Thương nhớ Bình Liêu

Thứ Hai, 10/12/2018, 15:30
Cách thành phố Hạ Long khoảng hơn 100km về phía Đông Bắc, Bình Liêu là một huyện miền núi xa xôi nhất của tỉnh Quảng Ninh có diện tích khoảng 471km², nơi có gần 50 km đường biên giới với nước bạn Trung Quốc.

Nhắc đến Quảng Ninh, người ta nghĩ ngay đến một vùng đất ven biển trù phú, nổi tiếng với những thắng cảnh được cả thế giới ngưỡng mộ, nơi thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho những kho báu vô giá về giá trị thẩm mỹ, địa chất hay đa dạng sinh học. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ở vùng Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh còn có những miền đất vô cùng hoang sơ, tươi đẹp, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Cách thành phố Hạ Long khoảng hơn 100km về phía Đông Bắc, Bình Liêu là một huyện miền núi xa xôi nhất của tỉnh Quảng Ninh có diện tích khoảng 471km², nơi có gần 50 km đường biên giới với nước bạn Trung Quốc.

“Sapa của Quảng Ninh”

Những cánh đồng ruộng bậc thang uốn lượn, những dãy núi và cánh rừng bạt ngàn xa ngút tầm mắt. Vẻ đẹp của Bình Liêu khiến nơi này được mệnh danh như “Sa Pa của Quảng Ninh”.

Với cấu trúc địa hình đa dạng của miền núi cao thuộc cánh cung Đông Triều – Móng Cái, Bình Liêu có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với những thửa ruộng bậc thang trải dài theo các thung lũng, sườn đồi, những bãi bồi ven sông. Không mênh mang, rộng lớn như ruộng bậc thang ở Tây Bắc, ruộng lúa Bình Liêu vẫn đẹp đến nao lòng, đủ sức quyến rũ bước chân mỗi vị khách khi đến đây.

Phong cảnh xã Tình Húc nhìn từ trên cao.

Bình Liêu có hai mùa lúa chín, vào tháng 6 và tháng 10 dương lịch.  Khi vào vụ cấy, những thửa ruộng xanh non hòa vào màu xanh ngút ngàn của núi rừng trùng điệp. Đến mùa thu hoạch, lúa chín đổ vàng trên những sườn đồi quyện vào cảnh sắc rực rỡ của thiên nhiên. Thời điểm này, Bình Liêu hiện ra như một thiên đường đầy sức mời gọi.

Không chỉ đặc sắc ở những thửa ruộng bậc thang, Bình Liêu còn hùng vĩ với những ngọn núi và thác, như thác Khe Vằn, bãi đá thần đỉnh núi Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm sừng sững hay “sống lưng khủng long” tại cột mốc biên giới 1305 nổi tiếng.

Thác Khe Vằn thuộc xã Húc Động, huyện Bình Liêu, bắt nguồn từ dãy núi Khe Vằn – Thông Châu được mệnh danh là đệ nhất thác của Quảng Ninh. Thác ở độ cao khoảng 100m với ba tầng nước chảy, mỗi tầng mang một dáng vẻ khác nhau tạo nên một phong cảnh thật kì thú. Thác Khe Vằn mỗi mùa lại mang một vẻ đẹp riêng.

Mùa mưa, dòng nước tuôn chảy mạnh mẽ, tung bay như những dải mây trắng xóa ngang lưng trời rồi đổ ào ạt xuống chân núi đá. Đến mùa khô, dòng nước trở nên ôn hòa và dịu dàng như những làn điệu ngọt ngào của người dân bản.

Cả một khoảng rộng mênh mông nước dưới chân thác và vô vàn những phiến đá nhấp nhô với đủ kích cỡ, đan xen nhau chạy dọc bờ suối khiến dòng nước dội xuống từ trên thác bỗng chảy lững lờ, đẹp hiền hòa đến nao lòng người. Đứng trên đỉnh thác, có thể phóng tầm mắt ra xa để nhìn bao quát cả một vùng núi rừng bao la, tán lá xanh rợp trời, dòng nước chảy quyện với các khối đá đủ hình thù kỳ lạ tạo thành một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Họa tiết trên trang phục của người Dao Thanh Phán ở Bình Liêu.

Bình Liêu mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng, nhất là vào mùa xuân và mùa đông, bên cạnh cái kì vĩ, dữ dội của núi rừng hoang sơ là sự mơ màng, tinh khiết của bạt ngàn hoa trắng. Mùa xuân có hoa trẩu, mùa đông có hoa sở khoe sắc tinh khôi cùng với nhụy hoa lấm tấm vàng khiến du khách như đang lạc trong một khung cảnh thần tiên dịu ngọt.

Nét đẹp văn hóa đặc sắc vùng cao biên giới

Bình Liêu lôi cuốn du khách thập phương không chỉ bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn bởi nét văn hóa đặc sắc của những người dân nơi vùng cao biên giới. Vào mỗi thứ 7 hằng tuần, chợ phiên Đồng Văn lại nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán người mua cùng những bộ trang phục rực rỡ sắc màu của đồng bào các dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ… Bà con đến đây trao đổi hàng hóa, nông sản thiết yếu hay đơn giản là thưởng thức những món ăn dân dã mà đậm đà hương vị đồng quê.

Khuất sau những ngọn núi cao, những bản làng nằm lặng lẽ là nơi người Dao, người Sán Chỉ, người Hoa… đã sinh sống từ bao đời. Dưới những nếp nhà cũ kỹ mang nhịp sống đơn sơ yên bình, đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn lưu giữ được những phong tục tập quán và sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Đến những bản làng người Tày, ta nghe thủ thỉ, nhẹ nhàng lời hát then, đàn tính. Những điệu hát, tiếng đàn gắn với đời sống tâm linh và tín ngưỡng của người dân tự bao đời.

Còn người Dao Thanh Phán, từ đời này sang đời khác vẫn truyền lại cho nhau kỹ thuật thêu hoa văn thổ cẩm. Người con gái Dao lớn lên không ai là không biết thêu thùa. Ngay từ nhỏ, các em gái đã được mẹ dạy cho cách mua len, chọn vải, dạy cho từng đường tà nếp chỉ để thêu thùa, may vá. Bởi cho dù xã hội có hiện đại đến đâu, cô dâu Dao về nhà chồng vẫn mặc bộ trang phục dân tộc do chính tay mình làm.

Bên cạnh đó, trong sinh hoạt hàng ngày, những bài hát dân ca ngọt ngào, gửi gắm bao tâm tình vẫn cất lên. Từ người lớn đến trẻ em, ai cũng thuộc, cũng nhớ từng lời hát. Đối với họ, dân ca là tiếng nói của dân tộc, là thứ không thể thiếu trong đời sống tinh thần.

Chị Lý Thị Hạnh – người phụ nữ Dao Thanh Phán lưu giữ và truyền lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ sau

Đến với bản của người Dao Thanh Phán ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, ta sẽ dễ dàng gặp được chị Lý Thị Hạnh, một cô giáo mầm non tận tụy với nghề dạy trẻ, yêu tha thiết những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bao nhiêu năm gắn bó với công việc dạy học, chị cũng truyền tình yêu ấy cho các em nhỏ người Dao nơi miền biên viễn xa xôi của đất nước.

Một buổi học hát ở Câu Lạc Bộ hát then cổ.

Như bao người phụ nữ Dao ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, ngay từ khi còn nhỏ, chị Hạnh đã được bà, được mẹ dạy cách thêu thổ cẩm trên những vạt áo, thắt lưng hay gấu quần. Niềm say mê với từng đường kim mũi chỉ, những hoa văn cầu kỳ, tinh tế cứ lớn dần lên trong chị theo năm tháng. 

Bộ trang phục của người Dao Thanh Phán không chỉ chứa đựng bản sắc dân tộc mà còn thể hiện sự khéo léo, tư duy sáng tạo và con mắt thẩm mỹ của những người phụ nữ dân tộc này. Một bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Dao rất cầu kỳ, gồm nhiều bộ phận cấu thành với kỹ năng thêu xen kẽ tỉ mỉ và tinh tế. Thêu áo thì họa tiết là hai bên vạt phía trước ngực với chiều rộng 10cm x 30cm được thêu đối nhau, hoa văn họa tiết chủ yếu hình sóng nước, hình núi, hình chữ vạn… Thêu quần thì các họa tiết được bố trí phía dưới cùng của hai bên ống quần có độ dài 30cm.

Đây cũng là điểm thêu nhiều hoạ tiết hoa văn nhất trong bộ trang phục với biểu tượng: hoa sỏi pẻng, hình cây sâm, cây chân chó… (những cây đặc trưng của nơi đồng bào Dao sinh sống).Trang phục nội y được thêu trên tấm vải vuông giữa có thêu hình mặt trời 8 cánh, xen giữa các tia sáng mặt trời là hình núi đồi, các họa tiết hoa văn cây cỏ cách điệu xen kẽ xung quanh.Thắt lưng là một đoạn vải màu trắng sáng bản rộng từ 5-7cm có độ dài 70- 80cm thường được thêu các họa tiết hoa văn hình hoa, cây cỏ, sông nước. Những hoa văn thể hiện lòng yêu quê hương, bản làng nơi họ sinh ra và mối giao hòa với thiên nhiên, đất trời.

Lên 10 tuổi, chị Hạnh đã học thêu với niềm háo hức và mê say, mặc dù chị cũng tự thừa nhận rằng: “Thêu cái này khó lắm. Chỉ có hai sợi chỉ thêu chéo góc, nếu mình sai một đường hoặc bớt đi một đường thì chỉ không thể nào đi được và mình phải tháo gỡ toàn bộ chỉ thêu. Mỗi một hàng là một kiểu hoa văn khác nhau nên mình phải học cả bấy nhiêu kiểu hoa văn”. Vậy mà, chẳng cần mẫu vẽ sẵn, chị Hạnh và những người phụ nữ nơi đây vẫn ngày ngày thêu thùa theo trí nhớ, dù các hoa văn, họa tiết có tới hàng chục mẫu đi nữa.

Cuộc sống dù nhiều đổi thay, nhưng những người phụ nữ Dao như chị Hạnh vẫn giữ cho mình những bộ trang phục rực rỡ của dân tộc và mặc trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Giờ đây, chị Hạnh càng thêm vui và tự hào khi được truyền dạy cách thêu thổ cẩm cho các em gái nhỏ dân tộc mình. Chị là người giải thích cặn kẽ cho các em hiểu vì sao lại thêu các kiểu hoa văn như vậy, từ đó, khiến cho các em nhỏ thêm yêu quê hương, nguồn cội của mình.

Nhìn ánh mắt sáng ngời lấp lánh của các em khi tự tay thêu những họa tiết đầy sắc màu, ta cảm nhận được niềm hạnh phúc của chị khi những công sức bỏ ra đã được đáp đền xứng đáng. Hơn nữa, là một giáo viên mầm non, chị luôn vận động cha mẹ học sinh may cho các cháu nhỏ để các cháu luôn được mặc những bộ quần áo đẹp của dân tộc mình.

Các em nhỏ được chị Lý Thị Hạnh và mẹ dạy thêu.

Không chỉ thêu thổ cẩm, những làn điệu dân ca ngọt ngào mang ý nghĩa sâu xa cũng được chị Hạnh dạy lại cho các em. Đối với chị, những lời hát ấy như cầu nối giữa các thế hệ người Dao, để họ hiểu nhau và hiểu hơn văn hóa truyền thống của mình. Tiếng hát vang lên giữa bạt ngàn xanh thẳm của núi rừng, quyện vào gió, vào mây, là khát vọng tình yêu lứa đôi thiết tha của những chàng trai cô gái nặng nghĩa tình trên mảnh đất quê hương xứ sở: “Anh thấy em như ánh sao lung linh tỏa sáng trên trời, anh ước sao đến được với em. Em thấy anh như ánh trăng sáng ngời, làm sao mà em có thể đến được với anh...”.

Tạm biệt Bình Liêu mà thương nhớ đong đầy. Đọng lại trong lòng du khách không chỉ là cảnh sắc thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa nên thơ của một vùng đất cổ mà còn là những nét văn hóa độc đáo không nơi nào có được. Những trang phục sặc sỡ trên triền núi như những cánh bướm mùa xuân cùng với tiếng hát ngọt ngào luôn mời gọi mọi người đến với Bình Liêu.

Nhật Minh
.
.