Thương mại đôi bờ Đại Tây Dương với cuộc bầu cử Mỹ

Thứ Sáu, 20/11/2020, 15:22
Các mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương đóng một vai trò lớn trong cuộc bầu cử Mỹ. Hai ứng cử viên, mỗi người đều có tầm nhìn khác nhau về các mối quan hệ thương mại, không chỉ là ở khía cạnh hỗ trợ sản xuất nội địa của Mỹ - đặc biệt là ngành công nghiệp.

Tổng thống Donald Trump thường xuyên nói về việc giành lại việc làm cho người Mỹ, đàm phán cứng rắn với EU và áp thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm của châu Âu. Ông Joe Biden thì nhấn mạnh chương trình “Mua hàng Mỹ”, thông qua đó hỗ trợ nhu cầu của người Mỹ cho các sản phẩm do Mỹ sản xuất, cho dù điều đó được cho là giảm khả năng cạnh tranh của hàng nhập khẩu từ châu Âu sang Mỹ.

Chính sách ngoại thương được cho là cũng rất quan trọng đối với cử tri Mỹ trong việc quyết định bỏ phiếu cho ai. Theo khảo sát của Trade Vistas, 25% số người được hỏi cho biết chính sách thương mại của các ứng cử viên có ảnh hưởng lớn nhất đến việc họ bỏ phiếu cho ai.

Năm 2019, công xưởng lớn nhất của hãng sản xuất ôtô Đức BMW tại Spartanburg, tiểu bang Nam Carolina xuất xưởng 411.620 xe.

EU - bao gồm cả Anh - và Mỹ là những đối tác thương mại cùng nhau tạo ra gần một nửa GDP của thế giới. EU cũng là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu hàng hóa của Mỹ và điều này cũng đúng với chiều ngược lại. Trong lĩnh vực dịch vụ, Mỹ có thặng dư thương mại với EU, nghĩa là Mỹ xuất khẩu dịch vụ sang EU nhiều hơn so với chiều ngược lại. Tuy nhiên, trong lĩnh vực hàng hóa, tình hình đã đảo ngược trong một thời gian dài khi Mỹ nhập siêu từ EU, tức là lượng hàng hóa nhập khẩu của châu Âu vào Mỹ cao hơn. Mức thâm hụt này là một cái gai lâu nay trong mắt Tổng thống Trump, và ông coi nó là bằng chứng về sự hỗ trợ không công bằng đối với xuất khẩu của châu Âu.

Vì Mỹ và EU đều là những nền kinh tế tiên tiến, nên hầu hết hoạt động thương mại hàng hóa song phương được thực hiện trong phương thức gọi là thương mại nội ngành. Điều này có nghĩa là Mỹ và EU chủ yếu buôn bán các linh kiện và sản phẩm trung gian tiên tiến được sử dụng trong sản xuất công nghiệp tiên tiến, ví dụ như kỹ thuật ôtô. Trong lý thuyết kinh tế vĩ mô, loại hình thương mại này tạo điều kiện cho mỗi bên tham gia chỉ tập trung vào một phần sản xuất và đồng thời sử dụng các sản phẩm và hàng hóa của các đối tác khác.

Cho đến nay, các lý thuyết kinh tế đều ủng hộ việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ miễn thuế và tự do nhất giữa Mỹ và EU. Nhưng điều khó là ở các chi tiết đã được đưa ra trong cuộc đàm phán kéo dài và cuối cùng không thành công về Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất và tham vọng nhất từng được đề xuất.

Các cuộc tranh cãi nổi tiếng nhất là về việc có thể nhập khẩu thực phẩm biến đổi gen và gà khử trùng bằng chất clo từ Mỹ sang châu Âu. Nhưng, ngay cả trong các lĩnh vực có rất ít khác biệt trên thực tế, chẳng hạn như tiêu chuẩn an toàn xe hơi, hai bên cũng chỉ đạt được rất ít tiến bộ trong quá trình đàm phán. TTIP do đó đã bị trì hoãn sau 15 vòng đàm phán, ngay trước khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ.

Số phận của TTIP 4 năm vừa qua cho thấy quan hệ thương mại EU - Mỹ đã không trong trạng thái tốt. Với Tổng thống Trump, chính sách thương mại Mỹ bị đánh giá là khó đoán và mang tính “bốc đồng” cao. Triết lý cơ bản trong chiến lược thương mại của ông Trump được bao hàm trong khẩu hiệu “Nước Mỹ trước tiên”. Năm 2018, ông Trump công bố một loạt mức thuế nhập khẩu lên tới 25% đối với các sản phẩm thép và nhôm từ EU.

Một ví dụ khác về chính sách thương mại của ông Trump với EU là việc EU hoàn thành đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2”, mua khí đốt giá rẻ của Nga. EU nhập khẩu khoảng 70% nhu cầu khí đốt tự nhiên và Mỹ có lợi ích thương mại lớn trong việc đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu này. Và với một người như ông Trump, việc một đối tác vừa nhận được sự đảm bảo an ninh nhưng lại không chấp nhận chia sẻ lợi ích là điều không thể chấp nhận được.

Đối với ông Joe Biden, chính sách kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama làm suy giảm sản xuất nhỏ và công nghiệp lẻ của nước Mỹ là một bài học quan trọng. Các thành viên đảng Dân chủ do ông Biden đại diện không muốn mắc phải sai lầm tương tự nữa. Trong bối cảnh này, kế hoạch khổng lồ đầu tư 400 tỷ USD của ông Biden để hỗ trợ sản xuất công nghiệp nội địa, cơ sở hạ tầng và phát triển hoặc sản xuất các công nghệ xanh tại Mỹ đã gây sự chú ý của các cử tri. Cứ 4 người Mỹ thì có 3 người ủng hộ kế hoạch này.

Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với các điều kiện khó khăn hơn đáng kể cho hàng hóa châu Âu vào thị trường Mỹ. Ông Biden cũng đã cam kết giới hạn hoạt động mua sắm công quy mô lớn của Mỹ chỉ với các nhà cung cấp của Mỹ, bất chấp cam kết lâu dài với các đối tác thương mại khác.

Một khía cạnh liên quan nữa trong tầm nhìn của ông Biden đối với chính sách thương mại Mỹ là cái gọi là “đưa việc làm trở lại Mỹ”. Ông Biden muốn chi hàng tỷ USD để đưa việc làm trong các dây chuyền sản xuất trở lại Mỹ, chẳng hạn như sản xuất các thiết bị bảo hộ y tế, công nghệ viễn thông và chất bán dẫn cần thiết cho các thiết bị điện tử.

Qua đó để thấy, dù ai có là Tổng thống Mỹ thì chính sách thương mại xuyên Đại Tây Dương xem ra về mặt bản chất cũng không có khác biệt gì nhiều. Do đó, cuộc cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và châu Âu bộc lộ đầy đủ các rủi ro của việc ưu tiên lợi ích kinh tế và chính trị ngắn hạn hơn là lợi ích của hợp tác thương mại lâu dài và ổn định giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Vấn đề là, nếu Mỹ và EU không tìm được điểm chung trong chính sách thương mại thì làm sao có thể mong đợi điều gì khác từ các đối tác khác?

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.