Toàn châu Âu “rối loạn” với vụ bê bối trứng nhiễm thuốc diệt côn trùng

Thứ Tư, 16/08/2017, 10:46
Vụ bê bối thực phẩm mới nhất ở châu Âu có dấu hiệu lan sang cả châu Á sau khi Daniel Rosario, phát ngôn viên của Hiệp hội Thương mại và Nông nghiệp Liên minh châu Âu (EU) xác nhận trứng nhiễm thuốc trừ sâu fipronil đã được phát hiện tại Hong Kong.

Như vậy, ít nhất 17 quốc gia bị ảnh hưởng bởi vụ “trứng bẩn” bao gồm 15 thành viên EU (Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Điển, Anh, Áo, Ireland, Italy, Luxembourg, Ba Lan, Rumani, Slovakia, Slovenia, Đan Mạch) và Thụy Sĩ, gần đây nhất là Hong Kong.

Theo một người phát ngôn ở Brussels (Bỉ), diễn biến tồi tệ hơn theo từng ngày sau khi cảnh sát bắt giữ 2 đối tượng trong hàng loạt cuộc đột kích ở Bỉ và Hà Lan.

Hàng triệu quả trứng gà được rút khỏi kệ hàng các siêu thị khắp châu Âu.

Không nên quá lo sợ về sản phẩm trứng nhiễm fipronil

Từ cuối tháng 7 vừa qua, thị trường một số nước châu Âu đã bắt đầu ghi nhận một hiện tượng không bình thường: hàng triệu quả trứng gà được rút khỏi các kệ hàng siêu thị. Đến đầu tháng 8, vụ “trứng gia cầm nhiễm thuốc diệt côn trùng” mới được công khai định danh trong công luận và thông tin bắt đầu lan rộng khi giới chức Hà Lan yêu cầu khẩn trương thu hồi các sản phẩm và chế phẩm từ trứng khỏi thị trường.

Đến ngày 9-8, toàn bộ số trứng gà “bẩn” bày bán trong hệ thống siêu thị ở Anh lập tức được rút khỏi các kệ hàng hóa sau khi Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm (FSA) nước này tuyên bố phát hiện 700.000 quả trứng “nhiễm độc”. Ngày 8-8, Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, 13 lô trứng bị nghi nhiễm độc nhập khẩu từ Hà Lan hồi tháng 7 đã được chuyển tới các công ty chế biến thực phẩm ở phía tây nước này.

Các cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm đánh giá tình hình (những sản phẩm liên quan và điểm đến của số trứng này) và thu hồi những sản phẩm liên quan để tiến hành phân tích.

Giới chức 2 nước Hà Lan và Bỉ đang tập trung điều tra Công ty Kiểm soát dịch bệnh Poultry Vision và Công ty làm sạch gia cầm Chickfriend. Hai người bị bắt giữ - Martin van de Braak, 31 tuổi và Mathijs Ijzermna, 24 tuổi - đều là giám đốc của Chickfriend, công ty Hà Lan được tin là nơi cung cấp hóa chất cấm fipronil cho các trại nuôi gia cầm và họ đang bị nghi ngờ đã gian lận khi sử dụng fipronil trong một sản phẩm chống các loài ký sinh có tên thương mại DEGA 16.

Công ty Poultry-Vision của Bỉ đặt trụ sở tại Antwerp thừa nhận đã cung cấp fipronil cho đối tác Chickfriend thông qua một nguồn từ Romania.

Khoảng 140 chuyên viên và nhân viên điều tra ở khắp nước Bỉ và Hà Lan đang ráo riết điều tra vụ bê bối trứng bẩn đang có chiều hướng lan rộng ra khỏi ranh giới châu Âu. Tuy nhiên, giới chức các chính quyền liên tục trấn an người tiêu dùng rằng nguy cơ tác động đến sức khỏe con người là rất thấp đồng thời nhấn mạnh: cuộc khủng hoảng trứng gà nhiễm fipronil đang được kiểm soát tốt.

Tại Bỉ, 51 trang trại bị nghi ngờ có sử dụng DEGA 16 đã bị đóng cửa, trong đó 22 trang trại nuôi gà giống. Trong số này 21 trang trại bị phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu Fipronil trong phân, máu và trứng gà, song thấp hơn nhiều so với quy định của Liên minh châu Âu, cũng như Cơ quan An toàn thực phẩm Bỉ.

Số trứng gà được tiêu hủy ở trại nuôi gà tại làng Nadrin thuộc khu đô thị Houssalize (Bỉ) ngày 9-8-2017.

Tuy vậy, chính quyền Bỉ vẫn bị chỉ trích nặng nề bởi vì Brussels biết được thông tin trứng gà nhiễm fipronil vào ngày 2-6-2017 từ Hà Lan song mãi cho đến ngày 24-7 mới gửi báo cáo đến Hệ thống Cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn (RASFF) của EC - cơ quan được thiết kế cho phép các tổ chức kiểm soát an toàn thực phẩm trong EU hợp tác chia sẻ thông tin chặt chẽ và hiệu quả với nhau.

Khi mức độ nhiễm hóa chất bắt đầu được nhiều người biết đến và 180 trại nuôi gà ở Hà Lan buộc phải ngưng hoạt động thì Cơ quan Kiểm soát thực phẩm chính quyền Bỉ mới trấn an công dân rằng, không phải lo lắng vì số trứng bẩn này không lưu thông trên thị trường.

Fipronil là chất diệt côn trùng dùng trong thú y để chữa trị những vật nuôi như chó và mèo bị nhiễm rận, chấy hay ve. Fipronil có trong các sản phẩm diệt côn trùng trên thị trường như Frontline. Fipronil được tổng hợp bởi công ty dược và hóa chất Pháp Rhône-Poulenc trong thập niên 1980 và được thương mại hóa từ năm 1993.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), fipronil có “độc tính trung bình” đối với con người. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ số lượng lớn trứng gà nhiễm fipronil có thể dẫn đến “các rối loạn thần kinh và nôn mửa” đồng thời gây tổn hại nơi gan, thận và tuyến giáp. Nhưng kể từ năm 2004, fipronil bị cấm sử dụng trong nông nghiệp ở Pháp cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác.

Trong khi đó, fipronil vẫn được cho phép sử dụng tại Bỉ cũng như Hà Lan. Tuy nhiên, fipronil không được sử dụng đối với những con vật được dùng làm thực phẩm cho con người - ví dụ như gà - trong toàn khối EU.

Đài phát thanh NPR được ưa chuộng nhất tại Mỹ hiện nay cho biết, loại thuốc trừ sâu này đã được trộn lẫn với một chất kiểm soát dịch hại hợp pháp để sử dụng quanh nơi gia cầm được nuôi nhốt nên mới làm trứng của chúng nhiễm độc.

Thiệt hại hàng triệu Euro và những hậu quả lâu dài

Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt phát biểu: “Ngay cả khi chúng ta cho rằng nguy cơ đối với sức khỏe cấp tính là không thể, thì việc sử dụng trái phép chất diệt côn trùng fipronil cho gà đẻ là không thể chấp nhận. Hành vi này phải chấm dứt ngay lập tức”.

Được biết ở Đức, một người tiêu thụ trung bình 5 quả trứng gà một ngày và hơn 10 triệu quả trứng bẩn được cho là đã nhập khẩu vào nước này. Một số người dân Đức đang sử dụng một ứng dụng do chính quyền tạo ra để dò số sêri của quả trứng và truy xuất nguồn gốc. Nước Anh nhập khẩu khoảng 15 triệu trứng gà trong một tuần và một nửa số đó đến từ Hà Lan.

Chính quyền Anh kêu gọi người tiêu dùng nên sử dụng trứng gà do nước này sản xuất bởi vì sản phẩm luôn tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm ở mức cao nhất châu Âu. Mới đây, Trung tâm An toàn thực phẩm Hong Kong thông báo đã xác định được 2 mẫu trứng nhập khẩu từ Hà Lan có chứa fipronil ở mức cao và yêu cầu mọi siêu thị ở đây ngưng bán sản phẩm này.

Cơ quan An toàn Vệ sinh thực phẩm Pháp (ANSES) khuyến cáo người lớn không nên tiêu thụ hơn 10 quả trứng gà trong một ngày để tránh nguy cơ ngộ độc. Còn đối với trẻ em từ 11 đến 17 tuổi không dùng hơn 8 trứng/ngày và trong độ tuổi từ 3 đến 10 chỉ cho phép ở ngưỡng dưới 3 quả trứng/ngày. Riêng trẻ nhỏ từ 1 đến 3 tuổi không được tiêu thụ hơn 1 quả trứng/ngày. Đó là ngưỡng an toàn mà ANSES đưa ra đối với những đối tượng người tiêu dùng đã mua trữ sẵn số lượng lớn trứng tại nhà nhưng không chắc chúng có bị nhiễm fipronil hay không.

Dù sao thì các chuyên gia về an toàn thực phẩm vẫn trấn an người tiêu dùng rằng, không nên quá lo sợ về sản phẩm trứng nhiễm fipronil bởi vì lượng chất này trong quả trứng quá nhỏ đến mức không đủ sức gây ngộ độc nếu chỉ ăn với số lượng vừa phải. Tuy đã đưa ra khuyến nghị như vậy nhưng cuối tuần qua, các cơ quan chức năng của Italy đã thu giữ một số sản phẩm có xuất xứ từ một công ty Pháp từng sử dụng trứng gà của một trong những cơ sở ở Hà Lan có liên quan đến vụ trứng gà nhiễm Fipronil.

Hội Liên hiệp nông nghiệp và làm vườn của Hà Lan (LTO) cho biết, sắp tới khoảng hơn 5 triệu gà đẻ trứng tại 150 công ty của nước này sẽ bị tiêu hủy. Hàng triệu con gà đẻ trứng khác cũng có nguy cơ chịu chung số phận nếu người nuôi tin rằng chúng không còn giá trị sinh lời vì thiếu thị trường tiêu thụ.

Fipronil có trong các sản phẩm diệt côn trùng trên thị trường như Frontline (trái) và Hệ thống Cảnh báo Nhanh về Thực phẩm và Thức ăn (RASFF) của EC.

Người phát ngôn của LTO cho biết số gà này buộc phải bị “tiêu hủy vì chúng đã nhiễm độc”. Theo hãng tin Reuters, LTO thông báo: hiện nay sức khỏe người tiêu dùng không hề bị ảnh hưởng. Reuters dẫn lời ông Johan Boonen thuộc LTO: “Với người tiêu dùng, việc này đã qua nhưng đối với nông dân, cần phải có thêm nhiều tuần, thậm chí vài tháng trước khi có thể sản xuất trở lại”.

Tại nhiều siêu thị của Hà Lan, các gian hàng bán trứng đều bị thu hẹp và thậm chí là trống không sau đợt thu hồi vừa qua. Ngành nông nghiệp Hà Lan đã ước tính thiệt hại do vụ bê bối “trứng bẩn” gây ra có thể lên tới hàng triệu Euro và chính phủ nước này tuần trước đã cam kết một kế hoạch cứu trợ khẩn cấp.

Bộ trưởng Nông nghiệp Bỉ Denis Ducarne yêu cầu Cục An toàn thực phẩm nước này phải báo cáo vì sao mãi cho tới tận ngày 20-7 mới thông báo cho các nước khác biết về việc trứng gà nhiễm fipronil trong khi đã biết từ tháng 6. Cơ quan chức năng Bỉ thừa nhận đã giữ kín vấn đề, không báo với Hệ thống An toàn thực phẩm quốc tế của EU nhưng khẳng định không có động cơ xấu.

Trước làn sóng chỉ trích từ các nước láng giềng, Chính phủ Hà Lan đã thừa nhận đã phạm sai lầm trong quản lý vụ bê bối trứng gà bẩn, tuy nhiên bác bỏ tất cả các cáo buộc cho rằng giới chức nước này đã “hành động tắc trách và cẩu thả” khi phát hiện và xử lý vấn đề.

Bộ trưởng Y tế Hà Lan Edith Schippers thừa nhận, các cuộc khủng hoảng thường kéo theo các sai lầm và vụ việc lần này cũng không phải là ngoại lệ. Bà Schippers lý giải: Do không tìm thấy chứng cứ cho thấy chất fipronil có trong trứng gà nên các nhà chức trách đã không tiến hành kiểm tra vào thời điểm cuối năm 2016.

Ủy viên châu Âu phụ trách y tế và an toàn thực phẩm Vytenis Andriukaitis cho biết, EC sẽ làm việc với các nước thành viên để tìm cách giải quyết vấn đề và rút ra những bài học cần thiết hơn là tốn công tốn sức trong việc buộc tội lẫn nhau. Ủy ban châu Âu (EC) cũng cho biết, một cuộc họp đặc biệt về vấn đề trứng gà nhiễm độc sẽ diễn ra ngày 26-9.

Hiện nay, vẫn chưa có phiên tòa xét xử hay vụ buộc tội nào được thành lập. Thực tế cho thấy, các vụ bê bối về “thực phẩm bẩn” đang là nỗi lo của người tiêu dùng châu Âu. Vụ bê bối trứng “bẩn” này xảy ra chỉ 2 tuần sau khi Europol triệt phá một đường dây tội phạm có tổ chức liên quan đến việc đưa “thịt ngựa bẩn” vào tiêu thụ tại các thị trường châu Âu.

Các chuyên gia ước tính thiệt hại tài chính của vụ bê bối trứng “bẩn” này có thể lên tới hàng triệu euro và sẽ để lại những hậu quả nặng nề đối với ngành chăn nuôi gia cầm và các thị trường nông sản tại châu Âu - vốn chỉ mới đang trên đà hồi phục sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch cúm gia cầm năm 2016.

Đặc biệt, đây là một cú sốc mới đối với các trang trại chăn nuôi gia cầm ở Hà Lan sau vụ tiêu hủy 190.000 con vịt hồi tháng 11-2016.

Diên San - Quang Học (tổng hợp)
.
.