Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII:

Tìm giải pháp khôi phục sản xuất cứu giúp doanh nghiệp

Thứ Tư, 12/06/2013, 16:00

Theo chương trình, ngày 30/5, Quốc hội sẽ dành trọn một ngày để thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2012, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2013. Phiên thảo luận này sẽ được truyền hình và phát thanh trực tiếp để nhân dân cùng theo dõi. Ghi nhận của chúng tôi những ngày qua, rất nhiều ý kiến trăn trở về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2013.

Không bán được hàng, doanh nghiệp không dám vay vốn

Không chỉ trên nghị trường, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho biết, trong tháng 5, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đã giải quyết được nhiều vấn đề. Tình hình kinh tế vĩ mô đã tốt lên như chỉ số hàng tồn kho giảm rõ rệt (tiêu thụ xi măng tăng hơn 18%, giải ngân ODA tăng rất tốt so với năm ngoái, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối vượt 12 tuần nhập khẩu…). Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, cần nhìn nhận thực tế nền kinh tế còn khó khăn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp đình đốn sản xuất.

Trước băn khoăn về số liệu trong báo cáo Chính phủ đưa ra có mâu thuẫn. Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ không bao giờ không trung thực khi báo cáo với Quốc hội. Chính phủ nhìn nhận nghiêm khắc những khuyết điểm, yếu kém để rút kinh nghiệm, để làm tốt hơn. Chính phủ nhìn vào những kết quả không phải để tô hồng, không phải để tự thỏa mãn mà luôn nhìn nhận còn rất nhiều khó khăn, và yêu cầu phải cố gắng hơn.

Theo đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa), với diễn biến KT - XH hiện nay, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô năm 2013 về cơ bản sẽ không chịu nhiều thách thức; hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra là 8%, thậm chí có thể kiềm chế được ở mức thấp hơn. Vì thế, chính sách từ nay đến cuối năm cần ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quốc hội cần có quan điểm rõ ràng về vấn đề này để hỗ trợ Chính phủ trong điều hành chính sách vĩ mô. Nếu cứ lo bóng ma lạm phát rồi tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa chặt chẽ như vừa qua thì khó có thể tháo gỡ được khó khăn hay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Ngoạn đề nghị phải có giải pháp để huy động được tổng vốn đầu tư xã hội khoảng 30% GDP. Đây là một thách thức rất lớn. Nhưng nếu không huy động được tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 30% GDP thì năm nay tăng trưởng 5% cũng khó. Cần lưu ý rằng, nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 5% trong 3 năm tới thì tình hình KT - XH sẽ hết sức khó khăn, nhất là việc bảo đảm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, việc làm.

"Để vượt qua khó khăn hiện nay, ngoài tinh thần đoàn kết, nhất trí, thống nhất giữa các cơ quan của Nhà nước, giữa Quốc hội với Chính phủ thì điều cốt yếu là phải tạo được sự đồng lòng, nhất trí trong nhân dân. Muốn vậy, điều hành chính sách phải nhất quán và minh bạch. Thời gian qua, có tình trạng, một số bộ trưởng, trưởng ngành mỗi thời điểm lại giải trình khác nhau, đưa ra các thông tin khác nhau, gây mất lòng tin đối với người dân và doanh nghiệp. Điều này gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Ngay tại kỳ họp này, tôi đề nghị Quốc hội cần tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu các tư lệnh ngành phải xem xét kỹ lưỡng trước khi phát ngôn và phải tăng trách nhiệm giải trình, các chính sách điều hành phải hết sức minh bạch".

Đề cập tới việc "khơi thông" nguồn vốn cho các doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Cao Sỹ Kiêm (đại biểu tỉnh Thái Bình) cho rằng phải tạo nên sức mua mới, tạo nên tổng cầu mới, tồn kho được giải phóng thì doanh nghiệp mới vay được. Trong khi nợ xấu còn "chặn ngang", doanh nghiệp và ngân hàng cũng phạm tiêu chuẩn, nếu cho vay ra thì bị quy trách nhiệm ngay. Vì vậy, khi nào giải quyết được nợ xấu, giải quyết được sức mua, và giải quyết được tổng cầu thì mới đưa vốn ra được, khi đó mới khơi thông được nguồn vốn. Vấn đề giảm lãi suất không có tác động mạnh lắm, vì trong lúc này, dù "anh" có giảm xuống nữa nhưng doanh nghiệp không bán được hàng thì ai dám vay. Và ngược lại, với ngân hàng, nếu doanh nghiệp không bán được hàng thì ai dám cho vay. Bất động sản còn nằm đấy, nợ xấu tăng lên thì ai dám đưa tiền vào.

Theo ông Kiêm, nếu chỉ bơm tiền ra thì không thể tháo gỡ được khó khăn, cần phải giải quyết được sức mua, cần phải có chính sách để người lao động có được thu nhập, và người dân có tiền mua thì mới giải phóng được tồn kho. Cần phải tạo được việc làm, tạo thu nhập và tạo sức mua. Nông dân nếu sản xuất ra nhiều mặt hàng và bán được ra thị trường thì tăng sức mua và tăng tổng cầu…

Bất động sản đóng băng, "chôn" vào đó hàng trăm ngàn tỉ đồng càng thêm khó cho nền kinh tế.

Cần xây dựng chương trình 3 năm 2013 - 2015 để phục hồi kinh tế.

Về giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị không nên "lưu luyến" kế hoạch 5 năm mà phải xây dựng chương trình 3 năm 2013 - 2015 để phục hồi kinh tế. Về chính sách tài khóa, có thể xem lại bội chi để nới lỏng chính sách này. Tăng trái phiếu ít nhất để trả nợ đầu tư xây dự án cơ bản cho doanh nghiệp, sẽ tạo luân chuyển về vốn nhằm tăng sức tổng cầu bằng cả chính sách tiền tệ và tài khóa. 

Đại biểu Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận) cho rằng Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc, xử lý mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng. Vừa qua, vì mục tiêu kiềm chế lạm phát, hàng loạt công trình bị cắt đầu tư, trong khi đó ở các địa phương, có nhiều công trình cấp thiết, cần tiến hành triển khai nhưng bị cắt vốn đầu tư, gây lãng phí lớn. Lẽ ra có những công trình chỉ cần thêm một ít tiền nữa là hoàn thành và phát huy giá trị thực tiễn ngay, giúp phục hồi kinh tế và giúp vực dậy đời sống nông dân vùng đó, đặc biệt là công trình thủy lợi. Ông Tí đề nghị các tỉnh sắp xếp, rà soát từng công trình, lạm phát có thể lên cao cũng được, nhưng nếu đầu tư tăng trưởng mà phát huy ngay hiệu quả, thì cái lợi về sau sẽ rất lớn

Nguyễn Tân (nguyenthiemantg@yahoo. com)
.
.