Tích trữ thực phẩm và hội chứng đám đông ở Mỹ

Thứ Tư, 18/03/2020, 23:30
Kế từ Chiến tranh Lạnh (1955-1965), người ta mới lại thấy dân Mỹ đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ nhưng lần này lý do không phải vì sợ một cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân mà vì dịch bệnh COVID-19, nhất là khi tiểu bang California tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp.

Đây là tiểu bang đã có 53 người nhiễm, 1 người chết, còn số nhiễm trên toàn nước Mỹ tính đến ngày 13-3 là 1.636 và số người chết là 40...

1. Mặc dù 8 giờ 30 sáng siêu thị Target nằm trong khu thương mại Pavilions Place trên đường Beach, thành phố Westminster, bang California, Mỹ, mới mở cửa nhưng từ 8 giờ, vợ chồng John Daniels đã có mặt. Cầm chặt tay nắm của chiếc xe đẩy như sợ bị ai lấy mất, John cùng nhiều người khác kiên nhẫn chờ đợi.

Trả lời câu hỏi của Thomas Kane, phóng viên tờ Kinh tế toàn cầu, John nói: “Ngày 29-2 tôi nghe truyền hình loan tin bang Washington xuất hiện ca tử vong đầu tiên do dịch COVID-19 nhưng tôi nghĩ ngành y tế sẽ nhanh chóng dập tắt. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo, ngày nào cũng có thêm người nhiễm, người chết, nhất là khi bang California ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế, hàng xóm xung quanh nhà tôi đổ xô đi mua thực phẩm về dự trữ thì tôi không thể ngồi im...”.

Khi dịch lắng xuống, một số loại hàng hóa trong xe đẩy sẽ được ném vào thùng rác.

8 giờ 30, khi cánh cửa siêu thị vừa mở, hàng trăm người chen nhau ùa vào, nhìn chẳng khác gì hồi tháng 12, Black Friday bán hàng đại hạ giá. Chỉ trong phút chốc, các quầy gạo, mì gói, mì ly, nước đóng chai, đồ hộp… người đứng xếp lớp, còn các quầy son phấn, mỹ phẩm, quần áo, đồ điện tử, lại vắng hoe.

Và mặc dù chính quyền bang California đã kêu gọi người dân bình tĩnh nhưng không chỉ dân Mỹ chính hiệu, mà ngay cả người Mỹ gốc Việt, Mỹ gốc Mexico, Mỹ gốc Hoa, gốc Nhật, gốc Thái Lan, Hàn Quốc… vẫn đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ với tâm lý chẳng may dịch COVID-19 bùng nổ, việc đi lại hạn chế, thậm chí nếu bị cách ly thì cũng còn có cái cầm hơi!

Chính cái tâm lý được gọi là “hội chứng đám đông” như thế, ở quầy gạo siêu thị Target, nếu như trước đây 3 loại gạo được ưa chuộng là gạo Ba Cô Gái, gạo Con Voi, gạo Ngỗng bao bố (vì nó được đựng trong những cái bao dệt bằng sợi đay), còn các loại khác như gạo Ông Địa, gạo Hương Lúa, gạo Kokuho bình thường vẫn ít người mua thì bây giờ, Target mới chỉ mở cửa hơn 1 tiếng mà loại nào cũng hết sạch.

Khi phóng viên Thomas Kane đặt câu hỏi: “Xưa nay nước Mỹ chưa hề lâm vào cảnh thiếu lương thực, ngay cả trong Thế chiến II Mỹ còn viện trợ cho Liên Xô, Anh quốc và các tổ chức kháng chiến chống Phát xít Đức ở Pháp, Italy, Hà Lan, Bắc Phi... nhưng dân Mỹ chẳng ai đói. Nay chỉ là dịch viêm đường hô hấp cấp, việc gì phải chen lấn?” thì một người Mỹ da trắng cao lênh khênh đứng cạnh chiếc xe chất đầy gạo, mì, đồ hộp, nước đóng chai, hùng hồn trả lòi: “Nhà báo nhớ lại coi! Trước khi cơn bão Katrina và nhiều cơn bão khác đổ bộ vào nước Mỹ, người ta cũng hàng hàng lớp lớp rủ nhau đi mua gạo, mua mì để dành thì có khác gì đâu so với những ngày này...”.

Ở khu vực bán các chất tẩy rửa, 6 dãy kệ dài trưng bày nước rửa tay khô (hand sanitizer) trống trơn, chẳng còn thấy một chai nào trong lúc các loại xà bông thì vẫn y nguyên, không ai đụng tới. Một bà Mỹ da đen béo tròn, ì ạch đẩy chiếc xe chở hàng ra cổng tính tiền, trên xe chất đầy những bao gạo, mì ly, đồ hộp, nước khoáng, giấy vệ sinh cùng 2 “lốc” nước rửa tay khô, mỗi “lốc” 20 chai!

Kệ trưng bày nước rửa tay sát khuẩn trống trơn.

Chả là khi COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, Cơ quan Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo người dân nên thường xuyên rửa tay bằng nước với xà bông hoặc nước rửa tay khô thì mặt hàng này trở nên “cháy” vì nó tiện lợi, ở đâu cũng “rửa” được. Nhìn nét mặt mãn nguyện của bà Mỹ đen, chắc hẳn bà tin rằng với số lượng “hand sanitizer” như thế, chẳng con COVID-19 nào đụng được tới bà!

Theo một thống kê của Đài Truyền hình CNBC, Mỹ, kể từ khi bệnh nhân đầu tiên chết vì COVID-19 ở bang Washington đến ngày 12-3, doanh thu từ mặt hàng giấy lau tay sát khuẩn do Công ty Catalina sản xuất đã tăng 619%, nước rửa tay khô Cleaners tăng 836%. John Bagan, Giám đốc bán hàng của tập đoàn Gelson's ở nam California, chuyên cung cấp một số loại thực phẩm cho các siêu thị tiết lộ rằng chỉ trong tuần lễ đầu tiên của tháng 3, số lượng đặt hàng sữa bột, ngũ cốc, gạo, tăng 305%. Riêng với hãng sản xuất nước đóng chai Alkaline, lên kệ thùng nào hết liền thùng nấy!

Một ông người Mỹ gốc Mexico nói: “Tôi sợ COVID-19 sẽ trở thành đại dịch. Lúc ấy, nước máy uống ngay tại vòi chưa chắc đã an toàn nên phải mua sẵn mấy chai Alkaline Water”. Gọi là “mấy chai” nhưng khi nhìn vào chiếc xe đẩy, phóng viên Thomas Kane đếm được... 9 thùng!

2. Giống như siêu thị Target, trước khoảng sân rộng của siêu thị Costco nằm trong khu Bella Terra, đường Huntington Beach, đã có không dưới 100 người, ai cũng lăm lăm trong tay chiếc xe đẩy. Họ đang chờ đến lượt mình vào mua thực phẩm dự trữ vì bên trong đã đầy người, siêu thị tạm ngừng nhận khách mặc dù lúc này mới là 9 giờ sáng.

Theo phóng viên David Bucker, ngoài gạo, mì, nước rửa tay khô, khăn giấy sát khuẩn, mặt hàng đồ hộp cũng là thứ được mua nhiều nhất trong lúc những loại thức ăn có thời hạn sử dụng ngắn như trứng, thịt tươi, sữa tươi, rau củ, trái cây..., người ta chỉ mua đủ dùng trong 2-3 ngày.

Tương tự, bãi đậu ô tô của siêu thị Costco Business Center cũng không còn một chỗ nào. Vài tài xế dừng bên lề đường, máy vẫn để nổ, hễ thấy ai lấy xe ra thì lập tức “điền vào chỗ trống”. Thế đã hết đâu, gửi xe xong, bước ra thì lại chẳng tìm được xe đẩy vì những người đến trước đã lấy hết. Đi tay không vào mua gạo, mua mì, mua đồ hộp, nước uống đóng chai rồi làm sao mang vác? Thôi thì đành đứng đợi.

Một số người mở điện thoại xem các bản tin về tình hình dịch bệnh trong lúc có người không đủ kiên nhẫn bèn quay sang siêu thị Walmart gần bên cạnh. Tuy nhiên, vừa bước vào, đập vào mắt họ là dòng chữ viết vội trên tấm bìa các tông: “Sold out of hand sanitizer, paper towels, rice and all regular water for today” (Hôm nay đã hết nước rửa tay khô, khăn giấy, gạo và tất cả các loại nước đóng chai). Vậy là phải quay về chỗ cũ, nét mặt đang cau có bỗng dãn ra khi nhìn thấy 4-5 chiếc xe tải loại 40 tấn quay đầu vào kho chứa hàng của siêu thị. Một người Mỹ da trắng gật gù: “Hàng cung ứng tới rồi. Lát nữa vào mua khỏi sợ hết!”.

Một siêu thị thông báo hết các loại giấy vệ sinh, giấy lau tay.

Việc dân Mỹ đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ không chỉ xảy ra ở bang California mà bang Washington cùng các bang khác như Texas, New York, Philadelphia, Michigan, Idaho, Minnesota, Virginia, Florida, Arizona..., ở đâu cũng thấy dòng người xếp hàng trước các siêu thị khi mà dịch COVID-19 đã lan đến hơn một nửa các bang trên toàn nước Mỹ. Nếu như ở Bờ Tây, khách chủ yếu mua gạo, mì gói, mì ly, thức ăn đóng hộp thì ở Bờ Đông, người ta mua spagetti, mì ống (nui), xúc xích, thịt sấy khô, sữa bột.

Bên cạnh đó, còn có loại bánh quy làm bằng lúa mạch với lời quảng cáo “để dành được 5 năm” hoặc những gói ngũ cốc, chỉ cần đổ sữa vào là ăn được ngay, bán chạy đến mức có những thời điểm, siêu thị phải giới hạn mỗi khách chỉ được mua 2 thùng bánh quy và 10 gói ngũ cốc vì sợ hết hàng do bộ phận cung ứng chưa chuyển đến kịp.

3. Không chỉ thực phẩm, nước rửa tay khô, dân Mỹ còn “quét sạch” giấy vệ sinh, khẩu trang và một số loại thuốc bán không cần đơn bác sĩ. Hình ảnh dòng người nối dài và những kệ hàng trống rỗng ở các siêu thị đã trở nên phổ biến, kể cả ở những vùng chưa có dịch mặc dù các hãng sản xuất không ngớt đề nghị mọi người nên bình tĩnh, đừng hoảng hốt vì họ bảo đảm sẽ cung ứng đủ.

Bác sĩ Jerome Adams, làm việc tại CDC bang Wasington viết trên Twitter: “Nên hạn chế việc tích trữ khẩu trang vì điều đó sẽ dẫn đến thiếu hụt. Nếu đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm y tế không đủ khẩu trang trong quá trình thăm khám, điều trị bệnh nhân thì rất có thể họ sẽ gặp nguy hiểm. Khi ấy, làm sao họ thực hiện tốt chức năng của mình...”.

Bà Catherine ở thành phố Atlanta, bang Georgia cho biết vì không mua được nước rửa tay sát khuẩn nên bà tự chế tạo ở nhà theo công thức cồn 90 độ cộng với nước ép từ cây nha đam. Phóng viên Thomas Kane cho biết không ít người Mỹ chọn cách làm nước sát khuẩn theo hướng dẫn từ các trang mạng y tế thay vì chầu chực, chen lấn chỉ để mua được vài chai. Bên cạnh đó, nhiều người còn tự may lấy khẩu trang.

Vẫn theo thống kê của Đài Truyền hình CNBC, doanh số bán khẩu trang ở Mỹ đã tăng 78% trong tuần lễ đầu tiên của tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. McLaura, nhân viên siêu thị Costco nói cô làm việc ở đây 10 năm rồi “nhưng chưa bao giờ chứng kiến tình trạng này”.

Samantha Williams, đại diện một hãng sản xuất nước rửa tay sát khuẩn ở bang Ohio cho biết công ty cô đã tăng công suất bằng cách bố trí công nhân làm thêm ngoài giờ để kịp đáp ứng nhu cầu. Samamtha nói: “Chúng tôi đã từng trải qua nhiều lần tăng sản lượng trong đợt dịch SARS, dịch MERS trước đây. Lần này, nhu cầu đúng là có lớn hơn nhưng không vì thế mà người tiêu dùng phải lo lắng...”.

Theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC), Mỹ, việc lây lan COVID-19 trên diện rộng là điều khó tránh khỏi bởi lẽ cho đến lúc này, hệ thống xét nghiệm công cộng mới chỉ thực hiện kiểm tra cho gần 5.000 người. Một bài báo trên tờ Washington Post cho thấy một trong những nguyên nhân khiên dịch phát triển mạnh là vì người lao động nước này sợ mất thu nhập nếu phải nghỉ ốm nên họ không làm xét nghiệm dù đã tiếp xúc gần với người dương tính COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều người Mỹ khác không có bảo hiểm y tế nên họ không dám đến các dịch vụ y tế tư bởi số tiền phải trả quá lớn - từ 2.000 đến 3.500 USD.

Dẫn lời giáo sư Sabrina Corlette thuộc Đại học Georgetown, Washington Post viết: “Các quỹ liên bang thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19 nếu việc xét nghiệm ấy được thực hiện tại các đơn vị y tế công cộng địa phương, tiểu bang hoặc liên bang nhưng chính sách này không áp dụng cho những xét nghiệm làm tại các cơ sở nghiên cứu hoặc thương mại”.

Trước hiện tượng người dân Mỹ đổ xô đi mua thực phẩm dự trữ đề phòng dịch COVID-19 lan ra trên diện rộng, một số phương tiện truyền thông đã đăng tải ý kiến phê phán vì điều này sẽ tạo cơ hội cho các siêu thị tăng giá những mặt hàng hút khách trong lúc Chính phủ Mỹ đã chuẩn bị sẵn kịch bản phòng khi COVID-19 bùng nổ, bao gồm cả việc cung cấp các loại thực phẩm thiết yếu cho cộng đồng.

Tuy nhiên, đa số khách “gom hàng” lại lập luận rằng Italy, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc..., đều có nền y học tiên tiến đâu kém gì Mỹ nhưng họ vẫn lây nhiễm ầm ầm, vẫn chết tá lả thì nước Mỹ chưa chắc đã an toàn. Nếu vài bữa nữa chẳng may số người nhiễm lên đến con số chục nghìn mà không chuẩn bị trước thì chẳng lẽ chạy qua nhà hàng xóm xin mì, mượn gạo!

Theo các nhà xã hội học, việc dân Mỹ đổ xô đi mua thực phẩm trong mùa dịch COVID-19 chỉ là hội chứng đám đông chứ thật ra, rất nhiều người chưa thật sự cần đến chúng. Giáo sư Tom OBrien, Khoa Kinh tế học, Đại học Ohio nói: “Mỗi năm, ở Mỹ có hàng trăm triệu USD thức ăn dư thừa bị đổ đi. Lần này cũng vậy, khi dịch bệnh lắng xuống, ta sẽ thấy trong thùng rác của nhiều nhà sẽ là vài thứ mà hôm nay họ đã mua để dành...”.

Vũ Cao (Theo Global Economy)
.
.