Tiếng hát then vọng núi rừng Việt Bắc

Thứ Ba, 01/12/2020, 12:34
Trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định một trong những hướng đi quan trọng để phát triển du lịch ở khu vực Việt Bắc (gồm 6 tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Tuyên Quang) là khai thác tiềm năng từ các giá trị di sản văn hóa, lịch sử.

Nhất là cuối năm 2019, UNESCO đã vinh danh thực hành then, một loại hình văn hóa tiêu biểu của người Tày, Nùng, Thái là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã đặt ra câu hỏi lớn về việc bảo tồn và phát triển then gắn với phát triển du lịch của vùng.

Những giá trị bảo tồn

Nói đến Việt Bắc, du khách đã nghĩ đến câu sli, câu lượn, tiếng hát then. Then đã có từ ngàn đời xưa được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ trước sang thế hệ sau. Then ngấm vào tâm hồn của đồng bào nơi đây và lan tỏa. Người Tày xưa có câu: “Đêm khuya nghe tính nghe then/ Tóc mây bỗng hóa thành đen mượt mà”. 

Nghệ thuật hát then mang giá trị văn hóa độc đáo, sức hấp dẫn quyến rũ, đắm say lòng người. Xu hướng trong nước cũng như quốc tế, ngày càng coi trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống. Then là di sản văn hóa của nhân loại, dù thời gian cứ trôi qua nhưng then vẫn không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của đồng bào Việt Bắc. Vì vậy định hướng đưa thực hành then trong ngành du lịch, tạo nên sự độc đáo hấp dẫn thu hút được du khách bốn phương là hướng đi khả thi, góp phần giúp du lịch Việt Bắc ngày càng phát triển để mỗi du khách đến đây đều vương vấn: “Ai về Việt Bắc quê em/ Tính then, sli, lượn thắm duyên lòng người”.

Những câu hát then vang lên trong căn bếp của bản làng các dân tộc ở Việt Bắc.

Then là loại hình diễn xướng nghi lễ độc đáo của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Bắc, thường được bà con tổ chức mỗi dịp tết đến xuân về hay khi gia đình có việc liên quan đến đời sống tâm linh như: Giải hạn, cầu mùa, cầu an, cầu phúc, mừng thọ... 

Dưới góc nhìn du lịch, di sản thực hành then được coi là thế mạnh độc đáo để phát triển, đặc biệt loại hình du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc. Ở đó, các giá trị văn hóa tín ngưỡng và tôn giáo trở thành nền tảng quan trọng để hình thành, phát triển hoạt động du lịch. Bởi, then gắn với lịch sử tộc người, gắn với niềm tin và các hoạt động diễn xướng dân gian. 

Loại bỏ những yếu tố mê tín, dị đoan, loại bỏ những người “buôn thần, bán thánh” thì đây là loại hình du lịch giúp con người ta đến những điều tốt lành, hướng thiện. Hơn nữa, nhờ các chức năng văn hóa xã hội, then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục và truyền thống văn hóa ở Việt Nam. Như thế, khai thác việc thực hành then phục vụ du lịch là một trong những định hướng không chỉ bảo tồn mà chính là phát triển các giá trị văn hóa của nó đáp ứng nhu cầu của đời sống hiện đại.

Đương nhiên, chúng ta cần phát triển du lịch bền vững, nghĩa là không chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần. Mặc dù thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, song việc khai thác các giá trị của then vẫn luôn phải coi trọng bảo tồn cho được bản sắc văn hóa vùng miền, hình thành đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc cùng chung sức xây dựng và phát triển đất nước, vì các nhu cầu của cuộc sống, trong đó có nhu cầu du lịch của con người.

“Hiến kế” khai thác then vào du lịch

Theo PGS.TS Vương Toàn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam thì muốn khai thác các giá trị văn hóa của then vào du lịch một cách hiệu quả, trước hết cần thu hút du khách ở những nét đặc thù. 

Nói cách khác, tuy then là “đặc sản” chung của cả vùng, song rất cần khai thác và phát huy nét riêng làm nên bản sắc vùng miền để du khách không nhàm chán. Bên cạnh đó cũng cần thu hút du khách bằng những câu chuyện, sự tình hấp dẫn, gắn với những địa danh nổi tiếng, liên quan đến những sản vật đặc biệt của địa phương. Đồng thời khai thác khả năng đặt lời mới, kể cả có cải biên, miễn sao cho phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp, tạo điều kiện gắn bó hoặc gần gũi với du khách.

PGS.TS Vương Toàn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Chủ nhiệm chương trình Thái học Việt Nam.

PGS.TS Vương Toàn nhấn mạnh: “Trong hình thức diễn đạt, cần thu hút du khách bằng ngôn ngữ dễ tiếp nhận. Như thế, nên khai thác khả năng thể hiện đa ngữ: tiếng dân tộc - tiếng Việt - ngoại ngữ phổ biến, nhất là tiếng nói của đa số trong mỗi đoàn du khách. Muốn vậy, cần khuyến khích các soạn giả sáng tác song/đa ngữ hay chuyển dịch ngôn ngữ càng nhuần nhuyễn càng thu hút người nghe. Cần thu hút du khách bằng đa dạng hóa sản phẩm du lịch, như kết hợp du lịch tâm linh với du lịch văn hóa - sinh thái, đặc biệt là phối hợp khai thác giá trị văn hóa của các di sản khác, kể cả của các dân tộc khác ở địa phương”.

Ở một góc nhìn khác, ThS. Đặng Thế Anh, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đã đề xuất mô hình mua sắm sản phẩm tâm linh gắn với then như: Trang phục, vật phẩm trang trí, họa tiết cắt bằng giấy, CD/VCD then văn nghệ, then cổ, sách tâm linh nghiên cứu..., tuy nhiên công việc này phải được lồng ghép một cách “khéo léo” khi xây dựng lịch trình cho các tour. Đối với du khách, việc mua sắm các sản phẩm văn hóa tâm linh mang ý nghĩa may mắn, an lành trong hành trình du lịch của mình là một nhu cầu thiết yếu, thậm chí, có nhiều trường hợp hoạt động này còn trở thành mục đích chính của chuyến đi.

Hội thảo “Then Việt Bắc với phát triển du lịch” nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia văn hóa.

“Đặc biệt, trong sự phát triển của du lịch văn hóa, bảo tàng là một thành tố quan trọng. Bảo tàng giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời nó còn có vai trò giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển du lịch bền vững. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Thái Nguyên sẽ giữ vai trò trung tâm, làm đầu mối trong việc liên kết với các bảo tàng tư nhân tại các địa phương. Bảo tàng tư nhân tại địa phương giữ vai trò vệ tinh và xây dựng bảo tàng dựa trên những nét đặc trưng của then tại địa phương mình. Với đặc thù và cách gắn kết tự thân, bảo tàng tư nhân sẽ góp phần không nhỏ trong việc quảng bá then Việt Bắc đến với bạn bè thế giới và dĩ nhiên sẽ tạo nên mối cộng sinh bền vững giữa nó với xu thế phát triển du lịch văn hóa trong tương lai ngành du lịch ở Việt Nam”, ThS. Đặng Thế Anh khẳng định.

Một điển hình làm du lịch văn hóa

Nhắc đến các mô hình khai thác triệt để giá trị của then vào du lịch phải kể đến Khu bảo tồn làng nhà sàn sân tộc sinh thái Thái Hải, hay bản làng Thái Hải. Đây là nơi cộng đồng bà con các dân tộc (Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Kinh) sinh sống và làm việc trong quần thể 30 ngôi nhà sàn, tại vùng đồi ngoại ô thành phố Thái Nguyên. Ở Thái Hải, từ người già đến người trẻ, cả nam và nữ, hầu như ai, ít nhất cũng có thể ngân nga vài câu then. 

Có những em bé mới đến tuổi vào lớp 1, đã có thể ngồi hát then khá tốt cùng bà, cùng mẹ. Thái Hải đã đạt được nhiều thành tựu trong việc sưu tầm, bảo tồn then trong cộng đồng bản làng mình. Không chỉ là những bài then lời mới dễ hát, mà hơn cả là những điệu then cổ mang đầy màu sắc tâm linh, tín ngưỡng. Thông qua các hoạt động biểu diễn sân khấu phục vụ sự kiện then đã góp phần quan trọng trong phát triển du lịch tại Thái Hải.

Tại Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải thường xuyên diễn ra những tiết mục hát then.

Thái Hải có hội trường với sân khấu lớn để tổ chức các chương trình sự kiện của các đoàn khách như hội thảo, hội nghị, liên hoan, họp mặt. Tại đây thường có các chương trình biểu diễn giao lưu văn nghệ. Trong các chương trình đó, hầu như không thể thiếu chương trình giao lưu biểu diễn văn nghệ của bản làng Thái Hải. Đó là những bài hát mang đầy âm hưởng của núi rừng, những diệu dân vũ vui tươi sôi động, gửi gắm nhiều ý niệm cuộc sống về mùa màng, hạnh phúc. 

Nhưng, có lẽ đã thành truyền thống, là tiết mục “then đón khách” với 3 thế hệ cùng biểu diễn. Đó là lời chào đón hân hoan của bản làng, của người Tày khi khách đến chơi nhà, với chén rượu đượm men say và tấm lòng nồng ấm. Đặc biệt, các sự kiện lớn mang tính chính thống của các cơ quan nhà nước, trên sân khấu Thái Hải lại ngân lên lời then ca ngợi đất nước, quê hương, ca ngợi Đảng và Bác Hồ vĩ đại.

Nét văn hóa đặc trưng được bảo tồn, môi trường sinh thái được giữ gìn, làng Thái Hải trở thành địa chỉ du lịch văn hóa, sinh thái được nhiều người biết và tìm đến trải nghiệm, nhất là vào dịp lễ, tết và những ngày cuối tuần. Nhưng, theo Phó Giám đốc làng Thái Hải Lý Thị Chiên thì Thái Hải không tuyên truyền thu hút khách, thậm chí không đón các đoàn khách đông, không đón các đoàn khách không báo trước. Điều này là nhằm góp phần giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa, sinh thái của làng. Trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Tày, có những món ăn phải tẩm ướp từ 3 đến 4 tiếng. 

Đặc biệt, có những món ăn bà con chế biến theo hướng chăm sóc sức khỏe bằng cách đưa bài thuốc dân gian phục vụ du khách, như món ăn canh thang, canh thuốc phải ninh hầm từ 9-11 tiếng, cho nên không thể phục vụ nếu khách và chủ không có sự thống nhất từ trước.

“Thông thường, mỗi địa chỉ du lịch đều muốn có đông du khách để tăng nguồn thu nhưng chúng tôi xác định cần hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Chỉ có bảo tồn không gian văn hóa tốt thì mới phát triển du lịch được và ngược lại phát triển du lịch để bảo tồn văn hóa, như thế mới là phát triển bền vững”, bà Lý Thị Chiên trăn trở.

Ông Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Thái Nguyên đánh giá: “Với việc bảo tồn nhà sàn, văn hóa vật thể, phi vật thể, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái theo hướng bền vững, làng Thái Hải đã trở thành địa chỉ du lịch độc đáo ở Thái Nguyên. Từ phát triển du lịch, làng Thái Hải có nguồn thu để bảo tồn văn hóa dân tộc mà không cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. 

Với những thành công trong việc gắn bảo tồn những giá trị di sản và phát triển du lịch, năm 2018, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã giành được giải thưởng du lịch ASEAN. Đây cũng là điển hình thành công trong mô hình xã hội hóa làm du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa, để những di sản thật sự có sức sống lâu bền trong đời sống đương đại”.

Bạch Đằng
.
.