Liên hoan phim Quốc tế Baghdad:

Thông điệp về hòa bình

Thứ Năm, 17/01/2008, 11:30
Ông Ammar al-Arradi, Trưởng ban Tổ chức LHP tuyên bố: “Tôi hy vọng rằng liên hoan Baghdad sẽ đóng góp cho sự hòa giải và đối thoại giữa các thành phần xã hội và văn hóa tại đất nước này”. Đây là niềm tin và hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn dành cho đất nước nhiều dầu mỏ nhưng phải chịu chiến tranh liên miên.

Khai mạc ngày 25/12/2007 tại khách sạn Palestine nổi tiếng tại thủ đô Baghdad (Iraq) với bộ phim mở màn có tên "Missing Frequency" do nhà làm phim Iraq Saber Shabbi thực hiện. Nội dung phim đề cập đến những thực trạng đang diễn ra tại quốc gia Trung Đông tan nát vì chiến tranh này.

Đây cũng là nội dung được nhiều bộ phim thể hiện của các nhà sản xuất Ai Cập, Pháp, Ðan Mạch, Bỉ, Arập Xêút, Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Morocco, Singapore, Philippines, Kuwait, Bahrain và Qatar...

Tuy năm nay thiếu vắng nhiều gương mặt điện ảnh quan trọng nhưng LHP Baghdad vẫn thu hút được sự chú ý của hàng trăm khách mời và nhiều kênh truyền thông tới tham dự và đưa tin.

Ông Ammar al-Arradi, Trưởng ban Tổ chức LHP tuyên bố: “Tôi hy vọng rằng liên hoan Baghdad sẽ đóng góp cho sự hòa giải và đối thoại giữa các thành phần xã hội và văn hóa tại đất nước này”. Đây là niềm tin và hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn dành cho đất nước nhiều dầu mỏ nhưng phải chịu chiến tranh liên miên. Người dân sống trong loạn lạc và nghèo khổ.

Những nhu cầu thiết yếu ở các quốc gia khác là tới rạp chiếu phim để thưởng thức nghệ thuật thì đối với đất nước này, đó là một điều xa xỉ, chỉ có trong giấc mơ.

LHP Baghdad còn là một sự cố gắng vượt bậc của Ban tổ chức, bởi nguồn kinh phí rất eo hẹp. Để tiết kiệm, Ban tổ chức đã phải tận dụng một phòng họp trong khách sạn để làm nơi chiếu phim.

Những nghệ sĩ hàng đầu Iraq như Mazin Mohammed Mustafa phải lên tiếng: “Chúng tôi cần được hỗ trợ tài chính để có thể vượt qua mọi khó khăn và phát triển một nền điện ảnh chất lượng. Tổ chức LHP là cách hiệu quả để bày tỏ ý kiến và nêu ra những vấn đề của đất nước cũng như nền điện ảnh Iraq”.

Năm 2006, LHP Baghdad đã không tổ chức được vì tình hình an ninh bất ổn ở đây. Năm 2007, dù tình hình an ninh tại Baghdad đã được cải thiện nhiều, nhưng nỗi lo về an toàn vẫn ám ảnh Ban tổ chức lẫn những người tham gia.

Tất cả khách mời đều phải trải qua 3 lần kiểm tra an ninh mới được vào bên trong hội trường lớn. Vây quanh khách sạn Palestine là dãy hàng rào bêtông kiên cố chống đạn. Đây là những biện pháp nhằm đảm bảo LHP Baghdad diễn ra an toàn.

Công nghệ phim ảnh Iraq khởi đầu từ những năm 40 thế kỷ XX và đạt tới đỉnh cao trong các thập niên 70 và 80. Thời kỳ này, các rạp chiếu bóng tại Baghdad luôn thu hút đông đảo khán giả.

Tuy nhiên, cuộc chiến Vùng Vịnh nổ ra năm 1991 và biện pháp cấm vận của Liên Hiệp Quốc đã khiến điện ảnh Iraq rơi vào tình trạng suy thoái.

Tình hình còn nghiêm trọng hơn kể từ khi Mỹ tấn công đất nước này vào năm 2003. Những cuộc đánh bom khủng bố thường nhắm vào những nơi tụ tập đông người nên người dân cũng sợ hãi mà bỏ quên niềm đam mê môn nghệ thuật thứ bảy. Nhiều phim trường và rạp chiếu bóng ở Baghdad không bị tàn phá vì bom đạn thì cũng bị bỏ hoang.

Nhưng nay thì mọi chuyện đã khá hơn. Ông Arradi cho biết: “Tại Iraq, đã có những chuyển biến đáng khích lệ. Dù bị hủy diệt nặng nề nhưng chính quyền và người dân đang cố gắng xây dựng và tái thiết đất nước. Chúng tôi cũng tin tưởng một ngày gần đây, các rạp chiếu bóng sẽ được khôi phục”.

Đó là một tương lai thật tươi đẹp cho người dân nơi này. Yahya Allaq, 27 tuổi, trợ lý đạo diễn phim "Ahlaam" - một bộ phim nói về cuộc sống của 3 người dân Iraq dưới thời Saddam Hussein - cũng mơ về một ngày Iraq không còn chiến tranh. Người dân được hưởng cảm giác yên bình khi thưởng thức một bộ phim.

Anh miêu tả: “Ngồi yên lặng trong khán phòng, được nghe thấy cả tiếng máy quay băng phát ra tiếng là giây phút mọi người cảm nhận được cuộc sống đã quay trở lại mảnh đất này”. 

Một nữ diễn viên nổi tiếng của Iraq nhận xét: “Tình hình hiện nay tại Iraq đã khá hơn rất nhiều. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm được phục vụ hết mình cho đất nước và cho sự nghiệp điện ảnh”

Hải Hà (tổng hợp)
.
.