Tiến tới quản lý dân cư bằng công nghệ 4.0

Thứ Hai, 24/08/2020, 12:46
Công tác làm sổ hộ khẩu hay đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú ở nước ta sắp có những thay đổi lớn khi Luật Cư trú sẽ có những sửa đổi mang tính bước ngoặt. Theo đó việc đăng ký sẽ trở nên đơn giản, thuận tiện hơn khi chỉ bằng những cú click chuột hay những nút chạm thì việc đăng ký cư trú sẽ được thực hiện trên nền tảng công nghệ số, quản lý thông qua mã số định danh cá nhân và được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú.

Sáng 21-8-2020, Báo Công an nhân dân đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến “Quản lí dân cư bằng công nghệ 4.0 - nhiều lợi ích với người dân và doanh nghiệp”. Nhiều câu hỏi của độc giả đặt ra và được giải đáp chi tiết, cặn kẽ về vấn đề này.

Đại tá Phạm Khải - Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân tặng hoa cho các diễn giả tại buổi giao lưu trực tuyến.

Những thay đổi bước ngoặt

Liên quan đến sổ hộ khẩu, Đại tướng Tô Lâm. Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an từng kể lại câu chuyện về một người dân gọi điện cầu cứu. Người đó sau khi ly hôn muốn chuyển hộ khẩu khỏi nhà chồng cũ nhưng mẹ chồng - người đứng tên chủ hộ không đồng ý cho cắt khẩu. Vì không chuyển khẩu được khỏi gia đình chồng cũ nên cô con dâu rất khó khăn trong sinh hoạt, thậm chí không lập gia đình mới, không khai sinh cho con mới sinh được cũng vì không có hộ khẩu. Trường hợp trớ trêu liên quan đến hộ khẩu này không phải là duy nhất, bởi qua khảo sát đã phát hiện có khoảng 3.000 trường hợp như vậy. Tức là sau khi ly hôn, người phụ nữ không thể cắt khẩu khỏi nhà chồng vì gia đình chồng không đồng ý.

Ngược lại, có nhiều ông chồng vẫn phải “sống chung” với vợ cũ trong hộ khẩu vì sau ly hôn vợ cũ không muốn chuyển đi. Chính những tồn tại này gây nhiều phiền toái trong quản lý hành chính, gây khó khăn cho những người trong cuộc, quyền tự do cư trú của công dân không đảm bảo. Và đã đến lúc Luật Cư trú cần được sửa đổi cho hợp lý và thiết thực hơn.

Theo quy định dự thảo Luật Cư trú thì người dân sẽ đến công an xã, phường, thị trấn để khai báo và đăng ký cư trú. Với trường hợp 5 huyện đảo trên cả nước chưa bố trí cơ quan hành chính cấp xã là huyện đảo Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ, Lý Sơn, Côn Đảo và Hoàng Sa, người dân có thể đến Cơ quan công an cấp huyện để đăng ký tạm trú, thường trú.

Thực tế thì Luật Cư trú đã được áp dụng ở nước ta từ năm 2006. Năm 2013, luật này đã được sửa đổi. Tại buổi giao lưu trực tuyến “Quản lí dân cư bằng công nghệ 4.0 - nhiều lợi ích với người dân và doanh nghiệp”, Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an cho biết những sửa đổi Luật Cư trú năm 2013 nhằm giải quyết tạm thời những bất cập trong quá trình thực hiện công tác quản lý hành chính nhà nước. Đồng thời bảo đảm chặt chẽ hơn về quản lý nhà nước về cư trú, giải quyết một số khó khăn vướng mắc cũng như bổ sung quy định nghiêm cấm đối với trường hợp người đã đăng ký thường trú cho người khác đăng ký hợp pháp vào chỗ ở của mình để trục lợi và trường hợp có hành vi giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú, bổ sung quy định về diện tích nhà ở bình quân, người ở nhờ, cho thuê, mượn...

Và đến nay, luật này tiếp tục được sửa đổi toàn diện tạo ra cuộc cách mạng trong công tác quản lý cư trú, quản lý dân cư của Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra cơ sở pháp lý để thay đổi toàn bộ phương thức quản lý chứng minh thư, sổ hộ khẩu, đăng ký tạm trú từ rất thủ công sang công nghệ 4.0.

Việc hoàn thiện Luật Cư trú (sửa đổi) sẽ là một thay đổi có tính bước ngoặt để quản lý công dân bằng mã số định danh cá nhân thông qua việc vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đại tá Phạm Khải - Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân trong buổi giao lưu trực tuyến đã cho rằng sự thay đổi này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tự do cư trú và làm việc mà còn tạo ra sự chuyển biến căn bản trong việc giải quyết các thủ tục đó giữa cơ quan nhà nước và người dân.

Do vậy, khi luật này được áp dụng, người dân cần hiểu rõ để áp dụng để được hưởng những quyền lợi sát sườn.

Cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

Đặt dấu chấm hết cho Sổ hộ khẩu?

Trong buổi thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10-8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ rằng bà từng bị mất sổ hộ khẩu, dù được tạo điều kiện để làm lại nhưng cũng rất vất vả và phải khai tới khai lui. Rõ ràng, sau gần 70 năm tồn tại, sổ hộ khẩu đã trở nên lỗi thời, lạc hậu và cần được thay thế trước những thay đổi chóng mặt của kĩ thuật công nghệ. Bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa là bỏ công tác quản lí nhân, hộ khẩu, mà thay bằng biện pháp quản lí dựa trên công nghệ số.

Một trong những chính sách cơ bản của dự án Luật Cư trú là thay đổi phương thức quản lý cư trú từ quản lý bằng sử dụng sổ giấy sang phương thức quản lý hiện đại bằng số định danh cá nhân trên nền tảng online. Theo Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), mã số định danh là một dãy số tự nhiên do Bộ Công an thống nhất quản lý, được quy định trong Luật Căn cước công dân và những quy định do Bộ Công an hướng dẫn.  Hiện nay, Bộ Công an sẽ thống nhất quản lý toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam không trùng lặp. Theo Nghị định 137/2015/NĐ-CP ngày 31-12-2015, mã số định danh là dãy số tự nhiên gồm 12 số, trong đó chứa đựng các thông tin về mã tỉnh, giới tính, năm sinh, và đuôi là dãy số tự nhiên cấp cho từng công dân.

Đề xuất sửa đổi Luật Cư trú và xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGDC) là hai chủ trương lớn của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an mà trực tiếp là Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Hai nhiệm vụ này được tiến hành song song với nhau: Xây dựng CSDLQGDC là để thay đổi phương thức quản lý cư trú đã lỗi thời, lạc hậu sang quản lý bằng công nghệ số; còn sửa đổi Luật Cư trú là để tạo ra cơ sở pháp lý để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác CSDLQGDC. Do vậy, hai việc này được tiến hành song song, đồng thời. Dự kiến, ngày 1-7-2021, khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực thi hành thì CSDLQGDC cũng được đưa vào vận hành.

Công an tỉnh Hòa Bình làm căn cước cho người dân.

Nhiều người hiểu rằng bỏ sổ hộ khẩu nghĩa là không cần đăng ký hộ khẩu nữa. Điều này không đúng, vì bỏ sổ hộ khẩu chỉ là sự thay đổi phương thức quản lý từ thủ công sang điện tử, còn việc quản lý dân cư, quản lý cư trú thì bất cứ nhà nước nào cũng phải thực hiện. Hiện nay, theo quy định của Luật Cư trú sửa đổi, công dân sẽ có các hình thức: đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, thông báo cư trú, đặc biệt trong dự thảo luật mới bổ sung thêm trường hợp khai báo thời gian cư trú đối với công dân không đủ điều kiện đăng ký thường trú và tạm trú. Riêng Luật Cư trú có điểm đổi mới nổi bật nhất là sẽ bỏ điều kiện thường trú, tạm trú ở thành phố trực thuộc Trung ương để áp dụng thống nhất một điều kiện là công dân có chỗ ở hợp pháp ở chỗ nào thì đăng ký thường trú ở chỗ đó.

Để người dân thực sự “an cư lạc nghiệp”

Luật Cư trú sửa đổi sẽ quản lý dựa trên hệ thống mạng. Khi CSDLQGDC được vận hành, công dân có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp tại Cơ quan công an hoặc qua mạng theo hướng dẫn của Bộ Công an. Hiện nay Bộ Công an đang chỉ đạo hoàn thiện phần mềm đăng kí cư trú để rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình. Khi Luật Cư trú sửa đổi có hiệu lực, Bộ Công an sẽ có hướng dẫn để công dân thuận lợi khi đăng kí thường trú, tạm trú.

Có trường hợp một gia đình ở Hà Nội, hiện nay có một người cháu họ ở quê, sống cùng gia đình đã lâu, hiện muốn xin nhập khẩu vào gia đình đó. Và họ không biết điều này sẽ được giải quyết như thế nào.

Theo khoản 2, Điều 20 Luật Cư trú, các trường hợp được đăng ký với người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào hộ khẩu của mình đối với các trường hợp: Trường hợp thứ nhất đối với người chưa thành niên, không còn cha mẹ hoặc còn cha mẹ nhưng cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng, về với ông bà nội, ông bà ngoại, cô dì, chú bác. Và trường hợp thứ hai là người thành niên độc thân ở với ông bà nội, ngoại, cô dì, chú bác. Độc giả có thể liên hệ trực tiếp với Cơ quan công an cấp quận nơi có thẩm quyền đăng ký thường trú hoặc tra thông tin trên bảng điện tử để biết trường hợp cụ thể và áp dụng. Còn vấn đề thừa kế và hộ khẩu là hai vấn đề khác nhau, không liên quan gì nhau.

Công an tỉnh Đắk Nông làm căn cước tại nhà cho người cao tuổi.

Đây chỉ là một trong rất nhiều thắc mắc của người dân liên quan đến sổ hộ khẩu cần được giải đáp chính xác và rõ ràng. Vậy, làm thế nào để Luật Cư trú có thể thực sự đi vào thời sống, để người dân không còn chịu cảnh “hộ khẩu một nơi, người một nẻo”, thực sự “an cư lạc nghiệp” thì cần đến nhiều giải pháp đồng bộ. Việc biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành pháp luật về cư trú cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cần có nội dung rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo cho việc thực hiện pháp luật về cư trú được thống nhất

Việc tổ chức tuyên truyền rộng rãi Luật Cư trú (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành cần được phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an và các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương. Cần có nhiều tin bài giới thiệu những quy định mới của Luật Cư trú, điều kiện, thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú. Đồng thời phản ánh tình hình, kết quả thực hiện pháp luật về cư trú tại các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn.

Có nhiều cách để người dân chủ động áp dụng công nghệ thông tin. Trước hết phải làm cho người dân thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen truyền thống bằng cách tuyên truyền cho họ thấy rõ tác dụng của việc áp dụng công nghệ thông tin, đó là tiết kiệm chi phí, giảm thời gian, giảm các thủ tục, tránh nhũng nhiễu, phiền hà khi giải quyết các thủ tục hành chính. Hình thức tuyên truyền vận động nên được thường xuyên đổi mới nhằm hướng dẫn nhân dân chấp hành tốt các quy định về đăng ký, quản lý nhân khẩu tạm trú. Tất cả hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân được an cư lạc nghiệp.

Dự kiến ngày 1-7-2021, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đi vào vận hành chính thức. Nhiều cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ nhân dân, nhất là về lực lượng lao động, về bảo hiểm xã hội, về các diện nghèo, người Việt Nam lao động ở nước ngoài, liệt sĩ, mộ liệt sĩ, cơ sở dữ liệu về trẻ em do Bộ LĐ-TB-XH quản lý sẽ phải kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Huyền Châm
.
.