Thương chiến Mỹ - Trung nhìn từ bên trong

Thứ Ba, 09/04/2019, 14:10
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã trải qua nhiều vòng đàm phán. Kể từ đầu năm 2019 đến nay cũng đã có các cuộc gặp gỡ giữa đại diện hai bên và có bước tiến triển nhất định, song có vẻ như mong muốn đi đến một thỏa thuận vẫn là một cái gì đó không thật gần. Để đưa ra một dự báo về sự kéo dài hay bao giờ kết thúc, cần nhìn vào những dữ liệu liên quan.

Kinh tế bảo hộ và chủ nghĩa dân túy

Để sa đà vào một cuộc chiến kéo dài, cần phải trả lời câu hỏi: Liệu kinh tế của các nước phát triển đã thực sự thoát khỏi cuộc khủng hoảng lớn năm 2008 hay chưa? Mỹ được coi là quốc gia phục hồi tốt nhất trong số các nước phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 2,5%, năm 2017 là 2,3%.

Do chính sách giảm thuế của Tổng thống Donald Trump, dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về chỉ số tăng trưởng của Mỹ năm 2018 có thể lên tới 2,9%, nhưng vẫn còn cách xa với mức từ 3% đến 3,5% trước khủng hoảng.

Nói chung, kinh tế của một nước sau khi bùng nổ khủng hoảng có thể yếu trong một khoảng thời gian, nhưng nếu có thể thực sự phục hồi, thường sẽ tăng trưởng cao từ 1 đến 2 năm. Chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng thông thường là từ 3% đến 3,5%, thời kỳ phục hồi có thể lên tới 4% hoặc 4,5%. Căn cứ vào đó mà nói, kinh tế Mỹ chưa hoàn toàn phục hồi.

Nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) cũng được đánh giá là chưa thể phục hồi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của EU sau năm 2008 ở mức  1,5%. Từ khi bong bóng kinh tế tan vỡ vào năm 1991 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản chỉ biến động ở mức trên dưới 1%, cho dù hiện tại có chính sách “ba mũi tên” của Thủ tưởng Shinzo Abe thì cũng chưa thể phục hồi.

Khó có quốc gia nào có thể thay thế địa vị của Trung Quốc làm công xưởng thế giới.

Mũi tên thứ nhất là ngân sách: Chủ trương chi hàng trăm tỷ euro để khuyến khích hoạt động bằng các kế hoạch hỗ trợ kinh tế. Mũi thứ hai là tiền tệ: Ngân hàng trung ương Nhật Bản cải tổ chính sách tiền tệ để đạt được lạm phát 2%. Mũi tên thứ ba là cải cách, cải tổ cơ cấu được tiến hành nhằm chuyển đổi hệ thống kinh tế và khơi dậy “tiềm năng tăng trưởng”.

Nguyên nhân của việc các nền kinh tế phát triển này chưa phục hồi là ở vấn đề mang tính cơ cấu, cần tiến hành cải cách nhưng không được. Nhưng các nước phát triển cải cách mang tính cơ cấu phải cắt giảm phúc lợi xã hội dành cho công nhân, từ bỏ đòn bẩy trong cơ cấu tài chính và giảm bội chi ngân sách của chính phủ. Nếu những biện pháp này được thúc đẩy thì sẽ rất có lợi cho các nước phát triển trong tương lai lâu dài, có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực ngành sản xuất, năng lực chống rủi ro của các tổ chức tài chính và năng lực chống lại sự can dự mang tính chu kỳ để duy trì việc làm và ổn định xã hội đối với biến động kinh tế.

Nhưng những cải cách mang tính cơ cấu đó không thể thực hiện về ngắn hạn trong lĩnh vực chính trị, bởi vì tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển hiện nay đã giảm đi nhiều, trong tình hình đó thúc đẩy cải cách cơ cấu thì sẽ giảm nhu cầu tiêu dùng và đầu tư, dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn, thất nghiệp gia tăng, xã hội bất ổn. Các chính trị gia hiểu rõ điều này, nên mặc dù biết cải cách cơ cấu rất quan trọng, nhưng không ai dám thực sự hành động?

Chống đỡ

Khi xuất hiện khủng hoảng tài chính trong quá khứ, các nước đang phát triển tìm cách vay mượn tiền của IMF. Tổ chức này sẽ yêu cầu cải cách mang tính cơ cấu đối với những quốc gia đó, thông qua việc làm mất giá đồng tiền để gia tăng nhu cầu của thị trường bên ngoài, tạo ra nhu cầu và việc làm để đem đến không gian tạo ra cải cách cơ cấu. Trong quá trình này, IMF cho vay một khoản tiền để giúp quốc gia đó vượt qua khó khăn tạm thời.

Sau khi khủng hoảng tài chính 2008 bùng nổ, rất khó tiếp tục sử dụng chính sách này bởi vì cuộc khủng hoảng diễn ra tại tất cả các nước phát triển trong cùng một thời điểm, mà ngành sản xuất của họ lại trùng lặp nhau, đều là ngành tập trung nhiều nguồn vốn, sản phẩm của họ cạnh tranh nhau trên thế giới.

Nếu IMF muốn sử dụng phương thức phá giá đồng tiền để tăng xuất khẩu, từ đó tạo ra không gian để cải cách cơ cấu ở trong nước thì một quốc gia tăng xuất khẩu sẽ làm giảm xuất khẩu của các nước phát triển, các nước khác cũng phá giá đồng tiền mang tính cạnh tranh để bảo vệ xuất khẩu thì tất cả mọi quốc gia đều thiệt hại, do đó cũng không thể phá giá đồng tiền để tạo ra không gian cải cách kinh tế. Vì vậy, các nước phát triển có thể xuất hiện đình trệ tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài, đó là mức thấp dưới 3%, chỉ biến động trong khoảng 2%.

Có ý kiến cho rằng GDP của Trung Quốc trong 10 năm tới không thể duy trì mức tăng trưởng 6,5%.

Chính sách tiền tệ nới lỏng không những khiến hệ thống tài chính của các nước phát triển trở nên yếu ớt, mà còn làm cho chênh lệch phân phối thu nhập gia tăng. Có thể những người đến vay tiền đều là những người có tiền, sau khi vay tiền, họ thường không để đầu tư vào kinh tế thực, mà đầu tư vào thị trường chứng khoán, do đó của cải của người giàu tăng vọt, làm gia tăng chênh lệch phân phối thu nhập.

Vì vậy, rất nhiều quốc gia phát triển đã làm nảy sinh chủ nghĩa dân túy, giống như việc cử tri Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay phong trào “áo gile vàng” phản đối ở Pháp thời gian gần đây, đều liên quan đến bối cảnh lớn của thời đại. Một ảnh hưởng khác là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch dễ dàng trỗi dậy, và điển hình lớn nhất của nó, chính là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang chưa thể đi tới hồi kết.

Cuộc chiến kéo dài bao lâu?

Về mặt thể chế, Tổng thống Mỹ cứ sau 4 năm lại phải một lần tranh cử, tuy xác suất tái đắc cử khá lớn, nhưng thống kê cho thấy kể từ Thế chiến II, tổng thống của một đảng liên tục cầm quyền trong 12 năm chỉ 3 lần xảy ra. Đồng thời, việc thay thế quyền kiểm soát quốc hội là việc bình thường. Khoảng 10 năm gần đây, phương thức chính trị phủ quyết của đảng Dân chủ và Cộng hòa thường xuyên diễn ra, hiện tượng phản đối chỉ để phản đối ngày càng phổ biến, mâu thuẫn giữa hai đảng ngày càng gay gắt.

Từ đó cho thấy thể chế hiện nay của Mỹ dẫn đến một số chính sách không có tính bền vững, cho dù là cuộc chiến Iraq; cuộc chiến Afghanistan; luật bảo hiểm y tế; chiến lược trở lại châu Á – Thái Bình Dương hay là việc làm dịu lại quan hệ với Iran…

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 khiến đảng Cộng hòa mất đi Hạ viện, và nếu trong cuộc bầu cử Tổng thống tiếp tới, quyền kiểm soát Nhà Trắng hoặc quốc hội có sự thay đổi, thì chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc có thể tiếp tục được duy trì hay không vẫn còn là một dấu hỏi.

Thứ hai, căn cốt chính của mọi bang giao thương mại, đó là phải hai bên cùng có lợi. Nhìn khắp toàn cầu, khó có quốc gia nào có thể thay thế địa vị của Trung Quốc làm công xưởng thế giới. Ấn Độ, Brazil và Nga đều có một số yếu tố vượt trội, song để “qua mặt” được Trung Quốc thì còn là cả một tiến trình dài bởi những đặc thù về chính sách, lực lượng lao động…

Phần lớn hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ là những sản phẩm cần nhiều lao động, giá trị gia tăng khá thấp.

Cũng nhìn trên khía cạnh lợi ích, thì sự trỗi dậy của Trung Quốc tuy có gây lo ngại cho nước Mỹ, song một khi tình hình chính trị thay đổi, Washington cũng khó có thể giữ nguyên chính sách rạch ròi của mình bởi chính sách, dù gì cũng là thể hiện ý chí của một bộ phận lãnh đạo. Khi lãnh đạo thay đổi, chính sách và cách nhìn cũng sẽ thay đổi.

Va chạm thương mại về cơ bản không có người thắng cuộc, và thường là kết cục cả hai cùng thất bại và tổn thương. 45% hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc là của doanh nghiệp nước ngoài. Cho nên việc kéo dài cuộc chiến thương mại còn là sự liên quan tới nhiều hoạt động kinh tế khác nữa của cả hai bên ở nước ngoài chứ không chỉ là đơn thuần mục đích nhắm vào nhau.

Và câu hỏi cuối cùng là ưu thế của Mỹ có thể được kéo dài trong bao lâu, và điều này sẽ quyết định việc tiếp tục hay chấm dứt cuộc chiến thương mại, vốn được cho là một biện pháp trừng phạt của Mỹ lên Trung Quốc. Căn cứ vào GDP tính bằng đồng USD giữa Trung Quốc và Mỹ năm 2017, với giả thiết là trong tương lai mỗi năm Mỹ tăng trưởng 3%, Trung Quốc tăng trưởng 6,5%, nếu tỷ giá hối đoái không thay đổi, thì GDP của Trung Quốc cũng bằng 91% của Mỹ.

Có ý kiến cho rằng GDP của Trung Quốc trong 10 năm tới không thể duy trì mức tăng trưởng 6,5%, nhưng Mỹ cơ bản cũng khó có thể duy trì mức 3%. Nhận định này có thể được đưa ra dựa vào các giả thuyết khác nhau, song về cơ bản, khi sự chênh lệch của 2 nền kinh tế không lớn (chưa đến 10%), thì việc trừng phạt cũng sẽ khó hiệu quả như ban đầu cũng như việc cần thiết của nó cần phải được đặt câu hỏi.

Không bên nào thắng

Bề ngoài, cuộc tranh chấp thương mại này là do Trung Quốc xuất siêu quá nhiều so với Mỹ. Trung Quốc đã xuất siêu lần đầu tiên sang Mỹ vào năm 1985, chỉ có 60 triệu USD, chiếm 0,3% nhập siêu của Mỹ. Sau đó xuất siêu của Trung Quốc không ngừng tăng lên, lên tới 370 tỷ USD vào năm 2017, chiếm 44% nhập siêu của Mỹ.

Thay đổi tỷ lệ này là một nội dung tranh cử tổng thống Mỹ. Tổng thống Donald Trump bắt đầu áp thuế 25% vào hàng xuất khẩu trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc sang Mỹ vào tháng 6-2018. Trung Quốc đáp trả ngay sau đó. Đến tháng 9-2018, Tổng thống Trump lại áp thuế 10% vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, và tuyên bố nếu không đạt được thỏa thuận thì sẽ tăng lên 25% vào năm 2019.

Tổng thống Donald Trump bắt đầu áp thuế 25% vào hàng xuất khẩu trị giá 50 tỷ USD của Trung Quốc sang Mỹ từ tháng 6-2018.

Nhưng quy mô nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ của Trung Quốc chỉ còn hơn 100 tỷ USD, không thể hoàn toàn đáp trả một cách đối đẳng, Trung Quốc tăng thuế đối với số hàng hóa trị giá 60 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ.

Phần lớn hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ là những sản phẩm cần nhiều lao động, giá trị gia tăng khá thấp. Vào những năm 1980, nhập siêu của Mỹ đối với toàn bộ các nước Đông Á đã chiếm trên 80% nhập siêu của Mỹ, thời điểm cao nhất vượt trên 100%. Tuy nhập siêu của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay lên tới 44%, nhưng nhập siêu với Đông Á lại giảm xuống dưới 50%.

Từ đó có thể thấy, nguyên nhân căn bản khiến nhập siêu Mỹ tăng vọt không phải do Trung Quốc, cũng không phải do Đông Á, mà chủ yếu là do tỷ lệ dự trữ của Mỹ suy giảm, cộng thêm với việc bội chi ngân sách.

Đương nhiên, chiến tranh thương mại gây bất lợi lớn cho kinh tế Trung Quốc. Người Trung Quốc muốn làm ăn tốt với Mỹ, nhưng lại không thể tự quyết định được kết quả cuối cùng. Trong tình hình tồi tệ nhất, Trung Quốc và Mỹ không thể đạt được thỏa thuận hòa giải, số hàng hóa trị giá 500 tỷ USD của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ thì ảnh hưởng đối với Trung Quốc cuối cùng sẽ thế nào?

Căn cứ vào tính toán mô hình, có thể khiến cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm 0,5%, tốc độ tăng trưởng của Mỹ giảm 0,3%. Xem ra cũng chẳng bên nào được lợi hoàn toàn cả.

Huy Thông (tổng hợp)
.
.