Thực trạng học môn Lịch sử: Đừng vội trách thế hệ trẻ!
Thực trạng
Tại Trường ĐH Đà Nẵng, năm nay, thật bất ngờ khi chỉ có 1,3% thí sinh (TS) đạt điểm trên trung bình môn Lịch sử (50 TS) và tới 21% bị điểm 0!. Hai thủ khoa khối C của ĐH Đà Nẵng năm nay cũng chỉ đạt 20 điểm, và có đến 1.200 TS đủ tiêu chuẩn xét vào khối C có điểm tổng cộng ba môn dưới 10! Ở kỳ thi năm ngoái trường này có trên 400 TS đạt điểm trên trung bình môn Lịch sử, chiếm 7-10%.
Không chỉ ở Đà Nẵng mà rất nhiều trường, ngành thi có khối C nói chung và môn Lịch sử nói riêng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại Trường ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP HCM chỉ có 35 TS đạt môn Lịch sử trên điểm trên 5, có 235 TS điểm từ 0 - 0,75 trong đó 48 TS bị điểm 0.
Theo kết quả chấm thi môn này ở ĐH Luật TP HCM có 1.146 thí sinh bị điểm 0 và 5.330 TS có điểm dưới trung bình (chiếm 94,36%). ĐH An Giang năm nay rơi vào tình trạng dở khóc dở cười khi 2 ngành tuyển khối C nhưng cũng chỉ có 2 TS đạt điểm trên 5 môn lịch sử.
Còn ở Trường ĐH KHXH & NV TP HCM khối C có 6.856 TS dự thi trong đó có đến 4.356 TS có điểm Lịch sử dưới trung bình. Riêng ngành Lịch sử có 478 TS dự thi nhưng chỉ có 47 TS đạt điểm trên 5, duy nhất một thí sinh đạt điểm 8. Đây không phải là lần đầu tiên điểm thi môn Lịch sử của các TS trong các kỳ thi ĐH rơi vào tình trạng “báo động”.
Còn nhớ mùa tuyển sinh ĐH 2005 chỉ có 9,73% TS đạt điểm 5 trở lên, 58,5% TS có bài từ điểm 1 trở xuống. Và tình trạng đó lại tiếp tục tái diễn, gây nên dư luận trái chiều nhau về chất lượng dạy và học hiện nay. Sự sàng lọc kỹ trong chấm thi đã nhen nhóm trong tâm những người làm công tác giáo dục về một kết quả công bằng. Nhưng thực tế đó khiến không ít người băn khoăn, buồn phiền.
Đi tìm nguyên nhân
Đâu là nguyên nhân của thực trạng đáng buồn này? Nhiều chuyên gia đã có những nhận định khác nhau để tìm ra câu trả lời xác đáng. Theo cô Nguyễn Kim Tường Vi - Tổ trưởng tổ Sử Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP HCM thì học sinh học giỏi môn Sử và đạt giải cao môn này không bao giờ có ý định thi khối C hay chuyên ngành Lịch sử.
Thay vào đó, môn Lịch sử vốn được coi là môn phụ, cả gia đình, nhà trường và xã hội đều coi nhẹ trong khi nhiều quốc gia phát triển coi môn Lịch sử là môn thi bắt buộc trong các kỳ thi tú tài.
Có nhiều chuyên gia cho rằng đa phần thí sinh thi khối C là thí sinh kém, không thể vào được khối khác.
Một chuyên gia Lịch sử của ĐH KHXH & NV (ĐH QG Hà Nội) lại khẳng định, chương trình SGK môn Lịch sử phổ thông của ta quá nặng nề, khô khan và không hấp dẫn, đến một số thầy còn không nhớ nổi, khiến cho học trò cảm thấy không hứng thú và không nhập tâm được vấn đề.
Một nguyên nhân nữa là do cách nhìn nhận của xã hội về bộ môn này còn phiến diện dẫn đến những quan niệm lệch lạc. Quan niệm hiện nay của không ít phụ huynh, học sinh, và thậm chí là cả giáo viên là học Lịch sử không có tương lai.
Chính vì vậy mà người thầy chẳng dám đi xa hơn những gì đã có trong sách, không thể phân tích cặn kẽ vì sợ cháy giáo án. Học sinh thì bị nhiễu loạn thông tin khi tiếp thu kiến thức qua phim ảnh, trên mạng một cách thiếu chọn lọc. Chính điều đó dẫn các em đến hệ quả là học vẹt, học thuộc lòng nên không thể hệ thống hóa kiến thức và sự kiện là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, dù có nói thế nào đi chăng nữa thì yếu tố người thầy vẫn cần phải được đặt lên hàng đầu. Đổ lỗi đa phần cho các em chưa chú trọng học môn Lịch sử có thể không công bằng.
Lỗi là từ nhiều phía, và đã đến lúc những người quan tâm đến Lịch sử nước nhà nên ngồi lại để đưa ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm khắc phục “thảm họa” mù lịch sử dân tộc trong thế hệ trẻ hiện nay.--PageBreak--
Giải pháp
Đáng mừng là, Bộ GD&ĐT đã đặt vấn đề mời các hội nghề nghiệp, trong đó có Hội Sử học để cùng xem xét lại chương trình giảng dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông. Vẫn theo cô Nguyễn Kim Tường Vi - thì giải pháp trước mắt cần làm là giảm tải SGK, đặc biệt là lớp 12.
SGK môn Sử chương trình phân ban tuy được viết theo hướng giảm tải nhưng thực chất lại tăng tải. Nguyên nhân là do các tác giả biên soạn SGK có thể chưa hề dạy qua bậc phổ thông hoặc nếu có cũng chỉ tiếp xúc với một số học sinh xuất sắc nên viết sách xa rời thực tế.
SGK môn Lịch sử cũng cần được biên soạn làm thế nào để tránh được sự khô khan, cứng nhắc, hơi nặng nề và kinh viện như hiện nay. Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ Hà Minh Hồng - Trưởng Khoa Lịch sử Trường ĐHKHXH&NV TP HCM đưa ra giải pháp là phải có một cơ chế thoáng hơn để đổi mới cách viết.
Ví dụ, biến những sự kiện, vấn đề thành những câu chuyện về lịch sử, giống như những câu chuyện về Vua Hùng như trước đây chẳng hạn. Tiến sĩ Hà Minh Hồng còn đưa ra giải pháp là nên có hai bộ sách giáo khoa Lịch sử. Một bộ SGK thiên về những câu chuyện lịch sử để giảng dạy và một bộ sách dùng để nghiên cứu, tham khảo cho giáo viên và học sinh yêu thích môn Lịch sử.
Giải pháp tiếp theo là cần phải đổi mới tư duy từ đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử. Điều này đòi hỏi gốc rễ từ cách đào tạo của các trường ĐH, bên cạnh truyền đạt nghiệp vụ sư phạm, sinh viên cần phải được tiếp thu kiến thức lịch sử theo chiều hướng nghiên cứu, nâng cao.
Mặc dù trong thời gian qua, nhiều giáo viên đã có những nỗ lực để đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng xét cho cùng, đó cũng mới chỉ là những chuyển biến nhất định ở một bộ phận, còn phổ biến vẫn dạy theo lối truyền thụ kiến thức để học sinh học thuộc lòng, để biết chứ không để hiểu về lịch sử trong khi chúng ta đang cần một sự “đồng khởi” toàn diện và sâu sắc trong toàn ngành.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Côi, Khoa Lịch sử, Trường ĐHSPHN, chúng ta cần phải làm một cuộc cách mạng về vị trí của môn Lịch sử. Để làm được điều đó, trước hết cần phải xây dựng và sử dụng các dạng bài tập lịch sử trong dạy học để củng cố kiến thức cho học sinh.
Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá không chỉ là công việc của giáo viên đứng lớp mà còn là của các em học sinh, của các cấp quản lý. Bên cạnh đó cũng cần lắm một cuộc cách mạng trong quan niệm về vị trí môn Lịch sử từ cấp quản lý giáo dục cao nhất đến Ban giám hiệu, cha mẹ học sinh và toàn xã hội.
Tóm lại, nói như ông Kiều Thế Hưng, giảng viên Trường ĐHSP TP HCM thì đổi mới và nâng cao chất lượng môn Lịch sử là vấn đề phụ thuộc vào nhiều yếu tố, liên quan toàn diện đến các vấn đề thuộc nội dung, phương pháp dạy học và cả những quan niệm, thái độ của xã hội, của các cấp quản lý đối với bộ môn Lịch sử, nhưng xét cho cùng, nhân tố quyết định nhất, trực tiếp nhất vẫn là đội ngũ giáo viên.
Để làm được một cuộc cách mạng không thể ngày một ngày hai mà phải lâu dài, toàn diện, sâu sắc, kiên trì và bền bỉ...
Xin được mượn ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Sử học Việt
Hãy khắc phục “thảm họa” môn Lịch sử, đó là trách nhiệm không chỉ của ngành Giáo dục và Đào tạo mà của toàn xã hội. Lịch sử luôn là một điểm tựa thiêng liêng, đừng để những quan niệm và định hướng sai lầm mà làm mai một đi điều đó trong tiềm thức của mỗi con người