Thời trang và sự đối kháng

Thứ Sáu, 21/12/2018, 13:22
Tạo mốt là thứ công việc mạo hiểm đầy rủi ro. Nó có thể khiến một nhà thiết kế thời trang đang từ vai trò “hoàng đế”, bỗng dưng rơi xuống vị trí… “phó thường dân” chưa biết chừng.

Nhưng dư luận chung đều đồng nhất với nhận định, rằng đứng trên đỉnh cao của kỹ nghệ mốt siêu tân kỳ không chỉ là một, mà có tới 2 nhà tạo mốt bậc thầy của sự duyên dáng, đều được giới đồng nghiệp tôn vinh qua danh hiệu “vua mốt” đầy trọng vọng. Đó là cặp công dân Italia gồm Gianni Versace (1946-1997) và Giorgio Armani. Chính nhờ họ mà Italia trở thành một trong những cường quốc hàng đầu hành tinh về thời trang.

Riêng G. Versace sau đó đã trở thành nạn nhân của sự cuồng tín thái quá - y như với nam ca sĩ gạo cội người Anh John Lennon (1940-1980) vào 2 thập niên trước đó, khi bị một kẻ ngưỡng mộ cố sát. Nhưng những người thừa kế, cũng như giới cộng sự thân cận vẫn tiếp tục duy trì sự nghiệp hiển hách mà G. Versace đã dày công xây dựng.

G. Versace và G. Armani là những đại diện tiêu biểu của nghề thiết kế thời trang, một bộ môn nghệ thuật vốn nổi danh về sự đối kháng giữa các cá nhân. Họ không do dự chấp nhận sự “tấn công” lẫn nhau vào bất cứ lúc nào. Ví như với các cuộc trình diễn mốt xuân - hè diễn ra đều đặn hàng năm tại Milan - “cái nôi thời trang” của Italia, cả 2 người đàn ông thiện nghệ đều quyết định giới thiệu các kiểu trang phục mới của mình trong cùng một thời khắc, nhưng lại được tổ chức ở 2 địa điểm cách xa nhau, khiến thế giới thời trang “phát điên lên” và đòi họ phải thay đổi quyết định.

Thoạt đầu cả 2 nhà tạo mốt gạo cội đều khăng khăng với điều đã quyết… Cuối cùng Versace chịu nhân nhượng, rằng ông sẽ cho ra mắt các kiểu dáng mới của mình một giờ trước cuộc trình diễn của Armani, diễn ra trên cùng một sàn catwalk duy nhất. Như vậy đủ để cho những ai “chết mê chết mệt vì mốt”, khỏi phải… chạy thục mạng từ đầu này tới đầu kia Milan vì sở thích của mình.

Nét chung khó phủ nhận giữa cặp “vua mốt” ngoài tài năng ra, là sự đối kháng lẫn nhau về mọi khía cạnh. Với sự thật là các kiểu dáng của Versace luôn được các siêu mẫu hàng đầu thế giới lăng xê; thì Armani chỉ còn biết nhấn mạnh: “Tôi muốn công chúng được mục kích mốt thời trang của tôi, chứ không phải là các… người mẫu!”.

Nhưng một điều hiển nhiên nữa mà ai cũng phải công nhận, là G. Armani luôn “nhô” hơn lên phía trước một chút so với G. Versace. Kiểu áo veston mềm và thoáng “dạng thể thao” của Armani, đã vượt qua mọi rào cản của thời trang cố hữu suốt nhiều thập niên nay, để luôn đạt được thành công rực rỡ. Những khách hàng trung thành với thương hiệu Armani luôn có thể khẳng định chắc chắn rằng, họ mang trên người thứ vải đẹp nhất và kiểu phục sức hoàn thiện nhất.

“Vua mốt” G. Versace lúc sinh thời.

G. Armani là chủ sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang khổng lồ phân bổ trên cả 5 châu lục, chưa kể nhiều cơ sở mới cũng đang được xúc tiến khai trương. Tổng doanh thu năm 2017 của thương hiệu Armani là 853 triệu USD, tăng 7% so với năm 2016. Trong bảng danh sách xếp hạng năm 2017 của Tạp chí Mỹ Forbes, G. Armani đứng thứ 2 trong Top 5 tỉ phú thời trang hàng đầu thế giới, cùng số tài sản tương đương 8,1 tỉ USD.

Nhưng thành công lớn nhất của “hoàng đế thời trang” Giorgio Armani, là mọi kiểu dáng thượng thặng tưởng như rất xa xỉ của ông đều tìm được đường đến với công chúng bình dân, trở thành thứ trang phục thiết yếu và tiện lợi hàng ngày. Kiểu phục sức tổng thể mới nhất mà nhà thiết kế gạo cội G. Armani, 84 tuổi, vừa tung ra là dạng trang phục thể thao dành cho giới khách hàng có thu nhập trung bình, được coi là “sự đa dạng tới ngỡ ngàng” theo đánh giá của giới phê bình thời trang quốc tế.

G. Armani thổ lộ là cho tới thời điểm giữa năm 2018 này, kiểu phục sức tổng thể mới đang bán rất chạy. Chỉ riêng 21 kiểu trong bộ tổng thể thời trang vĩ đại ấy, đã đem lại cho ông mức doanh số tới 50 triệu USD.

Cũng như người đồng hương G.Armani thành đạt, nhà tạo mẫu G. Versace lúc sinh thời luôn đứng vững trên đôi chân của mình trong làng mốt toàn cầu, bất chấp mọi biến cố lớn lao từng xảy đến. Trong người G. Versace chảy dòng máu của một nhà kinh doanh thời trang thuần túy ngay từ bé, khi phụ giúp mẹ là một thợ may lành nghề.

Năm 1978, Versace giới thiệu kiểu trang phục đầu tiên hoàn toàn bằng da nhân tạo. Giờ đây trên phục sức của nhiều siêu sao ca nhạc và điện ảnh đẳng cấp quốc tế như Elton John, Sting, hay Sylvester Stallone… công chúng dễ dàng nhận thấy nhãn hiệu “Versace” ngạo nghễ, khẳng định tính bất hủ cho dù nhà tạo mẫu tên tuổi đã quá cố.

Còn những người bình thường thích chi những khoản tiền “không bình thường” cho phục sức của mình, có thể chọn mua một trong hơn 150 kiểu dáng tại 200 cửa tiệm thuộc hệ thống Versace - hiện hữu tại hầu hết các quốc gia kỹ nghệ hàng đầu trên hành tinh.

Doanh số năm 2017 của “đế chế Versace” được ước tính cỡ… một tỉ USD. Giữa những kiểu mốt bán chạy nhất thuộc thương hiệu Versace, là các kiểu áo vest phụ nữ màu vàng rực hoặc xanh da trời, hay áo sơ mi tơ tằm với đường chỉ may “thô kệch” đặc thù của nam giới.

Khách hàng trước hết của nhà mốt Versace là giới trẻ, hoặc những người ưa bắt chước trang phục y như các nghệ sĩ thần tượng của họ. Nói một cách khác là Versace có ảnh hưởng rất lớn đối với giới trẻ đam mê những kiểu mốt mới lạ - nhất là trong mảng phục sức đàn ông, với những gam màu đột phá như đỏ rực hoặc tím ngắt…

Mốt của Versace “thiên về kiểu dáng ngờ nghệch một chút cộng với hài hước bi ai một phần. Và đó mới chính là mốt!”, như cá nhân nhà tạo mốt lỗi lạc Gianni Versace lúc sinh thời từng nói về mình. Riêng bà Anna Wintour, đương kim Tổng biên tập Tạp chí thời trang hàng đầu thế giới Vogue nhận định: “Chính những kiểu nổi bật hơn đã tạo thành mốt”.

Vercase và Armani là 2 thương hiệu thuộc dạng “đế vương” của kỹ nghệ mốt hiện đại ngày nay, bởi những người kế tục sự nghiệp vẻ vang của họ biết thiết kế tiếp nối ra những “trục - đối kháng” mà thế giới thời trang tân kỳ phải tuân thủ, đó là tính sáng tạo về đường nét cùng sự tiện lợi, duyên dáng đầy chất thẩm mỹ.

Trần Hồng (theo Bloomberg Businessweek)
.
.