Thương chiến Mỹ - Trung đổi màu?

Thứ Sáu, 10/04/2020, 08:32
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung từng nhiều lần xuất hiện tín hiệu tích cực rồi lại rơi vào bế tắc gần 2 năm qua. Những bất đồng về thuế quan vẫn chưa được giải quyết. Cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới SARS-CoV-2 bất ngờ xảy ra, một lần nữa lại đẩy quan hệ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sang một mặt trận mới.

Mối liên hệ suy yếu

Chiến lược An ninh quốc gia 2015 của chính quyền cựu Tổng thống Obama từng cho rằng “phạm vi hợp tác của chúng ta với Trung Quốc là chưa từng có”. Không quên hiện đại hóa quân sự nhưng Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược xoay trục “tái cân bằng sang châu Á” của Mỹ, vốn đang xoay quanh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng điểm mấu chốt là: “Mỹ hoan nghênh sự trỗi dậy của một Trung Quốc ổn định, hòa bình và thịnh vượng”, mà họ muốn thiết lập một “mối quan hệ mang tính xây dựng”, có thể mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và thế giới.

Kế hoạch của ông Obama đối phó với Trung Quốc đã trở nên thư giãn và tinh vi hơn, dựa trên việc sử dụng TPP để làm nghiêng cán cân kinh tế chống lại Trung Quốc vì Mỹ đã là một cường quốc quân sự mạnh hơn.

Công tác khử khuẩn đã được quan tâm thích đáng sau khi có hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh. Ảnh: USNI.


Chính quyền Tổng thống Trump đã nâng cấp những tính toán này bằng cách, trước tiên và quan trọng nhất là, rút khỏi TPP. Và sau đó bắt đầu một cuộc chiến thương mại kéo dài với Bắc Kinh. Chẳng bao lâu, chiến lược này đã trở nên rõ ràng rằng đó không chỉ là về thương mại.

Trước hết, xét ở góc độ kinh tế, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ không còn “gắn kết” ở những khía cạnh phi chiến lược bởi đại dịch đã vô tình phơi bày một số rủi ro tiềm ẩn. Dịch COVID-19 đã đem đến nhiều yếu tố rủi ro cho chuỗi cung ứng, nhất là trong những lĩnh vực phân bổ và quản lý toàn cầu. Dịch bệnh tại Trung Quốc hiện được cho là đã tạm lắng xuống và các tập đoàn đa quốc gia tại đất nước này bắt đầu tập trung vào việc điều chỉnh để đảm bảo họ có thể chống đỡ mọi nguy cơ trong tương lai.

Đáng tiếc, điều này sẽ càng khiến các nhà đầu tư thoái vốn khỏi thị trường Trung Quốc, đặc biệt là các nhà đầu tư Mỹ. Nói một cách đơn giản, thị trường, với tư cách là nền tảng vững chắc của quan hệ thương mại sẽ bị suy yếu. Vì vậy, sự tách rời trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung là điều chắc chắn sẽ xảy ra và thậm chí là sớm hơn những gì người ta dự đoán.

Thứ hai, cuộc “cạnh tranh - hợp tác” giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở giai đoạn quan trọng và nhiều khả năng “cạnh tranh (cùng đối đầu)” sẽ là thông lệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 đều không sẵn lòng gạt sang một bên những khác biệt để hướng đến hợp tác. Việc tranh cãi giữa 2 nước lan rộng sang cả các vấn đề xã hội, văn hóa và rạn vỡ sẽ đẩy Mỹ-Trung tới giai đoạn “đối đầu theo kiểu chiến tranh lạnh”.

Người dân Mỹ kiểm tra y tế. Ảnh: economist.

Đại dịch trên thực tế đã tạo một “khoảng đệm” vừa đủ cho mối quan hệ Mỹ-Trung. Quan hệ thương mại song phương đang trên đà suy thoái và sẽ đi theo hướng đối đầu hơn, cả hai nước đều thiếu thời gian và nguồn lực để định hình những vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại trong năm 2020. Mọi sự tập trung của năm nay đều dồn cho cuộc chiến chống COVID-19 cũng như cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11, vì vậy khó có thể hình dung về những thay đổi lớn trong quan hệ hai nước.

Trong bối cảnh này, quan hệ Mỹ-Trung sẽ đối mặt với những bất ổn khó lường, với nguy cơ đẩy “giai đoạn 2” của thỏa thuận thương mại tới một khung thời gian chưa thể xác định.

Và cho dù trong bối cảnh dịch bệnh thì cả Mỹ và Trung cũng không bỏ cuộc trong cuộc cạnh tranh siêu cường mới. Dù muốn hay không thì cả thế giới cũng phải thừa nhận bị ảnh hưởng ít hay nhiều từ một thế giới đang bước vào một hệ thống bị chi phối bởi lưỡng cực Mỹ-Trung.

Cuộc chạy đua mới?

Thật thú vị, một biểu hiện mới của cạnh tranh Trung-Mỹ là hai bên đang chạy đua để xem ai là người đầu tiên thành công trong việc phát triển một loại vaccine ngừa SARS-CoV-2. Hôm 16-3, Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 loại vaccine phòng chống COVID-19 tại Seattle. Vaccine này có tên là mRNA-1273, được Viện Quốc gia các bệnh dị ứng và truyền nhiễm (NIAID) và Công ty Công nghệ sinh học Moderna phát triển.

Ngày 17-3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết quân đội Mỹ cũng đang thúc đẩy nghiên cứu vaccine này. Viện Nghiên cứu quân đội Walter Reed là đơn vị thực hiện.

Trong khi đó, Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc (AMMS) đã được lệnh tham gia cuộc đua phát triển vaccine. Thiếu tướng Chen Wei, một nhà virus học hàng đầu, đã lãnh đạo một nhóm cùng với công ty sinh học CanSino. Các nhóm nghiên cứu khác trên khắp thế giới cũng đang cố gắng phát triển phương pháp điều trị. Nhưng theo giới phân tích, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ cảm thấy “bị mất mặt” nếu người Mỹ đánh bại họ trong việc này.

Hàng cứu trợ y tế của Trung Quốc đến Italy.

Chiến lược thay đổi

Thỏa thuận thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ hồi tháng 1 vừa qua là một bước đi tích cực để giảm bớt sự cạnh tranh nhưng nó là một biểu hiện nhỏ trong tổng thế mối quan hệ Mỹ-Trung. Tương tự như vậy, cách Trung Quốc và Mỹ xử lý cuộc khủng hoảng COVID-19 như thế nào sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế và quyền lực mềm của họ, sau đó mới đến cạnh tranh địa chính trị. Khi cọ xát địa chính trị gia tăng, cán cân quyền lực và những lợi ích an ninh khu vực sẽ thế chỗ các lợi ích thương mại và kinh tế.

Câu hỏi đặt ra là COVID-19 sẽ khiến quan hệ Mỹ-Trung xấu hơn nữa? Một vấn đề khó khăn đối với một chiến lược an ninh quốc gia hiệu quả là liệu Mỹ và Trung Quốc có thể xây dựng các hành vi cho phép họ hợp tác trong việc sản xuất hàng hóa công toàn cầu để đối phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia như các đại dịch và biến đổi khí hậu, trong khi tiếp tục cạnh tranh trong các lĩnh vực truyền thống, hay không. Liệu chúng ta có thể quản lý “sự cạnh tranh hợp tác” hay không? Cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện là một phép thử.

Cuộc khủng hoảng còn đặt ra một vấn đề lớn hơn về khuôn khổ chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ như thế nào. Chiến lược của ông Trump vẫn chưa đủ bởi cuộc cách mạng thông tin và toàn cầu hóa đang làm thay đổi nền chính trị thế giới. Thậm chí ngay cả khi Mỹ chiếm ưu thế như một cường quốc quân sự so với Trung Quốc, Mỹ cũng không thể bảo vệ các hành động an ninh một mình được. Bất kể những thất bại đối với toàn cầu hóa về kinh tế và sự phân tách do các cuộc thương chiến gây ra, toàn cầu hóa môi trường đang tiếp tục gia tăng.

Đại dịch và biến đổi khí hậu đe dọa tất cả người dân Mỹ nhưng Mỹ không thể một mình kiểm soát các vấn đề. Trong một thế giới nơi các đường biên giới ngày càng trở nên dễ thâm nhập hơn với mọi thứ từ ma túy cho đến các dịch bệnh truyền nhiễm và khủng bố mạng, Mỹ phải sử dụng sức mạnh và cả quyền lực mềm để phát triển các mạng lưới cũng như các tổ chức để có thể đối phó với các mối đe dọa mới.

Trung Quốc đã và đang quyết liệt chống dịch. Ảnh: Chinadaily.

Trong khi chính quyền Tổng thống Trump đang phải vất vả với cuộc chiến chống đại dịch thì Trung Quốc đã tăng cường các nỗ lực trợ giúp các nước châu Âu bị virus tấn công. Trước tiên, Bắc Kinh đang tìm cách định vị mình là một quốc gia “có trách nhiệm”. Thứ hai, họ đang hành động để bù đắp những gì họ tin là một chiến dịch do Mỹ phát động nhằm đổ lỗi cho Trung Quốc về thảm họa kinh tế và sức khỏe cộng đồng toàn cầu phát sinh từ COVID-19.

Thứ ba, đó là một tín hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc - bị cú giáng do việc đóng cửa song vẫn rất mạnh - đang thay đổi và có thể đóng vai trò tích cực, nếu không phải là vai trò chính trong việc hỗ trợ các quốc gia khác bị virus tấn công phục hồi

Giới phân tích gần đây đã lưu ý rằng khi Washington có vẻ chùn bước thì “Bắc Kinh đang tiến nhanh chóng và lão luyện để trở thành lãnh đạo toàn cầu trong ứng phó với đại dịch”. Bất chấp trách nhiệm của mình trong việc cho phép sự bùng phát dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát, các hành động của Bắc Kinh và sự mệt mỏi của Mỹ có thể làm thay đổi căn bản vị thế của Mỹ trong đời sống chính trị toàn cầu và cuộc chạy đua giành quyền lãnh đạo trong thời gian tới?

Cuộc chiến của toàn cầu

Quá trình hai siêu cường cạnh tranh kể cả khi thời điểm thế giới có đại dịch đã ảnh hưởng không ít tới an ninh, quyền lợi hợp tác kinh tế của các quốc gia châu Á và toàn thế giới. Và các đợt sóng mới của COVID-19 chắc chắn còn ảnh hưởng đến các quốc gia nghèo, vì thế, những siêu cường như Mỹ và Trung Quốc thay vì tính toán và công kích, cần công bố những khoản đóng góp hào phóng cho thế giới để đối phó với đại dịch.

COVID-19 đang cho thấy thế giới thiếu chiến lược an ninh toàn cầu thực sự. An ninh thế giới không thể thuộc về hai hay một nhóm nước nào đó. Đại dịch là tác nhân cho chúng ta thấy quá trình hình thành thế giới đa cực với nhiều quốc gia đang thể hiện tinh thần đoàn kết giúp đỡ thế giới chống lại đại dịch. Sức mạnh cứng và sức mạnh mềm vì thế sẽ thuộc về những quốc gia có ảnh hưởng, tạo nên sự cân bằng quyền lực mới với một hệ thống mới sẽ thay thế mô hình do phương Tây lãnh đạo.

Điều này cũng cho thấy, để ứng phó với dịch COVID-19, đòi hỏi một chiến lược đối phó toàn cầu. Chiến thắng tạm thời của một quốc gia nào đó trong việc kiểm soát dịch bệnh nhờ ban hành lệnh cấm đi lại và đóng cửa biên giới có thể mang lại một kết quả bề ngoài. Chỉ có chiến thắng toàn cầu mới có thể chấm dứt đại dịch này. SARS-CoV-2 không phân biệt màu da, chủng tộc, tín ngưỡng.

Đó là lý do tại sao chiến lược khắc phục những tổn thất về con người và kinh tế do đại dịch gây ra phải mang tính toàn cầu. Đại dịch cũng đã phơi bày mặt tối của các siêu cường. Cộng đồng thế giới rất cần sự lãnh đạo ở cấp độ toàn cầu để nhanh chóng giải quyết các đại dịch như thế này và theo cách được thể chế hóa hơn là phi thể thức.

Mức độ lây lan của đại dịch hiện nay diễn ra trong bối cảnh những thay đổi về công nghệ, thương mại và giao thông vận tải trong thế kỷ XXI, cũng như đặc điểm truyền thông hiện nay, vì thế, mối nguy hiểm tiềm ẩn ở đây, có lẽ nghiêm trọng hơn chính là sự sụp đổ của các nền kinh tế vốn đang “bị thương nặng” bởi sự sợ hãi và tự cô lập mình khỏi thế giới. Nếu cả Mỹ và Trung Quốc không hợp tác mà thay vào đó tiếp tục công kích vào điểm yếu của nhau, hai nền kinh tế lớn khi sự đổ sẽ kéo theo hậu quả vô cùng lớn cho toàn thế giới.

Nhiều nền kinh tế đang phát triển hầu như không đủ nguồn lực để “hạ cánh mềm”. Và để không phụ thuộc vào chính Mỹ và Trung Quốc, giảm thiểu các tác động dài hạn của cuộc khủng hoảng này thì ngay từ bây giờ phải tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm bền vững. SARS-CoV-2 có thể đã và đang phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, dẫn đến việc đóng cửa tạm thời các biên giới và một số người hoài nghi về các khía cạnh của toàn cầu hóa.

Nhưng cuộc khủng hoảng cho thấy giới hạn của các phản ứng cô lập ở cấp độ quốc gia cũng như yêu cầu sự hợp tác quốc tế về khoa học và các lĩnh vực khác ở mức độ chưa từng có. Đặt người dân lên trước tiên, chứ không phải đặt chính trị lên hàng đầu, sẽ đảm bảo các điều kiện để tiếp tục thúc đẩy thịnh vượng sau đại dịch COVID-19.

Quang Nguyễn - Hồng Nguyên
.
.