Tiêm thuốc làm căng da mặt tăng nguy cơ mù mắt

Thứ Năm, 10/07/2014, 10:00

Tạp chí Nhãn khoa thuộc Hội Y học Mỹ cũng vừa công bố 3 trường hợp mù hoặc mất thị lực gần như hoàn toàn ở những bệnh nhân được tiêm chất làm đầy (filler) để căng da mặt. Cả ba bệnh nhân đều bị tắc động mạch võng mạc trung tâm ngay sau khi tiêm một mũi thuốc.

Nhiều người vì muốn khuôn mặt trẻ trung, mịn màng chạy đua với thời gian nên đã không ngại bỏ ra khoản tiền lớn tiêm thuốc làm căng da mặt.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chỉ rõ: "Tất cả chất được tiêm với áp lực cao vào vùng mắt - mặt, kể cả vùng trán, đều có thể dẫn tới tắc động mạch trung tâm, động mạch võng mạc, hay tuần hoàn thể mi sau. Các bệnh nhân đều có hình ảnh X-quang bất thường ở màng mạch và động mạch võng mạc. Tắc động mạch mắt là tác dụng phụ hiếm gặp của phương pháp điều trị này, nhưng có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu tiêm vào vùng có nhiều cầu nối mạch máu (nhất là vùng quanh hốc mắt)".

Tạp chí Nhãn khoa thuộc Hội Y học Mỹ cũng vừa công bố 3 trường hợp mù hoặc mất thị lực gần như hoàn toàn ở những bệnh nhân được tiêm chất làm đầy (filler) để căng da mặt. Cả ba bệnh nhân đều bị tắc động mạch võng mạc trung tâm ngay sau khi tiêm một mũi thuốc.

Bác sĩ M. Carle ở California (Mỹ) và các đồng nghiệp đã mô tả trường hợp thứ nhất là một phụ nữ khỏe mạnh, ngoài 60 tuổi, bị mất thị lực trầm trọng sau khi được tiêm mỡ vào vùng trên của trán.

Trường hợp thứ hai là một người đàn ông khỏe mạnh gần 40 tuổi bị mất thị lực ngay sau ngày tiêm chất làm đầy axit hyaluronic. Chụp động mạch cản quang phát hiện ông này bị tắc tuần hoàn võng mạc ở mắt trái. Sau một năm, thị trường (khoảng không gian mà mắt bao quát được khi nhìn cố định vào một điểm) ở mắt trái vẫn không hồi phục.

Trường hợp thứ ba, một phụ nữ khỏe mạnh 45 tuổi cũng bị sự cố vào ngày tiêm collagen bò và polymethylmethylacrylate microspheres vào nếp nhăn trán. Sau thủ thuật, bệnh nhân không thể nhìn bằng mắt phải. Chụp cản quang động mạch phát hiện các nốt lốm đốm ở một số tĩnh mạch của mắt phải. Hai ngày sau bệnh nhân vẫn chỉ có phản ứng tối thiểu với ánh sáng, mặc dù đã được điều trị tích cực ngay sau khi tiêm.

Theo bác sĩ Carle, đã có những báo cáo về biến chứng mắt do tiêm ở những khu vực khác, nhưng đây là báo cáo đầu tiên về biến chứng do tiêm ở vùng trán. Tùy theo nhà sản xuất, thuốc làm đầy được chỉ định cho vùng môi và nếp gấp mũi môi, thế nhưng chúng vẫn thường được dùng ở những vùng khác.

Bác sĩ Carle nhận định: "Đây là hiện tượng vô cùng hiếm gặp. Nguy cơ là rất thấp nhưng không phải bằng không. Một số vùng trên khuôn mặt được sử dụng nhiều trong thẩm mỹ lại rất nhiều mạch máu. Toàn bộ vùng quanh mắt được cho là có thể gây ra biến chứng này".

Theo bác sĩ Carle, cơ chế của hiện tượng này là dòng chảy ngược. Khi thực hiện mũi tiêm với áp lực cao, chất được tiêm đi vào mạch cảnh ngoài với lực đủ mạnh để chảy ngược vào mạch cảnh trong và tới mắt

V.Nguyễn - T.T. (tổng hợp)
.
.