Thực và giả trong kinh doanh tóc người

Thứ Sáu, 20/01/2017, 11:40
Từ những bộ tóc giả cho đến tóc nối, thị trường tóc người đang được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng. Thế nhưng, không phải ai cũng biết nguồn gốc xuất xứ của những lọn tóc người bóng láng đẹp đẽ và hành trình đi khắp thế giới của chúng như thế nào.

Khi lên mạng Internet để tìm kiếm tóc giả hay tóc nối, chúng ta sẽ vô cùng choáng ngợp trước hàng loạt mẫu mã bắt mắt của loại sản phẩm này. Tóc mới nguyên “sang trọng” đến từ Brazil nổi tiếng với sắc đen tuyền, bóng mượt và chắc khỏe. Tóc “thanh khiết” đến từ Mông Cổ hay tóc người “hoàn toàn tự nhiên” của Ấn Độ - một trong những mặt hàng cao cấp thường được săn lùng.

Nhưng chúng ta rất hiếm được nhìn thấy tóc Trung Quốc được quảng cáo cho dù tóc nối phần lớn có xuất xứ từ nước này, nơi được coi là nhà xuất và nhập khẩu tóc người lớn nhất thế giới.

Emma Tarlo, nữ giáo sư khoa nhân chủng học và là tác giả cuốn sách có tựa đề “Entanglement: The Secret Lives of Hair” (Sự rối rắm: Đời sống bí mật của tóc) cho biết: “Những người làm việc trong ngành công nghiệp tóc đều nhận thức rõ rằng tóc Trung Quốc không được đánh giá cao.

Những bộ tóc giả chuẩn bị xuất xưởng trong một xưởng ở thị trấn Hứa Xương thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Khi tra cứu thông tin trực tuyến, chúng ta sẽ thấy tóc Trung Quốc to sợi và thô. Tóc Philippines cũng tương tự song sáng bóng hơn. Tóc Brazil chất lượng cao và tóc Ấn Độ có nước bóng và tự nhiên nhất”. Theo nữ giáo sư Tarlo, tóc của người châu Âu “giá trị nhất, một phần do sợi tóc mịn, nhiều màu sắc song nguồn cung ứng hạn chế hơn”. Phần lớn loại tóc này có xuất xứ từ các quốc gia Đông Âu - như Nga, Romania hay Ukraine.

Đứng đầu thị trường là loại tóc “virgin” (tóc không hề được xử lý hóa chất) và tóc “remy” (được cắt hay cạo trực tiếp từ người bán tóc hay hiến tặng tóc). Kế đến là loại “tóc tiêu chuẩn” - thường được dùng như là từ tiếp thị cho loại tóc rụng hay “tóc rác” được gỡ ra từ... những chiếc lược chải đầu!

Nhưng chỉ cần qua xử lý bằng hóa chất thì loại tóc rụng hay tóc rối này trở nên “đạt chuẩn” để nối tóc cho phụ nữ. Emma Tarlo thừa nhận: “Các nhà máy ở Trung Quốc thường gọi loại tóc rác thu từ những chiếc lược là tóc tiêu chuẩn” bởi vì phần lớn lượng tóc có được từ con đường này”.

Trong khi đó, toàn bộ kênh phân phối đều giữ kín nguồn gốc thực sự của tóc nối đối với người tiêu dùng. Có cả một ngành công nghiệp để gỡ rối, phân loại và xử lý “tóc rác”. Khi sản phẩm cuối cùng được đưa ra thị trường, người tiêu dùng không phân biệt nổi đâu là tóc chất lượng và đâu là “tóc rác” được xử lý hóa chất.

Tóc được tiếp thị là “tóc Braziil” tại cuộc triển lãm Afro Hair ở London.

Tóc được thu gom và bán sang tay qua nhiều thương lái trước khi tập kết trong những phân xưởng tồi tàn ở Bangladesh, Ấn Độ và mới đây nhất là Myanmar - những đất nước mà người dân hưởng đồng lương thấp và cần làm bất cứ công việc gì để có tiền. Emma Tarlo có dịp đến thăm vài phân xưởng như thế ở Myanmar và Ấn Độ, chứng kiến cảnh hàng chục phụ nữ ngồi bệt trên sàn tỉ mẩn gỡ rối những bó tóc người và sau đó phân thành những bó tóc khác nhau tùy theo chiều dài tóc.

Tarlo kể: “Đó là công việc hết sức nhọc nhằn và căng thẳng. 1,5kg tóc thô cần đến khoảng 80 giờ lao động cật lực để gỡ rối”.

Ở Myanmar, nữ công nhân được giao 100g tóc vào buổi sáng và 100g tiếp theo vào buổi chiều. Dân làng cũng mang về nhà số tóc rối từ lược chải đầu mà họ mua được để gỡ rối rồi sau đó bán lại cho người trung gian mua bán tóc. Giai đoạn tiếp theo là xử lý tóc.

Công nhân nữ ở Myanmar phân loại tóc theo chiều dài.
Công nhân nữ đang làm việc với “tóc đền” trong một xưởng ở thành phố Chennai thuộc bang Tamil Nadu miền nam Ấn Độ để sau đó xuất khẩu đến phương Tây.

Lớp bên ngoài của tóc - gọi là biểu bì - có những lớp vảy xếp theo cùng một hướng, giống như vảy cá. Vấn đề với tóc thu gom từ lược chải đầu là những lớp vảy nằm xếp theo những hướng khác nhau dẫn đến tình trạng rối nùi.

Ở Trung Quốc, tóc thường được ngâm trong chậu chứa hóa chất để thủ tiêu hoàn toàn lớp “vảy cá” này. Tarlo giải thích: “Giải pháp này có thể giải quyết được tình trạng rối nùi song chất lượng tóc cũng vì đó mà giảm sút do thiếu lớp vảy đặc trưng của tóc người. Tuy nhiên, vào cuối tiến trình, tóc trông có vẻ đẹp hơn. Do đó, giống như lông đuôi ngựa pony quý giá, khách hàng sẽ không biết được tóc người đã trải qua hành trình xử lý như thế nào”.

Theo Tarlo, trong suốt chiều dài lịch sử, thị trường tóc quốc tế luôn bao hàm yếu tố chính trị. Khi triều đại nhà Thanh (Mãn Châu) bị quân cách mạng lật đổ ở Trung Quốc năm 1912, một lệnh được ban ra bắt buộc nam giới phải cắt bỏ hoàn toàn đuôi sam.

Tarlo cho biết: “Nhiều đuôi sam này được đưa ra thị trường tóc song giới thương lái lo ngại nguồn cung sẽ biến mất khi nam giới không còn để tóc dài nữa”. Ngành công nghiệp tóc Trung Quốc trở nên lao đao vào thập niên 1960 khi chính quyền Mỹ ban lệnh cấm nhập khẩu nguồn tóc từ quốc gia này và lúc đó tóc Ấn Độ được dịp phát triển mạnh. Mỗi năm, hàng triệu người hành hương đến những ngôi đền Hindu ở miền nam Ấn Độ để “cúng tóc” tức cạo hay cắt toàn bộ mái tóc để dâng cho thần linh. Đó là truyền thống lâu đời ở Ấn Độ.

Khách hành hương được cạo đầu theo nghi lễ Hindu ở Ấn Độ.
Nam giới Trung Quốc bị bắt buộc cắt bỏ đuôi sam sau cách mạng Tân Hợi.

Theo Tarlo, đây là nghi thức tôn giáo và ngày xưa tóc được thả trôi trên sông. Tarlo mô tả nghi lễ cắt tóc diễn ra tại một ngôi đền ở thị trấn Tirumala thuộc bang Andhra Pradesh miền nam Ấn Độ: có đến 650 thợ cắt tóc được huy động và khách hành hương ngồi xếp bằng ngay trên sàn trước mặt họ để được cạo đầu. Sau đó, cứ vài tháng, lượng “tóc đền” được ban quản lý ngôi đền gom lại và rao bán đấu giá trên Internet.

Tóc Ấn Độ là nguồn cung cấp chính cho những người làm tóc giả trong các cộng đồng Do Thái theo Chính Thống giáo ở khắp châu Âu, Mỹ và Israel. Theo Riqua Hailes - chuyên gia về tóc nối ở thành phố Los Angeles (Mỹ), ngành công nghiệp tóc giả hiện nay còn chưa có những quy định kiểm soát chặt chẽ cho nên sự xuất hiện ngày càng nhiều những bộ tóc “giả” là điều không tránh khỏi.

Đáng lưu ý nhất là khi tóc giả được quảng cáo “tóc Brazil” song thực ra có thể đó là tóc có xuất xứ từ Ấn Độ hoặc Trung Quốc được xuất khẩu sang Brazil. Nguồn tóc Brazil được ưa chuộng bởi nó nổi tiếng với độ bóng mượt và đen tuyền.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.