Thú chơi ngọc quý của đại gia… Sài thành

Thứ Tư, 30/07/2014, 20:45

Chẳng biết "lý lịch" của viên bạch ngọc gắn trên mũ miện hoàng đế Nguyễn triều chính xác bao nhiêu phần trăm, nhưng chuyện Sài Gòn có những tay chơi đại gia cự phách thích sưu tầm đồ trang sức bằng vàng ròng, ngà voi, hay "chuyên trị" niềm đam mê săn súng thần công, tầm ngọc quý là chuyện… lạ mà không lạ!

Nếu có dịp mục ngoạn cái giá để bằng hổ phách mà trên nó là viên bạch ngọc to hơn đốt ngón tay cái người lớn, ai đó hẳn sẽ ngất xỉu khi được chủ nhân của nó tiết lộ viên ngọc này từng “đậu” trên mũ miện của một hoàng đế triều Nguyễn (?). Dùng đèn pin rọi thẳng vào viên ngọc để nó hắt lên luồng sáng trắng ma mị huyền hoặc, chủ nhân của viên ngọc cho biết chẳng cần đèn pin, đèn neon hay ánh nến, khi tối trời, viên bạch ngọc này sẽ phát ra ánh sáng làm sáng cả một góc phòng…

Chẳng biết "lý lịch" của viên bạch ngọc gắn trên mũ miện hoàng đế Nguyễn triều chính xác bao nhiêu phần trăm, nhưng chuyện Sài Gòn có những tay chơi đại gia cự phách thích sưu tầm đồ trang sức bằng vàng ròng, ngà voi, hay "chuyên trị" niềm đam mê săn súng thần công, tầm ngọc quý là chuyện… lạ mà không lạ!

Tiếp cận tay chơi… chủ bưởng

Đề nghị được giấu tên vì không muốn làm người nổi tiếng, ông Lê S. - 62 tuổi, ngụ quận 3, chủ nhân của viên bạch ngọc khủng kia là bạn làm ăn của ông Trần M. - một dân chơi cổ vật đang sở hữu "kho" quạt cổ bằng đồi mồi, ngà voi, sừng tê giác…

Ông M. tiết lộ có chiếc quạt trong bộ sưu tập của ông từng là "quạt ngự" quý hiếm bậc nhất đến độ có người đòi đổi cả con xe BMW tiền tỉ mà ông chẳng thèm lưu tâm: "Phàm thời phong kiến, thứ gì vua chúa dùng đều gọi là "ngự", nên quạt ngự chính là quạt vua dùng. Cây quạt này thân làm bằng ngà voi với trầm hương, các nan quạt đều dát vàng, chuôi quạt nạm ngọc…, giá trị tuyệt đỉnh" - ông M. úp úp mở mở. 

Sự cẩn trọng không muốn ai biết đến mình theo ông Lê S. bởi ông sợ khi biết ông sở hữu bộ sưu tập với nhiều viên ngọc quý, kẻ gian sẽ bằng mọi cách ám hại, đột nhập đặng "bứng" đi kho ngọc vô giá mà hết đời cha đến đời ông mới có được: "Chú em không biết đấy thôi, chứ dân chơi hay dân máu me sưu tầm vật quý từ các chất liệu quý như vàng, bạc, ngọc, ngà… ai nấy đều không thích phô trương, nếu có cũng chỉ dừng lại ở một vài món đặc trưng cho thỏa niềm vui chia sẻ. Qua có những người bạn chuyên sưu tầm đồ ngự dụng (đồ vua dùng - PV), hay trang sức bằng vàng ngọc chốn cung đình... nhưng cả thảy đều chưa từng được báo giới biết đến. Nếu có duyên qua sẽ cho chú em tiếp cận họ" - ông S. trò chuyện. 

Một viên ngọc coi được giá cả tỉ đồng, vậy mà trong "kho" của ông S. có vô số viên như thế. "Ngọc phỉ thúy, ngọc mắt mèo, ngọc lam, hồng ngọc, đá saphia, ngọc lục bảo, ngọc trai, ngọc ốc… nói chung ngọc gì qua cũng có cả. Mỗi một loại ngọc có kiểu dáng, đặc tính, công dụng khác nhau. Ngọc được khảm nhẫn, khảm mặt dây chuyền, được chạm chuôi kiếm, chuôi quạt, hay ngọc đẽo khắc thành thú linh, tượng Phật hoặc các linh thần. Lại có những khối ngọc được người xưa tạc những chiếc khánh, thẻ bài, nghiên mài mực, tách uống trà… tuyệt mỹ" - ông S. bỏ nhỏ.

Trong quá trình trò chuyện, từ những bật mí trước đó của ông M.,  mới biết ông S. từng là chủ bưởng vàng, từng nắm trong tay các đội quân chuyên banh bới, moi khoét sâu trong lòng đất để kiếm vàng ở Quảng Nam, đá saphia ở Bình Thuận, đá thạch anh trắng ở Kon Tum… Sau quãng thời gian vẫy vùng, khi đã công thành danh toại, ông S. ở ẩn. Hỏi thăm kinh nghiệm tìm vàng, ông S. bảo dân tầm vàng, tầm ngọc có cỡ như ông ai cũng nằm lòng câu "thần chú"… núi nào có cát thì sinh vàng-chỗ nào có cát thì sinh ngọc, chỗ nào nước xoáy tròn thì có hạt châu, chảy xoáy vuông thì có ngọc.

Để chứng minh ngọc trai thứ thiệt, dân chơi đại gia thường giữ viên ngọc còn dính với vỏ con trai.

Câu "thần chú" tìm vàng ngọc kia được ghi trong thư tịch cổ “Biệt thảo kinh” và “Quảng bác vật chí”. Hai cuốn sách cổ này ghi lại kinh nghiệm săn tìm các mỏ vàng bạc và ngọc ngà của các đội đặc nhiệm của các triều vua ở Trung Quốc hơn 1.000 năm trước. Xin ghi lại đôi dòng để bạn đọc được rõ: "Dưới núi có bạc, tất trên núi mọc hành. Dưới núi có hoàng kim, tất trên mọc hẹ. Dưới có đồng thiếc, tất trên có gừng. Ngọn có vàng tốt, tất dưới có mỏ đồng. Núi có mỏ bạc, tất trên có nhiều sương mù trắng… Vào khoảng tháng 2, cây cỏ trong núi mọc, mà ngọn nó nhọn, và rủ xuống, thì tất có ngọc".

Ông S. chia sẻ, phàm đã là quân săn vàng săn đá quý đều phải nằm lòng những kinh nghiệm kiếm tìm dân gian nhưng hiệu quả ấy: "Đó là tinh hoa, là đúc kết tinh túy của người xưa. Có những tay nhờ rành rẽ và nhờ lộc trời ban mà trúng được những mỏ ngọc mỏ vàng kếch xù, của cải ăn chơi, tiêu pha đến mấy đời vẫn không hết" - ông S. cho biết.

Chạm mặt… đệ nhất trân châu!

Xởi lởi không kém ông S., ông K., ngoài 60 tuổi nhà ở quận 1 đưa khách vào thư phòng cho tiếp cận một số bảo vật ngọc ngà châu báu đặc trưng. Trong "mật thất" rộng khoảng 50m2 được thiết kế sang trọng, ông K. bày biện nhiều chủng loại ngọc quý đa sắc màu, mà phần nhiều là ngọc trai với đủ kích cỡ. Nào là ngọc trai được khảm nhẫn, khảm hoa tai, các chuỗi ngọc đeo tay, đeo cổ… Rồi ngọc trai được khảm trên trâm cài tóc, mặt dây chuyền, viên nào viên nấy bự tổ chảng, óng a óng ánh trong những chiếc tủ kính đáy ngà, khung vàng quý giá tột bậc. Có những viên ngọc trai còn dính trên vỏ trai như thông điệp truyền gửi của chủ nhân  rằng đó là ngọc trai chính hiệu!   

"Bây giờ ngọc trai nhiều vô kể nhưng toàn là ngọc trai nuôi chẳng mấy giá trị. Ngọc được tôi sưu tập là các bảo vật gắn liền với đồ trang sức của các mỹ nhân nơi cung cấm hay con nhà quan quyền thời phong kiến. Đây là ngọc tự nhiên nghe đâu được các đội đặc nhiệm chuyên săn lùng trân châu nơi biển xa về cung ứng cho triều đình để phục vụ cho chuyện trang hoàng vật dụng cấm cung, cũng như là quà tặng của thiên tử cho những bà phi, tài nhân mà mình sủng ái".

Thực hư những lời chia sẻ này của ông K. có lẽ còn cần phải kiểm chứng. Nhưng suy đi nghĩ lại, thấy rằng ông này chẳng có lý do gì để mà gọi là… "quăng bom". Bởi ông không như người khác, nhất nhất yêu cầu không được tiết lộ danh tính, nếu không ông… từ mặt.

"Ngọc trai thì có nhiều loại nhưng quý giá nhất phải là hắc trân châu, có nghĩa ngọc trai đen. Trong tự nhiên, để săn được ngọc, thợ lặn phải bán mạng lặn xuống đáy biển sâu tuyển hàng trăm con nhưng chỉ có một vài con cho ngọc. Và trong hàng trăm con cho ngọc như thế, chỉ có một vài con tạo được hắc trân châu, còn lại đa phần ngọc trắng hay ngọc có màu ngà hoặc vàng. Và trong hàng trăm có khi hàng ngàn con cho hắc trân châu, chỉ có vài con cho viên ngọc khủng như vậy".

Viên ngọc hắc trân châu khủng mà ông K. sở hữu nhỉnh hơn ngón tay cái, giá trị của nó theo tiết lộ của chủ nhân "khó ước lượng", bởi có người trả ông cả trăm ngàn đôla và còn hơn thế nữa nhưng ông chẳng đoái hoài. "Tôi có mấy viên như vậy lận, nhưng đã gửi ở két sắt ngân hàng tại Thụy Sỹ rồi. Đó là vật quý mà cha tôi may mắn có được để lại cho tôi. Theo truyền thống gia đình, mai này khi tôi nằm xuống thì thằng con đầu của tôi hiện định cư ở Mỹ sẽ kế thừa" - ông tiết lộ.

Ngỡ ngàng… "Ngọc Hoàng Trân"

Ngọc theo các tay chơi được kết tinh dưới nhiều hình thể khác nhau, nhưng tựu trung gồm 3 loại. Đầu tiên là ngọc nên hình hài do biến động của địa chất và những đợt phun trào của núi lửa như đá mắt mèo, bạch ngọc, ngọc phỉ thúy, ngọc mã não, ngọc bạch diệp… Kế đến là ngọc được các loài trai ốc vì bị cát rơi vào trong đã tiết ra chất bảo vệ bao bọc hạt cát lâu ngày thành ngọc.

Theo ông S: “Còn có ngọc rắn - thứ ngọc quý hiếm hình hài từ một loài rắn đã tuyệt chủng mà khi chết đi, thân xác nó tiêu biến, chỉ để lại viên ngọc duy nhất với nhiều chức năng thần sầu".

Chị Tú Anh với những đôi hoa tai bằng vàng – ngọc.

Rõ ràng, kho ngọc quý với những loại ngọc được kiến tạo từ 2 loài động vật sống nơi rừng sâu và dưới đáy đại dương của ông S. đã kích thích sự tò mò của chúng tôi. Ông S. mở chiếc hộp hình vuông 4 mặt đều chạm nổi mãnh long trong thế vờn mây ghẹo gió lấy ra viên ngọc khá to ánh lên những sắc màu xanh tím huyền hoặc bảo đấy là "Ngọc Hoàng Trân". Thứ ngọc này theo ông chỉ có ở loài trai tai tượng khổng lồ có con nặng đến nửa tấn…

Một con trai tai tượng như thế, tôi chưa từng nghe nói. Nhưng con trai tai tượng nặng cả trăm ký lô thì tôi đã từng gặp khi đến đảo Đá Lá - một hòn đảo chìm ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Những người lính ở nơi này cho biết, Đá Lát là thiên đường của trai tai tượng khổng lồ và họ từng nghe những ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương ở biển Đông nói về những viên ngọc Hoàng Trân quý hiếm hơn cả hắc trân châu nhưng họ chưa bao giờ nhìn thấy Ngọc Hoàng Trân.

Khó có thể diễn tả được cảm giác ngỡ ngàng của chúng tôi khi được tận mắt thấy viên ngọc óc khi ánh nắng rọi vào đã tỏa ra luồng ánh sáng xanh ma quái khắp gian phòng rộng lớn. Cùng với viên ngọc rắn bí hiểm có các màu xanh như lá chuối, đỏ như máu tươi, trắng như tuyết cùng các màu ngà, nâu, xám kỳ lạ, ông S. nói rằng đây là báu vật bậc nhất trong kho trân châu của ông.

Nhắc chuyện ngọc rắn, hồi giờ tôi nghe người ta đồn rắn hổ chúa sống hơn trăm năm tuổi mới tạo ngọc và ngọc rắn hút được bá độc cứ ngỡ là chuyện vô thực. Ông S. bảo đúng là có chuyện ngọc rắn hút được mọi loại nọc độc của các loài khác, kể cả nọc độc của chó dại, rết, bọ cạp… Nhưng cái chính ở chỗ rắn cho ngọc không phải là rắn hổ chúa mà là một loại độc xà sống nơi núi rừng thâm u nhưng nay đã tuyệt chủng?!

Chẳng rõ lời ông S. nói về viên ngọc rắn chính xác bao nhiêu phần trăm. Nhưng điều mà tôi biết rất rõ là năm nay ông S. 60  tuổi. Không chỉ  sở hữu kho ngọc quý, ông còn là chủ nhân của vô số món đồ bằng trầm hương và kỳ nam. Ông hẹn một ngày gần đây sẽ cho tôi tiếp cận với kho báu trầm kỳ của mình mà có khối kỳ nam, giá trị của nó "bét nhất chục tỉ". Ông S. cũng hứa hẹn thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp cận với 2 người bạn đặc biệt, một là chị Tú Anh chuyên sưu tầm đồ trang sức của phụ nữ xưa có các chất liệu là vàng và ngọc. Người còn lại theo ông S. là một phụ nữ tuổi ngoài 70, người Mỹ gốc Việt đang sống tại quận Tân Bình.

Theo ông S., bà này có nhiều điểm "siêu phàm" như thích sưu tầm và đang giữ hơn 2.000 đôi giày cùng túi xách hàng hiệu, sở hữu đất trên cung trăng được Nasa ký giấy bán hẳn hoi, cùng hơn 10.000 món cổ vật quý hiếm khác được sưu tầm từ xác tàu đắm và những nhà quý tộc trước năm 1975. 

Chị Tú Anh thì tôi đã từng gặp, được chị cho chiêm ngưỡng những đôi hoa tai bằng vàng ròng và ngọc quý. Còn bà Việt kiều nọ thì tôi chưa từng biết đến. Dầu vậy, từ những người sưu tầm ngọc quý như các ông S., M., K., tôi biết bà Việt kiều nọ là nhân vật có thật. Với sự bắc cầu của ông S., tôi tin chuyện gặp gỡ bà Việt kiều sở hữu đất trên cung trăng kia chỉ là vấn đề… thời gian

Nhóm PVTSXH
.
.