Thủ đô Pháp cấm lưu thông các loại xe cũ
- Sức mạnh 3.100 mã lực gây lên "cơn địa chấn" ở Paris
- Xe hơi cổ thoát lệnh cấm lưu hành xe sản xuất trước 1997 ở Paris
Cụ thể là cấm tuyệt đối các loại xe du lịch đăng ký trước thời điểm đầu năm 1997 cũng như các loại xe tải và xe chở khách đường dài đăng ký trước ngày 30-9-2001 hoạt động trên các con đường thuộc Paris, trong khoảng thời gian từ 8 giờ sáng đến 20 giờ đêm vào 5 ngày trong tuần (trừ Thứ Bảy và Chủ Nhật); đồng thời vẫn duy trì lệnh cấm có hiệu lực từ cuối tháng 9-2015 theo tiêu chí “ngày không xe hơi”, cấm ngặt mọi phương tiện gắn động cơ lưu thông vào khu trung tâm thành phố trong 2 ngày nghỉ cuối tuần cũng như các ngày lễ tết, ngoại trừ những loại xe chuyên dụng trong các trường hợp đặc biệt như cảnh sát, cứu hỏa, cấp cứu và xe buýt hoạt động với số lượng hạn chế. Bất cứ ai vi phạm sẽ bị tước bằng lái vô thời hạn.
![]() |
Một đoạn đường phố dày đặc xe cộ ở trung tâm Paris. |
Nhân dịp này bà Anne Hidalgo, Thị trưởng Paris cũng ký quyết định thông báo đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng về biểu mẫu tem dán (đề can) phân loại các phương tiện cơ giới, được Bộ trưởng Bộ Sinh thái, Phát triển bền vững và Năng lượng Pháp Segolene Royal chấp thuận cho ấn hành rộng rãi.
Tem dán gồm 5 loại với các màu sắc khác nhau: Màu xanh lá cây in hình phương tiện 4 bánh dành cho xe chạy điện, màu tím in số 1 thuộc xe đăng ký trước ngày 1-11-2011, màu vàng in số 2 trước ngày 1-11-2008, màu cam sậm số 3 trước ngày 1-11-2005, màu nâu số 4 trước ngày 1-11-2002 và cuối cùng là màu xám in số 5 - với các phương tiện đăng ký trước thời điểm đầu năm 1997 kể cả xe hơi cổ thuộc các bộ sưu tập tư nhân.
![]() |
Thị trưởng A. Hidalgo luôn kiên định với mục tiêu làm sạch bầu không khí thủ đô. |
Ngoài ra bản thông báo của Tòa thị chính Paris cũng nhấn mạnh trong phần ghi chú rằng, loại đề can màu xanh thân thiện với môi trường sẽ nhận được nhiều sự ưu ái hơn. Điểm đặc biệt là loại xe chạy điện được đỗ hoàn toàn miễn phí tại các địa điểm trông giữ xe, cũng như được phép đi vào làn đường dành cho các phương tiện giao thông công cộng.
Được biết kể từ đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ Pháp đã áp dụng chính sách hỗ trợ người mua xe mới. Theo đó bất cứ cá nhân nào tự nguyện đưa xe vào các cơ sở hủy bỏ phương tiện cũ, để mua một chiếc xe mới trị giá trên 20.000 euro có mức khí thải dưới 60g khí carbon dioxide (CO2) trên mỗi km đường đi, sẽ nhận được 6.500 euro tiền hỗ trợ từ nhà nước. Còn với loại xe giá trên 23.333 euro, cùng mức khí thải ít hơn 20g CO2/km được hỗ trợ đến 10.000 euro - tương đương phân nửa trị giá xe.
Chính phủ Pháp có kế hoạch tới năm 2030 sẽ xây dựng hơn 7 triệu trạm nạp năng lượng cho xe hơi chạy điện trên toàn quốc. Chính phủ Pháp cũng ban hành quy định bắt buộc phải có các trạm nạp điện tại tất cả các bãi đỗ xe, nhà ga, sân bay và trung tâm mua sắm trên cả nước. Chủ đầu tư xây dựng trạm nạp điện được ưu tiên giảm 30% tiền thuê đất.
Giới chức quản lý Paris đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ cấm lưu thông các loại xe chạy nhiên liệu diesel sản xuất trước năm 2005. Riêng đối với số lượng 4.500 xe buýt trực thuộc Công ty Vận tải công cộng (RATP), tới năm 2025 sẽ có 80% xe chạy điện và 20% còn lại dùng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) thân thiện với môi trường.
Điểm đặc biệt trong quy định: Nếu người dân Paris nào quyết định từ bỏ hẳn việc sở hữu xe riêng, sẽ được hỗ trợ 50 euro tiền đăng ký dịch vụ thuê xe hơi trả trước (Autolib), đồng thời giảm giá 50% cho mỗi lần thuê xe; hay miễn phí sử dụng 1 năm đối với dịch vụ cho thuê xe đạp (Velib) do Tòa thị chính Paris điều hành, cũng như nhận được 400 euro khi mua 1 chiếc xe đạp mới; hoặc được cấp thẻ Navigo miễn phí trong thời hạn 1 năm, dùng để đi lại trên tất cả các phương tiện giao thông công cộng ở Paris.
![]() |
Biểu mẫu các loại đề can mới dành cho phương tiện được phép lưu thông. |
Các chủ trương nêu trên đã tác động đáng kể đến ý thức bảo vệ môi trường trong giới tài xế Paris. Kết quả trong vòng 15 năm qua, tỷ lệ người dân thủ đô Pháp sở hữu xe hơi cá nhân đã giảm từ 60% của năm 2001, xuống còn 40% vào thời điểm hiện nay.
Theo gương Paris, chính quyền nhiều thành phố đông dân khác ở Pháp như Grenoble, thủ phủ tỉnh Isere trong vùng Rhone-Alpes ở phía đông nam, hay Strasbourg thủ phủ vùng Alsace phía tây bắc - nơi đặt trụ sở của Nghị viện châu Âu (EP) và Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECtHR)... cũng ban hành quyết định cấm xe hơi đời cũ lưu thông trên đường phố kể từ ngày 1-8 tới đây.