Thử nghiệm loại thuốc giúp hệ miễn dịch chống lại bệnh ung thư

Chủ Nhật, 15/07/2012, 11:35

Một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà nghiên cứu nhất trong cuộc chiến chống căn bệnh ung thư quái ác là hệ miễn dịch của con người không làm tốt sứ mạng bảo vệ cơ thể chống chọi lại bệnh tật. Trong khi đó, những khối u ác tính sở hữu loại vũ khí rất mạnh là "lá chắn phân tử" có khả năng đẩy lùi mọi cuộc tấn công từ hệ miễn dịch. Hiện nay, một loại thuốc đang trong vòng thử nghiệm được cho là hứa hẹn giúp giải phóng hệ miễn dịch để chọc thủng được lớp lá chắn bảo vệ này một cách hiệu quả, giúp chữa trị bệnh ung thư phổi, da và thận.

Suzanne L. Topalian, nữ chuyên gia về ung thư tế bào hắc tố (melanoma) ở Đại học John Hopkins và người lãnh đạo cuộc nghiên cứu, cho biết nhóm của bà đang thử nghiệm loại thuốc chống 3 bệnh ung thư phổi tế bào không nhỏ, ung thư tế bào hắc tố và thận đối với một số bệnh nhân ung thư được dự đoán chỉ còn sống được vài tháng. Loại thuốc nghiên cứu do Công ty dược phẩm Bristol-Myers Squibb cung cấp, hy vọng sẽ giúp bệnh nhân ung thư kéo dài thêm được sự sống của mình.

Theo bà Topalian, nghiên cứu lâm sàng bước đầu cho thấy những dấu hiệu khá lạc quan như là khối u nhỏ lại và không phát triển trở lại trong vòng hơn một năm. Nghiên cứu của nhóm Topalian mới đây được đem ra bàn luận tại hội nghị thường niên của Hiệp hội ung thư lâm sàng Mỹ (ASCO) và đã được công bố trên trang web của tạp chí New England Journal of Medicine.

Loại thuốc đang được nhóm Topalian nghiên cứu có tên mã dài ngoằng BMS 936558, kiểm soát một protein gọi là PD-1. Tại hội nghị ASCO, các nhà khoa học nhận định chất ức chế PD-1 là hy vọng thương mại và điều trị mới nhất của ngành ung thư học hiện nay. Một phần bởi vì loại thuốc mới này có khả năng điều trị nhiều loại bệnh ung thư khác nhau. Bristol-Myers có kế hoạch tiếp tục tiến hành hai cuộc thử nghiệm lâm sàng trong hai năm 2012 và 2013 trước khi xin giấy phép thương mại hóa để điều trị ung thư phổi, thận và melanoma (một dạng ung thư da chết người).

Một số công ty dược phẩm khác cũng đang theo đuổi hợp tác thử nghiệm loại thuốc có khả năng ức chế protein PD-1. Cuộc thử nghiệm lâm sàng ban đầu, do Bristol-Myers chi trả một phần kinh phí, được thực  hiện trên 196 bệnh nhân ung thư. Kết quả cho thấy các khối u co rút lại đáng kể - 18% ở số bệnh nhân ung thư phổi, 28% ở bệnh nhân melanoma và 17% ở bệnh nhân ung thư thận. Tuy nhiên, có vẻ như thuốc mới không có hiệu quả đối với một số nhỏ các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt hay ung thư ruột kết.

Nữ Tiến sĩ Suzanne L.Topalian và tiến sĩ Lieping Chen.

Qua quá trình thử nghiệm, kết quả cũng cho thấy, khoảng 14% số bệnh nhân mắc phải hiệu quả phụ nghiêm trọng và 3 bệnh nhân đã chết do viêm phổi có vẻ như liên quan đến thuốc mới. Mặc dù vậy, chất ức chế protein PD-1 cải thiện được sức mạnh hệ miễn dịch một cách đáng kể và được coi là thành công mang tính lịch sử trong cuộc chiến chống ung thư. PD-1 là protein trên bề mặt của các tế bào T (hay còn gọi là T lymphocyte) - những chiến binh của hệ miễn dịch - có vai trò kiểm soát hệ miễn dịch. Nếu một phân tử khác, gọi là PD-L1, liên kết với PD-1 thì các tế bào T sẽ chết hay trở nên “ngoan ngoãn”.

Đây có lẽ là cách thức để cho cơ thể kiểm soát hệ miễn dịch, nhằm tránh sự phản ứng thái quá. Nhưng nhiều tế bào ung thư điều khiển PD-L1 để giải giáp các tế bào T ngay khi các chiến binh này sắp sửa tấn công khối u. Loại thuốc mới của Bristol-Myers là kháng thể đơn dòng (monoclonal antibody) ngăn cản PD-1 liên kết với PD-L1.

Năm 2011, Bristol-Myers được phê chuẩn thương mại hóa loại thuốc khác chế ngự PD-1, gọi là Yervoy, giúp cho bệnh nhân melanoma kéo dài thêm sự sống, song hệ miễn dịch được giải phóng cũng gây ra vài phản ứng trọng, như là viêm ruột kết.

Các chất ức chế PD-1 chỉ giải phóng hệ miễn dịch xung quanh khối u, hơn là toàn bộ hệ thống. Điều đó có nghĩa là PD-1 sẽ gây ra phản ứng phụ ít hơn mà lại có hoạt động chống khối u mạnh hơn những loại thuốc như Yervoy - theo giải thích của Antoni Ribas, chuyên gia về melanoma ở Đại học California, Los Angeles (Mỹ), trên tờ New England Journal of Medicine. Tuy nhiên, có bằng chứng sơ bộ cho thấy các chất ức chế PD-1 sẽ không có tác dụng ở những bệnh nhân có các khối u không tạo ra PD-L1.

PD-1 được giáo sư Nhật Bản Tasuku Honjo Đại học Kyoto và đồng nghiệp khám phá vào năm 1992. Một số công trình nghiên cứu khác cũng giúp làm sáng tỏ vai trò của PD-1 trong cuộc chiến chống ung thư, như là nghiên cứu của Giáo sư Lieping Chen cách đây một thập niên, lúc đó ông làm việc cho Mayo Clinic và hiện là giáo sư khoa Sinh học miễn dịch học và y học ở Đại học Yale.

Tiến sĩ Lieping Chen cho biết, nhiều liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư tập trung xử lý tăng cường sức mạnh tiêu diệt khối u của hệ miễn dịch hoặc "huấn luyện" hệ thống này cách tấn công khối u nhờ vào vũ khí gọi là vaccine ung thư. Một loại vaccine như thế (để ngăn chặn ung thư tuyến tiền liệt) - gọi là Dendreon's Provenge - đã được thương mại hóa, song nhiều loại vaccine khác đã gặp thất bại.

Giáo sư Lieping Chen nói, vai trò được khám phá của PD-1 có thể giúp giải thích những sự thất bại cay đắng này. Ngay cho dù, nhiều loại vaccine kích thích được phản ứng miễn dịch một cách hiệu quả, nhưng sau đó phản ứng này biến mất do sự chống chọi của PD-1. Giáo sư Chen cho rằng sử dụng thuốc ức chế PD-1 cùng với vaccine có thể đạt hiệu quả cao nếu được tập trung nghiên cứu trong tương lai

An An (tổng hợp)
.
.