Thời vàng son của kinh tế châu Á đang trở lại

Thứ Hai, 04/10/2010, 12:15
Vào lúc đà phục hồi của các nước công nghiệp phát triển của phương Tây còn mong manh thì có nhiều dấu hiệu cho thấy trọng tâm kinh tế của thế giới đang chuyển về phương Đông. Châu Á có khả năng thoát khỏi những khó khăn kinh tế do khủng hoảng toàn cầu 2008-2009 gây nên. Tăng trưởng dự trù đạt hơn 8%. Trên đây là những nhận định mới nhất của hàng loạt tờ báo kinh tế và các cơ quan tài chính thế giới.

Báo Financial Times số ra ngày 9/9 cho rằng trong 2 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp châu Á có khuynh hướng phát triển tốt, chẳng hạn như ngành dược phẩm của Ấn Độ hay ngành ngân hàng tại Indonesia và Malaysia đã tuyển dụng thêm nhân viên bất chấp khủng hoảng. Đành rằng ở vào cao điểm của cơn bão tài chính thế giới 2008-2009, tổng kim ngạch xuất khẩu của nhiều nước châu Á sang Mỹ hay châu Âu bị khựng lại.

Nhưng theo lời một chuyên gia được báo Financial Times trích dẫn, thì về lâu dài, nhu cầu tiêu thụ của chính châu lục này gia tăng, giúp cho nhiều doanh nghiệp đủ sức đối phó với khủng hoảng.

Financial Times còn lạc quan hơn khi đưa ra dự báo châu Á - không kể Nhật Bản - trong 5 năm sẽ đạt kỷ lục tăng trưởng trung bình 8,6%. Đây là mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Với đà này, đến năm 2030, châu Á cung cấp đến một nửa GDP toàn cầu. Trong khi đó vào giữa thế kỷ XX, tỉ lệ này mới chỉ là 1/5.

Cùng quan điểm với bài báo trên, trong một bản dự báo về tình hình kinh tế châu Á vừa công bố vào đầu tháng 9, Ngân hàng Rabobank của Hà Lan ghi nhận: Kể từ năm tới, kinh tế châu Á tăng trưởng trở lại với nhịp độ của thời kỳ tiền khủng hoảng 2008. Ngoại trừ Trung Quốc và Nhật Bản, theo nghiên cứu của Ngân hàng Rabobank thì tập trung vào 8 quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Á bao gồm: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hongkong, Indonesia, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines. Tỉ lệ tăng trưởng trung bình của những vùng này trong năm 2011 có thể đạt 5,5%. Kết quả nói trên cao hơn với con số 4,9% như mong đợi.

Ngân hàng Robobank đặc biệt quan tâm đến sự phục hồi nhanh chóng của Singapore và Hongkong. Theo thứ tự, trong 6 tháng đầu năm 2010, GDP của hai khu vực này tăng 18% và 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thành quả nói trên có được là nhờ châu Á đã khống chế được một số nhược điểm, như là giới hạn thâm thủng ngân sách nhà nước. Ông Adrian Foster, kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng Rabobank nhận định: "Vào lúc mà thâm thủng ngân sách liên bang Mỹ lên tới 10% GDP, thì tại châu Á, chỉ số này chỉ dao động vào khoảng từ 5 đến 6%. Rabobank cũng dự trù là từ năm tới giá USD sẽ tăng cao hơn so với nhiều đơn vị tiền tệ của khu vực, do vậy ngành xuất khẩu của nhiều nước châu Á có khuynh hướng đi lên”.

Một dấu hiệu khác chứng minh cho đà vươn lên của nền kinh tế châu Á đó là: hiện nay mua cổ phiếu của các doanh nghiệp châu Á bảo đảm có được lãi suất cao nhất. Theo bảng xếp hạng vừa được Văn phòng Tư vấn BCG Consulting thông báo đầu tháng 10, tập đoàn đang đem lại lợi nhuận cao nhất cho cổ đông trên thế giới đều là các công ty lớn của châu Á, trong số đó có 5 tập đoàn Trung Quốc và 2 có trụ sở tại Hongkong. Trong số 10 doanh nghiệp hàng đầu nói trên không hề có một tập đoàn nào của phương Tây.

Đáng chú ý hơn nữa là trường hợp Tập đoàn Viễn thông Trung Quốc Tencent. Vào cao điểm của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009, cổ phiếu của tập đoàn này vẫn mang về hơn 106% tiền lời cho cổ đông một năm. Để so sánh, trong cùng thời kỳ, nếu mua cổ phiếu của Tập đoàn Apple thì lợi nhuận chỉ là 47%.

Trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2009, ngành công nghệ khai thác quặng mỏ, ngành hóa học và công nghiệp xe hơi cũng là những lĩnh vực hái ra tiền. Theo Giám đốc BCG Consulting tại Paris, Pháp, Jérôme Hervé, điều này chứng tỏ là các doanh nghiệp ở châu Á đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trên bàn cờ kinh tế và công nghiệp của thế giới.

Cho dù sự phục hồi nhanh chóng của châu Á đang khiến nhiều quốc gia công nghiệp ganh tị, nhưng theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, châu Á đang đứng trước đà phục hồi  và còn quá sớm để cho rằng trọng lực kinh tế toàn cầu đang chuyển về châu Á.

Xét về tỉ trọng thì với dân số gần 4 tỉ người trên tổng số 6,5 tỉ trên toàn cầu, sản lượng kinh tế châu Á mà chiếm 50% hay thậm chí 60% sản lượng thế giới trong vài chục năm tới thì cũng là bình thường. Nhưng nhìn sâu hơn, trọng lực kinh tế ấy chưa có nghĩa là sau này mọi quyết định kinh tế hay kinh doanh hệ trọng cho thế giới sẽ xuất phát từ châu Á. Vấn đề là khả năng tổ chức và sáng chế để giành phần quyết định về sản xuất với trị giá gia tăng cao hơn. Châu Á là nơi có nguồn nhân lực dồi dào để áp dụng sáng kiến của phương Tây, đi làm gia công rồi leo dần lên trình độ sản xuất cao hơn.

Nhưng theo nhận định của giới chuyên gia thì châu Á phải bắt kịp trình độ ấy trước khi dân số bị lão hóa. Chưa kể một nhược điểm sinh tử khác là châu Âu đã trải qua hàng trăm năm chiến tranh trước khi tiến tới hình thái hợp tác ngày nay và hiện đã có cơ chế bảo vệ an ninh để duy trì được ổn định. Châu Á thì chưa, nên còn bị nguy cơ khủng hoảng và thậm chí chiến tranh trong nội bộ trước khi ca khúc khải hoàn

G.K. (tổng hợp)
.
.