mặt thay đổi sàn diễn

Cách đây không lâu, người mẫu chuyển giới Andreja Pejic đã khiến dư luận làng thời trang xôn xao khi trở thành người mẫu chuyển giới đầu tiên được ký hợp đồng với công ty người mẫu danh tiếng Ford. Chia sẻ về thành công, Pejic tâm sự với tạp chí Forbes: “Thật là tốt khi đi từ chỗ thậm chí còn không biết rằng liệu mình sẽ có tương lai trong ngành người mẫu hay không tới chỗ được hợp tác với một trong những tên tuổi lớn nhất ngành”.

Đó là thành tựu mới nhất trong một chuỗi thành công của Pejic, một ngôi sao thời trang tiên phong, một người mẫu bước chân vào nghề với tư cách là người mẫu lưỡng tính. “Cô” đã từng lên trang bìa của tạp chí Vogue Paris và sải bước trên sàn diễn trong những bộ trang phục của nhà thiết kế Pháp lừng danh Jean Paul Gaultier.

Kể từ khi phẫu thuật chuyển đổi giới tính năm 2014, Pejic đã trở thành người mẫu chuyển giới đầu tiên có mặt trên một trang bìa tạp chí thời trang. Pejic cũng là người mẫu chuyển giới đầu tiên có riêng một chiến dịch sắc đẹp lớn khi được trở thành gương mặt cho hãng mỹ phẩm Make Up For Ever hồi tháng 6/2015.

Mới tháng 9 năm nay, Pejic đã tham gia chương trình biểu diễn thời trang xuân/hè 2018 của nhà thiết kế Prabal Guring trong Tuần lễ thời trang New York, khép lại một mùa hè bận rộn với lịch chụp ảnh cho trang bìa tạp chí Glamour Tây Ban Nha và Harpers Bazaar Serbia.

Tuy nhiên, Pejic không phải là người mẫu chuyển giới duy nhất đẩy lùi rào cản trong môi trường thách thức, đầy khắc nghiệt của ngành thời trang. Hồi cuối tháng 10, tạp chí Playboy công bố người mẫu Pháp Ines Rau là “playmate” (tạm dịch: bạn chơi) chuyển giới đầu tiên của mình, bước khởi đầu để cô này xuất hiện trên chuyên mục ở vị trí centerfold (hai trang chính giữa tạp chí) quan trọng.

Playboy đã tận dụng Ines Rau để mang lại làn gió mới cho chính mình khi “chào hàng” bằng một bức ảnh đen trắng của Rau trong bộ đồ lót trên Instagram. Ines Rau lần đầu xuất hiện trên Playboy số ra tháng 5/2014 trong một bài nói về giới tính.

Trên tạp chí US Vogue số ra tháng 9, Chelsea Manning, một cựu quân nhân chuyển giới đã gây bão làng thời trang khi xuất hiện trên tạp chí này trong bộ đồ bơi màu đỏ. Bức ảnh do chính nhiếp ảnh gia huyền thoại Annie Leibovitz chụp.

Người mẫu chuyển giới Peche Di lập công ty người mẫu dành riêng cho những người giống mình.

Trong khi đó, tạp chí Vogue Paris đã trở thành tạp chí Pháp đầu tiên đăng ảnh người mẫu chuyển giới trên trang bìa. Đó là người mẫu Brazil Valentina Sampaio, người xuất hiện trên bìa số tháng 3.

Xa hơn nữa, đầu năm 2017, nhà hoạt động vì quyền của người chuyển giới và cũng là một người mẫu chuyển giới Hari Nef đã hâm nóng làng mẫu với vai chính trong chiến dịch của hãng mỹ phẩm LOreal Paris mang tên “Làn da của bạn, câu chuyện của bạn”.

Không chỉ ở sàn diễn phương Tây, tại làng mẫu châu Á, ngày càng xuất hiện nhiều tên tuổi người mẫu là người chuyển giới. Ví như ở Ấn Độ, nhiều “cô gái” đã được công nhận trong môi trường khắc nghiệt này. Anjali Lama là người mẫu từ Nepal và cô đã trở thành người đầu tiên thuộc giới tính “khác” bước lên sàn diễn trong Tuần lễ thời trang Lakme 2017.

Một ví dụ khác là Mona Varonica Campbell, người mẫu chuyển giới ngoại cỡ duy nhất ở Ấn Độ, người mới đây đã nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng rất lâu từ khán giả khi sải bước trong bộ trang phục của nhà thiết kế Wendell Rodricks cũng tại Tuần lễ thời trang Lakme 2017. Sinh ra với cơ thể là một cậu bé, Campbell mới 16 tuổi khi biết rằng bản thân là thiếu nữ chứ không phải đàn ông.

Ngay cả ở Pakistan, một nơi tưởng như không có chỗ cho người mẫu chuyển giới, cũng có một người vượt lên trên tất cả. Đó là Kami Sid 26 tuổi, người đã có bước ngoặt lớn trong năm 2017 với tư cách là người mẫu chuyển giới đầu tiên ở Pakistan. Cô đã xuất hiện trên tạp chí thời trang Libas ở Pakistan.

Có thể nói, năm 2017 là thời điểm khởi đầu mạnh mẽ giúp nhiều người mẫu chuyển giới khắp nơi gây dựng sự nghiệp trong làng thời trang. Tuy nhiên, họ vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải đấu tranh để ngành thời trang có thể chấp nhận sự bình đẳng và đa dạng về giới tính một cách dứt khoát.

Thân phận đặc biệt

Trong khi những gương mặt nói trên đã tìm được thành công thì đa số người mẫu chuyển giới vẫn tiếp tục phải đối diện một bức tường định kiến cao vời vợi.

Dusty Rose, cô gái chuyển giới 19 tuổi sinh ra và lớn lên ở bang miền nam bảo thủ Alabama của Mỹ, đã rất vui sướng khi phát hiện ra có một công ty người mẫu chỉ dành riêng cho người chuyển giới. Khi phát hiện ra điều đó, Rose đã tới New York để gặp những người giống như mình.

Ngay cả ở một nơi tự do như New York - nơi mà người chuyển giới được chấp nhận rộng rãi thì người mẫu chuyển giới cũng là một vấn đề. Trước khi phát hiện ra Trans Models - công ty người mẫu chuyển giới của Peche Di, Rose đã gửi hồ sơ đi nhiều công ty người mẫu nhưng đều vô vọng. Tất cả chỉ vì cô thành thật giới thiệu mình là một cô gái chuyển giới từ Alabama.

Khi nhận được hồ sơ của Rose, Peche Di, cũng là một người mẫu chuyển giới, đã ngay lập tức trấn an cô. Công ty của Peche Di là một trong những công ty người mẫu đầu tiên trên thế giới tập trung vào thị trường chuyển giới. 

Bản thân Peche Di đã vấp phải vô số khó khăn khi làm người mẫu chuyển giới. Có lần cô bị rút quảng cáo sau khi khách hàng phát hiện ra cô là người chuyển giới. Dù họ vẫn trả công cho quảng cáo cô đã đóng nhưng cô không bao giờ nhìn thấy sản phẩm cuối cùng. Peche nhận ra rằng có quá nhiều người như cô bị đối xử như vậy. Hầu như không ai muốn chụp ảnh người mẫu chuyển giới cả.

Từ trái qua phải: Pejic trên bìa tạp chí Vogue; Playmate chuyển giới đầu tiên của Playboy và Hari Nef trên sàn diễn.

Khi nhận thấy khó khăn đối với người mẫu chuyển giới, cô đã quyết tâm lập nên Trans Models ngày nay để bảo vệ những người mẫu chuyển giới khỏi sự phân biệt đối xử trong ngành, để đảm bảo họ được nhìn nhận và đối xử tôn trọng.

Nỗ lực hết sức của Peche Di đã dọn đường cho người mẫu chuyển giới khắp thế giới, không chỉ cho những người làm việc tại Trans Models mà còn cả những người mẫu tiềm năng đang chật vật trong ngành.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cánh cửa của ngành thời trang dành cho người mẫu chuyển gới trên thế giới không hẳn đã rộng mở, kể cả khi có những công ty như Trans Model hay những người như Peche Di. Một số người mẫu chuyển giới cho rằng một mặt những công ty như vậy tạo điều kiện cho người mẫu chuyển giới phát triển nhưng một mặt cũng khiến họ bị tách biệt với những người mẫu bình thường khác.

Ngoài ra, không phải công ty nào cũng thật tâm ủng hộ người mẫu chuyển giới khi tuyển dụng họ. Ranh giới giữa việc ủng hộ họ và sử dụng họ để nổi tiếng, kiếm tiền rất mong manh. Nhiều công ty kinh doanh mỹ phẩm đã chớp thời thế xu hướng và thuê người mẫu chuyển giới tham gia chiến dịch quảng bá và từ đó hốt bạc. Không phải ai cũng như ca sĩ Rihanna, người đã không muốn thuê người mẫu chuyển giới để quảng cáo cho dòng mỹ phẩm mới của công ty mình vì không định sử dụng họ làm công cụ tiếp thị và làm lợi cho bản thân.

Cô nói: “Tôi tôn trọng mọi phụ nữ. Dù họ là chuyển giới hay không thì cũng không phải là việc của tôi. Tôi nghĩ rằng sẽ không công bằng khi sử dụng phụ nữ hay đàn ông chuyển giới làm công cụ tiếp thị tiện dụng. Tôi đã thấy quá nhiều công ty làm điều này với người chuyển giới và phụ nữ da màu”.

Mối quan hệ bấp bênh của ngành thời trang với người mẫu chuyển giới cho thấy những đối tượng này vẫn không được những tư tưởng chính thống chấp nhận hoàn toàn. Không phải ai cũng thành công và nổi danh như Pejic hay Hari Nef. Không phải ai cũng xuất hiện trên Vouge hay Vanity Fair.

Ngay cả bản thân Pejic cũng thừa nhận rằng nếu một cô gái công khai mình là người chuyển giới, cô ấy sẽ đối diện với thực tế phũ phàng trong ngành người mẫu, nơi cô ấy sẽ dễ dàng bị gán mác “người khác” và bị đặt vào một cái hộp ngăn cách vô hình và cánh cửa làm người mẫu hiếm khi mở rộng.

Áp lực và định kiến

Theo người mẫu Hari Nef, là một người mẫu chuyển giới có nghĩa là bạn phải chịu đựng áp lực nhiều gấp bội so với những phụ nữ bình thường khác. Cô nói: “Rất khó để vừa một mẫu trang phục nữ khi xương bạn phát triển như đàn ông”.

Đó chỉ là một khó khăn. Người mẫu chuyển giới ArisceWanzer cho biết trong suốt 10 năm làm nghề này, cô đã gặp vô số công ty nói rằng họ đã có một người mẫu chuyển giới và không cần thêm ai nữa. Bị từ chối liên tục khiến Wanzer cảm thấy tức giận và mệt mỏi.

Khi đã có việc, cô cảm thấy bất công khi có đúng tiêu chuẩn sắc đẹp như những người mẫu khác nhưng lại không được giao công việc như vậy. Cô ít khi có cơ hội như những người mẫu khác chỉ vì là người chuyển giới. Cô nói: “Bạn làm việc chăm chỉ như những người mẫu khác nhưng bạn không được trao cùng cơ hội”.

Ở Mỹ, ước tính có 1,5 triệu người chuyển giới và phần lớn phải chịu phân biệt đối xử tràn lan. Theo khảo sát quốc gia về phân biệt đối xử với người chuyển giới thực hiện với gần 6.500 người chuyển giới, những người được hỏi đều cho biết họ bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Gần 20% cho biết họ bị từ chối cho thuê nhà. 47% bị sa thải, không được tuyển dụng hoặc không được thăng tiến vì tình trạng giới tính. Có tới 41% tìm cách tự tử, một tỷ lệ khá cao so với tỷ lệ 1,6% của dân số nói chung. Năm 2012, 53% nạn nhân bị giết thuộc cộng đồng đồng tính LGBT là phụ nữ chuyển giới.

Trong thực tế, nghề người mẫu là nghề duy nhất mà phụ nữ có thể kiếm nhiều tiền hơn nam giới. Năm 2014, người mẫu lương cao nhất thế giới Gisele Bundchen kiếm được khoảng 47 triệu USD trước thuế và phí.

So với thống kê về thu nhập của người mẫu nam của Forbes năm 2013, con số đó cao hơn nhiều. Nam người mẫu Sean OPry thuộc hàng kiếm tiền nhiều nhất cũng chỉ kiếm được 1,5 triệu USD.

Nhật Minh
.
.