Thư pháp thử chút lạm bàn

Chủ Nhật, 14/10/2007, 22:55
Trước nhất, xin được chia sẻ cảm giác cái lần được đáo qua một không gian thư pháp tạm coi là hoành tráng của Trung Hoa trên đất Việt vài năm trước tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Số lượng có lẽ còn khiêm tốn (100 bức được chọn lựa từ hơn 400 bức của hàng trăm tác giả trên khắp mọi miền vùng của Trung Quốc như thông báo của ban tổ chức) nhưng những “co” chữ khác nhau trên chất giấy xuyến chỉ (còn có tên khác là tuyên chỉ, có tên ấy bởi công văn chỉ thị của triều đình phong kiến ban ra đều trên loại giấy đó và cũng là chất liệu thông dụng của thư pháp Trung Hoa từ cổ chí kim) thứ bồi, thứ để mộc giăng giăng suốt tầng một thênh thang của bảo tàng đã đủ sức bắt mắt người coi.

Có lẽ thư pháp chỉ đắc địa một khi cho nó một không gian tương xứng, đủ tầm. Một căn phòng hẹp chỉ có thể thuận mắt với một tấm một bức nho nhỏ, chứ cỡ mét hai mét tám hoặc hơn về chiều cao mà non trăm bức thì mới vừa mắt với khoảng không gian như thế này.

Thời điểm triển lãm thư pháp khai mạc cũng là ngày Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Giang Trạch Dân thăm hữu nghị chính thức Việt Nam nên bức thảo thư trên chất liệu giấy xuyến bồi thẳng thớm treo gần cửa chính thể hiện một bài thơ của Chủ tịch Giang Trạch Dân thoắt khiến không gian thư pháp có vẻ trở nên thời sự...

Giao vọng thiên đô ỷ khách tùng/ Liên hoa thủy tín lưỡng phi phong/ Thả từ mộng bút thư ký cảnh/ Nhật phá đào vân vạn lý hồng/ (có người tạm dịch: Xa ngắm kinh đô khách rộn lòng/ Hoa sen muôn búp rực triền sông/ Tay tiên vẩy bút thơ nên vận/ Ló khỏi ngàn mây ánh rực hồng).

Một vị trong ban tổ chức cho hay: Bức thảo thư này của tác giả Chu Chí Cao người Giang Tô, cùng cố hương của Chủ tịch Giang Trạch Dân còn kém xa bức thảo thư do chính tác giả bài thơ viết hiện đang treo ở Bắc Kinh. Chủ tịch Giang còn là một “tay” thư pháp cỡ đại gia!

Một bức thư pháp và thư hoạ minh hoạ cho hai câu "Tả vấn tửu gia hà xứ hữu. Mục đồng giao chỉ hạnh hoa thôn", trong bài thơ "Thanh minh" của Đỗ Mục (thời Nhà Đường, Trung Quốc).

Và bản dịch tiếng Việt còn chưa “thoát” hết cái thần lẫn khẩu khí của bài thơ... Cũng như vậy tôi thấy người xem như dừng lại lâu hơn ở một vị trí trang trọng trưng bày những bức thư lẫn họa (vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác giả Trần Công sinh năm 1931 ở Quảng Tây và mấy bài thơ trích từ "Nhật ký trong tù").

Cuốn hút người xem có lẽ là bức viết theo thể Hành bài Thân thể tại ngục trung/ Tinh thần tại ngục ngoại/ Dục thành đại sự nghiệp/ Tinh thần cánh yếu đại (Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao/ Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao của tác giả Lê Vũ Tây sinh năm 1943 ở Liễu Châu.

Bên cạnh là bức của tác giả Vi Nghĩa Trung theo lối thảo thư bài "Tứ tuyệt": Vân ủng trùng sơn sơn ủng vân... (Núi ấp ôm mây mây ấp núi/ Dòng sông gương sáng bụi không mờ/ Bồi hồi dạo bước Tây phong lĩnh/ Trông phía trời Nam nhớ bạn xưa).

Độc đáo của bức hành thư này là tác giả ngoài việc chặt chẽ trong bố cục, cố ý mà cứ như không một thủ pháp của thư pháp là vi nhiên như nhiên các chữ thân, tinh thần, cánh, đại và vân, vô, cố nhân... ngầm ý nhắc người xem ý tưởng hay “điểm nhấn” cái thần của bài thơ là những chữ được viết nhỉnh, nhô lên như thế đã toát nên nghị lực, chí khí của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cảnh lưu đày...

Một bức khác khiến người coi khó dứt mắt ra được là bức của Lôi Phương Thạch người Quảng Châu còn khá trẻ sinh năm 1972 thể hiện theo lối Lệ thư bài thơ của Diệp Kiếm Anh, một nhà lãnh đạo Trung Hoa, tác giả khi thăm Vịnh Hạ Long của Việt Nam đã viết Yên vũ mông mông Hạ Long loan (Quanh co với một Hạ Long mênh mang sương khói).

Tôi đồ rằng đa phần những người viết thạo thư pháp nếu chẳng phải mang danh họa sĩ thì cũng tiềm ẩn không ít thì nhiều cái tư chất hay chút chi đó khiếu hội họa. Cái "ăn đứt" của “anh” thư pháp có lẽ là bố cục. Chặt mà lỏng.

Đóng mà lại mở. Vậy nên có nhiều người biết chút ít hoặc không rành chữ Hán, thậm chí nhiều người không biết nhưng họ cứ “thửa” cứ treo mà chẳng sợ chê là như “nhìn vào bức vách” bởi họ cảm được thông điệp hội họa hình khối, mảng qua đường nét trước khi lĩnh hội được ngữ nghĩa của nó.

Hầu như tất tật chất liệu trong triển lãm này, người ta đều dùng xuyến. Giấy xuyến mới là “vua” bởi độ mỏng, độ dai, độ thấm. Thứ chất liệu này dường như thể hiện được cái thần của chữ khi lướt bút, gây ra xước hoặc xương kính làm nên vẻ thần thái của con chữ.

Nhưng cũng có ý khác rằng, đành một nhẽ xuyến là sản phẩm cao cấp, nhưng cũng từ “anh” giấy dó, mà ra tỉ như từ dầu thô người ta chế, chưng cất ra dầu hỏa, ra xăng (?!) vậy. Các cụ ta vẫn dùng dó, điệp mà viết xưa nay đó thôi? Nhưng trước cả việc chọn chất liệu gì để thể hiện thư pháp cho “đắc địa”, có lẽ điều tiên quyết vẫn là việc trong “tâm”, trong “đầu” có gì thể hiện ra không thôi.

Mà có lẽ phải từ ngữ nghĩa thần thái của bài thơ lẫn danh ngôn nào đó mà người viết sáng tạo khi thể hiện và nên dùng thứ chữ nào chân lệ, triện thảo... thì tùy.

Cũng trong cuộc bày thư pháp ấy, tôi để ý đến bài thơ của Vương Chi Hoán đời Đường: Bạch nhật cung sơn tận/ Hoàng hà nhập hải lưu/ Dục cùng thiên lý mục/ Cánh thượng nhất tằng lâu được thể hiện theo lối chữ đại triện - chữ nhật tác giả chẳng câu nệ dùng vòng tròn có cái chấm ở giữa như chữ tượng hình có từ thời thượng cổ chỉ mặt trời.

Cũng như vậy, chữ mục được vẽ bằng một con mắt. Độc đáo là chỗ đó, sáng tạo cũng là chỗ đấy. Trong làng thư pháp Bắc Hà, hiện giờ vẫn nhô và nhỉnh lên một lão gia Nguyễn Văn Bách ở ngõ Tràng Tiền.

Theo cụ, trong thư pháp, kiểu chữ gì thì kiểu và trên bất cứ loại chất liệu gì nhưng vẫn phải đạt được bốn cái. Tù (tạm hiểu) là khoan thai vuông vức; Mỵ: uyển chuyển nền nã; Kính là trang trọng; Kiện: khoát đạt mạnh mẽ. Thời điểm bày triển lãm, cụ cũng có mặt và ngỏ cùng tôi rằng, thi thoảng có triển lãm như thế này cũng là cái được.Một là họ bày tư tưởng hay nghệ thuật đẹp (ý cụ nói đến cung cách trình bày, kiểu chữ, bố cục...) ra cho mà coi.

Hai nữa, những lần trưng ra những thứ có tính tiêu chuẩn như thế này để có những anh viết bừa vạch ẩu ra các hình thù rối rắm rồi mạo danh đó là thư pháp thì cũng giật mình đi là vừa.--PageBreak--

Bấy nhiêu thôi cũng đủ bừng ra cái điều, thư pháp Hán có đặc thù, có một lãnh địa riêng. Hơn 3.000 năm lịch sử thư pháp từ kim văn thời Thượng Chu đến Triện thời Tần, Lệ thời Hán, Bia thời Ngụy, Khải thời Đường, Hành thời Tống, Tiểu Khải thời Minh... mỗi thời đều có những biến dịch sáng tạo phóng túng sinh sắc nhưng hết thảy đều phải dựa trên nguyên lý tức là tính đặc thù của nó! Vương Hy Chi, Vương Hiến Chi thời Đông Tấn.

Chữ Hán do nhà văn Xuân Ba thể hiện.

Rồi Âu Dương Tuân, Toại Lương, Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền... đời Đường. Rồi Tô Đông Pha, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất, Sài Tương... đời Tống. Phần sáng tạo trong bút pháp của họ góp cho nền thư pháp nhân quần hình như không nằm ngoài vẻ tù, mỵ, kính, kiện ấy chăng?

Trong làng thư pháp Bắc Hà, tôi có quen với Lê Quốc Việt, một ông đồ trẻ. Trẻ nhưng đã phảng phất khí chất của sự lịch duyệt. Chả phải cái việc Lê tiên sinh có thể dắm mắt sờ đá đọc văn bia vanh vách mà phần sáng tạo trong lối thư pháp Việt từng trưng ra trong triển lãm trong nước lẫn ngoại quốc.

Một bận Lê Quốc Việt có chia sẻ cùng tôi những suy ngẫm độc đáo rằng, nằm trong khối những nước đồng văn, Việt Nam đã tự hào xác lập một diện mạo thư pháp kéo dài hơn 10 thế kỷ.

Quốc gia độc lập dĩ thư tuyển sĩ (ngó chữ để kén người) khiến chữ viết mang phong cách đời Đường tái hiện nét rắn rỏi trên những trang sử đá thời Lý mà vẫn không hao hụt đi vẻ trữ tình qua nét phi bạch của Lý Nhân Tông ngự đề trên trán bia chùa Long Đọi. --PageBreak--

Ba chữ Thanh Hư Động của Vua Trần Nghệ Tông phảng phất vẻ khỏe khoắn chữ Lệ thời Hán, có nét riêng với sự trầm mặc của Triện trên hệ thống bia ngạch Lam Kinh thời Lê sơ.

Các hoàng đế và triều thần Lê sơ chuộng vẻ khải của Triệu Mạnh Phủ thời Nguyên nhưng Vua Lê Thánh Tông và con là Vua Lê Hiến Tông, hai gương mặt thư pháp sáng giá thời ấy không khư khư câu nệ mà vẫn có những biến dịch riêng giá trị!

Nội chiến Nam Bắc Triều chính thức châm ngòi cho cuộc tranh giành quyền lực của các dòng họ, nhà Mạc biến thể con chữ thành lối viết đầu cong chân quẹo làm tiền đề để sản sinh ra lối chữ viết sắc phong thời Trung hưng - một kiểu chữ độc nhất vô nhị không giống bất kỳ thể nào, nhà nào, thời nào của Trung Hoa!

Kiểu sức là điểm yếu, là dấu mờ của kiểu thư pháp thời Nguyễn đồng thời là dấu son đẹp chấm dứt nghệ thuật thư pháp cổ của nước nhà trước khi quốc ngữ được đưa vào thay thế chữ Hán! Lê Quốc Việt còn mạnh bạo tóm lược rằng Đinh chuộng Ý, Lý chuộng Vận, Trần chuộng Luật, Lê chuộng Pháp, Mạc chuộng biến và Nguyễn chuộng kỹ!

Có lẽ để các đấng túc nho lẫn túc Quốc ngữ dự bàn tay hay chia sẻ quan điểm ấy của Lê tiên sinh, theo thiển ý của người viết bài này, hình như bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng vậy, hình như có tiêu chuẩn và đất sống của nó.

Trong đó dân trí là trình độ là kiến thức mà chẳng thể tách rời sự phổ cập, hướng dẫn? Thư pháp cũng vậy. Chẳng thể riệt cho cái việc vọng ngoại hoặc lai căng khi tại vị trí trang trọng trong mỗi nhà, cứ treo những bức thư pháp ghi lại những lời khuyên, những lời răn của tiền nhân, những áng thơ hay kim cổ được thể hiện bằng cung cách của người biết thư pháp, thạo nữa thì là càng hay.

Cái thói quen ấy hình như thành nếp hàng trăm năm nay, hàng nghìn năm nay rồi và đã chiếm một vị trí trong đời sống tâm linh người Việt? Cái cần lọc ra, loại ra là sai là ẩu, bừa tùy tiện của những người chưa chịu không chịu biết thư pháp nhưng cố tình lòe và lừa thiên hạ!

Thôi thì thiếu chi những mảng màu (đen có, xanh đỏ có) những hình thù lằng nhằng (như ý cụ Bách phàn nàn) rồi phán đấy là chữ của Thánh hiền. Chữ Đức ngữ nghĩa sang trọng là thế mà có người “minh họa” với lối nôm na mách qué theo kiểu đọc ngày trước của học trò cho dễ nhớ chim chích mà đậu cành tre. Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm, họ vẽ bầy chim chích lẫn cành tre thật treo chình ình trên bàn thờ nhà người ta.

Những năm gần đây có nhiều ý kiến khen có chê có về một kiểu chữ Quốc ngữ được viết trại đi, cố cho uốn éo rối rắm và coi đó là thư pháp. Thư pháp nôm na là phương pháp là cách viết (?!) thì hà cớ chi chữ Việt mình lại không trại đi cho na ná như chữ Tàu?

Hà cớ gì viết chữ Tàu chữ Nhật, Nam Hàn, Bắc Hàn mới gọi là thư pháp? Nhiều người khăng khăng vậy! Và trên một vài tờ báo trưng hẳn hoi những bài ca ngợi coi đó là sự sáng tạo của người mình!? Những là đã độc đáo là giữ gìn được bản sắc dân tộc!

Không chỉ dừng ở đó, nhiều cuốn lịch được xuất bản đậm đặc những mảng những khối mà người coi thoạt đầu chưa hiểu gì nhưng rồi ngó kỹ mới biết đó là thơ Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên hoặc của tiền nhân nào đó... cố viết cho biến dạng đi.

Như thế có phải là sáng tạo không? (liệu các thi nhân lẫn danh nhân ấy liệu có ngậm cười nơi chín suối khi thơ mình chữ mình được “dịch” thành hình thù hơi bị thoáng thế không nhỉ!). Nhưng cũng có không ít ý kiến như trên đã dẫn, thư pháp có đặc thù của nó.

Dạng chữ hệ Latinh không thể “chế” thành thư pháp được mà phải là thứ chữ tượng hình với quy luật cung cách “biến” của nó, chẳng hạn quy trình chữ chân thành thảo rồi ra triện, lệ như thế nào đó...

Tiếc thay (hay là không cần thiết?) lẩu lâu đến nay, vẫn chưa có một “trọng tài” ý kiến của những nhà chuyên môn những học giả những người “túc nho” lẫn “túc” cả... Quốc ngữ vào cuộc để hướng dẫn, định hướng trên một phương tiện truyền thông nào đó chẳng hạn? Và thực tế quả có một chút bối rối cho một số người “tiêu dùng” đang có nhu cầu thực sự nhưng không biết nên treo thứ chi loại thư pháp nào trong cái nhà của mình!?

Hay là phải chịu thứ quy luật của kinh tế thị trường là hàng tiêu dùng thì đầy ra đấy nhưng xài thứ gì để tránh bị rởm hoặc ít độc hại đây? Hay là để mặc ”phái” nào chơi nhiều, treo nhiều loại thư pháp nào đó thì là... thắng?!

Để kết luận khúc lạm bàn này, bỉ nhân xin dẫn ra đây một chi tiết. Trong nhóm báo chí tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Điện Élysée mới rồi, tôi ngó rất lâu lẫn rất kỹ dòng chữ viết trên gói quà (không biết đựng thứ chi trong đó?) của Tổng thống Pháp N. Sarkozy tặng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng.

Dòng chữ dĩ nhiên bằng chữ Pháp: Kính tặng ngài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngó lâu lẫn kỹ như vậy vì dòng chữ được viết nghiêng rất bắt mắt và bay bướm theo lối, nói như thế nào nhỉ, kiểu chữ mà ta vẫn gọi là phăngtêzy, kiểu chữ những người xài tiếng Pháp trước năm 1945 vẫn quen lẫn thường dùng!

Ngài Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống Pháp còn vui lòng cho biết thêm, ở Phủ Tổng thống có một người chuyên để chỉ viết một kiểu chữ như thế ngoài phong bì cho các gói quà tặng quốc khách của nước Pháp!

Nhân đó, tôi cũng tò mò gặng thêm ông Đổng lý ở một quốc gia vốn đông chật các danh gia hội họa rằng chữ Pháp có kiểu viết khác, viết biến đi không thì ngài ấy cho hay, ngôn ngữ Pháp từ hệ Latinh chỉ cho phép có một lối viết như thế!

Nghênh sương các, chót thu năm Hợi.

.
.