Tính pháp lý của những bản kết luận giám định pháp y đóng dấu… BV Việt Đức

Thứ Hai, 19/07/2010, 08:45
Gần đây các cơ quan tiến hành tố tụng ở Hà Nội lo ngại trước thông tin về những trường hợp giám định pháp y (GĐPY) ở Bệnh viện Việt - Đức (Khoa Giải phẫu bệnh lý) - được thực hiện bởi những bác sĩ không phải là giám định viên tư pháp có thẩm quyền?

Đặc biệt, sau khi bản kết luận GĐPY về nguyên nhân cái chết của một trưởng văn phòng công chứng xảy ra cuối tháng 4 vừa qua đánh dấu Bệnh viện Việt - Đức được gửi tới Cơ quan điều tra thì Viện Pháp y quốc gia đã buộc phải lên tiếng cảnh báo về tính pháp lý của bản kết luận giám định pháp y này khi nó được thực hiện bởi những "giám định viên" không đủ tư cách pháp nhân...

Tại sao lại có tình trạng một số bác sĩ ở khoa Giải phẫu Bệnh viện Việt - Đức và Bộ môn Y pháp, Đại học Y Hà Nội từng được bổ nhiệm là giám định viên pháp y đến nay lại không đủ tư cách pháp nhân để hành nghề giám định theo quy định của pháp luật nữa?

Để hiểu rõ vấn đề này chúng tôi xin ngược dòng thời gian lại một chút: Năm 2001, Viện Y học Tư pháp Trung ương Bộ Y tế được thành lập đáp ứng yêu cầu GĐPY theo Nghị định 117/HĐBT. Năm 2002, Bộ trưởng Bộ Y tế Đỗ Nguyên Phương đã ký Quyết định số 1119 bổ nhiệm 52 giám định viên y pháp Trung ương trong đó có một số bác sĩ công tác ở khoa Giải phẫu bệnh Bệnh viện Việt - Đức và Bộ môn Y pháp - Đại học Y Hà Nội. Sau đó thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác cải cách tư pháp Quốc hội đã thông qua pháp lệnh giám định tư pháp năm 2004 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2005.

Bệnh viện Việt - Đức là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành của Bộ Y tế, không phải là cơ quan giám định tư pháp.

Đến năm 2006, theo Quyết định số 451/QĐ - Thủ tướng thì Viện Y học tư pháp TW - Bộ Y tế không còn hoạt động nữa mà thay vào đó là việc thành lập Viện Pháp y Quốc gia.

Căn cứ pháp lệnh giám định tư pháp và Nghị định 67/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều trong pháp lệnh thì các Bộ chủ quản sẽ phải lập danh sách bổ nhiệm lại giám định viên thuộc lĩnh vực do Bộ mình quản lý.

Như vậy Bộ Y tế sẽ bổ nhiệm lại giám định viên tư pháp pháp y và pháp y tâm thần rồi lập hồ sơ đề nghị Bộ Tư pháp cấp thẻ giám định viên tư pháp. Chỉ khi được bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì giám định viên mới đủ tư cách pháp nhân tiến hành giám định pháp y và ký vào bản kết luận giám định.

Theo chức năng của mình là Viện Pháp y Quốc gia lãnh đạo Viện đã rà soát, đề nghị Bộ bổ nhiệm lại 16 giám định viên tư pháp (Ngày 24/5/2007 tại Quyết định số 1859/QĐ-BYT Bộ trưởng  Bộ Y tế đã ký quyết định bổ nhiệm các giám định viên do Viện Pháp y Quốc gia đề nghị. Đây là các giám định viên ở cấp Trung ương).

Trong danh sách được bổ nhiệm lại không có tên một số bác sĩ ở khoa Giải phẫu bệnh Bệnh viện Việt - Đức và Bộ môn Y pháp - Đại học Y Hà Nội (chúng tôi không tiện nêu tên ở đây). Việc các bác sĩ không được bổ nhiệm lại này vẫn hành nghề GĐPY rồi đóng dấu... Bệnh viện Việt - Đức là sai pháp luật tố tụng. Bệnh viện Việt - Đức ký, đóng dấu vào kết luận GĐPY cũng là vi phạm bởi Bệnh viện Việt - Đức là bệnh viện ngoại khoa đầu ngành của Bộ Y tế chứ không phải cơ quan giám định?

Theo pháp lệnh, ở cấp Trung ương Bộ Y tế chỉ có Viện Pháp y Quốc gia là cơ quan giám định tư pháp duy nhất. Như vậy, bản kết luận GĐPY do một số bác sĩ ở Khoa Giải phẫu, Bệnh viện Việt - Đức và Bộ môn Pháp y - Đại học Y Hà Nội không được bổ nhiệm lại là giám định viên tư pháp theo pháp lệnh mà lại ký - đóng dấu Bệnh viện Việt - Đức rõ ràng không thể bảo đảm tính pháp lý. Điều này các cơ quan tiến hành tố tụng thực thi pháp luật phải là những người hiểu rõ hơn ai hết (!).

Nhân đây chúng tôi cũng xin nói thêm là ở một số bệnh viện lớn có khoa Giải phẫu bệnh hiện đại - bác sĩ đủ trình độ kết luận nguyên nhân chết của nạn nhân nhưng họ kiên quyết từ chối giám định khi Cơ quan điều tra trưng cầu bởi một lý do đơn giản: Họ không phải là giám định viên pháp y!

Có bác sĩ trưởng khoa giải phẫu công tác tại một bệnh viện lớn phía bắc thủ đô (trước từng là giám định viên pháp y) - tham gia giải phẫu - giám định kết luận nguyên nhân chết của một số vụ tai nạn giao thông. Thế nhưng sau đó bản kết luận GĐPY do ông ký không được Viện Kiểm sát địa phương công nhận bởi ông không còn là giám định viên khi chuyển sang lĩnh vực chuyên môn khác trong ngành y. Báo hại cho ông và cơ quan điều tra trót trưng cầu giám định... sai. Cuối cùng, người ta đành phải... chữa cháy bằng cách mang toàn bộ hồ sơ đến cơ quan giám định chẩn đoán và kết luận hồi cứu.

Cũng may đấy chỉ là những vụ tai nạn giao thông bình thường chứ nếu là vụ trọng án hình sự thì thực sự sẽ rắc rối.

Trong lần trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô mới đây xung quanh câu chuyện này, bác sĩ Phạm Kim Bình - Trưởng khoa Giải phẫu Bệnh viện Việt - Đức và bác sĩ Lưu Sỹ Hùng - Trưởng bộ môn Y pháp - Đại học Y Hà Nội tỏ sự bức xúc vì thông tin "Họ không đủ tư cách tiến hành GĐPY"? Thiết nghĩ đây không còn là chuyện riêng của ngành y nữa mà nó thuộc phạm vi giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền - trước hết là Bộ Y tế và Viện Pháp y Quốc gia phải có văn bản xác định rõ ràng tư cách hành nghề của một số giám định viên đã từng được bổ nhiệm theo Quyết định 1119/QĐ BYT trước đây.

Theo chúng tôi giải quyết việc này hoàn toàn đơn giản bởi căn cứ pháp lệnh giám định tư pháp có hiệu lực từ 1/1/2005 và Nghị định 67/2005 của Chính phủ thì  tất cả cơ quan giám định tư pháp và giám định viên được thành lập - bổ nhiệm theo Nghị định 117/HĐBT trước đây sẽ hết thời hiệu hoạt động khi cơ quan giám định tư pháp mới được thành lập theo pháp lệnh.

Nghị định 67/2005 của Chính phủ chương V - Điều khoản thi hành nêu rõ: "Trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực thi hành thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm rà soát lại đội ngũ giám định viên tư pháp thuộc lĩnh vực mình quản lý đề nghị Bộ Tư pháp cấp thẻ giám định viên cho những người có đủ điều kiện bổ nhiệm giám định viên theo quy định"...

Như vậy rõ ràng chỉ những bác sĩ nào được bổ nhiệm theo pháp lệnh giám định tư pháp và được Bộ Tư pháp cấp thẻ mới đủ tư cách pháp nhân thực hiện GĐPY.

Quyết định số 1859/QĐBYT ngày 24/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm lại 16 giám định viên tư pháp cấp Trung ương là một văn bản pháp lý thay thế  cho Quyết định số 1119/QĐ BYT năm 2002.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, cũng cần có văn bản miễn nhiệm chính thức số giám định viên không được bổ nhiệm lại để "danh chính ngôn thuận", tránh tình trạng có bác sĩ  vẫn lầm tưởng mình là... giám định viên".

Viện Pháp y Quốc gia đã nhiều lần báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và cơ quan điều tra biết về thực trạng có một số bác sĩ không phải là  giám định viên tư pháp vẫn tiếp tục hành nghề sai quy định. Thậm chí có cơ quan tố tụng do không nắm được hệ thống  GĐPY hiện nay nên đã quyết định trưng cầu... sai địa chỉ.

Để kết thúc bài viết này chúng tôi nghĩ rằng, pháp y là một ngành nghề độc hại, chẳng bác sĩ nào tốt nghiệp Đại học Y muốn dấn thân vào làm gì cho... khổ. Công tác tuyển dụng bác sĩ pháp y phải nói là hết sức khó khăn, đào tạo được một giám định viên tư pháp pháp y ít nhất cũng phải sau... 5 năm. Và, để họ yên tâm làm việc lâu dài, gắn bó với nghề không đơn giản chút nào (2 bác sĩ pháp y của một đơn vị công an đã tình nguyện bỏ ngành xin ra ngoài làm y tế tư nhân).

Hiện nay chúng ta còn thiếu khá nhiều bác sĩ, giám định viên pháp y, đặc biệt là những bác sĩ có trình độ, giàu kinh nghiệm thực tế... như bác sĩ Phạm Kim Bình, Trưởng  khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Việt  - Đức và bác sĩ Lưu Sỹ Hùng, Trưởng bộ môn Y pháp - Đại học Y Hà Nội. Viện Pháp y Quốc gia và Bộ Y tế  nên xem xét tình hình thực tế để có quyết định bổ nhiệm lại chức danh giám định viên tư pháp pháp y cho hai vị chuyên gia này. Thêm một giám định viên tư pháp là thêm sức mạnh cho hệ thống giám định tư pháp ở nước ta.  Nếu đó lại là giám định viên pháp y thì càng quý

Công Lý
.
.