Thương chiến Mỹ - Trung: Manh nha cuộc định hình trật tự mới
- Triển vọng nào cho cuộc chiến thường mại Mỹ - Trung?
- Ngăn chặn cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tốt cho thế giới
Có lẽ cả Mỹ và Trung Quốc đang muốn kết thúc cuộc chiến “cùng thua” này. Rất có thể sau thỏa thuận trên, một cuộc định hình cho trật tự thế giới mới sẽ xuất hiện.
Né một cuộc chiến cùng thua
Ngày càng có nhiều hy vọng rằng Washington và Bắc Kinh sẽ đạt được một thỏa thuận giúp giải quyết cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa hai siêu cường này không chỉ đơn thuần về thương mại mà còn về kinh tế, quốc phòng, văn hóa và công nghệ.
Chính vì thế, phát biểu của ông D.Trump được đưa ra sau khi có tin Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí bãi bỏ thuế quan áp đặt lên hàng hóa của nhau trước đây nếu hai bên đạt được một thỏa thuận. Các nhà đàm phán Trung Quốc muốn Mỹ giảm 15% thuế đối với khoảng 125 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực ngày 1-9. Họ cũng đang nỗ lực giảm bớt từ mức thuế 25% trước đó đối với khoảng 250 tỷ USD nhập khẩu máy móc và chất bán dẫn.
Ảnh: Foreign Policy. |
Thổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ảnh: static.politico.com.jpg. |
Người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết Mỹ "rất, rất lạc quan" về khả năng sớm đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Một quan chức Mỹ giấu tên xác nhận việc giảm thuế này có thể là một phần trong giai đoạn đầu tiên của một thỏa thuận thương mại vẫn đang nằm trên giấy, chờ Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ký để hoàn tất một thỏa thuận có thể chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 16 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Về phía Trung Quốc, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định hai bên đã nhất trí hủy bỏ việc đánh thuế theo giai đoạn, song không đưa ra một lịch trình chi tiết. Liên quan tới việc này, phát ngôn viên Bộ Thương mại Cao Phong cho biết việc dỡ bỏ thuế là một điều kiện quan trọng cho bất kỳ thỏa thuận nào, đồng thời nói thêm rằng hai bên phải cùng lúc hủy bỏ một số loại thuế đánh vào bên kia để đạt được thỏa thuận giai đoạn 1.
Trong một động thái khác cũng được cho là củng cố sự lạc quan, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cho biết giới hải quan và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đang cân nhắc dỡ bỏ những hạn chế đối với các mặt hàng gia cầm nhập khẩu từ Mỹ, vốn bị Trung Quốc cấm nhập khẩu từ tháng 1-2015 do bùng nổ dịch cúm gia cầm.
Như vậy, đã xuất hiện những triển vọng về một sự đột phá bước đầu trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, mặc dù chưa rõ quy mô của việc xoa dịu này cụ thể thế nào. Theo Reuters, các quan chức Trung Quốc và Mỹ cho biết hai bên đã nhất trí giảm bớt các loại thuế đánh vào hàng hóa của nhau trong một thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” nếu thỏa thuận này được hoàn tất.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo thỏa thuận này vẫn còn khá xa vời. Giới chức Mỹ cho biết vẫn còn rất nhiều việc cần làm ở phía trước sau khi ông Trump thông báo về những điểm chính của một thỏa thuận tạm thời hồi tháng trước. Ông Trump đã đánh thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và coi đó là một vũ khí quan trọng hàng đầu trong cuộc chiến thương mại dai dẳng. Viễn cảnh thuế được dỡ bỏ, dù là theo từng giai đoạn, đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các cố vấn cả trong và ngoài Nhà Trắng, những người vẫn rất cảnh giác với việc từ bỏ một nhân tố then chốt tạo sức ảnh hưởng của Mỹ.
Michael Pillsbury, một cố vấn bên ngoài Nhà Trắng của Tổng thống D.Trump, nhận định: “Không có một thỏa thuận chi tiết nào về một sự giảm thuế theo giai đoạn. Phía Mỹ vẫn rất mơ hồ về thời điểm và các loại thuế được dỡ bỏ. Trung Quốc thì đang mơ mộng và cố gắng xoa dịu những thành phần bảo thủ trong nước rằng một ngày nào đó thuế sẽ được dỡ bỏ”.
Nhiều người Trung Quốc thích hàng Mỹ và ngược lại. Ảnh: WSJ. |
Giới chuyên gia kinh tế nhận định rằng cuộc chiến thuế quan và thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã lâm vào tình trạng “cùng thua” đối với cả hai nước, làm ảnh hưởng đến các nước khác trên thế giới và tình hình có chiều hướng xấu hơn nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.
Số liệu 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy hầu hết người tiêu dùng và công ty Mỹ gánh chịu tổn thất của các đòn thuế quan cao hơn mà Mỹ đánh vào hàng hóa Trung Quốc. Ở bên kia, những đòn thuế quan mà Mỹ áp dụng có hiệu lực vào giữa năm 2018 đã khiến “gã khổng lồ châu Á” thiệt hại 35 tỷ USD.
Trong nửa đầu năm 2019, các công ty của Trung Quốc đã phải chứng kiến lượng xuất khẩu các mặt hàng bị áp loại thuế nói trên sụt giảm 25% so với lượng xuất khẩu trung bình cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, các đối thủ xuất khẩu cạnh tranh của Trung Quốc lại vươn lên chiếm lấy thị phần xuất khẩu bị suy giảm của Bắc Kinh.
Trong số 35 tỷ USD mất mát do đòn thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, khoảng 21 tỷ USD (tương đương 63%) đã được chuyển sang cho các nước nói trên hoặc các nước khác, trong khi 14 tỷ USD còn lại bị mất mát hoặc bị "rơi vào tay" các nhà sản xuất Mỹ.
Báo cáo của UNCTAD cho biết lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là máy tính và máy móc văn phòng khác cùng với thiết bị viễn thông với lượng xuất khẩu đã sụt giảm 15 tỷ USD. Các lĩnh vực khác “sụt giảm đáng kể” bao gồm hóa chất, đồ dùng gia đình, thiết bị đo lường chính xác và máy điện.
Mặc dù vậy, báo cáo này nhấn mạnh về khả năng chống đỡ của các công ty Trung Quốc khi vẫn duy trì 75% lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ, bất chấp mức thuế "đáng kể" đánh vào hàng xuất khẩu của nước này.
Chiến tranh thương mại và lời cảnh báo toàn cầu
Pamela Coke Hamilton, Giám đốc bộ phận thương mại và hàng hóa quốc tế của UNCTAD, bình luận: “Kết quả nghiên cứu được xem như một lời cảnh báo toàn cầu; một cuộc chiến thương mại cùng thua không chỉ gây phương hại đến những đối thủ chính mà còn làm suy giảm sự ổn định kinh tế toàn cầu và sự tăng trưởng trong tương lai”.
Mặc dù báo cáo của UNCTAD không tính toán tác động của thuế quan Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ nhưng báo cáo cho rằng hoạt động xuất khẩu của Mỹ "phần lớn" chịu hậu quả tương tự: giá hàng hóa cao hơn cho người tiêu dùng Trung Quốc, tổn thất cho nhà xuất khẩu Mỹ và lợi nhuận thương mại đổ về các nước khác.
Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Phải chăng trật tự toàn cầu hậu Chiến tranh Thế giới II sắp kết thúc? Phải chăng trật tự thế giới đang trở lại những ngày các cường quốc đối đầu nhau và cạnh tranh gây hại cho láng giềng thời tiền Chiến tranh Thế giới I? Nếu không phải, vậy điều gì đang diễn ra?
Trật tự như vậy đã phải trải qua những vấn đề nghiêm trọng. Đầu tiên, với tư cách là người khởi xướng và lãnh đạo có ảnh hưởng nhất, Mỹ có lẽ đã nắm trong tay quá nhiều quyền lực để có thể tự mình kiểm soát một cách khôn ngoan. Mỹ đã thông qua nhiều quyết định mang tính gây chiến, rút khỏi các tổ chức quốc tế, phát động chiến tranh thương mại bất chấp các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và miễn cưỡng cải cách các thể chế quốc tế. Không có sự kiểm tra và cân bằng hiệu quả, Mỹ đã liều lĩnh lạm dụng quyền lực của mình, trong khi gây tổn hại cho thế giới và chính họ, mặc dù họ tự cho là vì những ý định tốt đẹp.
Thời gian tới, lĩnh vực công nghệ được cho là vẫn có sự cạnh tranh quyết liệt giữa hai người khổng lồ. Ảnh: BBC. |
Không chỉ thế, trật tự thế giới ngày nay quá tập trung vào phương Tây. Mặc dù các nước phương Tây phát triển hơn và ủng hộ các giá trị mạnh mẽ nhưng điều đó không cho phép họ sai khiến các quốc gia khác phải hành động như thế nào. Tất cả các quốc gia có hoàn cảnh riêng biệt và các mô hình quản trị phương Tây thường không được áp dụng.
Rất ít quốc gia đang phát triển đạt đến mức mà họ có thể được coi là một quốc gia phát triển kể từ khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc. Bất chấp những nỗ lực to lớn từ phương Tây để thúc đẩy sự phát triển và quản trị tốt, song điều này cho thấy trật tự thế giới đang gặp khó khăn trong việc giải quyết nhu cầu của các quốc gia đang phát triển.
Thêm một yếu tố nữa là trong khi hệ thống liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo tuy có đóng góp hữu ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định thế giới nhưng mặt trái như đã nêu ở trên lại khiến hệ thống này cũng là độc nhất và gây chia rẽ. Theo mặc định, hệ thống này chia rẽ các quốc gia thành các đồng minh hoặc các quốc gia khác. Chiến lược này tạo ra sự xa lánh và ngờ vực, làm phức tạp mối quan hệ hợp tác an ninh giữa Mỹ cùng các đồng minh ở một bên và các quốc gia không phải là đồng minh ở phía bên kia.
Cuối cùng, trật tự kinh tế do Mỹ lãnh đạo chú trọng quá nhiều đến tính hiệu quả so với sự bình đẳng. Đúng là thế giới đã có những bước tiến lớn trong việc giải phóng thương mại và đầu tư xuyên biên giới, do đó, mở đường cho một mức độ thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử văn minh nhân loại. Tuy nhiên, trong khi các thị trường mở mang lại hiệu quả, chúng cũng tạo ra sự bất bình đẳng lớn hơn.
Thật không may, khi những vấn đề như vậy được nêu ra, chúng hoàn toàn bị gạt bỏ. Kết quả là, thế giới đã chứng kiến sự phân cực ngày càng tăng cả trong từng quốc gia và toàn cầu, dẫn đến sự phẫn nộ trong nước và quốc tế, làm bùng phát các cuộc biểu tình chống toàn cầu hóa.
Một chuyên gia chính trị thế giới nhận định, bất chấp những sai sót này đến những sai sót khác, trật tự thế giới có lẽ vẫn là thứ tốt nhất mà loài người từng tạo ra. Nó bảo vệ các giá trị và nguyên tắc được chấp nhận phổ biến như chủ quyền, không xâm phạm, không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia khác, nhân quyền, pháp quyền, thương mại tự do, trách nhiệm chung và riêng. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia đều có quyền lợi trong trật tự hiện có và có khả năng sẽ gắn liền với nó. Cả kẻ mạnh và kẻ yếu đều có thể mong đợi luật pháp và chuẩn mực quốc tế bảo vệ lợi ích của họ.
Các vấn đề mà hầu hết các quốc gia gặp phải với trật tự thế giới là sự bất công trong việc phân chia lợi ích hơn là mất mát. Họ có thể không hài lòng với các thỏa thuận quốc tế nhưng họ không có ý định lật đổ để thay đổi trật tự thế giới để ủng hộ một thỏa thuận mới ở thế kỷ XIX.
Do đó, mặc dù Mỹ đã rút khỏi một số tổ chức quốc tế, song hầu hết các quốc gia vẫn chọn ở lại, cho dù đó là UNESCO, Thỏa thuận hạt nhân Iran hay Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu...
Chính vì thế, mặc dù căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng nhưng căng thẳng đó có khả năng vẫn được hạn chế. Đây là một trong những nguyên nhân hai bên rất có thể sẽ tạm dừng cuộc chiến thương mại. Bởi chính nước Mỹ cũng hiểu rõ rằng, với các quyền lợi mà Mỹ nắm giữ và thực tế là một siêu cường, họ chỉ có thể bảo vệ lợi ích của mình bằng cách duy trì trật tự thế giới này.
Rốt cuộc, hành vi chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chính là một ngoại lệ chứ không phải là một quy tắc của chính quyền Mỹ hậu Chiến tranh Thế giới II.