Tiểu thuyết “Núi Mẹ” và số phận kỳ lạ của một tử tù
- Nỗ lực mới của nhà văn Lê Hoài Nam trong tiểu thuyết “Mỹ nhân nơi đồng cỏ”
- Ra mắt tập hai bộ tiểu thuyết “Kiếp người” của Trung tướng - nhà văn Hữu Ước
Một tập sách văn học đầu tay đã lại nhận được sự ủng hộ, chúc mừng của rất nhiều nhà văn thành danh là kỳ tích của người mới bén duyên với văn chương. Nhưng, trên hết đó là sự nhân văn, là một cái kết có hậu của những tấm lòng, tình cảm chân thành giữa người với người, của những người chiến sĩ Công an nhân dân, của những nhà văn Công an với tấm lòng nhân ái luôn dang rộng vòng tay với những thân phận lầm lỡ…
Ánh sáng cuối đường hầm
Xuất hiện với giọng nói nhỏ nhẹ và thân hình nhỏ bé trong bộ comple sang trọng, cựu tử tù Nguyễn Đức Nguyên khiến người mới tiếp xúc có cảm giác như người đối diện với mình khó có thể là một đối tượng có bề dày tiền án tiền sự như trong bản lý lịch được giới thiệu trước đó.
Câu chuyện của anh cũng không bắt đầu với những năm tháng đen tối của cuộc đời mà là rất nhiều câu chuyện xúc động của tình đời, tình người. Ở đó, Nguyễn Đức Nguyên là người con trong gia đình có đến 9 anh chị em của khu Chộc Vằng, thị trấn Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Đức Nguyên là con thứ 3.
Tác giả Nguyễn Đức Nguyên và tiểu thuyết “Núi Mẹ”. |
Lớn lên ở miền sơn cước, có năng khiếu thơ văn, cậu bé Nguyên may mắn được người thầy Trần Văn Thanh tận tình dìu dắt. Trong ký ức của người thầy và nhiều bạn học thủa ấy của Nguyễn Đức Nguyên thì anh luôn là một cậu học trò giỏi văn. Nguyên nói, anh từng là học sinh giỏi văn cấp tỉnh năm học lớp 7. Năm anh học lớp 10, kỳ thi giỏi văn của tỉnh chưa có kết quả thì xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Cậu học trò vùng núi xếp bút nghiên, tình nguyện đi bộ đội. Năm ấy, anh mới 17 tuổi.
22 tuổi, Nguyễn Đức Nguyên lâm vào vòng lao lý. Nếu tính đến ngày được đặc xá, trở về với cộng đồng cuối năm 2015, Nguyễn Đức Nguyên có đến 4 lần phải ngồi tù. Trong đó, lần cuối cùng, Nguyên mang án tử hình. Bi quan, buông xuôi, chấp nhận chọn cái chết như một cách để gột rửa tội lỗi, Nguyễn Đức Nguyên trở thành một trong số các tử tù khá đặc biệt của trại giam Nam Hà: không phản kháng, không hỗn loạn tâm trí khi đối diện với cái chết, thậm chí không viết đơn xin Chủ tịch nước tha tội chết.
7 ngày là một khoảng thời gian không dài để tử tù có nhiều thời gian đắn đo, suy tính nên hay không nên viết thư xin được sống nhưng Nguyễn Đức Nguyên không màng đến thời hạn ngắn ngủi ấy. Với người tử tù này thì mọi biện hộ cho bản thân đều vô nghĩa vì “tội ác vẫn là tội ác, bất kể là nguyên nhân gì”.
Lạ lùng là người quan tâm chuyện sống chết của tử tù Nguyễn Đức Nguyên lại là quản giáo, giám thị của trại giam. Điều này, mãi sau đó, Nguyễn Đức Nguyên mới nhận ra, còn thời điểm ấy, anh chỉ biết, buồng giam của mình thường xuyên được đón người giám thị đã đứng tuổi tên Hoàng Quân. Ông không khuyên thẳng phạm nhân viết đơn xin tha tội chết mà dành thời gian liên tiếp vào phòng giam trò chuyện.
Sau đó, ông còn đưa cho anh lá thư của con gái. Đọc những dòng chữ con viết, mắt anh nhòa lệ. Anh gần như thuộc lòng lá thư này. Thư có đoạn: “Bố ơi con rất nhớ bố, có những đêm con nằm mơ thấy bố về. Bố bế con trên tay. Đưa con đi chơi. Khi tỉnh giấc không thấy bố nữa. Con tự trách sao mình không ngủ lâu hơn để mơ thấy bố nhiều hơn? Giá trời cho con 3 điều ước, con chỉ ước 1 điều duy nhất là có bố ở bên…”. Chính những dòng chữ ấy và sự chia sẻ của giám thị trại giam Hà Nam mà ngày thứ 5 trong thời hạn 7 ngày được phép viết thư xin tha tội chết, Nguyễn Đức Nguyên đã cầm bút viết đơn gửi Chủ tịch nước.
Hy vọng có cơ hội được sống để trả nợ cuộc đời nhưng hàng ngày Nguyễn Đức Nguyên vẫn chuẩn bị sẵn tâm thế có thể ra đi bất cứ lúc nào. Giống như tất cả các tử tù khác, mỗi ngày, Nguyễn Đức Nguyên chỉ biết mình sống khi tiếng kẻng báo thức vang lên, đêm đến lại chuẩn bị sẵn bộ quần áo mới, tắm giặt gội đầu sạch sẽ… Sau khoảng 16 tháng sống trong phòng giam dành cho tử tù, Nguyễn Đức Nguyên được ân giảm án tử hình.
Vịn vào văn chương để đứng dậy
Biết Nguyễn Đức Nguyên là người có chữ nghĩa, chịu đọc, tính tình cẩn thận nên cán bộ trại giam giao cho nhiệm vụ ghi chép công việc của trại. Ý tưởng viết một cái gì đó để tri ân xứ Lạng cũng hình thành từ đấy. Những nhân vật của tiểu thuyết “Núi Mẹ” lần lượt được phác họa trong đầu Nguyên. Tuy nhiên, phải đến năm 2011, khi Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an tổ chức cuộc thi viết “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”, Nguyễn Đức Nguyên mới thực sự quyết tâm cầm bút.
Thay vì tranh thủ ngủ trưa, nghỉ ngơi ngày thứ 7, chủ nhật, Nguyễn Đức Nguyên dành toàn bộ thời gian này để viết. Các tập bản thảo cứ ngày một dày thêm. Thế nhưng, khi các trang viết lên đến hàng nghìn và tập bản thảo mang tên “Khởi nguồn” được gửi về ban tổ chức thì thời hạn nhận bài thi đã hết.
Tác giả Nguyễn Đức Nguyên cùng các nhà văn và người thân trong buổi ra mắt sách. |
May mắn là sau đó Đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã lưu tâm đến tập bản thảo. Phát hiện ra khả năng của người viết và khối tư liệu phong phú trong tập bản thảo, nhà thơ đã liên lạc với gia đình. Thông qua người vợ, Nguyễn Đức Nguyên đã bắt được liên lạc với nhà thơ và chuyển cho anh phần đầu của tiểu thuyết, sau đó đã đổi tên thành “Núi Mẹ”.
Suốt 5 năm sau đó, Nguyễn Đức Nguyên luôn cặm cụi viết, thao thức, đau đáu với từng số phận nhân vật của quê hương xứ Lạng. Ở đó, những tháng năm đen tối của cuộc đời hoàn toàn ẩn khuất. Hiện lên trang sách luôn là hình ảnh đồng bào dân tộc quật cường, họ hết chống lại cường hào ác bá lại tham gia cách mạng, vùng lên đánh Pháp. Vốn sống của một người sinh ra và lớn lên ở vùng đất biên ải giàu trầm tích văn hóa, đậm đặc huyền thoại, tinh thần ham học hỏi giúp Nguyễn Đức Nguyên thuận lợi hơn trong những tháng ngày mới bén duyên với văn chương.
Khi “Núi Mẹ” ra mắt bạn đọc, rất nhiều nhà văn, trong đó Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo trung ương nhận định: “Chất sử thi thấm đẫm trong tác phẩm, từ thiên nhiên, cảnh vật đến con người. Mỗi trang viết đều thấm đẫm tình yêu con người, tình yêu thiên nhiên, miền đất vùng biên cương Tổ quốc. Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Chủ tịch Chi hội nhà văn Công an cũng bày tỏ ngạc nhiên vì không ngờ “Núi Mẹ” lại đầy ắp tư liệu, tình đời, tình người và không thể nghĩ một con người đã từng nhiều lần trong vòng lao lý lại có thể viết được những trang văn đẹp, trong trẻo, nhìn cuộc đời đẹp như thế”.
Tất nhiên, những nhận xét ấy là sau khi “Núi Mẹ” đã hoàn thiện và ra mắt bạn đọc còn ít ai có thể tưởng tượng được hành trình chinh phục văn chương của Nguyễn Đức Nguyên phải trải qua bao nhiêu đỉnh dốc. Kể về khoảng thời gian này, tác giả “Núi Mẹ” cũng cho hay, đã có những ngày anh chỉ bất lực nhìn thời gian trôi qua trang giấy trắng. Tiểu thuyết có bối cảnh là khá nhiều sự kiện lịch sử ở địa phương. Để đảm bảo chính xác, anh luôn phải nhờ cậy vợ, con tìm kiếm tư liệu rồi gửi vào trại.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng là địa chỉ tin cậy để tham khảo về mặt chuyên môn. Theo quy định của trại, mỗi tháng, phạm nhân được phép gọi điện thoại cho người thân 1 lần. Thay vì gọi về gia đình, toàn bộ cuộc gọi của Nguyễn Đức Nguyên đều hướng cả về nhà thơ Đặng Vương Hưng.
Tác giả Nguyễn Đức Nguyên ký tặng sách. |
Cuối năm 2015, Nguyễn Đức Nguyên may mắn được đặc xá trở về với cộng đồng. “Núi Mẹ” vẫn là những trang bản thảo chưa hoàn thành. Biết Bộ Công an chuẩn bị tổ chức trại sáng tác văn học “Cây bút vàng lần thứ 3” năm 2016, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã đề xuất với Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân đề nghị Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an đặc cách cho Nguyễn Đức Nguyên tham gia trại sáng tác. Vốn trọng tài năng, Trung tướng gật đầu đồng ý “trong tích tắc”.
Nguyễn Đức Nguyên trở thành hiện tượng “vô tiền khoáng hậu” của làng văn khi gần như “bước thẳng” từ trại giam đến trại sáng tác văn học của Bộ Công an. Được trở thành thành viên trại sáng tác, được đối xử bình đẳng như rất nhiều nhà văn nổi tiếng khác, Nguyễn Đức Nguyên cảm thấy vinh dự, hạnh phúc nhưng cũng vô cùng lo lắng. Anh tự ti, ngại tiếp xúc. Chính cách phân công hợp lý và tế nhị, từ nơi ăn ở đến cách làm việc, sự chân thành, cởi mở của các nhà văn đã giúp anh sớm tự tin trở lại.
Với sự hỗ trợ của nhà thơ Đặng Vương Hưng, từ hàng nghìn trang bản thảo viết tay, trong gần nửa tháng, các trang viết được Nguyễn Đức Nguyên thu gọn chỉ còn 1 nửa. Kết thúc 20 ngày tham gia trại sáng tác cũng là lúc tác phẩm đã gần hoàn thiện. Nhưng ngay sau đó, số phận tiếp tục giáng thêm một đòn chí tử lên Nguyễn Đức Nguyên khi anh phát hiện mình mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Chán nản, bất lực, buông xuôi, anh giấu vợ con, tắt điện thoại, đóng facebook.
Trong khi nhà thơ Đặng Vương Hưng, Lê Thị Bích Hồng và một số nhà văn khác tưởng chừng anh đã “mất tích” thì Nguyễn Đức Nguyên nhắn 1 tin ngắn gọn: “Em bị ung thư giai đoạn cuối”. Thêm một lần nữa, các nhà văn lại trở thành phao cứu sinh cho cuộc đời Nguyễn Đức Nguyên. Được mọi người động viên, anh nói sự thật với gia đình, điều trị bệnh và viết tiếp.
Khoảng hơn một tuần trước khi “Núi Mẹ” ra mắt bạn đọc, anh phải cắt đi 1 phần cơ thể. Nguyễn Đức Nguyên nói anh được sống và đủ sức khỏe làm việc đến hôm nay đã là một phép màu. Phép màu này là tinh thần, nghị lực, là tình cảm, cách ứng xử nhân văn, đầy tình người mà những người xung quanh đã, đang dành cho anh. Tất cả đã tiếp thêm sức mạnh cho anh đứng dậy nên sẽ không dễ dàng gục ngã nữa.
Nguyễn Đức Nguyên không biết mình còn sống được bao lâu nữa nhưng có một điều chắc chắn là còn sống thì anh còn viết. Nguyễn Đức Nguyên tin, dù số phận có nghiệt ngã đến đâu, anh cũng sẽ vẫn đủ thời gian hoàn tất ước mơ của mình. Ít nhất là tự truyện “Khởi nguồn”, tiểu thuyết riêng về lực lượng Công an nhân dân và phần 2 của tiểu thuyết “Núi Mẹ”.
Với anh bây giờ, viết chính là phương cách để trả nợ cuộc đời, để tri ân xứ Lạng, trả ơn những con người đã nâng đỡ, dang rộng vòng tay đón anh trở về từ lầm lỗi, giúp anh nhận thức được cái xấu, cái tốt, quyết tâm hướng thiện, trở thành người sống có ích và “phần người nhiều hơn phần con” trong chính bản thân mình.