Tiễn biệt nhà thơ Nguyễn Phan Hách: Chỉ mùa thu còn tròn vẹn yêu thương...

Thứ Tư, 24/04/2019, 16:10
Lần cuối cùng, tôi gọi điện thoại cho ông chỉ cách đây nửa tháng, khi đó, ông đang nằm điều trị tại Viện Quân y 108 - Hà Nội, giọng ông nhẹ nhàng và thấm mệt vì phải chịu những cơn đau từ căn bệnh ung thư quái ác giai đoạn cuối. Nào ngờ, đó cũng là lần trò chuyện cuối cùng với ông.

Những người yêu thơ nhạc vừa tiễn đưa nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, người đã phổ nhạc thành công bài thơ "Làng quan họ quê tôi" của nhà thơ Nguyễn Phan Hách, thì nay, lại phải đưa tiễn nhà thơ Nguyễn Phan Hách, người con của đất Kinh Bắc với những câu thơ da diết lòng người:

"Cửa đình hồ bán nguyệt/ Chị cả tựa mạn thuyền/ Anh hai ngồi bẻ lái/ Quan họ về trao duyên/ Anh dắt em qua cầu/ Cởi áo đưa cho nhau/ Nhớ về nhà đòi mẹ/ Gió bay rồi còn đâu/ Làng Quan họ quê tôi/ Những ngày bom Mỹ dội/ Quán đổ dưới gốc đa/ Chín nhịp cầu đứt nối.../ Em tiễn anh lên đường/ Đứng bên bờ em hát/ Muốn gửi đi theo anh/ Cả dòng sông trong mát...".

Hồn hậu nhà thơ xứ Kinh Bắc

Lần cuối cùng, tôi gọi điện thoại cho ông chỉ cách đây nửa tháng, khi đó, ông đang nằm điều trị tại Viện Quân y 108 - Hà Nội, giọng ông nhẹ nhàng và thấm mệt vì phải chịu những cơn đau từ căn bệnh ung thư quái ác giai đoạn cuối. Nào ngờ, đó cũng là lần trò chuyện cuối cùng với ông.

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách.

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách sinh năm 1944 tại Thuận Thành, Bắc Ninh. Có những lần trò chuyện cùng ông, ông kể lại rằng, vùng quê ông, đó là nơi khởi nguồn cho những sáng tác của ông trong thời điểm mới bắt đầu hay khi đã thành danh. Đó là mảnh đất của thành Luy Lâu, của tranh dân gian Đông Hồ, của những làn điệu quan họ.

Ông được sinh trưởng trong một gia đình có ông nội là nhà nho mở trường dạy học, làm thơ nên thuở thiếu thời, cậu bé Phan Hách đã rất ham mê đọc sách. Ông đã từng đọc "Đoạn tuyệt" của Nhất Linh, "Hoàng Việt thi tuyển", "Việt Nam văn học sử yếu lược" từ thời tiểu học.

Rồi những buổi hát quan họ nơi sân đình với những làn điệu mượt mà sâu lắng, đã đưa tâm hồn nhà thơ non trẻ mơ tưởng đến những chân trời văn chương đầy lý thú. Bắt đầu học lớn 5, tuy chưa thật sự hiểu thấu đáo về văn chương, nhưng như một sự thiên bẩm, ông đã viết một truyện ngắn nhỏ gửi đi và đã được đăng trên báo Văn nghệ.

Ông từng nói với bạn bè sau này, đó thực sự là một sự kiện không thể tưởng tượng nổi trong cuộc sống của ông lúc bấy giờ. Tuy nhiên, ông chưa được làm văn chương ngay lúc đó. Học xong đại học, ông làm thầy dạy học tại quê nhà, rồi sau đó ông mới chuyển sang làm công tác nghiên cứu, sáng tác, biên tập văn học tại Hội văn học dân gian (Sở Văn hóa Hà Bắc lúc đó).

Ông cũng cho rằng, thời gian làm việc tại đây đã cho ông rất nhiều kiến thức văn hóa dân tộc, là mạch nguồn trong hồn thơ ông sau này.

Đó là mạch nguồn sâu lắng và tình tứ của người quan họ trao duyên, là hồn thơ của ông bay bổng nhưng cũng đầy nỗi buồn, sự cô đơn cố hữu trong tâm hồn người nghệ sĩ. Năm 1973, nhà thơ Nguyễn Phan Hách được chuyển về công tác biên tập thơ ở tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam). Năm 1978, ông chuyển sang công tác tại Nhà Xuất bản Tác phẩm mới (nay là NXB Hội Nhà văn Việt Nam) làm biên tập viên văn xuôi, rồi Phó giám đốc và là Giám đốc nhiều năm liền cho đến khi nghỉ hưu. Trong thời gian làm Giám đốc NXB Hội Nhà văn, ông đã là một "bà đỡ" mát tay cho nhiều tác phẩm văn chương của các tác giả ra đời, đi vào đời sống.

Nhà văn Lại Nguyên Ân đã chia sẻ: “Những năm 1980 - 1990, với vai trò biên tập viên, rồi Phó phòng Biên tập văn xuôi, có sự tin cậy của các nhà văn Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã góp phần tích cực cho sự ra đời những tác phẩm có chất lượng của các nhà văn Việt Nam như "Ký sự miền đất lửa" (Vũ Kỳ Lân, Nguyễn Sinh), "Gặp gỡ cuối năm" (tiểu thuyết, Nguyễn Khải), "Rất nhiều ánh lửa" (bút ký, tùy bút, Hoàng Phủ Ngọc Tường), "Tuổi thơ im lặng" (hồi ức, Duy Khán).

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách (trái) và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Thời kỳ khởi lên công cuộc đổi mới, những năm 1986 - 1995, anh là Trưởng phòng Văn xuôi, đã góp phần tích cực vào việc biên tập cho xuất bản những tác phẩm như "Thời xa vắng" (tiểu thuyết, Lê Lựu), "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành" (tập truyện ngắn, Nguyễn Minh Châu), "Cha và con và"... (tiểu thuyết, Nguyễn Khải), "Mảnh đất lắm người nhiều ma" (tiểu thuyết Nguyễn Khắc Trường), "Bến không chồng" (tiểu thuyết, Dương Hướng), nhất là tiểu thuyết "Thân phận của tình yêu" (tức “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh)...”.

Những câu thơ phổ nhạc đi cùng năm tháng

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách gắn bó với nhiều thế hệ các nhà văn nhà thơ, các độc giả, trước hết, ông là nhà thơ của nhiều bài thơ nổi tiếng như "Hoa sữa", "Làng quan họ quê tôi"... được các nhạc sĩ phổ nhạc thành công.

Bài thơ được nhắc nhiều đến là bài "Hoa sữa", một bài thơ ông viết để dành tặng mối tình đầu, bài thơ mà dường như các thế hệ học trò xưa đều chép vào sổ tay: "Tuổi mười lăm em lớn từng ngày/ Một buổi sáng bỗng biến thành thiếu nữ/ Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ/ Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ/ Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu/ Mùi hoa sữa tan trong áo em và mái tóc/ Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt/ Vậy mà tan trong sương gió mong manh/ Tại mùa thu, tại em hay tại anh/ Tại sang đông không còn hoa sữa/ Tại siêu hình tại gì không biết nữa/ Tại con bướm vàng có cánh nó bay?/ Ðau khổ nhiều nhưng éo le thay/ Không phải thời Romeo và Juliette/ Nên chẳng có đứa nào dám chết/ Ðành lòng thôi mỗi đứa một phương/ Chỉ mùa thu còn trọn vẹn yêu thương/ Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ/ Hương của tình yêu đầu nhắc nhở/ Có hai người xưa đã yêu nhau...".

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách.

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách từng kể, ông tên thật là Nguyễn Xuân Hách, là một anh giáo dạy học ở huyện miền núi Lục Nam (nay thuộc Bắc Giang) nhưng do “cảm nắng” cô học trò xinh đẹp họ Phan nên ông đã ghép họ của cô gái vào bút danh của mình, thành tên Nguyễn Phan Hách. Sau này, khi rời khỏi miền Kinh Bắc về thủ đô, công tác tại Báo Văn nghệ, thi nhân nhớ lại mối tình với cô sinh viên đang theo học hát quan họ ở độ tuổi mười sáu trăng tròn và đã viết bài thơ này.

Bài thơ sau đó được cố thi sĩ Xuân Quỳnh phát hiện, đưa vào tuyển tập thơ “Tình bạn tình yêu” của Nhà xuất bản Giáo dục, ra mắt những năm 1980. Sau đó, tác phẩm tiếp tục phổ biến trên tuần báo Văn nghệ. Nhiều người đọc bài thơ đồng cảm với tâm trạng nhà thơ, trong đó có những nhạc sĩ. Nhạc sĩ - Nhà văn Phạm Việt Long đã phổ nhạc bài thơ, lấy tựa đề là "Hoa sữa tình đầu".

Nhà thơ Thế Duy cũng lấy nguyên một số câu và phát triển tứ thơ của Nguyễn Phan Hách, phổ nhạc thành ca khúc "Mối tình đầu" nổi tiếng: "Ngày xưa, tôi thầm yêu một nàng thiếu nữ/ Tóc em dài như gió mùa thu/ Ngày xưa, khi hoa sữa thơm ven mặt hồ/ Theo năm tháng em lớn từng ngày/ Những kỷ niệm không bao giờ phai/ Và khi một ngày xuân em trở thành thiếu nữ/ Mối tình đầu mang hương sắc mùa thu/ Mùa thu, khi hoa sữa tan ven mặt hồ/ Khi tôi đã biết yêu lần đầu/ Tôi đã nói yêu em trọn đời".

Nhạc sĩ Hồng Đăng cũng đã mượn ý thơ phổ nhạc, trở thành một ca khúc hát về mối tình đầu đẹp nhất của những đôi trai gái yêu thương và mùa hoa sữa: “Chỉ mùa thu tròn vẹn nhớ thương/ Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ/ Hương của mối tình đầu nhắc nhở/ Có hai người xưa đã yêu nhau”.

Cũng từ mối tình đầu tha thiết ấy, mà rất nhiều sáng tác của nhà thơ Nguyễn Phan Hách đã ra đời và đi vào lòng công chúng. Bài thơ “Làng quan họ” cũng là một điển hình.

Bài thơ sau này đã được nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo phổ nhạc thành bài hát "Làng quan họ quê tôi" như là một "đặc sản" của miền Kinh Bắc: "Làng quan họ quê tôi, tháng giêng mùa hát hội/ Những đêm trăng hát gọi, con sông Cầu làng bao xanh/ Ngang lưng làng quan họ xanh xanh/ Làng quan họ quê tôi những chiều bao thương nhớ/ Tiếng ca đầu ngọn gió/ Nón quai thao nói gì người ơi...".

Nhà thơ Nguyễn Phan Hách từng tự bạch về đời văn của mình: “Tôi sinh ra là chỉ để làm nghề văn. Khát vọng sáng tạo, là một ân huệ tuyệt vời của tạo hóa ban cho nhà văn, và nhà văn tồn tại trong cuộc sống. Văn chương luôn luôn gợi niềm hứng khởi với đời tôi. Giả dụ tôi không có nó, tôi thấy đời mình tẻ nhạt biết chừng nào. Tôi đã tập viết đủ các thể loại thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa... và cả những chuyện mini, những áng văn nhỏ mang được vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt Nam.

Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của nhà thơ Nguyễn Phan Hách.

Nếu vượt được qua mọi khó khăn trở ngại, dám hết mình vì sự nghiệp văn chương, anh có thể coi như con cá gáy hóa rồng. Còn nếu không, cũng chỉ là nghề nghiệp kiếm sống. Tác phẩm, đó là "nội dung" của mỗi một cuộc đời, mỗi nhà văn. Ý thức được như vậy, nhà văn mới thấy giật mình, đắn đo, thận trọng khi cầm bút".

Cho đến trước những ngày bị bạo bệnh, nhà thơ Nguyễn Phan Hách vẫn cầm bút viết. Gia tài của ông có hàng chục tập sách bao gồm thơ, truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết như: “Tổ chim sẻ” (1978); “Cây vĩ cầm cảm lạnh” (1984); “Sau những cách xa” (1984); “Quà tặng của thiên nhiên” (1985); “Khớp ngựa ô” (1987); “Vị đắng trên môi” (1988); “Cô gái đầm sen” (2004). Ông có nhiều tiểu thuyết được bạn đọc đón nhận như “Tan mây” (1983); “Mê cung” (1990); “Người đàn bà buồn” (1994); “Cuồng phong” (2008); các tập thơ: “Vô tình” (2007), “Người quen của em” (1982); “Hoa sữa” (2000)...

Bây giờ thì những đớn đau khép lại, thi nhân đã nhẹ nhàng "về cõi" cùng những lãng mạn, hào hoa và những vui buồn của kiếp người. Lễ viếng của ông sẽ diễn ra vào lúc 7 giờ 30 đến 8 giờ 45 ngày 25-4-2019 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Người ta nói rằng, tình yêu là thứ duy nhất ta có thể mang theo mình khi ra đi.

Tôi tin rằng, nhà thơ Nguyễn Phan Hách cũng sẽ mang theo tình yêu văn chương, cuộc sống, tình yêu cái đẹp của mình ra đi đầy sự thanh thảnh ở thế giới bên kia.

 Sự lãng mạn của những mối tình đã làm nên con người thi ca của ông và cái còn lại trên cuộc đời này, chính là tâm hồn thi sĩ với rất nhiều áng thơ đẹp của ông sẽ được vinh danh, được nhắc đến mãi mãi, như một bài thơ ông đã viết: "Xa xưa lời cũ còn văng vẳng/ Ai biết đời ta sứ mệnh nào?/ Ngọn lửa riêng ta còn ủ kín/ Có bừng lên được giữa đêm thâu/ Mọi cái rồi đi qua/ Câu thơ còn ở lại/ Mọi cái rồi hư vô/ Chút tình còn sống mãi...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.