Tiền công đức ở đền, chùa: Ai quản?

Chủ Nhật, 07/09/2014, 09:30

Tiền giọt dầu trị giá tiền nghìn, tiền triệu, tiền tỉ, hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ đồng do khách thập phương công đức tại các nơi linh thiêng từ đình, đền, miếu, phủ, chùa đang được quản lý như thế nào? Liệu những đồng tiền ấy nó có chân nó chạy như ở một số nơi người ta đồn đoán hay không? Tại sao, người ta vẫn thường hay có câu nói: “Tiền chùa” như một sự ám chỉ đồng tiền không có ai quản lý và muốn chi như thế nào thì chi. Nhóm phóng viên chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực trạng đang diễn ra tại các nơi được vạn người tôn kính, nơi được coi là tín ngưỡng văn hóa tâm linh.

Tiền công đức từ các nguồn nào?

Vào những ngày rằm, mồng một tại nhiều ngôi chùa thiêng, chùa cổ khách thập phương kéo đến thành tâm khấn vái kêu cầu, nhang khói mù mịt từ sáng sớm đến tối muộn. Ở nhiều nơi tín ngưỡng văn hóa tâm linh người ta đóng cửa nhưng khách vẫn kìn kìn kéo đến và vì thế nhà đền, nhà chùa cũng mở lòng hiếu nghĩa mà hoan hỷ thêm mươi phút, nửa tiếng, hàng tiếng sau để rồi mới chốt khóa, then cài. Tết ra, vào tháng giêng, rồi từ tháng giêng kéo dài cho đến hết tháng 3, người ta đi lễ khắp các nơi, gọi là đi lễ đầu năm để cho cả năm đấy vạn sự hanh thông, may mắn, bình an.

Cảnh tượng diễn ra tại khắp nơi là người ta bỏ tiền lẻ vào hòm công đức, cho vào khay đựng, chậu đựng, giỏ đựng tại các nơi thờ tự. Ban nào cũng có hòm công đức, khay công đức nhưng nhiều du khách về hành hương lễ bái, như để gần với thánh thần tiên phật người ta hay dâng tiền lên tay, lên chân, lên bụng… của những bức tượng Phật, tượng Thánh, tượng Mẫu, tượng cô, tượng chầu… đang ngự trên ban thờ. Hoặc với những đồng tiền chẵn, tiền trăm, tiền triệu khách thập phương nô nức xếp hàng ghi tiền bên bàn công đức.

Cảnh tượng quá quen thuộc, ở nhiều nơi, ban quản lý di tích cử người kê nhiều hàng ghế bên cạnh lối vào lễ để ghi công đức miệt mài ra một cuốn sổ, khách thập phương sau khi cung tiến công đức xong, ai nấy đều có một tờ giấy nhỏ, trên đấy in địa điểm văn hóa tâm linh, ghi rõ ràng đầy đủ họ tên, địa chỉ nhà, số tiền mà người đó công đức. Người ta công đức xong, coi như là làm được một việc thiện, tự nhiên trong tâm cũng thấy chút gì thanh thản, nhẹ lòng.

Người Việt có câu: "Tháng 8 giỗ cha, tháng 3 giỗ mẹ". Tháng 8 âm lịch hằng năm là tháng giỗ Đức thánh Trần Hưng Đạo (Hưng Đạo Đại vương). Tháng 3 âm lịch là giỗ mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của Việt Nam. Người theo đạo Mẫu, lo việc bên Thánh không thể không hành hương đi lễ.

Cửa đền ở những nơi có tiếng như đền cô Chín, Sòng Sơn (Thanh Hóa); Phủ Dầy, Nam Định; thánh địa thờ Mẫu, Phủ Tây Hồ (Hà Nội); ông Hoàng Bẩy, Bảo Hà, Lào Cai; ông Hoàng Mười ở Nghệ An; Đền Cửa Ông, Đền Cô Bé cửa Suốt, Cô Bé suối ngang, Mẫu Đông Cuông tuần quán… hàng trăm tín ngưỡng văn hóa tâm linh du khách thập phương kéo đến kìn kìn. Tiền công đức cả nước ở các mùa lễ hội năm 2012 thu được về  với con số chưa đầy đủ lên tới gần 300 tỉ đồng.

Tưởng tiền thu về là một con số tiền khổng lồ, nhưng con số đấy chỉ là giọt nước rớt xuống ao bèo vì bạn hãy xem hiện nay có hàng trăm, hàng nghìn các khu di tích đã và đang được trùng tu tôn tạo, tính sơ sơ tại mỗi địa điểm văn hóa tâm linh ấy số tiền để tôn tạo, tu bổ nhẹ nhất vài trăm triệu, không thì hàng tỉ, hàng chục tỉ vậy số tiền ấy thu ở nguồn nào? Lấy ở đâu?!

Còn nhớ vụ lình xình cách đây chưa lâu tại ngôi chùa cổ Trăm Gian khi nhà chùa đang cho trùng tu phải đình lại khi truyền thông lên tiếng vì lý do là phá vỡ không gian ngôi chùa cổ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cử đoàn công tác xuống để thanh tra, kiểm tra.

Nhóm phóng viên chúng tôi có buổi làm việc với sư trụ trì Thích Đàm Khoa. Sư  trụ trì nói: "Nhà chùa đứng ra kêu gọi thì phật tử người ta vô cùng hoan hỷ bỏ ra hàng trăm triệu để xây dựng chùa, vì phật tử ai cũng muốn chùa khang trang, bề thế, chứ chùa dột thì không chỉ những sư mà cả phật tử cũng đau lòng…".

Sư trụ trì chùa Một Cột (Hà Nội) Thích Tâm Kiên cho biết: "Ở trong chùa nhiều nơi trời mưa bị dột, nhà chùa phải mang chậu ra để hứng. Vì là di tích cấp quốc gia nên nhiều cuộc họp cấp trung ương, cấp bộ để trùng tu tôn tạo nhưng bao lâu nay chùa vẫn bị dột, nước mưa còn bắn cả vào tượng. Bây giờ nếu xây dựng nhiều phật tử sẵn sàng cung tiến chi tiền triệu, tiền tỉ ra để phục dựng tôn tạo lại nhà chùa không cần phải đợi đến tiền của Nhà nước nhưng chính quyền thành phố cứ nâng lên đặt xuống mãi chưa đưa ra thống nhất để trùng tu tôn tạo đâu".

Hiện nay ở rất nhiều di tích người ta cung tiến công đức nhà chùa, nhà đền không phải tiền lẻ thả vào hòm mà tiền gia đình này, dòng họ này cung tiến cái sân, ban thờ, các bức tượng, tiền gỗ, tiền gạch nhà Mẫu, nhà thờ tổ... Chỉ tính riêng số tiền công đức của một gia đình, dòng họ ở mỗi di tích lên đến hàng chục triệu, trăm triệu, tiền tỉ và số tiền ấy không cần biên lai đóng dấu mà cũng không biết lấy dấu gì đóng vào.

Hàng sấp tiền chỉ qua trao tay vì đặt cả niềm tin vào nhà chùa nên bàn giao đưa cho sư bác, sư ông, sư trụ trì. Chỉ cần nhà chùa kêu gọi phật tử khắp nơi sẵn sàng cung tiến để gọi là "một ly một lai" ai cũng có phần, có đức.

Theo thống kê tổng tiền công đức năm 2013 trong cả nước là khoảng 230 tỉ đồng.

Ai quản lý tiền công đức?

Với con số khổng lồ tiền công đức tại các khu di tích tâm linh ai sẽ là người quản lý?! Đụng vào tiền bạc tại chốn tâm linh là vấn đề vô cùng nhạy cảm và phức tạp, đã có quá nhiều câu chuyện lình xình kiểm điểm, thanh tra quanh việc quản lý tiền công đức, hay có hay không chuyện xà xẻo tiền công đức?

 Một số nơi nhà đền khoán trắng cho tư nhân tiền công đức hàng năm. Mỗi năm phải nộp lên cho xã với số tiền cố định, còn lời ăn lỗ chịu, cấm kêu. Đền Ông Hoàng Mười ở Nghệ An từ nhiều năm trước số tiền khoán ở đây quy định mỗi năm nhà đền phải nộp lên cấp chính quyền địa phương là 600 triệu đồng. Năm 2012, số tiền quy định mức khoán được tăng lên là 900 triệu đồng?! Sang năm 2013 tiền công đức nhà đền do xã quản lý.

Giữa tháng 6/2013, UBND xã Hưng Thịnh giải tán Ban quản lý cũ thành lập Ban quản lý mới. Ban quản lý mới làm việc từ tháng 7 đến tháng 12/2013, số tiền là 3,3 tỉ đồng. Tháng 12/2013 một cán bộ xã bị kỷ luật vì đã trộm tiền công đức trong lúc đếm.

Ví dụ tại chùa Hà, ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội hay Phủ Tây Hồ do Ban quản lý di tích quản lý tiền công đức của khách thập phương, còn đa phần tại các chùa do sư trụ trì quản lý. Chuyện trong chùa tự cung, tự cấp, tự chi chính quyền không can thiệp.

Ví dụ như chùa Phúc Khánh (Hà Nội) sau ngày mồng một, mồng hai, ngày rằm và mười sáu âm lịch hàng tháng nhà chùa và ba phật tử thân tín với nhà chùa tất cả gồm 5 người đứng ra kiểm tiền công đức ở tại tất cả các ban các hòm. Tổng số tiền công đức này được ghi vào một cuốn sổ có chữ ký của nhiều người. Dù là số tiền lẻ gom lại nhưng cộng tất cả số tiền lẻ đấy vào thì nó cũng là một con số khủng.

Vậy nhưng, người ta vẫn bảo ai nói đến tiền công đức bỏ vào hòm, đó là số tiền vặt (dù có lên đến tiền tỉ?!) tiền công đức ra tấm ra món ở đây phải tính là tiền triệu, chục triệu, trăm triệu, hàng tỉ, thậm chí đã có phật tử cúng hàng chục tỉ cho nhà chùa và số tiền ấy hoàn toàn tin cẩn trao tay không hề có giấy biên nhận. Trao gửi tiền vào nhà chùa hoàn toàn bằng niềm tin để nâng cấp chỉnh trang, tu sửa nhà chùa.

Đại đức Thích Minh Tuệ, trụ chì chùa Vạn Niên (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, tiền phật tử cúng dường Tam Bảo bỏ vào hòm công đức tại chùa ít lắm chỉ đủ tiền cho nhà chùa trả tiền điện hàng tháng. Để có được một cơ ngơi lộng lẫy, khang trang như thế này là do sư ông đi kêu gọi phật tử các nơi thành tâm cúng tiến công đức cho xây chùa. Sư trụ trì cũng cho biết, dù không có tiền nhưng muốn cho ban thờ đẹp thì sư ông cũng sẵn sàng đi vay để xây chùa rồi trả sau.

Sư ông trụ trì một ngôi chùa trên núi cao bạn của Đại đức Thích Minh Tuệ cho biết, nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở các thành phố lớn phật tử vào công đức nhiều chứ ở chùa quê, chùa làng thì nghèo lắm, phật tử nghèo thì lấy đâu ra mà công đức được có khi nửa năm nhà chùa mới mở hòm ra một lần số tiền ít ỏi đấy mốc meo  từ lúc nào rồi.

Đại đức Thích Minh Tuệ cho rằng, nhiều phật tử tin tưởng vào nhà chùa, vào sư ông, sư thầy nên đưa số lượng lớn tiền cho sư các phật tử không hoài nghi, nhưng từ trước tới nay có phật tử nào lại đưa tiền để xây di tích gửi Ban quản lý di tích một bộ máy quản lý cồng kềnh hàng bao nhiêu con người đâu?! Cái chính vẫn là niềm tin. Mà sư xây chùa thì vừa rất thành tâm, nhanh gọn, đẹp đẽ lại không bị thất thoát, chứ cả một bộ máy cồng kềnh Ban quản lý hàng bao nhiêu con người biết đồng tiền có được đặt đúng nơi, đúng chỗ, đúng người hay không?! Sử dụng đúng mục đích hay không?

Ngay như tiền công đức để nhà sư quản lý thì người nhà chùa sẽ cử người có trách nhiệm trông nom, không gây tốn kém, còn chính quyền địa phương quản lý thì cả bộ máy cồng kềnh  đến gần cả chục người thì lại phải tốn tiền trả lương cho họ, gây tốn kém không cần thiết. Mà không biết người thu gom tiền ở các ban, người tay hòm chìa khóa két sắt có thực sự đáng tin hay không? Nhỡn tiền, đã có nơi kỷ luật, cảnh cáo vì lòng tham nổi lên, người giữ tiền lại… trộm tiền.

Hiện nay, quản lý tiền công đức ở những nơi tín ngưỡng tâm linh vẫn còn bỏ ngỏ, mỗi người mỗi ý. Làm thế nào để đồng tiền công đức ấy thu chi một cách minh bạch, rõ ràng, công tâm vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

PGS - TS Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Bộ VH-TT&DL):

Quản lý tiền công đức như thế nào là một vấn đề nóng. Liệu có chuyện xà xẻo tiền công đức hay không? Người dân luôn có quyền được biết số tiền mình công đức vào nơi tâm linh được sử dụng như thế nào. Càng rõ ràng, càng cụ thể, càng minh bạch bao nhiêu thì càng lấy được lòng tin của mọi người bấy nhiêu.

Có một vài nơi xảy ra hiện tượng không chỉ riêng các nhà tu hành, các thành viên Ban quản lý di tích sử dụng tiền công đức không đúng mục đích gây hoang mang cho người dân. Vai trò của Nhà nước trong việc quản lý tiền công đức đến đâu cũng cần phải thực hiện khéo léo và có hiệu quả. Cho ra thông tư quản lý tiền công đức là vấn đề nhạy cảm, nó không được thực hiện một cách vội vã mà cần phải lắng nghe ý kiến dư luận từ nhiều phía, đặc biệt những ý kiến từ các nhà tu hành. 

Đại đức Thích Minh Tuệ (trụ trì chùa Vạn Niên):

Tiền công đức mà chính quyền địa phương quản lý không thể hằng ngày cử cán bộ xuống để trông nom cái két ấy được mà lại phải giao cho Ban quản lý. Người ta thành lập nên Ban quản lý, mà Ban quản lý ấy ít nhất cũng phải chục người và rồi người ta giao cho mỗi người quản lý một hòm công đức. Nếu người quản lý chặt chẽ thì người ta biết được tiền công đức chính xác  là bao nhiêu, còn nếu không quản lý chặt thì tiền người ta đặt ở trên ban đến lúc nhặt cho vào trong két thì ai quản lý. Công đoạn ấy thì ai giám sát?

Người ta cũng sợ thất thoát. Rồi đến lúc đếm, đi gửi, như thế nào? Còn giao cho nhà chùa thì các sư sẽ có người có trách nhiệm làm bằng cái tâm, cái phúc. Mình cứ nghĩ như thế, còn vào trong chùa anh nào dông dớ thì anh đấy chịu nghiệp. Luật nhân quả, báo ứng.

Trần Mỹ Hiền
.
.