Thương chiến Mỹ-Trung với đòn đáp trả thuế mới

Thứ Năm, 05/09/2019, 12:21
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang bước vào một đợt leo thang mới. Ngày 1-9, cả Mỹ và Trung Quốc chính thức kích hoạt đợt tăng thuế mới nhất đối với hàng hóa của nhau.

Sau giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch, chắc chắn các biện pháp “ăn miếng trả miếng” sẽ càng trở nên quyết liệt. Liệu những cuộc thương lượng và tham vấn đang diễn ra giữa các quan chức Washington và Bắc Kinh có “hạ nhiệt” được những cái đầu nóng, hay tiếp tục đẩy cuộc chiến kéo dài hơn một năm qua vào ngõ cụt?

Người tiêu dùng Mỹ chịu ảnh hưởng lớn

Kể từ 11h ngày 1-9 (theo giờ Việt Nam), Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ bắt đầu thu thuế ở mức 15% đối với số hàng hóa nhập khẩu trị giá ước tính 112 tỷ USD của Trung Quốc, tức là mức thuế đã được điều chỉnh tăng thêm 5% như tuyên bố mới nhất ngày 24-8 của Tổng thống Mỹ Donald Trump để trả đũa việc Bắc Kinh công bố đánh thuế vào hàng hóa Mỹ. Lô hàng còn lại trị giá 160 tỷ USD trong kế hoạch này sẽ bị đánh mức thuế tương tự kể từ ngày 15-12.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng bắt đầu áp thuế 5%-10% đối với nhiều mặt hàng của Mỹ, đặc biệt sản phẩm dầu thô Mỹ lần đầu tiên bị nhắm đến kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nổ ra hơn một năm trước. Trong đợt áp thuế có hiệu lực ngày 15-12, Trung Quốc thu thuế 15% đối với điện thoại di động - mặt hàng giá trị lớn nhất mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc, cũng như máy tính xách tay, đồ chơi và quần áo của Mỹ.

Trung Quốc cũng khôi phục mức thuế 25% nhằm vào xe hơi Mỹ, General Motors bán được 3,64 triệu ôtô tại Trung Quốc, chiếm hơn 43% doanh số toàn cầu của hãng này. Kế hoạch áp thuế bổ sung với lượng hàng hóa nhập khẩu của Mỹ trị giá 75 tỷ USD này được Trung Quốc công bố ngày 23-8, với lý do “Bắc Kinh buộc phải phản ứng trước chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại của Washington”.

Giới phân tích cho rằng không giống như các đợt trước đó, vốn tác động mạnh đến lĩnh vực sản xuất, với đợt áp thuế lần này, người tiêu dùng Mỹ sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tã lót, máy rửa chén, giày dép, quần áo, thực phẩm... nhìn qua danh sách 122 trang sản phẩm, thật khó để tìm thấy thứ gì đó không có trên đó.

Nhiều nhà bán lẻ nói rằng họ có ít sự lựa chọn ngoài việc đổ chi phí lên người tiêu dùng. Đó là chưa kể đợt đánh thuế tiếp theo sẽ là quần áo và các mặt hàng lớn như máy tính xách tay và iPhone, dự kiến sẽ hiệu lực vào tháng 12 tới.

Theo giáo sư Katheryn Russ thuộc Đại học California, đến cuối năm nay, Washington dự kiến sẽ đánh thuế trên hầu hết 550 tỷ USD hàng hóa mà Mỹ mua hằng năm từ Trung Quốc. Điều này có nghĩa là chi tiêu trung bình hằng năm của hộ gia đình sẽ tăng thêm 800 USD.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Bài toán thuế quan của ông Donald Trump

Giới phân tích nhận định, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dường như đã tiến thêm một bước sai hướng khi Trung Quốc công bố áp đặt mức thuế mới đối hàng hóa từ Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhanh chóng phản hồi rằng Mỹ sẽ “tốt hơn nếu không có (Trung Quốc)” và rằng các công ty Mỹ nên “bắt đầu tìm kiếm một sự thay thế”.

Thật không may, đó không phải là cách mà nền kinh tế toàn cầu hoạt động. Mỹ và Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với nhau. Các mối quan hệ thương mại mới không thể được tạo ra chỉ trong một sớm một chiều và căng thẳng gia tăng chỉ tiếp tục gây tổn hại cho các công ty Mỹ.

Chiến lược của ông Trump dựa trên ý tưởng rằng mối quan hệ Mỹ-Trung là quan hệ một chiều. Năm 2018, doanh số nhập khẩu từ Trung Quốc (vào Mỹ) vượt doanh số xuất khẩu của Mỹ (sang Trung Quốc) khoảng 420 tỷ USD. Điều đó có vẻ giống như một đòn bẩy. Đơn giản là bởi sẽ có nhiều hàng hóa Trung Quốc để Mỹ nhắm mục tiêu. Đối với ông Trump, điều đó có nghĩa là thuế quan của Mỹ sẽ mạnh hơn thuế quan trả đũa của Trung Quốc.

Không có gì ngạc nhiên khi Nhà Trắng khẳng định rằng Mỹ sẽ “dễ dàng giành chiến thắng” trong các cuộc chiến thương mại. Cụ thể, năm 2018, Mỹ áp đặt mức thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi mức thuế trả đũa của Bắc Kinh chỉ ảnh hưởng đến 110 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Trong một cuộc chiến làm tiêu hao sinh lực, Mỹ có vẻ đang giữ thế cân bằng.

Tuy nhiên, điều này không đơn giản như vậy. Những con số đó đã hạ thấp vai trò của Trung Quốc với tư cách là một người mua hàng xuất khẩu quan trọng của Mỹ. Minh chứng rõ nét nhất là trong ngành nông nghiệp của Mỹ. Bắc Kinh đã giáng một đòn đau đối với các nông dân Mỹ trong mỗi đợt áp thuế trả đũa. Những chính sách đó vô cùng quan trọng.

Trung Quốc là người mua sản phẩm nông nghiệp lớn thứ hai của Mỹ trong năm 2017. Năm 2018, Trung Quốc rơi xuống vị trí thứ năm do lượng mua giảm vì những hạn chế thương mại. Kết quả là Mỹ thiệt hại 10 tỷ USD vì xuất khẩu nông sản của Mỹ sang Trung Quốc giảm từ 19,6 tỷ USD xuống còn 9,2 tỷ USD.

Giải pháp để ông Trump bù đắp sự mất mát đó là gì? Tìm người mua khác. Tuy nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Người trồng đậu nành không thể tạo ra một tuyến đường thương mại nơi mà chẳng có người mua nào tồn tại. Đơn giản là bởi chẳng có thị trường mới nào ngồi đó chờ sẵn để đón nhận hàng hóa bị chuyển hướng do các rào cản thương mại của Trung Quốc gây ra.

Kết quả là, hàng hóa xuất khẩu trị giá 10 tỷ USD được định sẵn cho Trung Quốc đã không thể tìm được ngôi nhà mới. Mặt khác, sản lượng dư thừa của Mỹ vẫn còn trong kho vì tổng xuất khẩu nông sản giảm trên diện rộng vào năm 2018. Kết quả là một khoản lỗ ròng. Thay vì thiết lập các mối quan hệ thương mại mới, Mỹ đã phải tăng trợ cấp nông nghiệp để bù đắp thiệt hại cho nông dân.

Nông nghiệp chỉ là một ví dụ. Hàng nghìn mặt hàng xuất khẩu khác hiện đang phải chịu sự suy giảm khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc. Hiện giờ, thiệt hại cho các công ty Mỹ không còn mang tính lý thuyết nữa. Ở phố Wall đã ngập tràn các cuộc tranh luận, thậm chí nghi ngờ về việc cuộc chiến thương mại có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.

Quang Nguyễn
.
.