Thử nghiệm để trải nghiệm

Thứ Sáu, 18/10/2019, 12:55
Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV, Hà Nội từ ngày 4 đến 13 tháng 10 đã khép lại với 21 vở diễn (7 đoàn nghệ thuật nước ngoài và 14 đơn vị nghệ thuật trong nước). Nhưng, dường như với người yêu sân khấu thì vẫn lâng lâng với những khoái cảm từ màn mãn nhãn của các vở diễn mang lại.

Lần đầu tiên tác phẩm “Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đã lên sân khấu múa rối. Hay “Ngàn năm mây trắng” đem lại sự kết tinh của các loại hình nghệ thuật tổng hợp cải lương, chèo, hát xẩm, hát văn Huế trong một vở diễn. “Cậu Vanya” của Nhà hát Tuổi Trẻ, hay “Sự sống” của Nhà hát Kịch Việt Nam cũng thật khiến cho khán giả bị lôi kéo và mê đắm với điều kì ảo sáng tạo trên sân khấu thử nghiệm.

Đa dạng về chủng loại, từ sân khấu kịch nói, chèo, cải lương, xẩm, múa rối cạn, rối nước được cách tân, sáng tạo... đã cho thấy, sự nỗ lực cựa mình của sân khấu, như ngọn cây cố vươn lên từ hoang mạc khô cằn để đón những tia nắng mặt trời rực rỡ.

Kiều lần đầu lên sân khấu rối cạn gây “choáng”      

Không được ưu ái như nghệ thuật điện ảnh quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, không được lên giờ vàng như các chương trình giải trí game show truyền hình, cũng không được tung lên YouTube như âm nhạc với những bản “hit” gây bão rồi sau đó làm mưa, làm gió Internet, sân khấu luôn ở thân phận thấp bé, nhẹ cân nên nhiều khi bị bỏ lơ không thương tiếc.

Mặc dù, “yêu lắm, thương lắm” nhưng sân khấu luôn lép vế để rồi có những vở diễn rất hay vẫn chịu cảnh đìu hiu chợ chiều, ế ẩm. Và, ngay cả một mùa Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm với hơn 20 vở diễn tưng bừng, rộn rã thì khán giả của Thủ đô dường như vẫn chưa kịp biết đến.

Đúng tối 10-10 tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, 361 Trường Chinh, “Thân phận nàng Kiều” tác giả NSƯT Lê Đại Chức, nhà văn Nguyễn Hiếu, đạo diễn NSND Nguyễn Tiến Dũng đã có một đêm diễn vô cùng sống động trên sân khấu. Tiếc thay, gần đến giờ biểu diễn, dưới khán đài vẫn thưa thớt khán giả, nhiều ghế ngồi bị bỏ trống. Mặc dù, tối hôm đấy là Ngày Giải phóng Thủ đô, người đi chơi nhộn nhịp. Và Nhà hát Múa rối Việt Nam đã rất nỗ lực để có một món quà quý giá trao tặng cho khán giả sân khấu Thủ đô. Thật đáng tiếc!

“Truyện Kiều” - tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du lần đầu tiên được lên sân khấu với loại hình múa rối.

Bất chấp điều đó, với thời lượng 60 phút, người xem không thể rời mắt khỏi sân khấu. Thật kì lạ, thật tài tình, thật biến hóa những nhân vật trong tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du từ Thúy Kiều, Từ Hải, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến... lại được tung hoành trên sân khấu qua hình tượng con rối từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ sĩ tạo hình nhân vật. Sân khấu được trang trí bằng những dải lụa mềm biến hóa khôn lường, âm thanh của tiếng đàn tỳ bà khi réo rắt, lúc nỉ non về cuộc đời buồn thương của thân phận nàng Kiều. Hệ thống ánh sáng được huy động sáng tạo tối đa.

Trước đây, ta đã quen Kiều ở sân khấu kịch nói, hay các loại hình nghệ thuật khác như tuồng, chèo, cải lương và kịch hình thể. Lần này, nàng Kiều hiện ra qua tạo hình con rối, tấm thân mảnh dẻ mong manh sương khói, dáng vẻ yêu kiều diễm lệ mê hoặc khán giả. Nàng Kiều đẹp là thế thì quyến rũ được những Kim Trọng, Mã Giám Sinh, Từ Hải... cũng là đúng thôi.

Nàng Kiều, đây có thể được xem là nhân vật rất thành công của nghệ thuật tạo hình rối Việt. Những nhân vật được dàn nghệ sĩ điều khiển thể hiện từ có hồn đến hút hồn khán giả, động tác chuyển động nhẹ nhàng, uyển chuyển vô cùng. Quả thật, người ta quên đi đấy là những con rối mà là những nhân vật có thật. Mỗi người một hình dáng, tính cách, thân phận khác biệt.

Chỉ qua những dải lụa mềm thả xuống sân khấu với hệ thống đèn chiếu sáng mà từng không gian khác biệt cứ lần lượt hiện ra: Kiều vật vã, đau đớn bị Hoạn Thự bắt dâng rượu cho Mã Giám Sinh. Màn lãng mạn, ngọt ngào khi Từ Hải gặp Kiều.

“Thân phận nàng Kiều” đã đoạt Huy chương vàng cho vở diễn của kì liên hoan lần này. Giải đạo diễn xuất sắc, giải họa sĩ xuất sắc, 2 nghệ sĩ đạt Huy chương vàng, 6 nghệ sĩ đoạt Huy chương bạc. Nghệ thuật luôn là chiếc cầu nối gắn kết những quốc gia, dân tộc với nhau. Sau khi thưởng thức buổi biểu diễn xong, các nghệ sĩ của Shanghai Huaiju Opera Troupe, Trung Quốc vẫn còn nán lại ở ghế ngồi, tuy không hiểu tiếng Việt nhưng các nghệ sĩ nước bạn đã quá sửng sốt và bị quyến rũ bởi câu chuyện kể đầy hấp dẫn, thi vị này.

Vở “Macbeth Mirror” của đoàn Kalyani Lamandalam, Ấn Độ.

Khi được hỏi, một đạo diễn đoàn Trung Quốc đã phát biểu: “Chúng tôi đã thực sự bị chinh phục bởi toàn bộ là một vở diễn xuất sắc về thử nghiệm từ cách dàn dựng, cách trang trí, tạo hình cho tới kĩ thuật biểu diễn. Khó có thể nghĩ rằng chỉ có 6 dải lụa trắng mà đạo diễn đã rất tài năng biến hóa tạo nên những không gian sân khấu rất ấn tượng. Những vật dụng đời thường được đưa vào tạo hình con rối một cách hiệu quả. Chúng tôi ước có thể được đưa vở diễn này sang Trung Quốc để khán giả nước tôi thưởng thức”.

Được khán giả thưởng thức ngây ngất là vậy, nhưng, nhiều người cứ lo ngại, liệu rằng bằng hình thức quảng bá nào để “Thân phận nàng Kiều” sẽ đến với khán giả cả nước? Hay rồi, sau kì liên hoan này, vở diễn chỉ phục vụ khách du lịch quốc tế, vậy thiệt thòi cho khán giả trong nước quá. Điều này được ví như nhà có một món ăn chế biến tinh tươm, rất ngon nhưng gia đình đi vắng hết, không có người ăn, khách vào gặp bữa, họ thưởng thức hộ.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Lê Tiến Thọ đã từng phát biểu đại ý rằng: Hiện nay chưa có kênh thông tin, tuyên truyền nào cho sân khấu, nên rất ít người biết đến vở diễn hay và thuộc mặt, nhớ tên các nghệ sĩ tài năng nếu họ không xuất hiện trên sóng truyền hình hoặc trên Intrernet.

Lại câu chuyện kinh phí

Không sử dụng kịch bản và đạo diễn trong nước, Nhà hát Tuổi trẻ đã chọn kịch bản kinh điển “Cậu Vanya” và mời đạo diễn Sugiyama Tsuyoshi dàn dựng. Vở diễn nhận được nhiều lời khen của bạn bè đồng nghiệp và quốc tế. Sau đó đến vở “Sự sống” của Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn tại số 1 Tràng Tiền. Nhà hát có diện tích khiêm tốn, nằm phía sau Nhà hát Lớn, nên bị che lấp đi. Nếu không phải người yêu sân khấu, không phải có dịp đi qua đó, bạn không thể biết có một nhà hát nằm ở vị trí như vậy.

Tuy ở phía trước Nhà hát Lớn là một Tràng Tiền sầm uất nhưng con phố nhỏ nằm vắt qua như một sợi chỉ thắt nút này lại có vẻ rất yên tĩnh. Trái ngược với sự nhỏ bé của diện tích nhà hát thì vở diễn lại mang đến điều đặc biệt thú vị to lớn cho khán giả. Các bạn Nhà hát kịch Việt Nam diễn xong rồi mà khán giả, bạn nghề như không muốn về, vẫn muốn nán lại để xem.

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền sau khi thưởng thức xong vở kịch đã buộc thốt lên: “Hai vở nhà cháu thích nhất là “Cậu Vanya” của Nhà hát Tuổi Trẻ và “Sự sống” của Nhà hát kịch Việt Nam. Chưa nói vài vở thành công khác, chỉ hai vở này cũng đủ làm Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần này đáng nhớ và thành công rực rỡ”.

Vở “Bức Tranh” của Đoàn Trung Quốc.

Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát chia sẻ: “Xem hai đoạn nhỏ thôi là đã thấy thích rồi. Đây là một trong những cái gọi là thử nghiệm”. Nhà báo Cam Quang Long (Tạp chí Sân khấu, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) là người theo sát sân khấu hàng chục năm trời, thốt lên: “Vẫn là Anh cả đỏ”.

Đại diện Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ với phóng viên: từ tháng 11 năm 2018, đơn vị tổ chức đã nhận được 53 vở của các đoàn nghệ thuật quốc tế và 19 đơn vị nghệ thuật trong nước với 24 vở diễn. Sau khi kiểm định qua clip hình, ban tổ chức chương trình đã chọn ra được 14 vở quốc tế và 14 vở đơn vị nghệ thuật trong nước.

Nhưng tiếc thay, 7 đơn vị nghệ thuật quốc tế kia do không có điều kiện kinh phí nên đã không thể tự túc đi lại được. Chỉ có 7 đơn vị nghệ thuật quốc tế tự bỏ tiền túi mua vé tàu xe tham dự: Hungary, Israel, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Hy Lạp.

Giấy mời cũng phải ngậm ngùi

Vở “Huyền thoại gò Rồng áp” (sân khấu Lệ Ngọc) cũng được biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, nhiều khán giả háo hức đến xem nhưng phải rầu lòng ra về vì tuy có vé mời của ban tổ chức chương trình nhưng không có vé mời của đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Nhiều nghệ sĩ đã thất vọng vì việc này. Sự việc này lại tiếp tục tái diễn vào tối hôm sau, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở “Ngàn năm mây trắng” của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam là sự pha trộn, kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống vào một tác phẩm như chèo, cải lương, xẩm, hát văn...

Không nói về vở diễn, chỉ nói về sự trái khoáy của buổi biểu diễn này là nhiều khán giả, trong đó có nhiều người là nhà hoạt động sân khấu tên tuổi khi đến cửa bị bảo vệ, kiểm soát vé nhất quyết không cho vào rạp. Lý do rất lãng xẹt, là mặc dù khán giả khi đến xem đã cẩn thận mang theo tấm vé mời trang trọng của ban tổ chức Liên hoan quốc tế Sân khấu thể nghiệm (Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) nhưng người soát vé thì nhất quyết phải đòi bằng được thêm cả vé mời của đội biểu diễn là Đài Tiếng nói Việt Nam.

Vì vậy, sau khi nói tình nói lý không được, nhiều khán giả phải ngậm ngùi ra về. Trong đó, có những nghệ sĩ từ trong Nam đã đi một chặng đường xa để xem biểu diễn.

Nhà biên kịch Lê Quý Hiền cho rằng khán giả đến với liên hoan sân khấu thể nghiệm là khách mời của ban tổ chức liên hoan sân khấu chứ không phải khách mời của đơn vị biểu diễn. Giấy mời xem tối mồng 9-10 là giấy mời của đơn vị có tác phẩm tham dự liên hoan không hề ghi cơ quan tổ chức liên hoan và ngay cả giám khảo cũng phải qua cửa Nhà hát Lớn bằng giấy mời của VOV tức là làm khán giả của VOV chứ không phải là người của ban tổ chức liên hoan vào chấm giải. Ông khẳng định tác giả hai vở diễn không có lỗi trong vụ này.

Đạo diễn Huỳnh Tấn Phát đưa ý kiến cho rằng liên hoan chỉ cần một mẫu vé mời thôi. Đó là vé mời của ban tổ chức. Còn các vở diễn nếu muốn diễn thêm thì vẫn có thể tổ chức thêm vài buổi diễn của riêng mình để mở rộng khán giả hoặc bán vé doanh thu. Còn trong khuôn khổ liên hoan thì nên dành cho anh chị em trong nghề xem lẫn nhau để học hỏi. Và chỉ dùng một mẫu giấy của ban tổ chức liên hoan là đủ chứ việc gì phải đổi tới đổi lui cho rắc rối. Rồi anh em nghệ sĩ lại mích lòng nhau như thế này.

Sự việc sau đó đã được khắc phục, song quả tình không ai nghĩ liên hoan sân khấu thử nghiệm mà mọi người phải trải nghiệm quá nhiều thứ rắc rối thế này.

Trần Mỹ Hiền
.
.