Thông tin liên quan đến "đại gia" cá tra miền Tây:

Thực hư chuyện nợ “khủng” và lời đồn đại “vợ về nước, chồng… bỏ trốn”

Thứ Ba, 21/08/2012, 15:35

Hơn 5 tháng kể từ ngày “nổ” ra “cuộc chiến” đòi nợ của các "chủ nợ" là nhiều nông dân bán cá đối với “con nợ” là Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco), đến nay vụ việc vẫn chưa tiến triển gì mấy dù đã có nỗ lực từ nhiều phía. Đầu tháng 8 đến nay, đặc biệt là khi  nhà riêng của “đại gia cá tra” bị “chủ nợ” bao vây, dư luận tại Cần Thơ lại nhao nhao đồn đại rằng “đại gia” một thời Phạm Thị Diệu Hiền sắp bay về nước; rồi lại có tin đồn khác nói rằng chồng của bà Hiền - ông Trần Văn Trí - Tổng giám đốc Bianfishco lại… bỏ trốn do không chịu nổi các áp lực và khoản nợ “khủng” do vợ để lại.

PV Chuyên đề ANTG có mặt tại Cần Thơ để tìm hiểu ngọn ngành, thực hư đằng sau những lời đồn đại…

Lại "nóng" chuyện nợ và đòi nợ

Hai ngày cuối tháng 7 và cả chục ngày đầu tháng 8/2012, nhà riêng của vợ chồng bà Diệu Hiền - ông Trần Văn Trí - Tổng giám đốc Bianfishco, trên đường 30-4, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) bị các "chủ nợ" tại Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp… liên tiếp "vây". Các "chủ nợ" đã căng băng rôn ngang cổng căn biệt thự sang trọng này với nhiều nội dung khác nhau. Từ ngày 8/8, các "chủ nợ" giăng cùng lúc nhiều băng rôn, có cả một nhóm người hò hét, giơ tay theo một "nhạc trưởng", gây sự chú ý của người hiếu kỳ qua lại đoạn đường này.

Để theo đuổi kế hoạch "đòi nợ" của mình, ban đầu, nhiều "chủ nợ" đã thuê nhà trọ gần đó, chuẩn bị cả thức ăn để cầm cự qua ngày. Trưa đến, họ bày cơm và thùng nước ra vỉa hè ăn, đến khi thấy khan họng thì uống, bất kể cái nắng như đổ lửa.

Từ trong "nỗi niềm" của một "chủ nợ" tên Hương, đến từ Đồng Tháp, chúng tôi phát hiện ra sự có mặt của bà Vân - vợ của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Bà Hương kể bà từng bán cá tra giống cho bà Vân tổng cộng gần 3 tỉ đồng. Bà Vân nuôi cá, thu hoạch và bán cá nguyên liệu lại cho Bianfishco rồi bị mắc nợ. Bianfishco chậm trả nợ cho bà Vân, dẫn đến bà Vân cũng không có tiền trả tiền cá giống cho bà Hương, nên cả "chủ nợ" trực tiếp lẫn "chủ nợ" gián tiếp đều kéo nhau đi đòi nợ. Bà Hương nghẹn ngào khi kể lại chuyện bà phải đi vay nóng bên ngoài với lãi suất "cắt cổ". Đã hơn nửa năm rồi, bà thường phải trốn khỏi nhà vì bị "chủ nợ" đến đòi, thậm chí đập phá nhà cửa.

Còn "chủ nợ" kiêm… "con nợ" - bà Vân thì nghẹn ngào, cho biết Bianfishco nợ bà trên 20 tỉ đồng tiền cá nhưng trả nhỏ giọt chẳng thấm vào đâu. "Mới đây, ông Trí gọi tôi tới rồi… hứa sẽ trả 30% tiền nợ nhưng chưa tới ngày hẹn, ổng lại dời hẹn tới giữa tháng 8". Theo tiết lộ của Kế toán Bianfishco, công ty còn nợ "chủ nợ" này hơn 13 tỉ đồng.

Với một số "chủ nợ" nông dân khác không tham gia "vây" nhà, họ lại chọn cách tìm đến TAND TP Cần Thơ, nộp đơn, yêu cầu Tòa buộc Bianfishco mở thủ tục phá sản. Một luật sư được 9 hộ nông dân ủy quyền đòi nợ Bianfishco cho biết, hiện Bianfishco còn nợ 9 hộ này gần 90 tỉ đồng. Tòa cũng đã chấp nhận thụ lý vụ kiện.

Riêng đối với các nông dân đã được TAND quận Ô Môn (nơi đặt trụ sở, nhà máy của Bianfishco) tuyên thắng kiện, họ đang cầm trong tay bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chỉ để ngó chứ chưa được thi hành án.

Theo một báo cáo của cơ quan chức năng TP Cần Thơ, đến đầu tháng 8/2012, số lao động trở lại làm việc cho Bianfishco khoảng 1.100 lao động, số tiền nợ BHXH trên 3,5 tỉ đồng, nợ các bên bán cá trên 313 tỉ đồng (trong đó, có 37 hộ nông dân số tiền trên 235 triệu đồng) và nợ các ngân hàng cả gốc lẫn lãi 1.357 tỉ đồng.

Đã hơn chục ngày qua, nhà riêng của vợ chồng ông Trí đã bị các "chủ nợ" bao vây.

Lòng vòng chuyện thế chấp, chuyển nhượng cổ phần

Dư luận đang đổ dồn và thực sự muốn biết trắng đen sự thật liên quan đến 25 triệu cổ phần của cá nhân bà Diệu Hiền mà bà đã thế chấp, chuyển nhượng trước khi sang Mỹ điều trị bệnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Bianfishco được cấp đổi lần thứ ba vào ngày 14/10/2010, Bianfishco có vốn điều lệ 500 tỉ đồng. Với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần; quy ra thành 50 triệu cổ phần. Lúc đó, bà Diệu Hiền sở hữu 25 triệu cổ phần, bằng 50% tổng số cổ phần, trị giá 250 tỉ đồng.

Có một thực tế dù không dài dòng nhắc lại, nhiều người vẫn biết. Đó là trước khi "bom nợ" nổ ra, cụ thể là đến khoảng cuối năm 2010, Bianfishco đã nhanh chóng có mặt trong tốp đầu của giới chế biến, xuất khẩu cá tra của cả nước, đỉnh cao nhất sau rất nhiều giấy chứng nhận đánh giá trong ngoài nước là trở thành thương hiệu quốc gia, là doanh nghiệp có sản phẩm được thị trường khó tính như Mỹ chấp nhận "ăn", cho áp dụng thuế suất đặc biệt 0% và sắp được gia hạn vĩnh viễn. Thế nhưng, Bianfishco bỗng tuột xuống từ đỉnh cao và kịch tính bắt đầu diễn ra từ chuyện bà Diệu Hiền, với tư cách Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc bất ngờ bay sang Mỹ vào ngày gần cuối tháng 2/2012 để trị bệnh, để lại món nợ mà dư luận cho rằng "khủng".    

Ông Trần Văn Trí trả lời phỏng vấn của PV Chuyên đề ANTG và một số báo, đài khác sáng 9/8 bên hành lang Hội trường UBND TP Cần Thơ.

Quá trình giải quyết nợ nần, đặc biệt là tái cơ cấu Bianfishco, các cơ quan chức năng bất ngờ phát hiện vào ngày 11/1/2011, bà Hiền đã đem 25 triệu cổ phần cá nhân thế chấp cho Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Khu vực Cần Thơ - Hậu Giang (VDB), vay 250 tỉ đồng. Hợp đồng được đăng ký giao dịch đảm bảo vào ngày hôm sau. Tới ngày 13/7/2011, bà Hiền tiếp tục ký hợp đồng giao dịch mua chứng khoán, bán 25 triệu cổ phần cá nhân tại Bianfishco với Công ty CP  Hồ Mây (Công ty Hồ Mây, Hà Nội), với giá 125 tỉ đồng (5.000 đồng/CP). Toàn bộ số cổ phần mua của bà Diệu Hiền, Công ty Hồ Mây đã ủy quyền cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) được toàn quyền thảo luận, đàm phán, ký biên bản thỏa thuận, đưa ra phương án xử lý và hưởng mọi quyền lợi…

Có điều, trước khi thế chấp cho VDB và bán cho Công ty Hồ Mây, bà Hiền còn đem 25 triệu cổ phần cá nhân tại Bianfishco cầm cố, thế chấp cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Sở Giao dịch 2 tại TP HCM (BIDV-SGD2) để vay tiền. Tại Văn bản đề ngày 3/4/2012 gửi Sở KHĐT TP. Cần Thơ, BIDV-SGD2 xác định: Bianfishco đã thế chấp, cầm cố một số tài sản để đảm bảo cho các nghĩa vụ vay vốn tại ngân hàng, trong đó có 25 triệu cổ phần cá nhân của bà Hiền. Việc cầm cố 25 triệu cổ phần trên (theo Giấy chứng nhận sở hữu số BA00001 ngày 30/7/2008) đã được HĐQT Bianfishco thông qua ngày 2/8/2010. Giá trị mà bà Hiền vay sau khi thế chấp, cầm cố số cổ phần vừa kể (cùng một số tài sản khác) để vay của BIDV-SGD2 là hơn 190 tỉ đồng.

Về thông tin bà Diệu Hiền sắp về nước, ông Trí cho biết: “Đúng là vợ tôi đã đặt vé và dự kiến bay vào ngày 10/8. Thế nhưng, bác sĩ yêu cầu tiếp tục xạ trị thêm một thời gian. Vợ tôi cũng rất muốn về đây rồi tính gì thì tính; nếu có vi phạm pháp luật thì cũng chấp nhận bị xử lý bởi trước khi sang Mỹ, xác định rõ là đi trị bệnh mà”.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 6/8 vừa qua, Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu - Chi nhánh Cần Thơ (ACB Cần Thơ) đã có văn bản gửi Sở KHĐT TP Cần Thơ cho biết, ngày 3/6/2009, bà Hiền đã thế chấp 8 triệu cổ phần cá nhân tại Bianfishco để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ tại ACB. Hợp đồng này được đăng ký giao dịch đảm bảo và được Cục Đăng ký giao dịch đảm bảo xác nhận cùng ngày 17/7/2009. Việc thế chấp này được nhóm cổ đông đại diện cho số cổ phần chi phối tại thời điểm đó ký văn bản đồng ý để ACB được toàn quyền xử lý số cổ phiếu này trong trường hợp ACB phải xử lý để thu hồi nợ.

Hay thông tin này, chúng tôi liên lạc với ông Trí. Thế nhưng, số điện thoại (mà chúng tôi thường liên lạc) lại ò í e. Gọi thêm một số điện thoại khác, cũng thế. Không dễ dàng nghĩ như nhiều người rằng ông Trí đã… lánh mặt đám đông rồi trốn qua Campuchia, tôi kiên trì gọi lại. Vẫn không được. Đến cuối ngày 8/8, khi tôi sắp nghĩ rằng ông Trí trốn thật thì ông Trí đã chủ động gọi lại và chấp nhận cuộc hẹn gặp với tôi tại hành lang UBND TP Cần Thơ vào sáng 9/8.

Ông Trí cho biết, ông đang chịu quá nhiều áp lực nhưng vẫn phải tích cực chạy ra Hà Nội để lo những thủ tục theo như cam kết với phía các ngân hàng, đơn vị mua bán nợ… để sớm ổn định Bianfishco, đặc biệt là sớm trả nợ cho bà con nông dân.

Tôi hỏi chuyện hàng chục triệu cổ phần mà bà Hiền đã thế chấp,  chuyển nhượng, ông Trí cho biết, sự thật nếu muốn khách quan vẫn phải chờ xác định từ phía cơ quan chức năng. Thế nhưng, với góc độ của ông, sự thật không phải thế bởi từng xảy ra chuyện, bà Hiền từng thế chấp cổ phần nhưng chẳng được phía ngân hàng giải ngân; hoặc được giải ngân rồi, đã trả nợ xong rồi, phía ngân hàng không chịu giải chấp.

Dẫn chứng chuyện mới phát sinh mà dư luận đang quan tâm, ông Trí cho biết, trước đây, vợ chồng ông từng thế chấp căn nhà (đang bị "vây" mấy ngày nay) được định giá khoảng 80 tỉ đồng cùng với 8 triệu cổ phần của vợ ông để vay khoảng 70 - 80 tỉ từ ACB. Hiện nay, khoản vay này đã trả cơ bản, chỉ còn khoảng 23,818 tỉ đồng. Phần vay qua việc thế chấp 8 triệu cổ phiếu đã trả xong. "Nếu ACB nói vợ chồng tôi còn nợ trên 23 tỉ bằng việc thế chấp cổ phiếu thì phải giải chấp, trả cái nhà chứ sao nhập nhằng vậy?" - ông Trí nói.

Ông Trí cho biết, trước khi gặp trực tiếp với lãnh đạo ACB, ông cũng đã có văn bản phúc đáp, đề nghị xem xét miễn lãi vay và lãi phạt cho khoản dư nợ 23,818 tỉ đồng, tất toán nợ vay và giải chấp tài sản đảm bảo của khoản vay để ông thế chấp, vay nơi khác, thanh toán cho ACB.

Nói về khả năng tồn tại của thương hiệu quốc gia Bianfishco, ông Trí lạc quan: "Mục tiêu Bình An muốn phát triển, tồn tại hiện vẫn chỉ còn lại các đối tác chiến lược là SHB, VDB và có thể thêm là BIDV. Các ngân hàng này sẽ giải quyết mọi khó khăn nếu tình hình an ninh trật tự tốt, báo chí phản ánh đúng bản chất vấn đề".

Lãnh đạo TP Cần Thơ cũng nhất quán quan điểm sẽ tạo điều kiện tối đa cho các đối tác chiến lược của Bianfishco, trong đó có SHB trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Sự trông chờ của các "chủ nợ" là nông dân lúc này là ngày SHB có tên trong Giấy chứng nhận ĐKKD (với nội dung thay đổi cổ phần từ bà Diệu Hiền sang SHB) để được trả nợ như lãnh đạo Bianfishco đã cam kết

Binh Huyền
.
.