Thụ tinh ống nghiệm – niềm hy vọng của những cặp vợ chồng hiếm muộn

Thứ Sáu, 20/04/2012, 14:40

Sự thèm muốn, khát khao, đau đáu của người này lại là sự thừa thãi, no đủ của người kia. Có một nơi mà hàng ngày người ta hoan hỉ chào đón cả trăm đứa trẻ được sinh ra, rồi cũng nơi đấy người ta bỏ đi những sinh mệnh khi giọt máu đó chưa kịp thành hình hài. Và cũng chính nơi ấy hàng trăm nghìn cặp vợ chồng tìm đến với hy vọng những biện pháp khoa học tiên tiến nhất can thiệp để họ có được thai nhi với tên gọi "thụ tinh ống nghiệm".

Bệnh viện Phụ sản Trung ương nằm trên con phố chính của trung tâm thủ đô, hằng ngày tấp nập người qua lại với nhiều tâm trạng và cảm xúc của những số phận rất khác nhau. Nhưng, ám ảnh nhất có lẽ là khoa chữa vô sinh của những cặp vợ chồng hiếm muộn.

PHẦN I: GIA CẢNH KHÁC NHAU

Mới chưa tới 8 giờ sáng mà khoa chữa vô sinh trên tầng 3 đã chật kín người ngồi ở hai bên hành lang, bên cạnh những người vợ còn có những ông chồng "bất đắc dĩ" ngồi đợi để được đến lượt. Những người phụ nữ chênh nhau khá xa về độ tuổi, thậm chí chỉ nhìn qua hình thức bên ngoài thì họ còn còn có độ vênh lớn ở điều kiện vật chất hay trình độ xã hội. 

Trong vai một người có hoàn cảnh giống như họ, tôi ngồi giữa đám đông để thâm nhập và đúng như những gì mà cô bạn thân của tôi đã nói: "Vào đây rồi thì ai cũng giống ai, bắt chuyện làm quen dễ lắm, người nào cũng có nhu cầu muốn chia sẻ và họ sẵn sàng nghe chuyện của nhau". Tại sao tôi lại ngồi ở đây thế này? Thật ra có sự thôi thúc "súi bẩy". Chả là, tôi có hai cô bạn thân. Một người đã bước vào tuổi 36 và đã có con gái đầu lòng lên 7 tuổi, nhưng cách đây 3 năm ông thầy tướng số cứ nhất mực nói là nếu cô không sinh thêm đứa thứ hai thì chồng cô sẽ có con riêng.

Bạn tôi, vốn là một người  vợ yêu chồng, nhưng việc chửa đẻ lại không được may mắn. Sau khi sinh đứa đầu thì bạn tôi không may bị vô sinh lần hai và đã hai lần bạn tôi đi làm thụ tinh nhân tạo nhưng bất thành. Sắp tới đây, bạn tôi sẽ đi thụ tinh lần thứ ba. Cô ấy nói trong đôi mắt ầng ậc nước: "Hiền ơi! Cậu vào viện mà viết đi, có nhiều chuyện lắm. Cậu phải chứng kiến cảnh khi nhận được giấy kết quả thì tâm trạng nó như thế nào. Không thể diễn tả bằng lời được đâu".

Người bạn thứ hai của tôi, chị 38 tuổi. Tôi quý chị vì chị rất phúc hậu và tươi tắn, tôi không thể ngờ được là trông chị dồi dào, phốp pháp rất nồng nàn và đàn bà thì vì lẽ gì mà lại khó có con đến thế. Sau hơn 5 năm lập gia đình, chị vẫn chưa được làm mẹ. Chị xót xa cho chồng lắm vì anh năm nay cũng đã 50 tuổi nhưng chưa một lần được nghe tiếng gọi cha. Tuổi này có người đã được làm ông.  Đôi lần, chúng tôi đùa là không phải do chị, mà do chồng của chị thôi. Chị nhíu mày, gạt đi và bảo tất cả là do chị, bác sĩ đã kết luận thế rồi.

Chị cũng đã hai lần đi thụ tinh ống nghiệm nhưng thật không may là bất thành. Lần thứ nhất cách đây vài tháng, sau thời gian ở nhà hơn chục hôm nằm "án binh bất động" chờ đợi, một sáng chị nhắn cho tôi một cái tin: "Chị hỏng rồi, em ơi". Cái tin ngắn ngủn mà buồn vô cùng. Nỗi buồn của chị lây cả sang tôi.

Đúng theo thời hạn 3 tháng sau (giới hạn mức thời gian cho phép để tiếp tục làm thụ tinh), chị lại đăng ký để đi làm lần thứ hai. Lần này chị cách ly chồng sang ở tạm nhà chị gái. Vì trong quá trình thụ tinh nếu gần chồng sự kích thích nam nữ sẽ không có lợi cho việc thụ tinh. Thậm chí cũng không được xem phim, hay đọc sách gì gây cảm xúc quá mạnh. Thời hạn 15 ngày dài đằng đẵng, hằng ngày chị đọc truyện cổ Grim, chị bảo những chuyện cổ tích đều là viết cho trẻ nhỏ nên kết thúc sẽ có hậu.

Tối hôm trước tôi gọi điện hỏi thăm sức khỏe của chị, chị mừng rỡ bảo sáng mai chị vào viện xét nghiệm máu để biết kết quả. Hôm sau, 11 giờ trưa mà không thấy tin tức gì của chị, tôi hiểu kết quả là gì. Chắc chị buồn lắm. Mấy ngày sau, chúng tôi gặp nhau, tôi an ủi chị bằng cách kể một câu chuyện nhưng đây là một sự việc có thật 100%. Có cặp vợ chồng diễn viên rất nổi tiếng, sau khi sinh bé gái đầu lòng thì chị bị vô sinh lần hai, sau 9 năm trời đằng đẵng chữa trị đông - tây y kết hợp tưởng như vô vọng, bỗng dưng một ngày đẹp trời chị mang bầu.

Bé trai được sinh ra một cách hoàn toàn tự nhiên và kháu khỉnh đẹp như một thiên thần, nó là kết quả của sự yêu tự nhiên chứ hoàn toàn không qua một sự can thiệp nào của y học. "Cuộc đời, mấy ai học được chữ ngờ, đúng không nào, biết đâu chị lại..." - Tôi bảo với chị vậy, nhưng lần này khuôn mặt vốn dĩ rất tươi tắn của chị lại phảng phất nét buồn xa xăm. Tiếng chị se sẽ: "Em vào viện mà viết, nhiều chuyện éo le lắm, có gì không hiểu chị sẽ giải đáp cho"…

Bệnh viện Phụ sản Trung ương, nơi đến lý tưởng của các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Và, bây giờ tôi ngồi đây, giữa bao người lạ. Người đàn bà sát bên tôi khoảng 45 tuổi, chúng tôi trò chuyện với nhau khá cởi mở. Chị tên Vân, chồng chị ngồi bên cạnh, anh hơn chị khoảng vài tuổi. Chị mặc bộ váy xanh lam trên nền nước ra trắng rất bắt mắt, khuôn mặt đẹp của độ tuổi chín đằm đầy quyền rũ. Chị chưa từng có con ư? Không phải. Chị đã có hai đứa, bé trai thứ hai năm nay 13 tuổi và đứa bé đầu nếu còn sống thì năm nay cũng đã vào tuổi 20, thằng bé mất vì tai nạn giao thông cách đây 3 năm. Hai vợ chồng chị quyết định sinh thêm một đứa và sau khi "thả tự do" mãi mà "không đậu", đây là lần đầu tiên họ dẫn nhau đến bệnh viện để nghe tư vấn cho việc thụ tinh nhân tạo.

Đối diện với tôi là một cặp khác, vợ chồng mà họ cứ ríu rít như đôi tình nhân. Cử chỉ âu yếm của người phụ nữ với chồng khiến cho một vài người "khó chịu" hoặc "ghen tị"… Thường lấy nhau lâu các cặp vợ chồng sẽ có một thứ tình cảm khác chứ không say đắm như lúc ban đầu, chị ấy không ngớt những cử chỉ nhẹ nhàng và âu yếm chồng mình. Ánh mắt hai người trao cho nhau quả thật si tình hiếm thấy khiến những bạn trẻ đi thụ tinh ống nghiệm cũng phải ngơ ngác trước tình cảm của hai người. Điều này cũng gây ra tâm lý khó hiểu. Sổ y bạ trên tay chị ghi: Nguyễn Thị Bích, 37 tuổi. Trò chuyện, thì ra chị cũng đã có một bé gái 8 tuổi, chồng mất được 6 năm, sau nhiều năm vô vọng chìm khuất trong đau khổ, lần này chị tìm được tình yêu đích thực của đời mình, anh hơn chị 4 tuổi, là con trưởng trong gia đình.

Trước khi đến với chị anh cũng đã qua một đời vợ. Họ yêu nhau được hai năm vừa mới tổ chức đám cưới được khoảng 3 tháng. Nhưng ngay khi gặp nhau, họ đã lao vào nhau như hai kẻ say, duyên tình nồng đượm, bóc trái cấm vườn địa đàng hai năm rồi mà chị vẫn chưa mang bầu. Đã bao lần chị hồi hộp đến thót tim vì những ngày đến tháng bị chậm kinh, nhưng rồi lại không phải như mong muốn. Giờ, thì chị chẳng thể đợi lâu hơn được nữa. Chị muốn ngay lập tức sinh cho anh đứa con và bản thân anh cũng khát khao muốn thế. Họ đến đây làm lần đầu, nên vẫn bỡ ngỡ lắm.

Và, ở ngay trong cái hành lang này họ - những bệnh nhân đặc biệt này lại gặp người quen. Một đoạn hội thoại quen thuộc: "Ô! Này Hương, đang làm gì đấy?", "Vào làm thủ tục để chuẩn bị làm tiếp đây này", "Lần trước hỏng hả? Tôi cũng phải làm lại đây này", "Xong hết chưa?...". Đó là những người phụ nữ đồng cảnh ngộ đã đến đây để làm thụ tinh nhiều lần và họ nhận ra nhau. Dường như chung hoàn cảnh, chung nỗi buồn và cả sự tuyệt vọng, họ trở nên gắn kết gần gũi, đồng cảm với nhau hơn. Họ hỏi nhau đủ chuyện: Lấy chồng lâu chưa? Đã có con chưa? Đi thụ tinh lần nào chưa? Mấy lần rồi? Đã dùng những biện pháp nào rồi? Bác sĩ nào chữa trị? Chữa thì theo phác đồ nào? Ngắn hay dài? Uống thuốc nào?... Những câu hỏi mà chỉ có trong hành lang của khoa chữa vô sinh cho những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Đợi chờ trong hy vọng.

Trong khi mấy người phụ nữ đang loay hoay ngồi đợi đến lượt thì cánh đàn ông lại ngồi ở cuối dãy, tiếng nói của một anh trung tuổi phá tan đi sự im lặng ngột ngạt đáng sợ: "Trực tiếp mới chắc chắn chứ gián tiếp chẳng ăn thua, lo ngay ngáy". Một cậu khác hùa theo: "Trực tiếp không làm được thì phải gián tiếp, may ra thì đúng…".

Cánh đàn ông đồng cảnh ngộ có vẻ thân mật dễ hòa hợp với nhau. Vẫn người đàn ông trung tuổi hỏi người trẻ hơn: "Có đứa nào chưa?", cậu thanh niên trả lời: "Em chưa". Người đàn ông trung tuổi hỏi tiếp: "Lấy vợ bao lâu rồi?" , "Dạ, 13 năm rồi anh ạ" - cậu thanh niên vừa dứt lời thì mọi người quay sang nhìn chằm chằm cậu ấy. Người đàn ông trung tuổi cười sảng khoái, thốt lên: "Anh bạn trẻ chung tình gớm nhỉ!", rồi người đàn ông ấy nói tiếp: "Tất cả là vì các bà vợ. Các bà vợ phải thấy thương cho các ông chồng khốn khổ này". 

Bên này hai cô gái cầm phiếu kiểm tra trên tay, họ còn khá trẻ trạc tuổi nhau cùng ngồi đợi. Hai người này đối lập với nhau về cuộc sống, mới nhìn qua đã biết một cô dư giả về kinh tế, còn cô bên cạnh chắc hẳn khá eo hẹp. Cô dư giả đi đôi guốc cao gót hàng hiệu, cả cái túi xách cũng là một thương hiệu thời trang nổi tiếng, cô cầm điện thoại di động đắt tiền, làn da trắng lấp lánh được ẩn sau bộ trang phục bắt mắt. Cô eo hẹp mặc bộ quần áo giản dị, đi đôi dép mà người ta bảo chỉ cần nhìn qua cũng biết được gia cảnh của cô, nó quá tã tượi. Đôi bàn tay của cô đầy những gân xanh, run rẩy, chứng tỏ đó là con người lao động chân tay.

Cô eo hẹp cầm trên tay cuốn sổ y bạ ghi Nguyễn Thị Lan, 28 tuổi, Sóc Sơn. Cô làm may công nghiệp, chồng cô cũng chỉ là công nhân. Họ lấy nhau 6 năm mà chẳng có con cái gì. Ban đầu người nhà của cô bảo chắc do chồng đi làm xây dựng xa nên mỗi lần về nhà yêu đương chớp nhoáng lại không phải là thời kỳ rụng trứng nên không đậu. Mấy năm rồi vẫn không có động tĩnh gì, anh chồng lại không còn việc xây dựng ở nhà với vợ đến gần năm mà cũng chẳng thấy vợ bầu bí gì. Hai vợ chồng liền đi khám thì biết cô bị tắc ống dẫn trứng. Sợ tốn kém họ đã đưa nhau đi chữa thuốc nam ở một làng chuyên chữa vô sinh ở Nam Định nhưng không hiệu quả.

Lần này với đồng lương công nhân ít ỏi, dành dụm chắt bóp lắm cô mới tiết kiệm được 30 triệu, số tiền nào đã đủ, cô phải vay họ hàng, bạn bè thêm hơn 20 triệu nữa. Khi có trong tay hơn 50 triệu cô mới tạm yên tâm để đi đến đây chữa trị. Cô bảo với tôi: "Nếu trời thương, em chỉ cần làm một lần là đậu thì không tốn nữa. Chứ nếu không, em chẳng còn tiền mà làm nữa đâu, chị ạ".

Cô dư dả cũng 28 tuổi, mặt đẹp, da trắng, và đặc biệt cô có nụ cười hút hồn, tuy nhiên trên khuôn mặt vẫn phảng phất nét buồn. 28 tuổi, ở tuổi đấy bạn bè đa phần đều có con cả. Cô lấy chồng được 5 năm rồi, gia đình nhà chồng cô giàu lắm, đấy là nghe người xung quanh nói chứ tuyệt nhiên cô không nói gì.  Cô im lặng, nhìn mọi người. Sau hồi tôi chủ động gợi chuyện thì cô mới nói, cô đi làm thụ tinh tất cả đã 5 lần rồi, và đây là lần thứ 6. Cô bảo, nếu lần này ở Việt Nam không được thì cô sẽ sang Singapore để thụ tinh, biết đâu thay đổi môi trường lại "đậu" thì sao. Những lần trước chồng cô còn nhiệt tình nhưng lần này thì cô chỉ đến có một mình.

Cô bảo sợ nhất là lúc đi lấy kết quả. Nếu không được thì cảm giác suy sụp như nhận giấy báo tử của người thân, mà có khi còn hơn thế nữa. Một sự thất vọng, một sự đau đớn, một nỗi buồn mênh mang, và có không ít người đã quị xuống ngay đấy. Cô can đảm hơn nhưng cô đã khóc không ít.  Cô nói vu vơ với tôi: "Không có con, hôn nhân đôi khi chẳng có nghĩa gì cả, mà đàn ông cũng có cớ để bỏ mình". Rồi cô lại nói: "Nhiều người vô tâm, mình không có con mà đi làm, mọi người cứ đến cơ quan là nhắc đến con không à. Nỗi đau xoáy sâu thêm. Mình là phụ nữ còn chịu đựng được chứ đàn ông tính tự trọng, sĩ diện cao không chịu được đâu. Những ngày 1-6, Tết Trung thu, cơ quan chia phần thưởng không có con tủi thân lắm"…

Khi chúng tôi đương chuyện trò thì một người phụ nữ đi về phía chúng tôi. Đôi mắt ập nước, rồi như không kìm được, những giọt nước mắt lã chã tuôn rơi trên khuôn mặt chị. Chị luýnh quýnh mở túi xách, lấy cái điện thoại bấm gọi, sau hồi chuông đổ dài, ở đầu dây bên kia bật máy. Chị nghẹn lại thổn thức: "Anh ơi! Chúng mình được rồi". Đôi bàn tay run rẩy khi cầm tờ kết quả trên tay người phụ nữ đã bước qua tuổi 40 lần đầu được làm mẹ. Chị khóc vì hạnh phúc. Hẳn bên đầu dây kia, người đàn ông kia cũng sẽ đứng như trời trồng vì… sung sướng.

Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề thụ tinh ống nghiệm trên số báo sau

Trần Mỹ Hiền
.
.