Tìm lại bản sắc thuần Việt

Thứ Tư, 28/01/2015, 11:00
Trước thực trạng ở nhiều địa phương trưng bày, sử dụng biểu tượng, vật phẩm, linh vật (sư tử bằng đá và một số vật phẩm khác) theo tạo hình, hình thức không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam gây phản cảm về thẩm mỹ, văn hóa, tâm linh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không trưng bày, sử dụng, cung tiến biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt…

Khi công văn được thực thi, đã có nhiều nghệ nhân, nhà điêu khắc, họa sĩ bắt tay vào chế tác những mẫu tượng linh vật với mong ước mang hình hài và hồn thiêng Việt. Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ với nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ (Liên Vũ).

Hành trình đến với linh vật Việt của nhà điêu khắc Liên Vũ

Bức tượng mẫu nghê cao hơn một mét do nhà điêu khắc Liên Vũ chế tác đã xong khâu nặn trên đất sét để chuẩn bị chuyển thành thạch cao. Tượng được làm theo nghê gỗ to nhất hiện nay ở đền thờ Vua Lê Thánh Tông (thế kỷ XVII) tại Thanh Hóa. Anh Vũ dự định từ mẫu nghê đó sẽ làm tượng với kích cỡ 1,1m, nặng 1-2 tạ bằng chất liệu đồng, đá và đá nhân tạo.

Nói về duyên nợ của mình với việc chế tác này, Liên Vũ chia sẻ: Một lần tình cờ khi xem triển lãm về linh vật Việt tại Bảo tàng Mỹ thuật, anh đã vô cùng hứng thú với hình tượng những con nghê (linh vật Việt) từ đó quyết định tìm hiểu thêm và mô phỏng lại với nguyện vọng phát triển hình tượng linh vật Việt tới đời sống, mong muốn những hình ảnh đó được tiếp cận với mọi người một cách gần gũi hơn.

Từ những con nghê tại triển lãm linh vật Việt, đặc biệt là mẫu nghê gỗ tại đền Vua Lê Thánh Tông, anh quyết định mô phỏng phục dựng lại mẫu linh vật này. Với kích thước cao 1,2m (kích thước khá lớn với linh vật Việt) nên anh phải dành khá nhiều thời gian cho việc phục dựng, cho phần tạo mẫu đất và cũng mất khoảng một tháng nữa cho phần chuyển chất liệu đá nhân tạo và đúc đồng.

Một điều khiến anh vô cùng ngỡ ngàng khi xem triển lãm linh vật Việt là tất cả đều đẹp. Nghê đền Vua Lê Thánh Tông là linh vật đầu tiên anh mô phỏng vì đó là một mẫu nghê mang đậm chất điêu khắc, độ khái quát hình khối cao nhưng rất khỏe khoắn, hình khối, đường nét, chi tiết được cách điệu từ mây và hoa lá nên rất mềm mại và nhẹ nhàng, đơn giản nhưng cũng rất gần gũi và thân thiện.

Nhà điêu khắc Liên Vũ (đội mũ) trong buổi ra mắt chế tác nghê cổ.

Các họa tiết trên mình nghê về cơ bản được mô phỏng theo nguyên mẫu, về phần khối của họa tiết có cường điệu thêm để tạo cảm giác tinh tế; còn về phần đuôi do thời gian nguyên mẫu đã bị mất nên phải tái tạo lại, bởi sự tìm tòi nghiên cứu và ý kiến cố vấn của một số nhà nghiên cứu khác, là một nhà điêu khắc anh muốn lưu giữ và phổ cập, nhân rộng những mẫu linh vật thuần Việt để người Việt ta thêm yêu và hiểu về hình tượng Việt Nam chứ không phải các linh vật ngoại lai.

Linh vật trong truyền thống dân gian Việt có nhiều nhưng điển hình nhất vẫn là chim hạc và nghê. Chim hạc có từ thời Vua Hùng dựng nước Văn Lang, còn nghê thì xuất hiện có thể từ đời Lý khi nền văn hóa thuần Việt được phục hồi.

Có thể nói nghê là biến thể từ con trâu và con chó nên nó có sức mạnh đồng thời thể hiện được sự gần gũi trung thành đối với người. Tuy nhiên, trong quá trình chế tác anh cũng gặp rất nhiều khó khăn vì hầu hết các mẫu không hoàn thiện, con thiếu đuôi, con mất đường mẫu hoa văn do chiến tranh và sự phá hủy của thời gian…

Nhờ sự tư vấn của các chuyên gia và tự bản thân nghiên cứu các quy luật đường nét, anh Vũ đã vẽ lại được bố cục hợp lý rồi nặn trên đất sét, chuyển sang chất liệu thạch cao và chất liệu khác. Khi anh mô phỏng con nghê này, khách hàng đến xem cũng bất ngờ vì không nghĩ nghê Việt lại đẹp thế.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, có bố là họa sĩ - thầy Nguyễn Văn Chư, giảng viên Trường đại đọc Mỹ thuật Hà Nội. Mẹ là nhà điêu khắc Trần Thị Tú Miên nên con đường đến nghệ thuật điêu khắc với Liên Vũ như một món ăn tinh thần từ khi còn bé.

Năm 1991, anh bắt đầu từ mái trường Trung cấp Điêu khắc, sau đó là Đại học Mỹ thuật, rồi lấy bằng cao học về nghệ thuật điêu khắc. Sau 15 năm hoạt động với điều kiện khá tốt về chuyên môn và một đội ngũ nhân viên có tay nghề cao, được biết nhà điêu khắc Liên Vũ đang có dự án phục dựng lại những linh vật Việt điển hình với nhiều kích thước khác nhau để phục vụ xã hội cũng như thỏa mãn sự đam mê của chính mình.

Nhà điêu khắc Liên Vũ, với niềm đam mê của mình vẫn kiên trì theo đuổi con đường sáng tạo dù hiện nay nhiều người đang nhầm lẫn giữa ý nghĩa của việc trân trọng các giá trị quá khứ với việc mê tín và tâm linh.

Hình ảnh nghê đá cổ.

Liên Vũ cho rằng, trong phong thủy xưa và nay việc dùng linh vật trấn yểm để xua đuổi tà khí, thu hút sinh khí nhằm mang lại bình yên cho ngôi nhà hay công trình không còn xa lạ. Nghê thường được dùng để trấn, ví dụ như cửa đình, nhà ở, cơ quan, ít khi để yểm (chôn dưới đất).

Con nghê Việt mang ý nghĩa trân trọng quá khứ chứ không nặng về phong thủy. Bởi vậy thói quen để cặp sư tử hoặc nghê giữ trước cửa cơ quan, nhà ở được sử dụng khá phổ biến đã vô tình truyền bá các hình ảnh linh vật ngoại lai.

Trong khi đó, theo văn hóa Việt Nam hình tượng con nghê khá gần gũi vì vậy khuyến khích sử dụng nghê thuần Việt trong các công trình cho phù hợp với văn hóa và tạo cảm giác thân thiện hơn sư tử hay nghê với hàm nanh nhọn…

"Duy cổ bản liễn" trong quá trình chế tác linh vật

Chúng tôi tìm đến Tiến sĩ Lê Xuân Phương (Viện Nghiên cứu phát triển doanh nhân, doanh nghiệp Đông Nam Á), người đã có trên 30 năm nghiên cứu về văn hóa phong thủy. Tiến sĩ Phương chia sẻ những hiểu biết của mình về con nghê trong đời sống dân tộc Việt xưa nay.

Nghê là một trong 4 vật thiêng, dân gian gọi là Tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng). Long là rồng; Ly là nghê; Quy là rùa; Phượng là con chim phượng. Bốn vật thiêng này là vừa có thực vừa không có thực. Biểu tượng như Rồng, Phượng tượng trưng cho quyền lực, sự thấu đáo, nhanh nhẹn, tinh tường, sang trọng, là chúa tể muôn loài. Quy  mang tính trường tồn và hội tụ. Ly tức là con chó thành tinh, có sừng, có nanh, có vuốt, bờm lửa, ngực rết.

Nghê là linh vật có hình dáng hội tụ những đường nét, họa tiết đặc biệt để những con khác phải kiêng nể. Như người xưa xuống biển tìm châu, lên rừng lấy sừng tê, nanh hổ, ngà voi… họ đều phải xăm trổ những hình đặc biệt lên người, thì nghê cũng được gắn những họa tiết độc đáo. Bởi vạn vật đều phải có trí tuệ, có sừng, có mỏ, có nanh vuốt và nọc độc, nếu không phải đẻ nhiều để chiếm chỗ trong không gian sinh tồn.

Nghê hội tụ đủ các yếu tố của một linh vật. Nhưng nghê là con chó thành tinh, vì thế vị thế của nghê có vai trò trông nom gìn giữ những nơi linh thiêng, chó chỉ trông nhà, cao cấp hơn là nghê trông giữ hồn thiêng ở các đình đài miếu mạo, chùa chiền, cổng đô thị, cổng làng.

Nghê là vật thiêng mang tính cao quý mang nhiều tên gọi như: ly, bì ly, tì hưu, kỳ lân, luôn được người xưa thường ví cho những người có phẩm chất cao đẹp gắn với tên của kỳ lân. Như viên ngọc quý gọi là Ngọc kỳ lân.

Tiến sĩ Lê Xuân Phương bên cạnh hai con nghê đá mới được chế tác theo mẫu cổ.

Ví như sinh được con gái người ta chúc mừng nhau là được Thiên kim tiểu thư (được nghìn vàng), nếu sinh được con trai người ta gọi là Khánh hoạch kỳ lân (có được con kỳ lân). Những người thành công, ra nơi đô hội và tỏa sáng được gọi là Kỳ lân giáng đế đô.

Ở Việt Nam, văn vật về hình tượng nghê là vật thiêng đang còn tồn tại, hiện hữu rất nhiều ở hầu hết ở các đình chùa, miếu mạo, chốn công môn, cổng làng, nơi thờ cúng. Bởi nghê có vai trò canh giữ, bảo vệ, giữ hồn thiêng, những nơi mà nghê trông nom, giúp cho cuộc sống bình an, không bị trộm cướp, học hành khoa bảng, làm ăn phát tài, mùa màng bội thu không bị sâu bệnh, mọi người gắn kết.

Nghê có đặc tính của chó nên rất trung thành, chung thủy, không phân biệt chủ giàu hay nghèo, luôn bảo vệ chủ một cách vô điều kiện, không đòi hỏi sự đền đáp. Vì thế các kết cấu mà người xưa đặt nghê cũng rất đặc biệt, trên các mái đình đài, chùa tháp thường đặt lưỡng long chầu nguyệt hay tịnh long phun nước, hay phượng vũ (phượng múa) mà họ không để nghê ở vị trí đó.

Nghê thường được đặt dưới chân các đồng trụ, mặt hướng ra ngoài. Trên đỉnh đồng trụ hầu hết là bốn con phượng múa. Người xưa kị nhất là đặt nghê lên cao để tránh thế "yêu chó chó liếm mặt". Họa tiết về nghê mỗi thời lại có thêm các nét mới để tăng thêm độ anh hùng dựa trên cơ sở cái cũ và thêm bớt các họa tiết để khí phách hơn. Họ giao lưu quốc tế để học tập và Việt hóa các họa tiết cho gần gũi, thân thương, cho ngày một phong phú và mạnh mẽ hồn thiêng của đình đài, miếu mạo.

Vai trò của tứ linh - đặc biệt là nghê - có trách nhiệm trông giữ hồn thiêng của đình đài, miếu mạo của các vùng đất địa linh để luôn sản sinh ra những nhân kiệt. Người Việt luôn có ý thức giữ bản sắc dân tộc, vì thế nghê của người Việt cũng rất đặc biệt và độc đáo, không giống như nghê của một số nước như Trung Quốc, Myanmar…

Trong tất cả các điều đó, người Việt không cứng nhắc mà luôn mềm mỏng, học hỏi và tôn thờ những giá trị từ các nền văn hóa khác. Khi những linh thú và vật thiêng vào Việt Nam, qua kiểm nghiệm của dân gian được các nghệ nhân thêm bớt họa tiết hoặc khi những vật này được đặt ở đền đài, miếu mạo mà không được sự chấp nhận của thần linh thì những linh vật ngoại lai du nhập cũng bị đào thải.

Chính vì lẽ đó, vật thiêng tồn tại hay không ở các đình chùa, miếu mạo, chốn công môn, nơi sản xuất, kinh doanh buôn bán mà có ý nghĩa thúc đẩy sự may mắn thì nó không bị đào thải. Vật thiêng mang hồn Việt được lưu giữ và tồn tại còn rất nhiều ở những ngôi chùa cổ, làng cổ như: Đền thờ Vua Đinh (Hoa Lư - Ninh Bình), Thái miếu nhà Lê (Cầu Bố - Thanh Hóa) và những ngôi chùa, đình làng được trùng tu hay làm mới, nghê vẫn không thể thiếu và được đặt rất trân trọng.

Qua quá trình lịch sử đã kiểm nghiệm, nghê luôn giữ hồn thiêng cho sông núi. Nghê còn tồn tại và hứa hẹn sống theo dân tộc Việt và hình thái nghê của dân tộc Việt.

Có lẽ, mỗi người dân Việt đều mang trong mình niềm tự hào dân tộc mấy nghìn năm dựng nước, bởi vậy, trong hành trình đi tìm một vật thiêng cho hồn sông núi, thì những giá trị Việt cổ một lần nữa lại được lên ngôi và biểu tượng nghê Việt đang là sự khởi đầu cho một hành trình tìm lại những giá trị đích thực xưa cũ ấy.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.