Thực phẩm không an toàn và môi trường đầu tư ở Trung Quốc: Tuy hai mà một?
Bàn về vấn nạn thực phẩm "bẩn" ở Trung Quốc, ông Alexandra Wrage, Chủ tịch Tổ chức Truy nguyên nguồn gốc thực phẩm quốc tế (một tổ chức phi lợi nhuận có văn phòng ở bang Maryland, Mỹ) khẳng định: Các doanh nghiệp nước ngoài muốn hoạt động đầu tư ở Trung Quốc đều phải dùng tiền "bôi trơn" hệ thống quan chức tham nhũng để xâm nhập vào một thị trường có sức tiêu thụ lớn, đặc biệt là thực phẩm.
McDonald’s "ngã đau"
Sau khi Đài Truyền hình Trung Quốc phát một phóng sự điều tra vào ngày 20/7 phanh phui vụ việc Công ty Husi - một công ty con trực thuộc Tập đoàn OSI (Mỹ) - nhà cung cấp của các thương hiệu thức ăn nhanh McDonald’s, Yum Brand, East Dawning, Yoshinoya, Dicos, 7/11, TGI Friday's, Burger King, Meiqile, Subway, Ikea, Wallace và Domino's đã sản xuất thịt gà quá hạn sử dụng, ôi thối, nhiễm khuẩn khiến người tiêu dùng trên toàn thế giới một lần nữa bị sốc và phẫn nộ.
Vụ bê bối lan sang Nhật Bản, tâm chấn của nó dội đến nước Mỹ khiến tỉ phú Sheldon Lavin, Chủ tịch OSI như ngồi trên đống lửa, phải họp báo khẩn cấp để thông báo nhận trách nhiệm, đồng thời trấn an khách hàng bằng cam kết: “Sẽ nhanh chóng có những hành động phù hợp và toàn diện”.
"Vết thương cũ" năm 2012 chưa kịp lành, đến nay "nguồn cung ứng" từ Trung Quốc tiếp tục "bồi" cho các doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm nước ngoài, đặc biệt là McDonald’s (Mỹ) thêm một cú sốc lịch sử. Vì "gã khổng lồ" công nghiệp ăn nhanh có đến 35.000 nhà hàng trải khắp 119 quốc gia trên thế giới.
Cách đây 13 năm, McDonald’s phải rót ra 10 triệu USD để khắc phục một sự cố khác sau khi tung ra thị trường sản phẩm khoai tây chiên chay, tuy nhiên họ đã chiên khoai bằng mỡ động vật thay vì dầu thực vật. Vụ bê bối khiến khách hàng phẫn nộ, đặc biệt với những tín đồ đạo Phật và đạo Hindu.
Vụ bê bối thực phẩm xảy ra vào năm 2012 từng khiến McDonald’s và Yum Brand lao đao vì đối tác Trung Quốc dùng hormone tăng trưởng "vỗ béo" cho gà. Trong suốt hơn 1 năm, họ đã phải rất nỗ lực để khôi phục lại hình ảnh và sự tin tưởng của khách hàng, vì Mcdonald’s từng không ít lần tự tin tuyên bố: "Đảm bảo an toàn thực phẩm là việc làm quan trọng nhất đối với McDonald’s, và chúng tôi luôn luôn chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp và quy định quốc gia cùng các tiêu chuẩn liên quan để cam kết với khách hàng rằng họ có thể thoải mái thưởng thức sản phẩm của chúng tôi".
Năm 2013, Tập đoàn OSI (văn phòng ở Illinois, hiện hoạt động sản xuất ở 17 nước và bán các sản phẩm tại 85 nước, doanh nghiệp sở hữu Husi đã đầu tư 750 triệu USD phát triển các trung tâm chế biến thịt gia cầm tích hợp 3 tiêu chí: an toàn sinh học, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuyên suốt chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, "giấc mộng Trung Hoa" của ông chủ người Mỹ có thể bị tan vỡ vì vụ bê bối lần này.
Theo nguồn tin trên cổng thông tin điện tử TP Thượng Hải, cảnh sát đã tịch thu 160 tấn thịt nguyên liệu cũng như 1.107 tấn sản phẩm thực phẩm của Công ty Husi. Các nhà điều tra cũng tìm thấy một bản danh sách khách hàng của Husi bao gồm gần 150 công ty.
"Chúng tôi đã phát giác không ít hành vi bất hợp pháp từ công ty này, hành vi đó không do công nhân mà do công ty lên kế hoạch và tổ chức thực hiện", ông Gu Zhenhua, Phó giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm TP Thượng Hải cho biết.
Có khoảng 100 tấn sản phẩm của Husi được tìm thấy tại 22 công ty gồm: Mc Donald’s, Burger King, Pizza Hut, KFC, Discos và 7 Eleven đã bị niêm phong làm bằng chứng. Điều đáng nói, khi cảnh sát đến làm việc, các công ty đối tác đều lắc đầu từ chối "không quen, không có quan hệ kinh doanh trực tiếp với Husi”.
Chính quyền TP Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) cũng đã niêm phong 1,77 tấn bít-tết thịt bò, tịch thu hơn 6 tấn sản phẩm thịt gà, thịt heo tại các cửa hàng KFC, Pizza Hut thuộc quyền sở hữu của Yum Brand cũng như McDonald’s. Các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Nội Mông, Vân Nam, Hà Bắc và Hà Nam cũng thông báo đã niêm phong, đồng thời ra lệnh cho các doanh nghiệp ngừng bán sản phẩm do Husi cung cấp.
Vì sao thực phẩm không an toàn tràn lan ở Trung Quốc?
Theo một bài viết trên tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc đăng ngày 23/7: Có khoảng 43,3% cư dân mạng xã hội ở nước này tỏ ra ngán ngẩm và tức giận về sự tắc trách, buông lỏng quản lý đã dẫn đến hàng loạt vụ bê bối thực phẩm, thậm chí gây chết người trong thời gian qua.
Theo Luật An toàn Thực phẩm hiện hành của Trung Quốc, cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh bán thực phẩm quá hạn sử dụng sẽ bị phạt gấp 10 lần giá trị hàng hóa của họ. Ví dụ, sản phẩm có giá ít hơn 10.000 nhân dân tệ, những đối tượng bán sản phẩm hết hạn sẽ phải nộp phạt 50.000 nhân dân tệ. Hình phạt này rõ ràng không đủ sức răn đe. Hiện cư dân mạng Trung Quốc đang đề xuất tăng mức phạt lên gấp 30 lần mới mong đủ "sức răn đe".
Bàn về vấn nạn thực phẩm "bẩn" ở Trung Quốc, ông Alexandra Wrage, Chủ tịch Tổ chức Truy nguyên nguồn gốc thực phẩm quốc tế (một tổ chức phi lợi nhuận có văn phòng ở bang Maryland, Mỹ) khẳng định: Các doanh nghiệp nước ngoài muốn hoạt động đầu tư ở Trung Quốc đều phải dùng tiền "bôi trơn" hệ thống quan chức tham nhũng để xâm nhập vào một thị trường có sức tiêu thụ lớn, đặc biệt là thực phẩm. Tuy nhiên, ông Alxandra Wrage cảnh báo nguồn cung không sạch từ các nhà cung cấp Trung Quốc có thể làm băng hoại danh tiếng của các thương hiệu toàn cầu như McDonald’s, Yum Brand và King Burger…
Theo khảo sát mới nhất được Phòng Thương mại Liên minh châu Âu ở Trung Quốc thực hiện chỉ rõ, có đến 55% doanh nghiệp được phỏng vấn khẳng định họ bị đối xử bất lợi so với các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc. Năm 2013, do vướng phải nhiều rào cản trong môi trường đầu tư ở Trung Quốc, nên khối các doanh nghiệp Liên minh châu Âu đã bị thất thoát 29 tỉ USD.
Một cuộc khảo sát tương tự của Phòng Thương mại Mỹ đưa ra kết quả: 41% doanh nhân/doanh nghiệp Mỹ được phỏng vấn khẳng định họ ít được chào đón tại Trung Quốc - một môi trường kinh tế mà họ từng mong ước. Trong năm 2013, theo khảo sát của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu chỉ có 1/5 doanh nghiệp châu Âu công nhận Trung Quốc là điểm thu hút đầu tư hàng đầu đối với họ