Tìm cách vực dậy thị trường tài chính

Thứ Ba, 07/04/2020, 17:17
Trong cơn khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra trên các thị trường tài chính, việc hỗ trợ từ phía chính phủ là rất cần thiết. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, chỉ đổ tiền ra không thôi liệu có cứu vãn được tình hình? Bài phân tích trên trang mạng Foreign Policy cho thấy, để vực lại các thị trường này, các “nhà cái” chỉ bơm tiền thôi là chưa đủ.

Các nỗ lực ổn định thị trường mới được khởi động gần đây. Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất xuống mức 0%, bơm tiền để ổn định thanh khoản cho các thị trường tín phiếu kho bạc và tín dụng thương mại, đồng thời nới lỏng các quy định về thế chấp và yêu cầu dự trữ để các ngân hàng đảm bảo lưu chuyển tiền tệ. Cuộc tranh luận trong Quốc hội Mỹ hiện nay không phải về việc có nên chi hay không, mà về việc chi bao nhiều - lên tới 1.000 tỷ USD. Cơ quan hành pháp nước này đã cho phép gia hạn nộp thuế quỹ lương 90 ngày và đang lên kế hoạch chuyển tiền trực tiếp cho các hộ gia đình.

Sau khi “khoanh tay đứng nhìn”, Ngân hàng Trung ương châu Âu hiện đã công bố kế hoạch giải cứu tài chính gồm chương trình mua trái phiếu trị giá 750 tỷ euro (tương đương 800 tỷ USD), nới lỏng những yêu cầu về thế chấp, một chương trình tái cấp vốn mới cho các ngân hàng và mở rộng cá chương trình nới lỏng định lượng hiện có. Các chương trình chi tiêu tài chính khác nhau cũng xuất hiện. Cho đến nay, phản ứng này phần lớn đã đem lại ấn tượng mạnh mẽ. Nhưng rồi sau đó, các thị trường tài chính vẫn sụp đổ.

Boeing được cho là đã chi 75% dòng tiền tự do cho việc mua lại cổ phần.

Câu trả lời rõ ràng nhất là phản ứng tài chính không đủ lớn và vẫn còn nhiều việc phải làm. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các thị trường. Liệu những thị trường, như nền kinh tế Mỹ chẳng hạn, có thực sự phù hợp với mục đích của chúng, khi mà đồng tiền cứu trợ nó, vốn chỉ đem lợi cho một số ít đối tượng trong xã hội, lại xuất phát từ tiền đóng thuế của đa số người dân bình thường khác?

Một bằng chứng cho thấy các thị trường đang không làm lợi cho người dân bình thường, đó là việc các hãng hàng không Mỹ đang yêu cầu một khoản cứu trợ trị giá 50 tỷ USD. Theo bài phân tích, chính các hãng hàng không này, đã lợi dụng khách hàng trong suốt nhiều thập kỷ qua, tính phí rất cao cho các dịch vụ cơ bản đồng thời vắt kiệt sức lao động của nhân viên. Sau đó, giới điều hành lại sử dụng gần như toàn bộ dòng tiền tự do để mua lại cổ phiếu của chính mình, đem lại lợi nhuận cho các cổ đông và ban giám đốc trong khi bỏ mặc công ty rơi vào tình trạng dễ bị tổn hại về tài chính.

Không chỉ có các hãng hàng không chịu thiệt hại. Kể từ năm 2008, tổng nợ của các tập đoàn thế giới đã lên tới khoảng 13.500 tỷ USD do họ kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác duy trì lãi suất ở mức gần bằng hoặc dưới 0% trong dài hạn. Tuy nhiên, thay vì đầu tư số tiền mà họ huy động được vào đầu tư sản xuất, trong đó có cả việc đào tạo kỹ năng cho nhân viên, họ lại tập trung hơn vào hoạt động mua lại cổ phiếu và tùy ý làm lợi cho mình. Và giờ đây đống nợ này, xét cho cùng, vẫn do người nộp thuế hỗ trợ, mua lại hoặc đảm bảo.

Và điều mà cuộc khủng hoảng này phơi bày không chỉ là sự bất cân xứng giữa những người được hưởng lợi từ thị trường tài chính mà còn là việc người dân thường ở Mỹ hoàn toàn không có sẵn tài sản trong tay khiến họ có thể bị bỏ lại phía sau vào những thời điểm xảy ra khủng hoảng. Nhiều người Mỹ cho rằng đã đến lúc cải tổ thị trường để chúng không còn là tài sản chung nhưng chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm rất nhỏ nữa.

Các máy tính của Mỹ hiện đang thực hiện khoảng 40% giao dịch chứng khoán trên thế giới.

Theo các nhà phân tích, cần xem xét nghiêm túc việc cải cách các thị trường tài chính để chúng thực sự tạo ra của cải cho tất cả mọi người. Nên cấm hoặc hạn chế việc mua lại để quản lý bảng cân đối kế toán hợp pháp. Khi một công ty như Boeing chi 75% dòng tiền tự do cho việc mua lại cổ phần thì khả năng dễ bị tổn thất của công ty đó trở thành vấn đề của mọi người.

Tương tự như vậy, các tổ chức xếp hạng tín dụng cần sát sao hơn trong vấn đề nợ doanh nghiệp, hạ thấp thứ hạng của các công ty mắc nợ nhiều và loại bỏ những động lực đạt được đòn bẩy tài chính cao hơn bao giờ hết để giảm nguy cơ phải cứu trợ trong tương lai. Và liệu Mỹ có thể suy nghĩ lại về giao dịch chứng khoán bằng thuật toán tần số cao của các quỹ dự phòng và các thể chế tài chính khác hay không?

Với các máy tính hiện đang thực hiện khoảng 40% giao dịch chứng khoán của thế giới, Mỹ đã tạo ra một vòng phản hồi cuối cùng khi các chương trình này ẩn chứa khả năng biến động rất lớn mà các cơ quan quản lý tiền tệ đang tìm cách bình ổn.

Nói tóm lại, Mỹ và châu Âu cần làm nhiều việc hơn là can thiệp vào thị trường. Tuy nhiên, việc suy tính xa hơn cuộc khủng hoảng hiện tại để khắc phục điểm yếu để nó không nghiêm trọng một lần nữa như hiện nay là điều cần thiết.

Hiện tại, EU và các nước thành viên chẳng còn lý do gì ngoại trừ tuân thủ một cách mù quáng những quy tắc mà rõ ràng không phù hợp cho mục đích này. Mỹ thì hoàn toàn không còn lời bào chữa nào. Có trong tay tài sản dự trữ toàn cầu là đồng USD, Mỹ có tất cả sự linh hoạt và nguồn lực để biến cuộc khủng hoảng này thành một cơ hội.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.