Thư viện về Bác Hồ của một nông dân ở Sóc Trăng
Tấm lòng của người con miền Nam với Bác
Chúng tôi biết anh từ một sự tình cờ khi đi công tác tại xã Thới An Hội. Công việc hàng ngày của người nông dân tên Nguyễn Văn Nhung là phụ giúp vợ bán quán cháo nhỏ kiếm tiền nuôi các con. Quán cháo của gia đình anh ngay gần UBND xã. Quê anh là một xã vùng sâu của huyện Kế Sách, nơi có truyền thống cách mạng.
Năm 11 tuổi, anh về nhà bà ngoại chơi. Đêm đó, vào đầu tháng 9/1969, mọi người đã ngủ. Anh tình cờ nhìn sang giường bà ngoại, thấy bà mở rương, tay nâng niu một vật gì đó. Tò mò, anh lại gần và thấy bà đang cầm một tấm ảnh, áp chặt vào ngực. Anh hỏi: "Hình ai đó ngoại?". Ngoại nhìn anh rồi khẽ nói trong nước mắt: "Bác Hồ đó con ơi. Bác đã mất rồi".
Nhà của anh Nguyễn Văn Nhung bây giờ là một Thư viện mini về Bác Hồ. |
Lần đầu tiên anh nghe nói về Bác Hồ, thấy ảnh của Bác nhưng anh chưa hiểu Bác là ai mà ngoại lại khóc. Anh hỏi thì ngoại nói: “Lớn lên con sẽ biết”. Lần khác, anh theo mẹ đi chùa. Thấy một nhà sư đang thắp nhang trước tấm ảnh. Anh hỏi thì được nhà sư cho biết: "Đó là một vị Thánh của dân ta", anh lại càng thắc mắc hơn.
Ngày 30/4/1975, quê hương giải phóng. Lúc này, anh được gần gũi với các anh bộ đội từ miền Bắc vào. Thấy các anh bộ đội cũng có ảnh của Bác, lại được nghe các anh kể nhiều chuyện về Bác, anh đã hiểu ra Bác Hồ là ai, tại sao Bác lại được nhiều người biết đến như thế. Vậy là, từ đó, hình ảnh Bác Hồ kính yêu được khắc sâu vào tâm trí anh với lòng ngưỡng mộ cao cả. Từ đó, anh nung nấu trong lòng một công việc là sưu tầm tất cả những tài liệu, tranh ảnh về Bác Hồ kính yêu.
Và hành trình đi tìm tài liệu
Ước mơ là một chuyện, nhưng để thực hiện ước mơ ấy lại là chuyện khác. Nói thật, cho đến hôm nay, cả TP Sóc Trăng cũng chỉ có chưa đến chục sạp báo. Nhà sách thì có vài chỗ nhưng không phải dễ kiếm tài liệu về Bác Hồ, nói chi tới xã Thới An Hội, huyện Kế Sách quê anh Nhung. Nói như thế để thấy được hành trình đi sưu tầm tài liệu về Bác Hồ của anh Nguyễn Văn Nhung gần 40 năm qua không đơn giản chút nào. Chỉ có những ai có tâm, có hiểu biết, kiên trì mới làm được.
Anh Nguyễn Văn Nhung bên những tư liệu và hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà anh cất công sưu tầm gần 40 năm qua… |
Về điều này, anh Nhung tâm sự: “Ở xứ này, tìm sách báo khó lắm. Tôi phải lì, phải kiên nhẫn lắm mới có được. Khi thì đạp xe ra huyện, khi thì lên tỉnh, tìm đến ngành văn hóa thông tin, thư viện, các trường học, báo đài ở tỉnh, ở huyện để xin báo cũ. Sau đó tìm đến trụ sở xã, bưu điện... nơi nào có báo là tôi tìm đến. Nói thật, lúc đầu không dễ xin vì họ không biết mình xin để làm gì, phải giải thích rất nhiều người ta mới biết mục đích của mình. Sau đó họ mới cho. Thỉnh thoảng, dành dụm được chút tiền, tôi ra tỉnh tìm mua báo cũ, lục tìm tài liệu, hình ảnh về Bác. Hễ thấy ở đâu có ảnh, có tài liệu về Bác là tôi tìm đến, xin cho bằng được mới thôi. Nhiều khi thấy mình trở thành kẻ vô duyên vì thấy ai (dù không quen biết) có tờ báo, cuốn sách viết về Bác là tôi tìm cách làm quen xin cho bằng được. Còn nhà ai có ảnh Bác, xin không được thì tôi mướn người đến vẽ lại cho mình. Vì vậy anh nhìn trên tường nhà tôi có rất nhiều tranh vẽ. Cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, trong nhà tôi lại có thêm một số tài liệu, hình ảnh Bác. Có tài liệu, hình ảnh rồi, tôi phân loại theo từng mốc, như: Bác khi còn thời niên thiếu, Bác khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác ở nước ngoài, Bác ở Việt Bắc...”.
Nhìn những tấm ảnh về Bác do anh Nhung sưu tầm được, chúng tôi hết sức ngạc nhiên và thán phục công phu sưu tầm ấy. Có tài liệu rồi, anh bổ sung thêm ảnh để thuyết minh về tài liệu. Có ảnh, anh lại cặm cụi tìm tài liệu phục vụ cho ảnh. Cứ thế, dần dần anh trở thành người có kiến thức về lịch sử vào loại nhất nhì ở địa phương. Mỗi khi có cuộc thi tìm hiểu nào về lịch sử, các em học sinh của xã lại chạy đến chú Nhung mượn tài liệu hoặc nhờ chú giải thích cho. Vô tình anh trở thành "giáo viên" dạy lịch sử cho các em.
Cách đây nhiều năm, kỷ niệm ngày sinh của Bác, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tỉnh có đưa về xã Thới An Hội một số hình ảnh triển lãm. Trong đó có nhiều hình ảnh về Bác. Anh Nhung đã bỏ mấy bữa làm để đi xem triển lãm.
Do triển lãm chỉ có treo ảnh chứ không tổ chức thuyết minh nên nhiều người dân đến xem mà không biết nội dung của các tấm ảnh. Anh Nhung liền đứng ra làm hướng dẫn viên luôn, giải thích cho bà con nghe nội dung của từng tấm ảnh từ sự kiện, ngày tháng... thậm chí có những bức anh còn nói cho bà con biết cả tên người chụp ảnh nữa. Thấy thế, một cán bộ của ngành bèn thử yêu cầu anh bằng cách đề nghị anh "nhìn ảnh nói nội dung". Anh Nhung làm một lèo hết hàng chục tấm ảnh chụp về Bác mà không sai tí nào.
Khâm phục, sau đó, Sở VH-TT tỉnh tặng anh cả bộ ảnh về Bác. Anh rất mừng khi trong bộ sưu tập của mình được bổ sung thêm nhiều tấm ảnh quý giá. Cứ như thế, anh Nguyễn Văn Nhung đã sưu tập được hàng ngàn trang tài liệu, trên 2.000 tấm ảnh về Bác Hồ. Đó là tài sản vô giá đối với anh.
Nhưng cái mà anh và nhiều người không ngờ tới là từ kho tài liệu đó đã cung cấp cho người dân địa phương và ở ngoài tỉnh những kiến thức quý giá về Bác. Hàng ngày, có nhiều người tìm đến nhà anh để được chiêm ngưỡng bộ sưu tập ảnh về Bác, được đọc những trang tài liệu quý giá để hiểu hơn về Bác. Một anh chạy xe ôm cho biết: "Bộ sưu tập của anh Nhung đã đem lại nhiều hiểu biết cho người dân nơi đây. Nói thật với anh, tụi tôi cũng hay vào nhà anh Nhung xem ảnh Bác Hồ và biết được nhiều điều về Bác lắm". Giờ đây, về xã Thới An Hội mà hỏi nhà anh Nhung thì từ trẻ con cho đến người già, ai cũng biết cả. Có người còn gọi anh là "anh Nhung ảnh Bác" nữa chứ.
…và bộ sưu tập hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Từ tấm lòng đến tấm lòng
Chuyện anh Nguyễn Văn Nhung bỏ ra gần 40 năm sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác đã là một kỳ công. Nhưng bảo quản, giữ gìn kho tài liệu vô giá ấy lại càng đáng nể hơn. Vợ chồng anh có 5 đứa con nhưng học hành dang dở vì nhà nghèo, lại không có đất đai sinh sống. Quán cháo nhỏ ven đường là nguồn thu nhập chính của cả gia đình anh.
Trước đây nhà anh nằm cạnh bờ sông Cầu Lộ. Căn nhà sàn ọp ẹp, mái dột cột xiêu, trong nhà gió cứ thoải mái lùa từ trước ra sau mà không bị vật gì cản lại. Tài sản có giá nhất, chiếm chỗ nhiều nhất vẫn là kho tài liệu về Bác Hồ. Tất cả đều được xếp thành hàng thành lối bên trên được phủ bằng tấm vải nhựa tránh bụi và mưa dột. Còn ban đêm, anh cũng ít khi ngủ ngon vì lâu lâu phải thức dậy xua đuổi lũ chuột luôn tìm cách xâm nhập kho tài liệu đó.
Hỏi anh vì sao không mua tủ mà đựng cho an toàn. Anh Nhung trầm giọng: "Anh thấy đó, nhà tôi nghèo, muốn mua một cái tủ mà không có tiền để mà mua. Thôi thì trước mắt mình cứ bảo quản như thế, lúc nào có tiền sẽ mua sau"...
Câu chuyện anh nông dân nghèo xứ Thới An Hội xa xôi làm thư viện về Bác Hồ đã bay về thành phố mang tên Bác. Hiểu và chia sẻ với anh, chính quyền và cấp ủy Đảng các quận 1, quận 3 đã xây tặng gia đình anh một căn nhà khang trang, tặng thêm tủ, bàn ghế, tivi... UBND tỉnh Sóc Trăng cũng xuất ngân sách mấy chục triệu đồng hỗ trợ anh Nhung tu bổ, bảo quản thư viện của mình. Như vậy là anh đã có chỗ cất giữ kho tư liệu quý giá của mình đúng như niềm mơ ước từ bao nhiêu năm nay.
Không chỉ có như vậy, trong thời gian qua, nhiều cựu chiến binh ở TP HCM, nhiều thầy cô giáo, học sinh ở Phan Thiết, Huế, Bạc Liêu, Cần Thơ... đã gửi thư cho anh, làm quen, giao lưu với anh, có người còn gửi tặng anh nhiều tài liệu quý về Bác với mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng thư viện Bác Hồ của anh.
Thư viện về Bác Hồ của anh Nguyễn Văn Nhung là một câu chuyện bắt đầu từ tấm lòng thành kính của anh đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Và thư viện đó đã trở thành kho tài liệu phong phú, có giá trị ở địa phương. Mong muốn của anh Nhung (và của tất cả mọi người) là làm sao thư viện ngày càng phong phú hơn, phục vụ có hiệu quả hơn cho lợi ích cộng đồng và trong công tác giáo dục thế hệ trẻ. Ngoài ra, anh Nhung còn có rất nhiều hình ảnh về các vị Cách mạng tiền bối, các vị Anh hùng dân tộc, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc như: Võ Nguyên Giáp, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai…
Anh Nhung tâm sự: "Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam, chưa một lần được gặp Bác. Tôi nghe bà ngoại, mẹ và các anh bộ đội... kể nhiều câu chuyện cảm động về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Bác. Một cách đơn giản theo tôi hiểu, Bác là người đã đem lại độc lập tự do cho dân tộc, hòa bình cơm áo cho nhân dân. Vì thế, tôi luôn nhớ về Bác. Lập thư viện về Bác, tôi mong muốn lúc nào bên mình cũng có Bác. Bác đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, cho tất cả mọi người. Vì vậy, tôi coi những tài liệu, hình ảnh về Bác là tài sản vô giá của đời mình. Nói thật với các anh, nghèo thì nghèo thật nhưng sưu tầm tài liệu về Bác luôn là ước mơ cháy bỏng trong tôi"…