Thông điệp của Giáo hoàng Benedict XVI: Hôn nhân đồng tính là phi tự nhiên

Thứ Ba, 08/01/2013, 19:25

Diễn văn thường niên tuyên cáo nhân mùa Giáng sinh của người đứng đầu Giáo hội Công giáo Roma đầy quyền lực, Giáo hoàng Benedict XVI, luôn được xem là một trong những bài phát biểu quan trọng nhất cả năm. Trong thông điệp đa ngôn lần này, Giáo hoàng tuyên bố dành trọn năm nay để cổ xúy giá trị truyền thống gia đình, vào thời điểm đang có những chiến dịch vận động hợp thức hóa hôn nhân đồng tính tại Pháp, Mỹ, Anh và nhiều nơi khác trên thế giới. Liệu tuyên bố của Giáo hoàng có làm những chính khách đồng tính của cựu lục địa chột dạ?

Kiên quyết chống lại hôn nhân dị biến

Giáo hoàng Benedict trích dẫn lời phát biểu của giáo sĩ Do Thái Gilles Bernheim ở Pháp, rằng việc vận động để công nhận quyền hôn nhân đồng tính và xin con nuôi là hành động "tấn công" vào truyền thống gia đình. Đặc biệt, ngài bày tỏ quan điểm của mình đối với hôn nhân đồng tính là "không tự nhiên" và chống lại quá trình phát triển của loài người".

Theo thông tin từ một số tờ báo, Giáo hoàng Benedict XVI đã kêu gọi: "Chúng ta cần phải phổ cập và lan truyền kiến thức về hôn nhân tự nhiên trong sự giao hòa giữa phái nam và phái nữ nhằm gia tăng nỗ lực chống lại mọi sự dị biến hôn nhân khác giới. Những dị biến như thế làm mất ổn định tính tự nhiên của hôn nhân, che lấp bản chất vốn có của hôn nhân và làm phai nhạt vai trò quan trọng của nó đối với xã hội. Nguyên tắc hôn nhân này không phải là chân lý đức tin mà đơn giản là hệ quả tất yếu của quyền tự do tôn giáo, thể hiện bản chất của con người và là một thành quả phát triển của nhân loại". Giáo hoàng tiếp tục quan điểm này khi cho rằng hôn nhân đồng tính cấu thành hành vi chống lại sự thật bản chất của con người.

Có thể nói, thái độ chống lại hôn nhân đồng tính của Vatican càng ngày càng kiên quyết. Đó là một nỗ lực không mệt mỏi của cả Vatican mà người đứng đầu là Đức giáo hoàng, nhằm cố gắng thức tỉnh Hoa Kỳ và một loạt các nước châu Âu trong thời gian qua nỗ lực chính thức công nhận hôn nhân đồng tính một cách hợp thức bằng luật pháp. Chẳng hạn, tại ba tiểu bang của Mỹ đã có được đa số dân bỏ phiếu chấp thuận hôn nhân đồng tính trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 vừa qua. Còn tại châu Âu, đầu tháng 12 này, Chính phủ Anh loan báo họ sẽ đưa ra một dự luật vào năm tới, cho phép hợp thức hóa hôn nhân đồng tính.

Trong khi đó, Tây Ban Nha với dân số phần đông theo Công giáo đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, mặc cho những làn sóng phản đối và sự phản ứng rất mạnh mẽ từ phía Giáo hoàng tới chính phủ nước này. Ở Pháp, Tổng thống Francois Hollande tuyên bố, ông sẽ ban hành kế hoạch "hôn nhân cho tất cả mọi người" trong vòng một năm, kể từ ngày ông đắc cử hồi tháng 5. Đề luật sẽ được trình lên nghị viện sớm tuy nhiên trong nước vẫn đang gặp phải sự phân hóa từ các lãnh đạo tôn giáo, chính trị gia và nhiều khu vực thôn quê.

Giáo hoàng Benedict XVI được đánh giá có những phẩm chất và quan điểm giống như người tiền nhiệm, Giáo hoàng John Paul II, là người có thể đứng ra bảo vệ giáo lý và là người mạnh mẽ đưa ra quan điểm của Giáo hội Thiên Chúa giáo trong các vấn đề nổi cộm của nhân loại. Ngài đứng đầu Bộ Giáo lý đức tin từ năm 1981 và là một trong những nhân vật thân cận nhất của Giáo hoàng John Paul II. Là người học rộng, quảng giao nên ngài được thế giới biết đến nhiều và có lối sống rất bình dân...

Trong khi vẫn thích viết tay các bài phát biểu, thi thoảng còn viết bằng bút chì và dành việc đánh máy các bản văn cho cộng sự viên người Đức, Benedict XVI còn được biết đến như một đức giáo hoàng của kỷ nguyên kỹ thuật số và mạng xã hội khi là vị giáo hoàng đầu tiên gửi tin nhắn (sms) cho giới trẻ trong Ngày Giới trẻ Thế giới tại Sydney vào năm 2008. Và những ngày đầu tháng 12 vừa qua, trang Twitter của Giáo hoàng Benedict XVI chính thức được công bố. Như vậy, ngài sẽ là vị giáo hoàng đầu tiên gửi đi các sứ điệp cũng như lời kêu gọi lên mạng xã hội này.

Đi theo đường lối cứng rắn, bảo thủ, tân Giáo hoàng Benedict XVI đã gặp nhiều khó khăn hơn. Ngài phải đối mặt với sức ép rất lớn từ thế giới bên ngoài và những người có đường lối uyển chuyển trong chính Giáo hội Thiên Chúa giáo xung quanh vấn đề phản đối hôn nhân đồng tính, nạo phá thai... mà ngài kiên trì theo đuổi. Mối quan hệ giữa Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng đất trên thế giới, các cuộc xung đột, đại dịch Aids... được xem là những nhiệm vụ nặng nề nhất dưới triều đại của Giáo hoàng Benedict XVI.

Giáo hoàng Benedict XVI dành nhiều thời gian chống lại các xu hướng thế tục ở phương Tây, trong đó có hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Trước làn sóng đòi hợp thức hóa về mặt pháp lý cho hôn nhân đồng giới tại châu Âu, Giáo hoàng Benedict XVI liên tục kêu gọi các con chiên thức tỉnh. Ông liên tục thực hiện các chuyến thăm châu Âu, tới những nơi đang diễn ra làn sóng đòi quyền cho những người đồng tính như Tây Ban Nha, Đức… Giáo hoàng Benedict từng nói: "Hãy biết thêm về giá trị của gia đình và hôn nhân. Là tín đồ Kitô, chúng ta có bổn phận bảo vệ nguyên tính và nhất thống của hôn nhân giữa một người nam và một người nữ trước bất kỳ hình thức diễn dịch lệch lạc nào".

Trong các hoạt động quyết liệt của Giáo hoàng về vấn đề này, ngày 7/11/2010, Giáo hoàng Benedict XVI còn trực tiếp chỉ trích các bộ luật của Tây Ban Nha cho phép hôn nhân đồng tính, ly hôn nhanh chóng và phá thai dễ dàng. Ngài xem đây là lời kêu gọi bảo vệ các gia đình truyền thống và quyền của thai nhi.

Giáo hoàng nói rằng, gia đình phải được xây dựng trên nền tảng "tình yêu bền vững của một người đàn ông và một người đàn bà". Cuộc sống của trẻ em phải được bảo vệ với tính chất thiêng liêng và bất khả xâm phạm ngay từ thời điểm được thụ thai. Đó là nhân bản và quyền thiêng liêng của mỗi cá thể được sinh ra, tuân theo tạo hóa. Chống lại tự nhiên, "thì sự hiện hữu của Đấng Sáng Tạo vốn rất cần thiết đã bị phủ nhận".

Bạn tình Kathy Hubbard (phải) hiện diện trong lễ tuyên thệ nhậm chức của nữ Thị trưởng Houston A. Parker (giữa).

Những chính khách đồng tính: “Cuộc sống riêng tư có phi tự nhiên nhưng chúng tôi vẫn cống hiến hết mình cho cộng đồng”

Khi nữ chính khách 67 tuổi Johanna Sigurdardottir trở thành người đứng đầu nội các  Iceland vào đầu tháng 2/2009, báo giới quốc tế đồng loạt chạy những hàng tít gây sốc như "Quốc gia đầu tiên có Thủ tướng đồng tính", hay "Iceland là trường hợp ngoại lệ duy nhất làm vẩn đục bầu chính trị thế giới"…

"Tấm gương Iceland" có thể là tiền đề khiến một loạt các chính khách kỳ cựu ở châu Âu "dám" công khai quan điểm đồng tính luyến ái của mình. Chỉ chưa đầy 4 tháng sau, ông Frederic Mitterrand, người được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cử giữ chức Bộ trưởng Văn hóa và Truyền thông đã lên tiếng thừa nhận là người đồng tính. Kế đến là Thị trưởng thủ đô Paris Bertrand Delanoe cũng có phát biểu tương tự.

Ở CHLB Đức, trong  giới chính khách đồng tính cao cấp, ngoài đương kim Ngoại trưởng Guido Westerwelle, người từng đứng đầu đảng Dân chủ Tự do (FDP) suốt 10 năm ròng (từ 2001-2011) ra, còn có Thị trưởng thủ đô Berlin Klaus Wowereit, hay nữ Phó thị trưởng Christa Goetsch của hải cảng Hamburg cũng là đô thị lớn thứ 2 ở Đức... "Việc thừa nhận sở thích yêu người đồng giới khiến tôi càng nổi danh hơn, bởi cử tri luôn đánh giá cao lòng trung thực của các chính trị gia", Thị trưởng K. Wowereit bộc bạch với báo giới.

Thủ tướng Iceland J. Sigurdardottir.

Cách đây hơn 3 thập niên, người Iceland theo trào lưu chung vốn "ghét cay ghét đắng" những kẻ đồng tính. Từ một cựu tiếp viên hàng không, vào giữa thập niên 70 thế kỷ trước, bà J. Sigurdardottir đã tham gia chính trường, rồi được sự hậu thuẫn từ Hiệp hội Samotkin -78, một tổ chức phi chính phủ ở thủ đô Reykjavík chuyên đấu tranh cho quyền lợi của người đồng tính nên đã đắc cử vào Nghị viện năm 1978. Tới năm 1996, khi Iceland chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, nữ dân biểu J. Sigurdardottir lúc ấy đang giữ chức Bộ trưởng An sinh xã hội.

"Trong thực tế bà J. Sigurdardottir chiếm được sự tin tưởng của đa phần công chúng, bất luận quan điểm hôn nhân ra sao miễn là người biết lo toan cho cuộc sống của nhân dân - Margret Bjornsdottir, Viện trưởng Viện Quản trị và Chính sách công thuộc Trường đại học Tổng hợp Reykjavík cho biết - Cử tri Iceland không quan tâm đến vấn đề đồng tính luyến ái của cá nhân thủ tướng, cho dù ngay từ năm 2002 bà đã chính thức chung sống như vợ chồng với một người bạn gái". Ở thời điểm hiện tại, chỉ có chưa đầy 6% số linh mục Iceland từ chối làm lễ cưới cho các cặp uyên ương cùng giới tại nhà thờ.

Còn tại Vương quốc Anh, một đất nước cực kỳ bảo thủ, vào năm 1988, Chính phủ của "bà đầm thép" Margaret Thatcher đã ban hành Đạo luật tự quản địa phương, trong đó có điều 28 quy định "Cấm thúc đẩy tệ nạn đồng tính luyến ái". Đến thời của Thủ tướng Tony Blair - Công đảng cầm quyền - gần một thập niên sau thì tình tình đã biến chuyển khả quan hơn, khi trong năm 1997, Nam tước Chris Smith, người từng là thành viên Hội đồng Cơ mật thuộc Viện Quý tộc (Thượng viện Anh) được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao. "Điều đáng ngạc nhiên nhất lúc ấy, là không ai trong dư luận nhận thấy rằng một người đồng tính đã trở thành Bộ trưởng", ông C. Smith hiện đứng đầu Cơ quan Bảo vệ môi trường toàn Anh, nhớ lại.

Cũng vào thời điểm diễn ra kỳ bầu cử của năm 1997, tại thành phố Exeter trọng yếu phía nam, ứng viên Adrian Rogers thuộc đảng Bảo thủ đã chỉ trích đối thủ Ben Bradshaw của Công đảng là "tên đồng tính mạt hạng". Nhưng rốt cục dân chúng vẫn bầu cho B. Bradshaw. "A. Rogers đã sử dụng lá bài đồng tính làm vũ khí chính trị chống lại tôi - tân nghị sĩ B. Bradshaw thổ lộ - Nhưng kết quả chung cuộc đã minh chứng điều ngược lại, rằng thời thế đã thay đổi!". Tới tháng 5/2010, B. Bradshaw được cử vào nội các khi Thủ tướng David Cameron thành lập Chính phủ mới. Tính đến thời điểm hiện nay có 11 thành viên cả nam lẫn nữ thuộc Quốc hội Anh, trong đó có 2 người giữ chức bộ trưởng công khai thừa nhận mình là người đồng tính.

Nam tước C. Smith là Bộ trưởng đồng tính đầu tiên ở Anh.

Một cuộc thăm dò dư luận xã hội nhân kết thúc năm 2012, do Trung tâm nghiên cứu nổi tiếng Pew có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) tiến hành, cho thấy chỉ có 49% số người Mỹ được hỏi ủng hộ tình yêu đồng giới, trong khi tỉ lệ này ở châu Âu là trên 80% ngoại trừ Cộng hòa Ba Lan có đông người theo đạo Công giáo. Tại Mỹ, chính nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Quỹ Victory Fund, một tổ chức liên bang chuyên hỗ trợ kinh phí cho các ứng viên đồng tính đã khiến nữ ứng viên 54 tuổi Annise Parker của đảng Dân chủ đắc cử chức danh Thị trưởng thành phố Houston, đô thị lớn nhất tiểu bang Texas cũng là thành phố đông dân đứng hàng thứ 4 ở Mỹ (sau New York, Los Angeles và Chicago) đầu năm 2010. Đây cũng là chính khách Mỹ cao cấp duy nhất thuộc giới đồng tính.

Phản ứng trước thông điệp mùa Giáng sinh 2012 của  người đứng đầu Giáo hội Thiên Chúa, Nam tước C.Smith thản nhiên nhún vai: “Đó đúng là chân lý của đức tin, nhưng đấng tạo hóa đã tạo ra chúng tôi như thế, chúng tôi không giấu mình mà vẫn công nhiên sống và làm việc. Cuộc sống riêng tư của chúng tôi phi tự nhiên, nhưng chúng tôi vẫn cống hiết hết mình cho cuộc sống đó thôi!”

N.Linh – T.Hồng (tổng hợp)
.
.