Tiêm silicon – Đừng chết vì... làm đẹp

Thứ Sáu, 16/05/2014, 12:35

Năm 2013, Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân đã tiếp nhận gần 40 thanh niên là nạn nhân của việc tiêm silicon lỏng vào bộ phận sinh dục, dẫn đến biến chứng sưng to, chai sần, nhiễm trùng. Thạc sĩ, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học cho biết: "Hầu hết các trường hợp nhập viện đều bị biến chứng nặng, phải làm các kỹ thuật tạo hình lại"...

1. Ngày 25/4 vừa qua, bà H., ở Trà Vinh đã nhờ một người làm nghề thẩm mỹ dạo đến nhà để tiêm silicon vào hai bầu ngực, hai gò má, thái dương, cổ, mu bàn tay, mu bàn chân với mục đích… làm đẹp.

Không rõ chất silicon mà bà H. được bơm vào là silicon y tế hay silicon công nghiệp nhưng ngay đêm hôm đó, theo lời thân nhân thì bà H. xuất hiện triệu chứng sốt cao, tri giác lơ mơ, da xanh tái, mệt và khó thở. Lập tức, ngày hôm sau, người nhà đưa bà vào Bệnh viện đa khoa Trà Vinh rồi sau đó, Bệnh viện Trà Vinh chuyển bà lên Bệnh viện Chợ Rẫy. Tại đây, những vết tiêm trên người bà H. sưng tấy đỏ, nhiễm trùng, chảy dịch vàng.

Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Khoa Tạo hình và Phẫu thuật thẩm mỹ nhận định bà H. bị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết và có dấu hiệu thuyên tắc phổi. Đến rạng sáng ngày 27/4, bà H. tử vong. Riêng người phụ nữ đã tiêm silicon cho bà H. thì sau đó, cũng tự tiêm cho mình vào cổ để làm đẹp, và cũng phải vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu với những triệu chứng gần giống như bà H..

Theo các bác sĩ, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trường hợp tiêm silicon lỏng vào quá nhiều bộ phận trên cơ thể trong lúc silicon lỏng từ lâu đã bị cấm dùng trong y học do những biến chứng nguy hiểm mà nó gây ra.

Ngược dòng thời gian, silicone lỏng được chế tạo để sử dụng trong y khoa là silicon MDX 44011, có độ nhớt cao gấp 350 lần độ nhớt của nước. Chính vì độ nhớt cao ấy nên silicon ít bị cơ thể hấp thu và ít bị biến dạng. Nó thường được  pha chung với một số chất khác như dầu thực vật, acid béo…, để tiêm vào nhằm làm đầy các khuyết lõm dưới da, giúp tăng khối lượng bề mặt theo ý muốn. Chính vì thế mà nó còn được gọi là "mỡ nhân tạo".

Trong những năm 60 thế kỷ trước, Hãng Dow Corning - là hãng chế tạo silicon đã kết hợp với một số trường đại học Mỹ như Đại học New York, Đại học UCLA, tiến hành thử nghiệm trên hơn 1.000 con vật như chó, lợn, chuột, khỉ… Kết quả cho thấy có những nguy cơ về khả năng gây viêm nhiễm, rối loạn phát triển mô và tạo ra những bất thường cho hệ miễn dịch tại chỗ và toàn thân. Từ cuối những năm 60 đầu 70 của thế kỷ trước, y học không khuyến khích sử dụng liệu pháp tiêm silicon để làm đẹp, nhất là việc tiêm silicon để nâng ngực đã bị loại bỏ hoàn toàn.

Hiện tại, ở một số nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức… việc tiêm silicon được coi như thử nghiệm thuốc mới, mang tính nghiên cứu và chỉ được tiến hành tại bệnh viện, phòng thí nghiệm với những quy định rất ngặt nghèo, còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì nghiêm cấm việc tiêm silicon vào cơ thể với mục đích làm đẹp.

Tại các tỉnh phía Nam, việc tiêm silicon để làm đẹp đã được áp dụng từ rất lâu. Theo bác sĩ Ngọc, nguyên Trưởng khoa Nội Bệnh viện An Bình, thì hình thức tiêm silicon đã xuất hiện vào khoảng giữa năm 1965 và những người tiên phong là giới nghệ sĩ cải lương, ca sĩ phòng trà, cả nam lẫn nữ - những người luôn bị ám ảnh bởi sự xuống cấp của nhan sắc. Tiếp theo, khi nhìn thấy những nghệ sĩ này xuất hiện trên sân khấu thì nhiều chị em thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội đua nhau đi tiêm silicon bởi lẽ khả năng "làm đẹp" của nó là có thật, dễ sử dụng, hiệu quả nhanh và chi phí thấp hơn nhiều so với các phương pháp làm đẹp khác.

Tuy nhiên, dần dà những người tiêm silicon mới nhận ra tác hại của nó. Sau khi tiêm, nếu có phản ứng thì thường là phản ứng tại chỗ, biểu hiện bằng đỏ và đau, hoặc chết người do sốc phản vệ, do nhiễm trùng máu hoặc do thuyên tắc phổi vì tiêm nhầm silicon vào mạch máu. Nó chiếm một tỉ lệ rất cao - từ 20 đến 30% trong các tai biến do silicon. Còn biến chứng thì xảy ra rất chậm - chủ yếu là biến chứng xa, thậm chí hàng chục năm sau mới xuất hiện. Các biến chứng xa thường là xâm lấn mô, viêm loét hoại tử, biến dạng vùng tiêm khiến da ở đó nổi lên những khối u, đổi màu, chảy xệ…

2.  Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tai biến do tiêm silicon. Năm 2011, bị bạn bè chê mông nhỏ, mặc quần không đẹp, một nam thanh niên tên T., 21 tuổi, ở Tiền Giang  đã mua 500cc silicon lỏng rồi nhờ người tiêm vào hai bên mông. Hậu quả là hai mông sưng to, nhiễm khuẩn. Khi được đưa vào BV Trưng Vương thì nạn nhân đã hôn mê. Dù được cấp cứu tích cực nhưng do suy hô hấp, T. đã tử vong mà nguyên nhân là thuyên tắc phổi.

Theo một bác sĩ ở Khoa Thẩm mỹ tạo hình, thì đây không phải là trường hợp đầu tiên BV Trưng Vương gặp trường hợp này. Bệnh viện này vẫn thường xuyên tiếp nhận nhiều nạn nhân tự ý tiêm silicon vào mông, ngực, bắp tay... để làm đẹp. Nếu không chết, nạn nhân phải chịu nhiều cuộc phẫu thuật để lấy hết silicon trong các mô ra. Hậu quả là đẹp đâu chưa thấy, chỉ thấy… tan nát cả một vùng da thịt!.

Năm 2013, Khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân đã tiếp nhận gần 40 thanh niên là nạn nhân của việc tiêm silicon lỏng vào bộ phận sinh dục, dẫn đến biến chứng sưng to, chai sần, nhiễm trùng. Thạc sĩ, bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học cho biết: "Hầu hết các trường hợp nhập viện đều bị biến chứng nặng, phải làm các kỹ thuật tạo hình lại".

Ở BV Nhân Dân Gia Định, do tiêm silicon, một nạn nhân tên L. bị nhiễm trùng huyết, dẫn đến tử vong. Trước đó người này đã 2 lần đến cơ sở tư nhân tiêm silicon vào ngực. Tuy nhiên, đến lần thứ ba thì xuất hiện triệu chứng chóng mặt, ngực căng, đau nhức, sốt cao. Khi được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định, kết quả xét nghiệm cho thấy nạn nhân đã bị nhiễm trùng huyết.

Cuối tháng 12 năm ngoái, các bác sĩ BV Chợ Rẫy đã phải bỏ ra 6 tiếng đồng hồ để cắt lọc, loại bỏ hơn 90% silicon, nặng hơn 1kg cho một phụ nữ đã nâng ngực bằng cách tiêm silicon.

Theo lời tường thuật của nạn nhân thì đầu năm 2011, chị đến một thẩm mỹ viện ở TP HCM để tìm hiểu việc nâng ngực. Tại đây, chị gặp một nữ bác sĩ đeo thẻ chứng nhận đang làm cho một bệnh viện nước ngoài tại TP HCM nên chị rất yên tâm. Được vị nữ bác sĩ nọ tư vấn về "chất làm đầy" - mà thực ra là silicon, chị đã đồng ý tiêm 4 lần với tổng số tiền là 24 triệu đồng. Hơn một năm sau khi tiêm, ngực chị xuất hiện triệu chứng đỏ và đau nhưng vì đang mang thai nên chị đành cố chịu đựng.

Sinh nở xong, tháng 7/2013, chị đến Bệnh viện Chợ Rẫy khám và đã được mổ lấy ra một phần silicon ở ngực rồi 5 tháng sau, chị quay lại để mổ tiếp. Sau khi bóc tách silicon và loại bỏ da bị hoại tử, thành ngực hai bên của nạn nhân bị hở lớn nên các bác sĩ phải lấy vạt da hai bên đùi của chính nạn nhân đưa lên để che phủ rồi khâu nối mạch máu bằng kỹ thuật vi phẫu. May mắn vẫn còn mỉm cười với chị vì sau khi mổ, sức khỏe của chị ổn định, vạt da được ghép sống hoàn toàn nhưng dĩ nhiên là bộ ngực của chị không còn được như trước...

Tại Việt Nam, hiện vẫn còn xảy ra những cái chết đáng tiếc vì nhiều người vừa muốn làm đẹp nhưng lại muốn rẻ riền! Nếu như trước đây, hầu hết các cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện đều sẵn sàng tiêm silicon cho khách thì hiện tại, họ đã chuyển qua sử dụng những phương pháp khác an toàn hơn như đặt túi nước muối sinh lý, bơm mỡ tự thân, còn tiêm silicon chỉ thấy ở những người làm thẩm mỹ dạo. Với những "chuyên gia thẩm mỹ" này, họ không đủ chuyên môn và kiến thức để phân biệt đâu là silicon y tế, đâu là silicon công nghiệp, mà họ mua vì giá của nó chỉ có 300 nghìn đồng/lít.  Tất cả đều là silicon trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ và đều không có hạn sử dụng.

Thế nên, đừng vì hai chữ "làm đẹp" mà hủy hoại mạng sống của mình bằng cách tiêm silicon

V.C.
.
.