Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu: Cần gạn đục khơi trong
- Tôn vinh giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ
- Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Lần đầu tiên tái hiện tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hội An
Vụ việc gây xôn xao dự luận, đặc biệt là trong các thanh đồng, thủ nhang, những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong thời gian qua.
Cùng với những biến tướng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phải xác định giới hạn được phép và không được phép của từng cá nhân và từng cộng đồng trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giọt nước tràn ly
Đầu tháng 8, đoạn clip ghi lại cảnh giằng co, xô xát giữa thủ nhang đền Quan Tam phủ ở Đồ Sơn, Hải Phòng và cô đồng từ TP Hồ Chí Minh ra ngay tại phủ Chính Tiên Hương (phủ Dầy, xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) khiến mạng xã hội xôn xao.
Theo thông tin từ Công an huyện Vụ Bản, nguyên nhân dẫn đến sự việc này là do mâu thuẫn từ trước, chứ không phải mâu thuẫn trong lúc thực hành nghi lễ hầu đồng tại phủ Dầy. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Mạc cho rằng bà Nguyễn Thị Ngọc nợ tiền của ông và đến đòi tiền, đánh bà Ngọc. Điều đặc biệt là việc này lại diễn ra trong lúc bà Ngọc đang thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, bản thân ông Mạc cũng là một thanh đồng.
Hai thanh đồng xô xát ngay khi đang thực hành tín ngưỡng tại Phủ Dầy (ảnh cắt từ clip). Ảnh: K.T |
Theo Công an huyện Vụ Bản, ngay sau sự việc xảy ra, Công an huyện cùng công an xã có mặt, xử lý vụ việc. Trong quá trình điều tra, Cơ quan công an gặp phải nhiều khó khăn do đối tượng về địa phương (Hải Phòng), nạn nhân (chị Ngọc và chồng con) thì về TP Hồ Chí Minh, các nhân chứng cũng không phải người ở địa phương mà đến từ các tỉnh khác.
Lãnh đạo công an huyện Vụ Bản cho biết, theo lời khai của các đối tượng đến đòi nợ chị Ngọc, trong quá trình đòi nợ thì xảy ra xô xát. Tuy nhiên, theo quy định, vay mượn ở nơi nào thì khởi kiện ra cơ quan thẩm quyền ở nơi đó giải quyết. Hành vi chửi bới, xô xát tại địa phương gây ảnh hưởng tâm lý chung của người dân đến lễ Mẫu, gây hoang mang trong cộng đồng thủ nhang, thủ đền quanh đó, làm mất an ninh trật tự địa phương, thì cần phải xử lý nghiêm.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Kim Huệ (thủ nhang phủ Chính Tiên Hương - phủ Dầy) nói, vụ việc giằng co, xô xát này xảy ra giữa đồng thầy Mạc và cô đồng Ngọc tại Phủ Dầy. Khi cô đồng Ngọc đang ngồi trên sập công đồng tại phủ Chính Tiên Hương hầu Thánh, đồng thầy Mạc có những hành động gây bức xúc như lăng mạ, túm áo, xé áo cô đồng.
Bà Huệ cho hay, bà không biết thực hư mâu thuẫn giữa hai người bên ngoài như thế nào nhưng ngày hôm đó, khi cô đồng Ngọc chuẩn bị hầu đồng thì thanh đồng Mạc có dẫn theo một số người về trình bày việc "muốn xử cô Ngọc". Khi ông Mạc nêu việc "muốn xử cô Ngọc", bà Huệ không đồng ý và nói rõ, đây là di tích cấp Quốc gia, hơn nữa phủ Dầy là trung tâm, "thủ phủ" tín ngưỡng thờ Mẫu, làm như vậy ảnh hưởng rất lớn đến uy danh của Mẫu, nhất là khi di sản đã được UNESCO công nhận.
“Sau đó, ông Mạc nói với tôi là lên lễ Mẫu thôi nhưng dẫn theo khoảng 20 người có hành động côn đồ, buông lời bậy bạ, thiếu văn hóa, giẫm hết cả giày dép lên sập công đồng, giật khăn phủ diện, giằng co, xé áo, xô xát, ghì cổ cô đồng Ngọc và tát vào mặt - đó là những hành động không thể chấp nhận được", bà Huệ chia sẻ. Bà Huệ nói thêm: “Bản thân tôi đã nhiều năm thực hành tín ngưỡng, phụng thờ Mẫu nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ họ lại có hành động bất kính như vậy trước nơi tôn nghiêm thờ tự này".
Lần đầu tiên có hành động thầy đồng đánh cô đồng trong lúc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, đã làm xấu đi hình ảnh của những người thực hành di sản của cha ông để lại. Vụ việc gây bức xúc trong dư luận, nhiều thanh đồng đã chung tay ký vào đơn kiến nghị gửi Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL), UBND tỉnh Nam Định, UBND huyện Vụ Bản, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vụ Bản, Công an huyện Vụ Bản đề nghị “xem xét, xử lý nghiêm với trường hợp gây rối tại Di tích lịch sử Quốc gia, phá hoại Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm những người đang thực hành tín ngưỡng”.
Và muôn kiểu biến tướng
Có một thực tế đặt ra, nếu bản thân những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nhận thức được việc trân trọng, gìn giữ hình ảnh của mình đồng nghĩa với việc gìn giữ hình ảnh của tín ngưỡng trong lòng người dân. Vụ việc trên là hy hữu nhưng cũng tiềm ẩn từ những biến tướng của thực hành nghi lễ hầu đồng thời gian qua.
Một nghệ nhân thực hành di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ. |
Thời gian vừa qua, theo phản ánh của nhiều thanh đồng chân chính, xuất hiện việc một số người lợi dụng thực hành di sản, đưa hầu đồng vào quán ăn, phòng trà, thậm chí là hầu đồng ở chợ... làm mất đi tính trang nghiêm, vẻ đẹp văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ của người Việt.
Một số người coi đó là hoạt động "có thể sinh lời", núp bóng di sản văn hóa, họ lợi dụng niềm tin của cộng đồng để phán bừa, tạo hiện tượng "giả căn", nhằm lôi kéo những người ít hiểu biết tham gia.
Bên cạnh đó, xuất hiện cả hiện tượng ở các vấn hầu đồng có một số thanh đồng mặc trang phục thiếu vải và múa theo những điệu nhạc rock, rap... rất phản cảm. Có thanh đồng thì đội chiếc mũ cánh chuồn không ra văn quan, cũng chẳng ra võ. Thậm chí có trường hợp mặc cả áo rằn ri, đi giày tây, đội mũ tai bèo, đội mũ bảo hiểm... để thực hiện hầu đồng.
Theo thanh đồng Dương Văn Nguyện (Nam Định), bản thân ông đã xem những cảnh người mặc áo chầu Đệ Nhị và có hát văn, múa và hát trong quán ăn. Khách dự thì mặc áo ngắn quần đùi, sau đó đi từng bàn xin tiền. Thậm chí, ngay cả ở chợ Đồng Xuân cũng diễn ra nghi lễ hầu đồng. Thanh đồng Dương Văn Nguyện cho rằng, xảy ra thực trạng này là điều rất đau lòng.
Nhiều thanh đồng có lời truyền phán mang nặng tính dọa nạt trần tục, mục đích làm cho mọi người sợ để dễ dẫn dắt làm những lễ khác, kiếm lợi. Theo lời thầy phán nếu không làm sẽ gặp họa chết người, gia đình li tán, làm ăn thất bát. Nếu là những người còn trẻ thì thường sẽ bị những lời phán như: không lấy được chồng, thi cử không đỗ hoặc ốm đau... Đó là làm sai lệch đạo Mẫu. Đó là những người đội lốt tín ngưỡng để làm lợi cho bản thân.
Làm sao để gạn đục khơi trong?
Trước đó, trước thực trạng biến tướng của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, ngày 12/2/2018, Bộ VHTTDL có Văn bản số 618/BVHTTDL-DSVH gửi các Sở VHTT/Sở VHTTDL các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động hầu đồng trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu - Di sản đã được UNESCO công nhận. |
Trong đó, có nhấn mạnh việc ngăn chặn, xử lý hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng.
Theo đó, văn bản nêu rõ, để triển khai hiệu quả và nghiêm túc Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được Bộ VHTTDL công bố, Bộ VHTTDL yêu cầu Sở VHTT/Sở VHTTDL kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh các hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc chỉ tổ chức hầu đồng ở những nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố.
Thanh đồng Nguyễn Thị Hiền - Thiên Phúc tự, xã Trung Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An bày tỏ: "Tôi không đồng ý với những người đang lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện hầu đồng mọi nơi như hiện nay. Chỗ nào cũng hầu, hầu phải ở Tam tòa thánh Mẫu, Tứ phủ bản linh, hầu để sáng tâm, sáng dạ chứ không phải chỗ nào cũng hầu, rồi có người hầu phải tiền. Còn hát văn, biểu diễn sân khấu hóa thì lại là một lẽ khác. Nếu biểu diễn trên sân khấu nghiêm túc để quảng bá giá trị văn hóa thì được nhưng cũng phải giữ nét nghiêm túc, không được lợi dụng, phô trương, không thể đưa ra quán ăn, không được nhảy nhót hở hang, lợi dụng tín ngưỡng".
Thanh đồng Trần Thị Huệ thì chia sẻ, bản thân những người thực hành nghi lễ hầu đồng như bà luôn tuân thủ nghi thức và quy tắc của tín ngưỡng. Bà Huệ cho biết, vừa qua, có dịp cùng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sang Hàn Quốc giao lưu văn hóa, khi thực hiện nghi thức hầu đồng, bà yêu cầu nghiêm ngặt về không gian thực hành, phải thực hiện trong nhà, có nơi để đặt bát nhang, ban thờ. Khi hầu là phải quay mặt về phía ban thờ, chứ không phải là quay mặt về phía khán giả, quay lưng lại ban thờ như người ta vẫn biểu diễn. Bà Huệ cho rằng, mỗi thanh đồng cần thực hành nghiêm túc, chuẩn mực theo nghi thức thờ Mẫu thì sẽ hạn chế được tình trạng biến tướng, thực hành sai, dẫn đến hiểu sai di sản tốt đẹp của cha ông.
Để hạn chế sai lệch, biến tướng trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, theo nhiều nhà nghiên cứu, cần có những quy định, thậm chí là bộ luật phù hợp để xử lý những vi phạm. Bên cạnh đó, phải xác định giới hạn được phép và không được phép của từng cá nhân và từng cộng đồng trong thực hành tín ngưỡng này.
Theo TS luật học Nguyễn Ngọc Mai, Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, các thanh đồng chân chính, thực hành nghiêm cẩn tín ngưỡng thờ Mẫu cần liên kết lại thành lập một hội, có thể là Hội Thanh đồng Đạo quán của Việt Nam, trong đó, bầu lên các đồng thầy, người có uy tín trong giới, để có thể hướng dẫn các thanh đồng thực hành theo đúng giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ đó, cũng có những quy định mang tính răn đe với những thanh đồng làm sai, làm trái tín ngưỡng thờ Mẫu.
Còn GS. Trần Lâm Biền cho rằng, để điều chỉnh sự biến thể trong hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cần những biện pháp tổng thể từ nhiều ban ngành, trong đó, các thanh đồng, bà đồng là rất quan trọng.
“Mỗi thầy đồng, cô đồng cần nhận thức việc “Lên đồng” là một hình thức thông linh giữa con người và thần thánh. Chỉ đến khi đó họ mới tiếp cận được với thế giới thiêng liêng, mới nghe được tiếng thì thầm của vũ trụ hay lời dạy bảo của tổ tiên. Khi thấy người khác đang thực hành nghi thức này mà vẫn xông vào đánh hay trục lợi từ tín ngưỡng thì chính họ đang xúc phạm tín ngưỡng của mình” - GS Trần Lâm Biền nói.